Trong nhiều năm tới, nông nghiệp - nông thôn vẫn là địa bàn quan trọng của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Vì vậy, phát huy tốt nguồn lực con người ở nông thôn sẽ tạo ra bộ mặt mới trong nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân.
Định hướng cơ bản để giải quyết việc làm, phát huy và sử dụng một cách hợp lý nguồn lực con người ở nông thôn là thực hiện "di chuyển" tại chỗ. Nghĩa là trên cơ sở xây dựng và phát triển nông nghiệp, đa dạng hóa ngành nghề tạo việc làm và sử dụng lao động ngay trên địa bàn nông thôn, khắc phục và hạn chế di dân ra thành phố. Điều này đã được khẳng định cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Xuất phát từ thực tiễn đất nước, chúng ta cần:
- Khai thác triệt để mọi tiềm năng của nền nông nghiệp nhiệt đới để tạo thêm việc làm cho nông dân.
Trải qua nhiều năm phát triển, đến nay nông nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng vẫn mang nặng tính thuần nông. Trong đó trồng cây lương thực là chủ yếu. Vì vậy, cần có sự thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chế biến hàng nông sản, hải sản và dịch vụ v.v..., từ đó tăng thêm thời gian lao động, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương. Những tiềm năng về đất trồng, đồi núi trọc, tài nguyên thiên nhiên chưa được gắn với lao động còn rất lớn: hiện nay cả nước còn 9 triệu ha đất trống, đồi trọc vẫn bỏ không; 3-4 triệu ha đất có khả năng nông nghiệp chưa được sử dụng; hệ số sử dụng đất canh tác trung bình mới đạt 1,4 - 1,5 lần, nhiều nơi mới canh tác 1 vụ/năm; tiềm năng phát triển kinh tế biển rất đa dạng... [24, 22]. Nếu ta kết hợp được nguồn nhân lực dồi dào sẵn có với những tiềm năng đất đai, tài nguyên và các nguồn lực phát triển khác thì có thể tạo ra khối lượng công việc lớn, có hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước có thể hỗ trợ khuyến khích thực hiện những chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn... Các dự án này không những làm tăng của cải xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn góp phần không nhỏ giảm bớt sức ép về việc làm ở nông thôn.
Nhìn chung, khả năng thu hút và sử dụng lao động vào các hoạt động nông - lâm - ngư nghiệp còn khá lớn. Hiện tại cần chú ý khai thác khả năng tạo việc làm và thu nhập của bản thân nền nông nghiệp nhiệt đới.
- Phát triển các nghề phụ trên địa bàn nông thôn. Dù có khai thác hết mọi tiềm năng của nền nông nghiệp nhiệt đới, một nông thôn thuần nông cũng không sử dụng hết nguồn lực con người quá lớn hiện nay. Vì vậy phát triển các nghề phụ phải là chủ yếu để tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.
Theo kết quả điều tra lao động việc làm trên phạm vi cả nước năm 1996, cơ cấu lao động nông thôn như sau: 81,64% hoạt động nông nghiệp; 6,83% hoạt động công nghiệp và xây dựng; dịch vụ chiếm 11,53%. Điều đó cho thấy, việc đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để từ đó chuyển dịch cơ cấu lao động là quan trọng và cần thiết.
Sức đẩy quan trọng cho sự chuyển dịch đó là phát triển việc làm ngoài nông nghiệp, đặc biệt coi trọng tiểu thủ công nghiệp gia đình, công nghiệp nhỏ chế biến nông sản, các ngành nghề truyền thống... Để góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch đó, một mặt, cần có chính sách mềm dẻo, năng động thu hút sự chú ý của các doanh nhân trong và ngoài nước, khuyến khích họ đầu tư về nông thôn; mặt khác, quan trọng hơn là khuyến khích địa phương, cá nhân có điều kiện và giỏi nghề nào thì phát triển nghề đó.
Tuy nhiên, tình hình thực tế nông thôn hiện nay cho thấy, đa số các địa phương, các hộ gia đình bị thiếu hụt hoặc không hội tụ được các yếu tố và điều kiện cần thiết để tổ chức sản xuất kinh doanh tạo việc làm. ở nhiều vùng nông thôn có tới 70 đến 80% hộ nông dân thiếu vốn, 50-60% thiếu đất canh tác và phương tiện sản xuất [35, 25]. Thiếu kiến thức, kinh nghiệm tổ chức sản xuất kinh doanh là phổ biến. Những hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện có, đa số là sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp, khả năng tích luỹ để đầu tư phát triển và mở rộng việc làm còn thấp xa so với nhu cầu thực tế... Tình hình đó cho thấy, cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài để "phá vỡ vòng luẩn quẩn" của đói nghèo, thiếu việc làm ở nông thôn.
Hỗ trợ về vốn là cần thiết để các hộ gia đình phát triển sản xuất. Song, chỉ nhấn mạnh về vốn là không thực tế, bởi nguồn ngân sách có hạn. Mặt khác, nhu cầu về vốn cho nông dân là rất lớn. Thử làm phép tính sau: Nếu 70% trong số 12 triệu hộ cần vay ngắn hạn khoảng 4 triệu đồng cho mỗi hộ thì số tiền cần vay khoảng 33.600 tỷ đồng, chưa kể nhu cầu vay trung và dài hạn. Rõ ràng, ngân sách không thể đáp ứng nổi nhu cầu vay vốn đó. Vì vậy, vấn đề đặt ra là sử dụng sao cho có hiệu quả nhất nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Theo nguyên tắc của cơ chế thị trường, việc sản xuất cái gì, bán ở đâu... do chủ sản xuất kinh doanh tự quyết định. Vì vậy, sự hỗ trợ có hiệu quả nhất của nhà nước là tạo điều kiện để nông dân tiếp cận thị trường nhanh nhất, dễ dàng nhất. Khi đó họ có thể nắm bắt và tận dụng được cơ hội trên thị trường để phát triển sản xuất. Thực tiễn cho thấy, có vốn để tiến hành sản xuất mà không có thị trường cũng vô nghĩa. Ngược lại, có thị trường sản xuất sẽ biết tự kiếm vốn để làm ra sản phẩm hàng hóa. Xét dưới góc độ đó, Nhà nước nên dành sự giúp đỡ của mình vào phát triển kết cấu hạ tầng. Đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn. Không có hệ thống giao thông tốt thì sản phẩm nông nghiệp không trở thành hàng hóa. Nhiều nơi sau khi có hệ thống giao thông thuận lợi đã phát triển rất nhanh mà hầu như không phải vay vốn của Nhà nước. Điều đó cho thấy, đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn là tiền đề quan trọng để phát triển nông thôn toàn diện.
