Khơi dậy nguồn lực con người thông qua động lực lợi ích

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề phát huy nguồn lực con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Kiên Giang potx (Trang 47 - 50)

Cơ chế bao cấp cùng với chế độ phân phối mang nặng tính bình quân chủ nghĩa đã mất đi động lực khơi dậy, kích thích tính tích cực, sáng tạo của con người. Thay vào đó là tâm lý trông chờ, thụ động và thái độ thiếu nhiệt tình trong công việc. Đây là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Việt Nam vào cuối những năm 70 đầu những năm 80.

Cơ chế bao cấp ngày nay đã được xóa bỏ, song tác phong làm việc thụ động, trung bình chủ nghĩa, ít chú trọng đến hiệu quả... đã thấm sâu vào đời sống tâm lý của nhiều người lao động nói chung, ở Kiên Giang nói riêng. Điều này đã trở thành thói quen, trong tác phong làm việc hàng ngày của nhiều người trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước. Điều đó cho thấy, vấn đề hết sức cấp bách hiện nay là phải khơi dậy và tạo ra được thái độ làm việc tích cực của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội để có thể nhanh chóng khắc phục tình trạng lãng phí tiềm năng nguồn lực con người ở Kiên Giang nói riêng, cả nước nói chung.

Vấn đề đặt ra là, trong điều kiện hiện nay ta phải tác động vào đâu để khơi dậy nguồn lực con người, khơi dậy tính tích cực của người lao động. Trả lời câu hỏi này không đơn giản, bởi đây là vấn đề hết sức phức tạp, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, tâm lý - xã hội và có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong phạm vi luận văn này chúng tôi xin đề cập đến một vấn đề mang tính định hướng cơ bản trong tình hình mới hiện nay. Đó là việc phải căn cứ vào những thay đổi trong định hướng giá trị chủ yếu, những xu thế hình thành nhân cách và lối tư duy mới

dưới tác động của quá trình đổi mới và mở cửa, để đưa ra các biện pháp, chính sách động viên có hiệu quả tính tích cực - sáng tạo của người lao động.

Định hướng đó là: có trình độ học vấn cao; sống có nghĩa tình; có khả năng tổ chức quản lý công việc, làm việc tận tâm, có trách nhiệm; sáng tạo trong học tập và công tác. Rõ ràng, trong tình hình mới hiện nay, mỗi cá nhân đều có ý thức rất rõ sự cần thiết phải vươn lên, khẳng định mình để tồn tại và phát triển.

Những định hướng trên cho thấy, xu hướng hình thành nhân cách độc lập ngày càng rõ nét hơn. Lòng tự trọng được đề cao, nhu cầu tự khẳng định và tự thực hiện nhân cách được coi trọng. Điều này cho thấy, việc tạo ra những điều kiện vật chất và tinh thần để mỗi cá nhân tự khẳng định bản thân và tự thực hiện nhân cách là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng kích thích tính tích cực của người lao động. Khi đó, họ sẽ tự ý thức được cần phải làm gì và làm như thế nào để phát huy tốt nhất năng lực của bản thân. Tính chủ động, sáng tạo nhờ đó được phát huy.

Về định hướng giá trị nghề nghiệp, hầu hết mọi người đều cho rằng nghề có thu nhập cao là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Những định hướng giá trị chung là mong muốn sống trong hòa bình, ổn định và phát triển.

Từ những thay đổi định hướng giá trị nêu trên, chúng tôi cho rằng, để động viên có hiệu quả tính tích cực sáng tạo của người lao động thì vấn đề quan trọng nhất là tạo điều kiện để người lao động có việc làm và thu nhập cao. Thực tế cho thấy, đây là những yếu tố có tác động mạnh nhất đến động cơ, thái độ làm việc của hầu hết người lao động trong tình hình mới hiện nay.

Tất nhiên, chúng ta không thể ngay lập tức nâng cao mức thu nhập cho người lao động được, bởi thu nhập của lao động không thể vượt quá sự đóng góp của nó. Nhưng cần phải làm cho người lao động nhận thức được rằng, thu nhập của họ do chính sự đóng góp vào lao động của họ quyết định. Xã hội phải tạo ra một thước đo chính xác và công bằng để đánh giá mức độ và hiệu quả cống hiến của người lao động. Từ đó trả công tương xứng với sự cống hiến của họ. Phải giải quyết tốt quan hệ lợi ích: cá nhân - tập thể

- xã hội. Đây chính là vấn đề mấu chốt để phát huy tính tích cực của người lao động trong tình hình mới hiện nay.

