4.1.3.1 Nguyên nhân chủ quan
Đầu tiên, nhận thức về tầm quan trọng của Công ty về các mô hình kinh doanh TMĐT còn chưa sâu sắc và thiếu tính hệ thống. Vì vậy, dù đã vạch ra được tiến trình ứng dụng TMĐT nhưng khi bắt tay vào triển khai thì thiếu đồng bộ và chưa khoa học từ trang thiết bị, máy móc đến con người. Cán bộ nhân viên của Công ty mới chỉ hiểu TMĐT là một phương thức kinh doanh mới chứ chưa tìm hiểu kỹ điều kiện cần và đủ cho việc ứng dụng thành công một mô hình TMĐT. Chính vì vậy nên mới có tình trạng cán bộ nhân viên luôn xác định truyền hình là kênh truyền thông chính, chứ không phải là e- marketing. Công ty có lợi thế khi sử dụng truyền hình là một kênh truyền
thông, đó là điều mà không phải doanh nghiệp TMĐT nào cũng có được. Tuy nhiên, Công ty chưa khai thác được nhiều các thế mạnh của e-marketing và hiện tại cũng chưa tập trung vào sử dụng hiểu quả nó.
Hạ tầng CNTT còn thiếu đồng bộ và chưa linh hoạt. Hiện tại, sự chênh lệch về đầu tư giữa phần mềm và phần cứng là khá lớn. Công ty đã trang bị trung bình 1 người/ 1 máy, nhưng mới chỉ sử dụng các phần mềm chống virut, phần mềm thông thường như Office, còn các phần mềm chuyên dụng để quản lý dữ liệu, bảo mật thông tin thì chưa có. Nhu cầu mở rộng, nâng cấp và tích hợp website với các hệ thống thông tin khác trong Công ty (hệ thống thông tin quản lý, hệ thống thông tin kế toán…) cũng như hệ thống thông tin các đối tác, bạn hàng trong tương lai là rất cần thiết nhưng Công ty vẫn chưa tiến hành.
Cuối cùng là sự đầu tư của Công ty cho hoạt động TMĐT là chưa phù hợp với tiềm năng phát triển của nó. Năm 2008, doanh thu từ TMĐT đã chiếm khoảng 20% tổng doanh thu, chứng tỏ tiềm năng phát triển là rất lớn, trong khi đó, mức đầu tư cho nó hiện chỉ vào khoảng 20% trong tổng đầu tư của toàn Công ty. Chính mức đầu tư chưa hợp lý đó làm cho cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, trình độ nhân viên chưa cao, các hoạt động tác nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, thỏa mãn người tiêu dùng, dẫn tới TMĐT chưa thể phát huy hết những lợi thế của nó. Nếu có một sự đầu tư thích hợp, chắc chắn hoạt động TMĐT sẽ phát triển lên một tầm cao mới.
4.1.3.2 Nguyên nhân khách quan
Từ đầu năm 2007, Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Đây là một sân chơi bình đẳng, cạnh tranh công bằng giữa tất cả các quốc gia tham gia. Chúng ta phải cạnh tranh với các nước đã và đang phát triển trên thế giới, công bằng, bình đẳng ngay cả trên lãnh thổ của
nước ta. Điều này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức với nên kinh tế nước ta, với tất cả các doanh nghiệp truyền thống và TMĐT.
Mức độ sẵn sàng của người tiêu dùng đối với TMĐT đang được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Do thói quen lựa chọn và mua hàng trực tiếp tại các siêu thị, thói quen sử dụng tiền mặt... và nhận thức về TMĐT chưa cao, chưa tin tưởng vào sự an toàn của một giao dịch điện tử.
Cơ sở hạ tầng và công nghệ, đặc biệt là công nghệ viễn thông của nước ta chưa thực sự phát triển. Điều này ảnh hưởng rất lớn, mang tính chất quyết định tới sự phát triển của thanh toán điện tử, tới cơ chế hoạt động của Công ty với các đối tác, làm cho chi phí một giao dịch TMĐT của Công ty còn cao.
Cùng với các vấn đề về công nghệ và phần mềm, Công ty phải đối mặt với những trở ngại về văn hoá và luật pháp trong TMĐT. Mặc dù Luật giao dịch điện tử và một số bộ luật, nghị định khác liên quan đến TMĐT đã có hiệu lực và được pháp luật thừa nhận, nhưng môi trường pháp lý mà TMĐT được quản lý là các bộ luật chưa thống nhất hoàn toàn, việc triển khai các nghị định, các chính sách còn chậm.