Phong tục tập quán

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934) (Trang 33 - 35)

Chương II: Du ký trên Nam Phong tạp chí Bức tranh hiện thực rộng lớn

2.1.3. Phong tục tập quán

Đọc du ký trên Nam Phong tạp chí, người đọc không chỉ thấy được những giá trị địa lý, hay vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh, mà họ còn tìm thấy được ở đó không ít những nét văn hóa, những phong tục tập quán của từng vùng, từng miền trên khắp đất nước.

Đó là phong tục tập quán của người Mường, từ việc thờ cúng, chữa bệnh tới thói quen dựng nhà, tục cưới hỏi, ma chay… đều được tác giả Đặng Xuân Viện ghi lại một cách chi tiết trong Định Hóa châu du ký: “Các xã đền miếu chỉ làm bằng tre nứa ở giữa đồng, trong để một cái ban thờ chỉ có một bát hương, không có đồ gì tế khí…Dân cư có người ốm đau mời thầy cúng thời phải rước bát hương ở nhà thầy cúng tới nhà mình, hễ lễ khỏi bệnh thời phải kiếm lễ tạ thầy, mới được trả bát hương… Nhà cửa thì ở nhà gác làm bằng tre nứa hoặc cột xoan. Người ở trên, trâu bò ở tầng dưới”[31,175]. Trước những phong tục, thói quen ấy, tác giả cho rằng: “Xem như vậy thời biết phong tục của họ đã nói ở trên này cũng dễ khai hóa, mà cái cách sinh hoạt của họ cũng dễ kiếm ăn hơn người đường xuôi” [31,177].

Còn trong Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang, tác giả Nguyễn Văn Bân lại cho chúng ta cái nhìn khái quát về phong tục của các dân tộc thiểu số khác như người Mán, người Thổ trong ngôn ngữ, phục sức, giá thú. Và rồi tác giả đưa ra nhận xét“Dân Mán cũng thực hơi giống dân Thổ; nhưng ngôn ngữ và phục sức thì khác” [31,339].

Nói về sự ăn mặc của dân ta, tác giả Mẫu Sơn Mục N.X.H trong tác phẩm

Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn cũng có những quan điểm rất riêng: “Nhân đây lại nói đến sự ăn mặc ở trong Sài Gòn này: đàn bà sang trọng thì quần áo và khăn quàng đều là nhiễu hoa trắng. Người làm ăn thì quần áo toàn là

vải đen, trên đầu vắt một cái khăn vải trắng, dòng dọc đen, dài độ ba bốn vuống…Về lối ăn mặc của đàn bà ta, tôi tưởng không gì bằng lối ăn mặc của nhà quê Bắc Kỳ”[31,39-40].

Đến với tác phẩm Cuộc đi chơi năm tầng núi của tác giả Tùng Vân, thì người đọc lại có cơ hội biết tới truyền thống hát quan họ nổi tiếng ở Bắc Ninh. Tác giả giới thiệu, hội Hồng Vân - hội hát quan họ, cứ tháng Giêng lại mở ở trên núi, con trai con gái có gia đình hay chưa cũng đều tụ tập đứng hát với nhau. Khi hát thì bên con trai thường xướng trước, bên con gái thì họa lại. Cuộc hát cứ thế tiếp tục, bên nào hơn được lối hát và câu hát đối đáp là được. Ngoài ra, tác giả Tùng Vân còn giải thích thêm nghĩa của hai tiếng “quan họ”, bắt nguồn từ truyện truyền rằng: “Con trai, con gái họ nhà quan ở triều Lý khi xưa, bày ra cuộc nhã hí để vua xem, về sau dân gian mới bắt chước” [30,88].

Hay như tục hát Then, một phong tục lâu đời mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng Cao Bằng, Lạng Sơn mà không phải ai cũng biết, đã được Phạm Quỳnh giới thiệu chi tiết trong Chơi Lạng Sơn - Cao Bằng: “Then hay Bụt (Tiên, Phật) thường là những đàn bà con gái óng ả lắm, đã học thuộc nhiều các bài văn cúng. Nhà nào làm lễ kỳ yên thời mời đến gẩy đàn đọc văn, cầu nguyện cho trong nhà được bình yên mạnh khỏe. Trên giường bày lễ vật, hương hoa, cô Then ngồi bên cạnh, tay cắp cây đàn, chân đeo tràng nhạc, miệng hát, tay gẩy, chân rung, dịp dàng lắm. Giọng hát tỉ tê thánh thót, nghe rất là buồn, như giọng gọi hồn vậy” [30,504].

Không chỉ viết về phong tục tập quán của dân tộc mình, mà trong những chuyến xuất ngoại, các tác giả du ký cũng không quên ghi lại nhiều phong tục độc đáo của những đất nước khác. Tác giả Trần Quang Huyến trong Ai Lao hành trình đã miêu tả về người dân Lào với những nếp sinh hoạt rất riêng, rất độc đáo: “Ăn uống thì không có đũa bát, chỉ thò tay bốc. Cơm thì cơm nếp, nước thì nước lã; đồ ăn lắm thứ lạ: Cóc gác bếp, chuột phơi khô, xé ra nướng ăn; mắm cá “Pa - đẹt”, thứ mắm cá ướp ngấu đen xì, hình như pha lẫn cám, là đồ ăn thường nhật của họ. Cách thức làm lũng vẫn còn lối dã man lắm” [30,272].

Cũng nói về phong tục của các nước làng giềng, trong Sự tích du lịch đất Hải Ninh, tác giả Trần Trọng Kim đã miêu tả lại tục giết con gái, bán vợ của người dân Đông Hưng, bên kia Móng Cái. Ông cho rằng đó là “cái luân lý” bậy bạ, xấu xa, đáng bị chê trách.

Như vậy, những trang du ký đã cung cấp cho người đọc thêm nhiều hiểu biết về các phong tục tập quán, về những nét văn hóa của các vùng miền trên đất nước mình, cũng như của các nước xa xôi khác. Đó là việc làm hữu ích, có giá trị không chỉ đối với người đọc bấy giờ, mà còn cả với những thế hệ sau này. Du ký đã góp phần bảo tồn và gìn giữ kho tàng văn hóa của dân tộc.

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934) (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w