2. Quy định về các biện pháp phòng chống rửa tiền
2.1. Biện pháp xây dựng quy tắc và bộ phận giám sát trong nội bộ tổ chức
tổ chức tín dụng.
Biện pháp đầu tiên trong công tác phòng, chống rửa tiền mà pháp luật Việt Nam quy định là yêu cầu các định chế tài chính, trong đó có các tổ chức tín dụng, có trách nhiệm thực hiện các biện pháp sau: Xây dựng quy trình kiểm soát, kiểm toán nội bộ bảo đảm cho việc phòng, chống rửa tiền; bố trí cán bộ chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các chính sách, kế hoạch, quy trình, biện pháp phòng, chống rửa tiền; đào tạo nhân viên để nâng cao trách nhiệm của nhân viên trong việc phòng, chống rửa tiền16.
Từ đó có thể thấy biện pháp xây dựng quy tắc và bộ phận giám sát trong nội bộ tổ chức tín dụng được pháp luật Việt Nam xếp lên hàng đầu. Trên thực tế, quy định mỗi tổ chức tín dụng phải xây dựng một bộ quy tắc và bộ phận giám sát trong nội bộ tổ chức tín dụng là hợp lý nhưng lại rất khó thực hiện. Hợp lý ở
chỗ, bộ quy tắc và bộ phận giám sát trong nội bộ tổ chức tín dụng do chính tổ chức tín dụng đó xây dựng thì sẽ tương xứng với nguy cơ rửa tiền được xác định bởi địa điểm, quy mô, tính chất và khối lượng dịch vụ mà tổ chức tín dụng đó cung cấp. Vì vậy, tổ chức tín dụng sẽ chủ động hơn, linh hoạt hơn trong công tác phòng, chống rửa tiền tại chính tổ chức tín dụng của mình. Tuy nhiên, quy định này lại khó thực hiện ở chỗ, các tổ chức tín dụng Việt Nam tương đối lạ lẫm với vấn đề rửa tiền, hơn nữa trong cuộc cạnh tranh huy động vốn và tiền gửi từ công chúng, có những tổ chức tín dụng vì lợi nhuận mà sẽ bỏ qua những nỗ lực phòng, chống rửa tiền.
Vì vậy, theo chúng tôi, cần phải có những quy định và văn bản hướng dẫn chính thức hoặc là các quy chế cụ thể về phương pháp và nội dung xây dựng những quy tắc, quy trình kiểm soát, kiểm toán nội bộ tổ chức tín dụng và Bộ phận giám sát phòng, chống rửa tiền trong tổ chức tín dụng. Theo đó, các quy tắc nội bộ về phòng, chống rửa tiền phải bằng văn bản; nội dung phải phù hợp pháp luật, tuân thủ các quy định và hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quy định rõ trách nhiệm phòng, chống rửa tiền của từng khâu, từng bộ phận, từng cá nhân liên quan trong đơn vị; các quy tắc này phải được phổ biến tới từng khâu, từng bộ phận, từng cá nhân có trách nhiệm phòng, chống rửa tiền trong tổ chức, kể cả đối với các chi nhánh, văn phòng đại diện… Hướng dẫn tổ chức tín dụng lựa chọn bố trí các cán bộ thuộc bộ phận giám sát nội bộ theo hướng chuyên trách hay kiêm nhiệm, định kì đào tạo cán bộ, nhân viên để nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền đồng thời cung cấp và cập nhật cho nhân viên những thủ đoạn rửa tiền trong hoạt động ngân hàng… Bên cạnh đó cũng cần quy định về việc thanh tra nội bộ trong tổ chức tín dụng để giám sát và duy trì các biện pháp phòng, chống rửa tiền đã xây dựng…