Định nghĩa thu nhập

Một phần của tài liệu An sinh xã hội ở Việt Nam Lũy tiến đến mức nào? pdf (Trang 35 - 36)

2. Thu nhập và An sinh xã hội

2.2.2Định nghĩa thu nhập

Ban đầu, chúng tôi xây dựng bảy định nghĩa thu nhập khác nhau từ thu nhập “ban đầu” và cho phép bao gồm nhiều hình thức chuyển khoản, thuế và phí để đưa ra một loạt những biện pháp có thể xác định được “thu nhập khả dụng ròng” sau khi đóng góp và hưởng an sinh xã hội. Tốt nhất là chia các loại thu nhập thành hai nhóm: thứ nhất, thu nhập tổng (nghĩa là thu nhập trước khi trừ tiền đóng BHXH, thuế và tiền gửi cho người thân) và thứ hai, thu nhập ròng, sau khi đã trả các nghĩa vụ đóng góp bao gồm các loại thuế, phí và tiền gửi cho người thân.

Thu nhập tổng

Thứ nhất, chúng ta cần ước lượng mức thu nhập trước khi đóng bất cứ loại thuế hoặc có bất cứ hình thức chuyển khoản nào. Muốn vậy phải giả định rằng ngoài hệ thống an sinh xã hội của nhà nước, tiền gửi của người thân cũng có tác động quan trọng. Như vậy chúng ta phải xác định Thu nhập Thị trường Ban đầu (OMI) nghĩa là đo lường thu nhập trước khi có sự can thiệp của nhà nước hoặc tư nhân (bỏ qua tác động hành vi). Để có được con số này, chúng tôi trừ phần thu nhập từ tiền gửi trong định nghĩa thu nhập của TCTK và bổ sung phần đóng BHXH được quy lại (chúng tôi quy lại phần đóng BHXH bằng cách ngầm định rằng chúng đều bằng 5% lương “cứng” – tức phần lương thường xuyên trừ tiền thưởng và các loại thu nhập khác). Chúng tôi không muốn mô phỏng thuế thu nhập vào vì bất cứ mô phỏng nào đều không thể ước lượng được chính xác mức đóng thuế do tình trạng thực hiện đóng thuế và trốn thuế sẽ gây ra sai lệch ước lượng mà ít có thể trực tiếp gán cho an sinh xã hội.

Định nghĩa thu nhập thứ hai, Tổng Thu nhập từ Tiền gửi và Thị trường Ban đầu (OMRI) cộng thêm tiền gửi vào OMI, tạo ra một định nghĩa thu nhập bao gồm tất cả các nguồn thu nhập phi nhà nước.

Định nghĩa thu nhập thứ ba là ước lượng tổng thu nhập cuối cùng sau khi đã tính đến các khoản tiền gửi và thực hiện các hình thức chuyển khoản (OMRI cộng với việc thực hiện các hình thức chuyển khoản an sinh xã hội) và chúng tôi gọi là GFI – tổng thu nhập cuối cùng.

Thu nhập ròng

Định nghĩa thu nhập ròng đầu tiên là thu nhập sau thuế trực tiếp và đã trừ đi tiền đóng BHXH (được quy lại). Định nghĩa này gần với định nghĩa của TCTK hơn cả. Chúng tôi gọi là Thu nhập ròng sau thuế và sau thực hiện chuyển khoản (NITT).

Tuy nhiên nếu chúng ta phải xếp loại các hộ theo cách họ sử dụng trợ cấp an sinh xã hội thì không nên bổ sung phần trợ cấp cho chi trả các phí giáo dục và y tế mà không trừ đi những loại phí không thể không trả – và do đó rất giống thuế. Có nghĩa là sẽ phải trừ phí cho bậc tiểu học (chúng tôi cũng trừ các phí cho THCS vì hiện Chính phủ chủ trương phổ cập bậc học này) và phí sử dụng y tế mà các hộ không thể không đóng bao gồm phí điều trị nội trú và những chi phí tương tự khác. Chúng tôi gọi định nghĩa này là Thu nhập ròng sau thuế, sau thực hiện chuyển khoản và chi trả phí bắt buộc (NITTCC).