Bên cạnh yếu tố kinh tế, môi trường tâm lý - xã hội nơi làm việc cũng là một nhân tố quan trọng tạo nên động lực kích thích tính tích cực của người lao động. Thực tiễn trong nhiều năm qua cũng cho thấy, khi người lao động có được trạng thái tâm lý an tâm, tin tưởng, phấn khởi,... thì tính tích cực của họ sẽ được phát huy. Ngược lại, tính tích cực sẽ bị thui chột. Môi trường tâm lý - xã hội thường có tác động đến số đông người lao động, phạm vi ảnh hưởng của nó là rộng lớn và lâu dài. Vì vậy, tạo ra được môi trường tâm lý - xã hội thuận lợi, lành mạnh nơi làm việc sẽ có khả năng nuôi dưỡng và phát huy tính tích cực của số đông người lao động - thậm chí cả cộng đồng dân tộc.

Môi trường tâm lý - xã hội trước hết chịu ảnh hưởng của yếu tố kinh tế. Bên cạnh đó, rất nhiều yếu tố khác góp phần tạo nên môi trường tâm lý - xã hội như: quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, triết lý, kinh doanh, quan hệ trên - dưới, phong tục tập quán và nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, tinh thần khác. Chúng có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tâm tư, nguyện vọng, đời sống văn hóa và tinh thần của người lao động. Qua đó ảnh hướng đến thái độ, phong cách làm việc của họ. Kinh nghiệm của các quốc gia Đông á mà tiêu biểu là Nhật Bản cho thấy, sự phát triển phong phú của văn hóa cũng chính là nguồn nuôi dưỡng tinh thần quan trọng. Nó tạo ra động lực thúc đẩy người lao động nhiệt tình, say sưa với công việc được giao.

Để tạo môi trường tâm lý - xã hội thuận lợi cho việc động viên, khơi dậy tính tích cực sáng tạo của người lao động, điều quan trọng nhất là phải đưa ra được những chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn, vừa phù hợp với điều kiện và khả năng hiện thực của xã hội, vừa kịp thời đáp ứng những nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam cũng như Kiên Giang hiện nay, để tạo ra tâm lý an tâm, phấn khởi, tích cực của người lao động cần phải chú ý tới những nhu cầu chính đáng mới xuất hiện trong quá trình đổi mới. Đó là những nhu cầu về việc làm và thu nhập cao, bình đẳng và công bằng xã hội; nhu cầu nâng cao hiểu biết, tự khẳng định bản thân... Việc

thỏa mãn hay không thỏa mãn những nhu cầu này có liên quan mật thiết đến thái độ của người lao động đối với công việc.

Ngoài những vấn đề nêu trên, trước nguy cơ tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực hiện nay, Kiên Giang cần phải khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng, phát triển kinh tế trong nhân dân, biến nó thành nội lực cần thiết để đưa tỉnh Kiên Giang ngày càng phát triển, thì tính tích cực của họ sẽ được phát huy triệt để.

Phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào của dân tộc, ngày nay phải giáo dục cho mỗi người dân thấy rằng, nguy cơ tụt hậu cũng đáng sợ như nguy cơ mất nước; nghèo nàn và lạc hậu cũng đáng hổ thẹn; phải làm cho mỗi người tự ý thức được rằng, nước Việt Nam cũng như nhân dân Kiên Giang chỉ có thể nâng cao vị thế của mình bằng phát triển sức mạnh kinh tế chứ không thể dựa vào lịch sử vẻ vang. ý thức đó đã thấm sâu vào từng con người, vào toàn xã hội sẽ trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn, một năng lực nội sinh vô tận của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Khơi dậy được khát vọng làm giàu chính đáng, phát triển kinh tế trong nhân dân, sẽ giúp Kiên Giang biến nguy cơ tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực, thành động lực để phát triển, biến tính tự lực, tự cường của toàn thể nhân dân Kiên Giang thành nhân tố để tập hợp sức mạnh. Vì vậy, đây phải được coi là yếu tố quan trọng để tăng năng lực xã hội, đồng thời cũng là vấn đề bức xúc để Kiên Giang phát huy tối ưu tiềm lực nội sinh của mình. Đặc biệt cần chú trọng khơi dậy niềm khát khao ở các thế hệ thanh niên Kiên Giang hiện nay, vì họ là những người sẽ đưa nền kinh tế - xã hội phát triển cao hơn trong thời gian tới, cùng với cả nước thực hiện thành công CNH, HĐH.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề phát huy nguồn lực con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Kiên Giang potx (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)