(khu vực Hà Nội 2 hiện nay) giai đoạn 2005 - 2007
Năm 2007 toàn tỉnh có 1180 làng có nghề (chiếm 80,8% tổng số làng), 14/14 huyện, thành phố đều có làng có nghề và làng nghề được công nhận, nhiều nhất là huyện Chương Mỹ với 174 làng có nghề. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cấp bằng công nhận làng nghề cho 240 làng nghề ( đứng đầu số lượng làng nghề được công nhận của cả nước), hiện đã có 30 xã nghề (100% số làng của xã được công nhận làng nghề). Số lao động tham gia hoạt động ở 1180 làng nghề khoảng 250 nghìn lao động.
Thực trạng nguồn nhân lực trong khu vực làng nghề giai đoạn 2005 – 2007 như sau:
a. Số lượng cơ sở, lao động phân theo ngành nghề
Quy mô và số lượng làng nghề ngày càng phát triển, số cơ sở, số hộ, lao động tham gia sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng làm giảm số hộ thuần nông, cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh sang công nghiệp và dịch vụ, số huyện có nhiều cơ sở sản xuất công
nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thạch Thất…..
Số cơ sở tham gia hoạt động sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong tổng số các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề năm 2007 là 47988 cơ sở chiếm 75,4%. Năm 2007 so với năm 2005 tăng 4892 có sở (tăng 11,4%).
Số lao động sản xuất kinh doanh trong các làng nghề tăng lên nhanh chóng, trong đó số lao động tham gia sản xuất công nghiệp trong các làng nghề có tốc độ tăng nhanh năm 2007 là 133698 lao động chiếm 82,3%. Năm 2007 so với năm 2005 tăng 15487 lao động (tăng 13,1%).
Số lao động nữ tham gia sản xuất công nghiệp trong các làng nghề năm 2007 là 68440 người chiếm 84,5% tổng số lao động nữ tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề, chiếm 51,3% tổng số lao động tham gia hoạt động sản xuất công nghiệp trong các làng nghề. Trong đó các ngành nghề có lao động nữ chiếm tỷ lệ cao là: Công nghiệp da, giày, dép; Thêu, ren…..
Các nhóm nghề có tỷ trọng lớn về số cơ sở và lao động là Mây tre giang đan chiếm tỷ lệ cao nhất 33,8% trong tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp, chiếm 34,5% trong tổng số lao động; Sản xuất sợi, hàng dệt, may chiếm 17,6% cơ sở, chiếm 23,9% lao động; Sản xuất chế biến lương thực thực phẩm đồ uống chiếm 10,8% cơ sở, chiếm 9,8% lao động; Chế biến gỗ, đồ mộc 8,1% cơ sở, chiếm 4,3% lao động; sản xuất hàng kim khí chiếm 7,1% cơ sở, chiếm 7% lao động; Sản xuất hàng thuê, hàng ren, hàng đan móc chiếm 8% cơ sở, chiếm 5% lao động. Đây là những ngành nghề có xu hướng phát triển trong thời gian tới nên số lượng cơ sở và số lao động sẽ tiếp tục tăng.
Số cơ sở sản xuất tại các làng nghề tăng đã thu hút một lượng lao động ở địa phương khác đến, quan hệ cung cầu phát triển làm cho thị trường lao động hoạt động sôi nổi hơn, góp phần tăng giá trị kinh tế cho làng, vùng.
b. Số lượng lao động phân theo nhóm tuổi
Lao động tham gia hoạt động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề phân theo 4 nhóm tuổi: dưới 15 tuổi, từ 15 – 55 tuổi, từ 56 – 60 tuổi, trên 60 tuổi.
- Nhóm dưới 15 tuổi: năm 2007 có 4800 lao động chiếm 3,59%. Lao động thuộc nhóm này chủ yếu là trẻ em đang trong độ tuổi đi học, nhóm này tăng có ảnh hưởng đến vấn đề xã hội.
- Nhóm từ 15 – 55 tuổi: đây là nhóm lao động chiếm chủ yếu trong lực lượng lao động làng nghề. Năm 2007 có 121692 lao động chiếm 91,02%. Năm 2007 so với năm 2005 tăng 14762 lao động tức tăng 13,8%.
- Nhóm từ 56 – 60 tuổi: Năm 2007 có 3490 lao động chiếm 2,61% - Nhóm trên 60 tuổi: Năm 2007 có 3716 lao động chiếm 2,78%. c. Số lượng lao động phân theo trình độ đào tạo
Hệ thống giáo dục đào tạo là yếu tố quyết định đến chất lượng của nguồn nhân lực. Những năm qua, chất lượng nguồn nhân lực tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Trình độ của lao động tham gia hoạt động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề phân theo 4 nhóm: Đại học và trên đại học, Cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề dài hạn (từ 1 – 3 năm); Trình độ khác (chưa qua đào tạo, học qua truyền nghề, học qua dạy nghề...).