Tóm lại, cần dành phần lớn nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Đó là cách tạo cơ sở vững chắc nhất để phát triển nông thôn toàn diện, tăng việc làm, phát huy và sử dụng hợp lý nguồn lực con người ở nông thôn.
Phát huy, sử dụng hợp lý có hiệu quả nguồn lực con người ở nông thôn phải gắn liền với nâng cao chất lượng nguồn lực đó.
Nguồn lực con người đã qua đào tạo chuyên môn - nghề nghiệp ở nông thôn chiếm tỷ lệ rất thấp. Phần lớn lao động nhàn rỗi ở đây là chưa có nghề, không biết việc, thiếu hiểu biết kỹ thuật và kiến thức quản lý. Lao động trẻ chiếm phần đông trong số người thất nghiệp. Để xử lý tốt nguồn lực con người ở nông thôn cần phải kết hợp đồng bộ thống nhất từ đào tạo, phổ cập nghề nghiệp cho đến sử dụng hợp lý lao động. Vấn đề tạo việc làm không chỉ giới hạn trong chính sách đầu tư phát triển kinh tế hay bó hẹp
trong các chương trình hỗ trợ, xúc tiến việc làm của Nhà nước, mà cần mở rộng và kết hợp với các chính sách khác nhau như: Chính sách giáo dục - đào tạo, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chính sách đầu tư, tín dụng...
Do nguồn lực ở nông thôn có cơ cấu và trình độ thấp, nên giải quyết việc làm cho họ trong thời gian qua gặp không ít khó khăn. Việc tiếp cận, tìm kiếm và tạo lập việc làm của lao động nông thôn trong các lĩnh vực ngoài nông nghiệp thu được kết quả rất hạn chế bởi trình độ thấp của họ. Vì vậy, phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các kiến thức khoa học - công nghệ mới vào nông thôn. Để chuyển giao công nghệ về nông thôn, cần phải coi việc bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, nâng cao kiến thức, năng lực và trình độ của người lao động nông thôn. Đây cũng là một trong những vấn đề cơ bản để giải quyết việc làm, phát huy và sử dụng hợp lý nguồn lực con người nông thôn. Tạo điều kiện để thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.
- Giải quyết việc làm, phát huy và sử dụng hợp lý nguồn lực con người ở nông thôn là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi thành phần kinh tế, mọi tổ chức, mọi cá nhân và gia đình. Cần xã hội hóa vấn đề việc làm trên cơ sở phát triển kinh tế hộ, đa dạng hóa các loại hình kinh tế, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở giúp đỡ của Nhà nước việc tự tạo lập, tìm kiếm và mở rộng việc làm của bản thân người lao động phải được coi trọng. Nhà nước có sự hỗ trợ, đầu tư tạo lập nhưng không làm thay. Nguyên tắc đặt ra là: Nhà nước chỉ cung cấp tin tức về việc làm, giúp đỡ về khả năng làm việc và tìm việc, nhưng không trực tiếp sắp xếp công việc cho lao động. Nắm được cơ hội hay không tuỳ thuộc vào mỗi người.
Thực tế cho thấy trong cơ chế thị trường chỉ khi nào người lao động có kiến thức, có nghề nghiệp và biết sử dụng nghề để tạo việc làm cho bản thân và người khác, khi đó sức ép về việc làm trong xã hội mới giảm, khả năng tạo việc làm đầy đủ cho người lao động dồi dào mới có thể thực hiện được. Vì vậy, Nhà nước cần kích thích tính năng động và khả năng tự tìm kiếm, giải quyết việc làm của người lao động trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
Tóm lại, nếu có đường lối phát triển kinh tế nông nghiệp đúng đắn, nguồn lực lao động trong nông dân được khơi dậy; tiềm năng sáng tạo cùng với phẩm chất cần cù lao động được phát huy và có điều kiện trở thành hiện thực. Những người nông dân Việt Nam từ chỗ làm ăn theo tư duy cũ, trì trệ, cam phận, tự bằng lòng với bản thân đã biết biến ruộng thành vườn, chuyên canh, thâm canh, đa dạng hóa ngành nghề, biết tính toán đầu ra đầu vào sao cho có hiệu quả nhất; đặc biệt có nhiều hộ nông dân đã biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm tăng lương thực, thực phẩm, giúp đỡ người nghèo và tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người khác. Đại bộ phận các hộ giàu ở nông thôn hiện nay đều do lao động, biết vận dụng và phát huy các thế mạnh về vốn, khoa học kỹ thuật, tiềm năng con người... Chính vì vậy, hộ giàu ở nông thôn hiện nay là nhân tố mới do cơ chế mới tạo ra và cần được khuyến khích, là lực lượng quan trọng làm chuyển dịch cơ cấu nông thôn trong quá trình CNH, HĐH.