0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (94 trang)

Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: CHẾ ĐỊNH THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM DOC (Trang 39 -46 )

3- Cơ quan Công an

2.1.3. Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình

thủ tục thi hành hình phạt tử hình

Tử hình là một hình phạt đặc biệt có nội dung cưỡng chế nghiêm khắc nhất, tước bỏ quyền sống của người bị kết án, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Bằng việc thi hành hình phạt tử hình, Nhà nước đã loại bỏ người bị kết án ra khỏi đời sống xã hội, Tuy nhiên, tính mạng con người là vốn quý và được pháp luật bảo vệ, do đó việc thi hành hình phạt tử hình đòi hỏi phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục rất chặt chẽ, bởi lẽ sai lầm trong việc thi hành hình phạt tử hình không thể khắc phục được.

Khoản 1 Điều 259 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình như sau:

Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án và thành lập Hội đồng thi hành hình phạt tử hình gồm đại diện Tòa án, Viện kiểm sát và Công an. Hội đồng thi hành án phải kiểm tra căn cước của người bị kết án trước khi thi hành án.

Trong trường hợp người bị kết án là phụ nữ thì trước khi ra quyết định thi hành án. Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm phải tổ chức kiểm tra các điều kiện không áp dụng hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự. Nếu có căn cứ người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 Bộ luật

hình sự, thì Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

Trước khi thi hành án đối với người bị kết án là phụ nữ thì Hội đồng thi hành án ngoài việc kiểm tra căn cước, phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình được quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp Hội đồng thi hành án phát hiện người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự thì Hội đồng thi hành án hoãn thi hành án và báo cáo Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án để báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 256 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, thì trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày bản án hoặc quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm, Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Tòa án cùng cấp ra quyết định thi hành án (thời hạn này trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 là mười lăm ngày).

Đối với bản án tử hình, pháp luật tố tụng hình sự hiện hành không quy định thời hạn để Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án, bởi lẽ nó phụ thuộc vào việc Chủ tịch nước có bác đơn xin ân giảm hay không nếu người bị kết án xin ân giảm hình phạt tử hình. Điều 258, 259 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định quy định các điều kiện để có thể ra quyết định thi hành hình phạt tử hình:

Điều kiện thứ nhất: có quyết định không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều kiện thứ hai, trong trường hợp người bị kết án xin ân giảm hình phạt tử hình, phải có quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm của người bị kết án.

Khi hội đủ các điều kiện trên, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm mới có quyền ra quyết định thi hành án.

Cùng với việc ra quyết định thi hành án tử hình, Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án. Hội đồng thi hành án gồm:

- Đại diện Tòa án (Chánh án hoặc phó Chánh án Tòa án cấp tỉnh) làm chủ tịch Hội đồng thi hành án;

- Đại diện Viện kiểm sát (Viện trưởng hoặc phó Viện trưởng hoặc kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh) làm thành viên hội đồng;

- Đại diện Công an (Giám đốc hoặc Phó giám đốc công an cấp tỉnh) làm thành viên.

Trước khi thi hành án, Hội đồng thi hành án phải kiểm tra căn cước của người bị kết án. Theo Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nhà xuất bản Giáo dục, thì căn cước là "Giấy chứng nhận ghi rõ những đặc điểm riêng khác về gốc tích, quan hệ thân tộc, đặc điểm nhân dạng của cá nhân nào, có dán ảnh dấu lăn tay, do chính quyền cấp cho các công dân" [58, tr. 72]. Như vậy, kiểm tra căn cước của người bị kết án, tức là phải kiểm tra xem người này có đúng là người mà Hội đồng thi hành án sắp sửa thi hành theo kế hoạch đã định không? Chẳng hạn như phải truy nguyên vân tay của người này với vân tay của người bị kết án được lưu trữ trong hồ sơ? Hình dạng bên ngoài có giống với ảnh đã chụp trong hồ sơ không? Tên, tuổi, địa chỉ, nhân thân... có đúng với tài liệu trong hồ sơ không? Việc kiểm tra căn cước là nhằm đảm bảo cho bản án được thi hành chính xác, tránh trường hợp thi hành không đúng đối tượng phải thi hành.

Bộ luật tố tụng hiện hành đã quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình đối với người bị kết án tử hình là phụ nữ để phù hợp với quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự năm 1999:

Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.

Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình được chuyển xuống tù chung thân

Ngoài việc kiểm tra căn cước của người bị kết án giống như đối với người bị kết án là nam giới, Hội đồng thi hành án còn phải tổ chức kiểm tra các điều kiện không áp dụng hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự. Việc kiểm tra các điều kiện không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ được thực hiện trước khi ra quyết định thi hành hình phạt tử hình và trước khi thi hành hình phạt tử hình. Trường hợp khi xét xử Tòa án không phát hiện bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nên vẫn tuyên bản án tử hình đối với họ, nhưng trước khi thi hành án, Hội đồng thi hành án lại phát hiện người bị kết án có các điều kiện quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự năm 1999, thì Hội đồng thi hành án hoãn thi hành án và báo cáo Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm để báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

Quy định trên xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo - một trong những nguyên tắc cơ bản - trong pháp luật hình sự cũng như trong pháp luật tố tụng hình sự. Cơ sở lý luận của quy định này là đặc điểm tâm sinh lý của phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ. Quy định mang tính nhân đạo nhân văn sâu sắc này có cội nguồn tư truyền thống dân tộc ta: ngay từ thế kỷ XV tại Điều 680 Quốc triều Hình luật đã có quy định không thi hành hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang có thai: "Đàn bà phải tội tử hình, nếu đang có thai, thì phải để sinh đẻ sau 100 ngày mới đem hành hình. Nếu chưa sinh mà đem hành hình, thì ngục quan bị xử biếm hai tư, ngục lại bị tội đồ làm bản cục đinh..." [36, tr. 245]. Quy định này cũng phù hợp với Công ước về các quyền dân sự và chính trị ngày 16-12-1996 về việc: "Không được phép tuyên án tử hình đối với người phạm tội dưới 16 tuổi và không được thi hành đối với phụ nữ đang có thai". Như vậy so với Công ước này, thì pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự nước ta áp dụng triệt để hơn nguyên tắc nhân đạo đối với phụ nữ và đối với người chưa thành niên.

Sau khi kiểm tra căn cước người bị kết án, thực hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc, trước khi thi hành án, người bị kết án được ăn bữa cơm cuối cùng. Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7-11-1998 của Chính phủ ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam, bữa ăn cuối cùng của người bị kết án cũng bằng bữa ăn ngày thường của người bị tạm giữ, tạm giam.

Khoản 2, 3, 4 Điều 259 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định:

Trước khi thi hành án phải giao cho người bị kết án đọc quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người bị kết án đã có đơn xin ân giảm án tử hình thì giao cho họ đọc bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.

3- Hình phạt tử hình được thi hành bằng xử bắn.

4- Việc thi hành án tử hình phải được lập biên bản ghi rõ việc đã giao các quyết định cho người bị kết án xem, những lời nói của họ và những thư từ, đồ vật mà họ gửi lại cho người thân thích.

Hội đồng thi hành án phải giao cho người bị kết án đọc quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và bản sao quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước nếu người bị kết án có làm đơn xin ân giảm. Điều này thể hiện sự tôn trọng quyền của người bị kết án được biết về những quyết định liên quan đến mình.

Trong trường hợp người bị kết án không biết đọc hoặc cố tình không đọc các quyết định nói trên, thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án cử Thư ký đọc cho họ nghe, việc này phải được thể hiện trong biên bản.

Hội đồng thi hành án hỏi người bị kết án xem họ có đề nghị gì, cho phép họ được viết thư, gửi đồ vật lại cho gia đình. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, trước khi thi hành án, người bị kết án không được phép gặp gia đình, muốn nhắn gửi gì với gia đình thì phải thông qua Hội đồng thi hành án. Quy định này khác với quy định tương ứng trong pháp luật tố tụng hình sự của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Điều

342 Giải thích của Tòa án nhân dân tối cao về một số chấp hành luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 8-9-1998 quy định: "Trước khi thi hành án tử hình, nếu tội phạm đề nghị gặp thân nhân của họ hoặc người thân họ xin gặp tội phạm, thì Tòa án nhân dân có thể phê chuẩn cho phép" [54, tr. 62].