Biểu 2.28. Trình độ chuyên môn của lực lượng lao động hoạt động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại
các làng nghề tỉnh Hà Tây năm 2005, năm 2007
Đơn vị tính: người Trình độ chuyên môn Năm 2005 Năm 2007 Số lượng (người) Cơ cấu (%) Số lượng (người) Cơ cấu (%)
Cao dẳng và Trung học chuyên nghiệp Dạy nghề dài hạn Trình độ khác 709 1762 115481 0,60 1,49 97,69 880 2135 130343 0,66 1,60 97,49 Tổng số 118211 100,00 133698 100,00
- Nhóm 1 “Đại học và trên đại học”: Năm 2007 có 340 lao động chiếm 0,25% tổng số lao động qua đào tạo. Năm 2007 so với năm 2005 tăng 81 người (tức tăng 31,27%).
- Nhóm 2 “Cao đẳng và trung học chuyên nghiệp”: Năm 2007 có 880 lao động chiếm 0,66% tổng số lao động qua đào tạo. Năm 2007 so với năm 2005 tăng 171 người (tức tăng 24,11%).
- Nhóm 3 “Dạy nghề dài hạn”: Năm 2007 có 2135 lao động chiếm 1,60% tổng số lao động qua đào tạo. Năm 2007 so với năm 2005 tăng 373 người (tức tăng 21,16%).
- Nhóm 4 “Trình độ khác”: Năm 2007 có 130343 lao động chiếm 97,49% tổng số lao động qua đào tạo. Năm 2007 so với năm 2005 tăng 14862 người (tức tăng 12,87%).
Trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật của người lao động đã được cải thiện thể hiện qua tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ngày càng tăng lên, tuy nhiên số lao động này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các làng nghề. Ta thấy nhóm 4 “Trình độ khác” là những lao động có trình độ đào tạo thấp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lao động tham gia hoạt động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề. Đây là hạn chế cần khắc phục để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các làng nghề trong thời gian tới.
d. Số nghệ nhân trong các làng nghề
Đến nay số nghệ nhân trong các làng nghề đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây công nhận và trao danh hiệu “Nghệ nhân Hà Tây” ngành nghề truyền thống đợt 1 năm 2006 theo quyết định số 840/QĐ – UBND ngày 07 tháng 11 năm 2006 là 31 nghệ nhân. Trong đó nhóm nghề Mây tre giang đan có 10 nghệ nhân; Sơn mài mỹ nghệ 5 nghệ nhân; Dệt lụa 6 nghệ nhân; Điêu
khắc tạc tượng 3 nghệ nhân; Thuê 3 nghệ nhân; Giầy da 1 nghệ nhân; Mộc 1 nghệ nhân; Nặn tò he 2 nghệ nhân.
e. Số lao động đào tạo qua truyền nghề và nhân cấy nghề
Công tác đào tạo lao động ở làng nghề Hà Tây luôn được các cấp, các ngành, các ban, đoàn thể của tỉnh quan tâm chú trọng. Chương trình đào tạo truyền nghề và nhân cấy nghề được khởi động từ năm 1994 đến nay luôn hoạt động hiệu quả (Tỉnh đã thành lập Trung tâm khuyến công trực thuộc Sở công nghiệp).
Giai đoạn 2005 – 2007, kết quả truyền nghề và nhân cấy nghề đã mở được 629 lớp, với tổng số học viên được đào tạo 30307 người (bình quân 48 học viên/ lớp), trong đó có 21069 học viên có việc làm và thu nhập ổn định từ nghề chiếm 70% số lao động được đào tạo, tổng số kinh phí đào tạo 16634 triệu đồng
(bình quân 550 nghìn đồng/ học viên); trong đó nguồn ngân sách Tỉnh 3638 triệu đồng chiếm 21,9%, nguồn ngân sách huyện 2249 triệu đồng chiếm 13,5%, từ nguồn khác 10747 triệu đồng chiếm 64,6%.
Kết quả công tác đào tạo truyền nghề và nhân cấy nghề đến năm 2007 so với năm 2004 số lớp đào tạo tăng 58,46%, số học viên được đào tạo tăng 46,45%, trong đó số học viên có việc làm và thu nhập ổn định từ nghề tăng 38,33%, tổng số kinh phí đào tạo tăng 151%.
