xã hội và phát triển của chính con người
Phát triển đất nước, CNH, HĐH đất nước phải hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân trong nước, để trên cơ sở đó tạo ra một đội ngũ những người lao động có chất lượng. Chúng ta chỉ có thể đạt được mục tiêu đó khi có sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế nhanh với việc nâng cao chất lượng sống cho người lao động, "từng bước hiện đại hóa đất nước và đời sống xã hội", nâng cao trình độ học vấn và văn hóa cho người lao động, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho mọi người. Tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa VII, Đảng CSVN đã khẳng định, trong bối cảnh hiện nay của đất nước, chúng ta "chỉ có thể tăng trưởng nguồn lực con người, khi quá trình hiện đại hóa các ngành giáo dục, văn hóa, văn nghệ, bảo vệ sức khoẻ, dân số và kế hoạch hóa gia đình gắn liền với việc kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc" [10, 6]. Theo đó, CNH, HĐH đất nước phải được đặt trong mối quan hệ với kế hoạch đầu tư cho chính sự phát triển về nhân cách, trí lực, thể lực, tình cảm, niềm vui và hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Việc không ngừng gia tăng tính tự giác, năng lực làm chủ, sáng tạo
của mỗi người, việc phát huy sức mạnh bên trong của mỗi cá nhân, kết hợp với sức mạnh của tập thể lao động, của cả cộng đồng dân tộc, trên cơ sở nền tảng tinh thần vững chắc phải được coi là định hướng chiến lược cho việc bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người Việt Nam trong giai đoạn CNH, HĐH đất nước.
Hướng bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người Việt Nam không thể không gắn liền với sự nghiệp phát triển văn hóa. Vì văn hóa là cái gắn liền với lao động sản xuất, với hoạt động sáng tạo của quần chúng nhân dân. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, và hơn nữa, văn hóa còn là "nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển". Với tư cách đó, văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mỗi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người. Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, chúng ta không hy vọng có được sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Bởi thế, xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, con người phát triển toàn diện. Nói khác đi, để phát triển con người, tạo nguồn lực con người cho phát triển kinh tế - xã hội, cho CNH, HĐH đất nước, chúng ta không thể không phát triển văn hóa, kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa. Con người Việt Nam là kết quả của sự phát triển nền văn hóa Việt Nam. Và do vậy, quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn lực con người Việt Nam. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển lâu bền, cho cả sự phát triển kinh tế - xã hội lẫn phát triển con người, tạo nguồn lực con người cho CNH, HĐH đất nước.
Sức mạnh của con người Việt Nam đi vào CNH, HĐH phải là sức mạnh của tinh thần dân tộc cùng với tri thức về khoa học công nghệ tiên tiến. Vấn đề đặt ra trong quá trình sử dụng và phát huy nguồn lực con người phải tạo ra một khả năng lao động mới từ sức mạnh của con người và văn hóa truyền thống dân tộc. Vì vậy, để nâng cao nguồn lực con người Việt Nam, ngoài việc nâng cao trình độ trí tuệ, tạo đội ngũ nhân lực khoa học
kỹ thuật mạnh... Cần chú trọng xây dựng những thế hệ con người Việt Nam hiện đại nhưng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam cần được phát huy trong thời đại mới ngày nay, thì tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, lao động thông minh sáng tạo... là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng tạo nên sức mạnh nội lực. Chúng ta cần khơi dậy những truyền thống tốt đẹp đó, kết hợp với những giá trị hiện đại để tạo nên sức mạnh nhân cách con người Việt Nam đi vào CNH, HĐH.
Nói tóm lại, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, để chiến lược phát triển theo hướng CNH, HĐH đi đến thắng lợi, chúng ta phải lấy nguồn lực con người Việt Nam - "nguồn lực quan trọng nhất" trong các nguồn lực, nguồn lực nội sinh - làm động lực cho sự phát triển lâu bền. Để bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người Việt Nam với tư cách đó, chúng ta cần phải tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế nhanh với tiến bộ xã hội, đảm bảo công bằng xã hội, thiết lập sự bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi công dân, cải thiện và nâng cao đời sống cho người lao động cả về vật chất và tinh thần; giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt, lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích tập thể và cá nhân, không ngừng nâng cao trình độ học vấn, văn hóa cho họ trên cơ sở xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Con người Việt Nam đi vào CNH, HĐH phải là những con người có đủ bản lĩnh, phẩm chất và năng lực đảm đương xuất sắc sứ mạng lịch sử ngày nay của mình, vừa kế thừa và phát huy được những truyền thống vẻ vang của dân tộc, vừa đem hết trí tuệ và tài năng phục vụ cho đất nước. Đó chính là nguồn lực con người tạo động lực cho sự phát triển văn hóa xã hội và phát triển của chính con người.