Tại pháp trường, người bị thi hành án bị trói vào một cái cột đã được chuẩn bị sẵn, Chủ tịch Hội đồng thi hành án đọc bản tóm tắt tội trạng của người bị kết án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm (nếu người bị kết án có đơn xin ân giảm); quyết định thi hành án và quyết định thành lập Hội đồng thi hành án. Chủ tịch thi hành án đọc xong, ra lệnh bịt mắt kẻ bị kết án bằng một băng vải đen..

Chủ tịch hội đồng thi hành án ra lệnh cho đội bắn thi hành nhiệm vụ. Theo quy định tại Hướng dẫn số 655/HD-P1 ngày 28-9-1991, Quyết định số 355/QĐ-P5 ngày 12-5- 1998 của Cục Cảnh sát bảo về và hỗ trợ tư pháp về quy trình đội vũ trang thi hành án tử hình, Đội trưởng đội vũ trang thi hành án chỉ huy lực lượng gồm 5 đội viên đứng một

hàng ngang, cách người bị kết án từ

5-10 m. Mặt đội viên đối diện với người bị kết án. Vị trí người đội trưởng đứng bên phải hoặc bên trái hàng quân, tùy theo địa hình và cách hàng quân từ 3-5 m. Sau khi chỉnh hàng cho đội viên giương lê, Đội trưởng đi đều hoặc chạy đến cách vị trí của Chủ tịch Hội đồng thi hành án từ 5-7m, dừng lại làm động tác chào, báo cáo Đội vũ trang thi hành án đã sẵn sàng đợi lệnh.

Sau khi nhận lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án, Đội trưởng về vị trí chỉ huy cho đội viên đứng bắn. Khẩu lệnh "lên đạn", chờ cho đội viên lên đạn xong, Đội trưởng tiếp tục hô "mục tiêu tên phạm tội", "bắn". Sau khi các đội viên bắn xong, Đội trưởng tiến tới chỗ người bị kết án rút súng ngắn từ bao súng bắn vào thái dương người bị kết án một viên đạn "nhân đạo" (đạn xuyên chếch từ thái dương ra sau gáy của người bị kết án). Đội trưởng báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án: "Đội vũ trang thi hành án đã hoàn thành nhiệm vụ". Khi nhận được Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng thi hành án, Đội trưởng cho đội viên gập lê, xách súng về vị trí tập kết, lên xe.

Sau khi bắn xong, người bị kết án được hạ xuống, đặt nằm ngửa lên trên tấm nắp quan tài. Chủ tịch Hội đồng thi hành án yêu cầu bác sĩ pháp y khám người bị kết án bằng cách bắt mạch, dùng ống nghe kiểm tra tim, phổi; nếu tim ngừng đập, phổi ngừng thở hoàn toàn, bác sĩ pháp y công bố "người bị kết án đã chết, cho phép đem chôn".

Xác người bị kết án được chôn tại gần nơi thi hành án. Thực hiện Chỉ thị số 138- KC1 ngày 13-2-1974 của Bộ Công an, thân nhân người bị kết án không được phép xác đem về chôn; tại mả có cắm một biển gỗ nhỏ ghi rõ họ, tên tuổi và nguyên quán người bị kết án. Chi phí cho mai táng người bị kết án tử hình được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7-11-1998 của Chính phủ ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam: "Kinh phí chi cho việc chôn cất do ngân sách nhà nước cấp, bao gồm: một quan tài bằng gồ thường, một bộ quần áo mới và 4 m vải liệm, rượu hoặc cồn để làm vệ sinh khi liệm xác, hương, nến và một khoản tiền bằng 100 kg loại trung bình (theo thời giá thị trường tại địa phương) để chi phí cho việc tổ chức chôn cất".

Việc thi hành hình phạt tử hình được lập biên bản, có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng thi hành án và đại diện ủy ban nhân dân địa phương nơi tổ chức pháp trường. Biên bản ghi rõ việc đã giao các quyết định cho người bị kết án xem, những lời nói của họ và những thư từ, đồ vật mà họ gửi lại cho người thân thích.

Khoản 5 Điều 259 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: "Trong trường hợp có tình tiết đặc biệt, Hội đồng thi hành án hoãn thi hành và báo cáo Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án để báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao". Các cơ quan có thẩm quyền chưa hướng dẫn, thế nào là trường hợp có tình tiết đặc biệt. Chỉ thị số

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: CHẾ ĐỊNH THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM DOC (Trang 39 -46 )

×