Trong đó, nhóm nghề có số lao động được truyền nghề và nhân cấy nghề chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động được đào tạo qua chương trình truyền nghề, nhân cấy nghề như: Mây tre giang đan 15171 người chiếm 41,5% tổng số được đào tạo, trong đó lao động có việc làm sau đào tạo đạt 78,6%; Dệt, may 15171 người chiếm 15,9%, có việc làm 80,3%; Thêu – Ren 7594 người chiếm 8%, có việc làm 77,7%; Chế biến Gỗ - Mộc có 6616 người chiếm 6,9%, có việc làm 83%; Cơ kim khí 7269 người chiếm 7,6%, có việc làm 80%; Chế biến nông sản thực phẩm 7030 người chiếm 7,4%, có việc làm 83%.
Năm 2006 và năm 2007, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Tây đã tổ chức 5 lớp đào tạo thợ giỏi cho 250 học viên nâng cao kỹ năng về khả năng thiết kế mẫu mã nghề Mây tre giang đan và thêu ren với tổng kinh phí 245 triệu đồng.
Những nhận xét trên về nguồn nhân lực làng nghề cho thấy nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của các làng nghề.
Công tác đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp được chú trọng, sự phát triển của các làng nghề đã tạo ra được một khối lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động, nhất là lao động nhàn rỗi ở nông thôn, một bộ phận đáng kể lao động nông thôn được giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu ngay trên quê hương. Thu nhập của lao động ở các làng nghề cao hơn thu nhập từ nghề nông nên đời sống của người lao động đã phần nào được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống và nghề mới góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu lao động thay đổi theo hướng tích cực, lao động nông nghiệp giảm dần, lao động trong các làng nghề tiểu thủ công nghiệp tăng dần phản ánh sự thay đổi về chất lượng lao động. Trình độ văn hóa và nhận thức của người lao động, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề được nâng cao hơn.
Tuy nhiên, lực lượng lao động ở các làng nghề chủ yếu là ở nông thôn ít được đào tạo, trình độ văn hóa thấp hạn chế rất lớn năng suất, chất lượng và khả năng phát triển các sản phẩm mới, đa dạng hóa và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Thực tế cho thấy hầu hết các chủ quản lý của các doanh nghiệp làng nghề đều trưởng thành qua thực tiễn, quản lý bằng kinh nghiệm, không qua các trường, lớp đào tạo cơ bản, khả năng liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh chưa cao, còn các lao động trực tiếp không qua trường lớp mà chủ yếu truyền nghề qua kèm cặp trong sản xuất, do nghệ nhân và người thợ lành nghề truyền nghề.
Hiện nay nhiều làng nghề, nghề thủ công địa phương lâu năm cũng bị mai một đi, đứng trước nguy cơ chỉ còn là thương hiệu của quá khứ do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, các nghệ nhân trong nghề ngày càng ít, lớp thợ kế tục thì không được đào tạo bài bản, do đó những ngành nghề này khó thu hút và phát triển nguồn nhân lực.
Trang thiết bị trong sản xuất ở các làng nghề còn đơn giản, thô sơ, lao động làng nghề chỉ sử dụng chủ yếu sức lao động thủ công. Ở nhiều làng nghề có nhiều nghệ nhân có đôi “bàn tay vàng”, làm ra những sản phẩm chất lượng rất tốt, nhưng ít người được biết đến, mức độ chủ động tham gia thị trường rất hạn chế.
Trình độ văn hóa và thu nhập của người lao động tại các làng nghề chênh lệch nhau khá cao tuy thuộc theo từng vùng và từng ngành nghề, trình độ hiểu biết về pháp luật, các quy định của Nhà nước còn thấp nên hạn chế trong việc tự bảo vệ quyền lợi lao động của mình.
Hiện nay đã có nhiều chính sách phát triển các làng nghề như: Du lịch làng nghề, các khu du lịch làng nghề, quy hoạch cụm, điểm công nghiệp…nhằm tạo điều kiện cho làng nghề phát triển và qua đó người lao động trong làng nghề có cơ hội tiếp xúc và nâng cao trình độ, nhận thức về phong cách, tác phong công nghiệp nhưng việc đổi mới còn chậm, nên nguồn nhân lực trong các làng nghề vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó thu nhập bình quân đầu người ở một số nghề còn thấp nên ảnh hưởng đến phát triển sức khỏe, chăm sóc, nâng cao thể lực và đầu tư cho giáo dục đào tạo. Do đó ảnh hưởng đến việc đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động tại các làng nghề và các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.