Chương 1 đã đề cập tới việc các khoản đóng góp và chi trả “tự nguyên” cho y tế và giáo dục dễ gây đánh giá không chính xác, nhất là với các hộ thu nhập thấp. Một số khoản đóng góp tự nguyện cho trẻ đi học trở thành gần như bắt buộc và các hộ nghèo phải dùng các nguồn thay thế để tránh các khoản phí về y tế (Trivedi 2004). Định nghĩa thu nhập ròng thứ ba trừ tất cả các chi phí về y tế và giáo dục từ NITTCC và được gọi là Thu nhập ròng sau thuế, sau thực hiện các hình thức chuyển khoản và chi phí cho y tế, giáo dục (NITTHEE). Tuy nhiên phải thừa nhận rằng muốn xác định tác động ròng của an sinh xã hội và các loại phí đối với hộ gia đình bị hạn chế về nguồn lực tài chính thì chúng tôi cũng phải nắm bắt được việc chi tiêu không bị hạn chế bởi khả năng tài chính của các hộ giàu hơn. Tóm lại, chúng tôi muốn nắm bắt được việc chi tiêu cá nhân cho những nhu cầu thiết yếu của hộ nghèo hơn, ví dụ như tiền mua thuốc, và cả việc chi tiêu cho những nhu cầu không thiết yếu của các hộ giàu như tiền giải phẫu thẩm mỹ.

Cách tính thu nhập ròng cuối cùng của chúng tôi loại trừ chi tiêu cho tiền gửi giữa các hộ gia đình. Chúng tôi trừ chi tiêu cho tiền gửi khỏi NITTHEE để xác định mức thu nhập khả dụng ròng cộng dồn cuối cùng. Việc trừ chi tiêu cho tiền gửi cho phép ước lượng tác động ròng của các hình thức chuyển khoản chính thức mà không thể được coi thuần là thu nhập. Thực vậy, nếu như đã bao gồm tiền gửi như là thu nhập trong định nghĩa về tổng thu nhập, chúng ta có thể sẽ “tính hai lần” phần thu nhập này nếu không giảm thu nhập khả dụng ròng bằng cách trừ đi chi tiêu cho tiền gửi. Có thể tranh luận rằng chúng tôi có thể tách chi tiêu cho tiền gửi sớm hơn trong cách tiếp cận cộng dồn tính các trách nhiệm chi trả trong định nghĩa về thu nhập ròng. Nhưng chúng tôi để cuối cùng vì, giống như phần chi trả cho y tế và giáo dục trong NITHEE, chúng tôi không rõ liệu khoản chi này có mang tính bắt buộc cao trong phân phối thu nhập hay không và do đó liệu việc chi tiêu này có phải là một hình thức tập trung thu nhập của toàn bộ gia đình giữa các hộ một cách không chính thức để hỗ trợ tài chính cho những người nghèo nhất hay nó nhiều hơn thể hiện sự hào phóng, rộng rãi và mong muốn duy trì uy tín và vị thế của những gia đình giàu hơn. Chúng tôi gọi thu nhập này là Thu nhập ròng sau thuế, sau thực hiện các hình thức chuyển khoản, chi phí giáo dục, y tế và tiền gửi cho người thân (NITTHEER).

Bảy định nghĩa trên được trình bày một cách lôgíc theo thứ tự từ định nghĩa sơ cấp về tổng thu nhập cho tới một loạt các định nghĩa thứ cấp và tam cấp về thu nhập khả dụng ròng. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng phương pháp này mang tính mô tả và giới thiệu chứ không phải để phân tích tác động hành vi. Ví dụ, có thể trợ cấp an sinh xã hội dưới hình thức chuyển khoản tác động tới tiền gửi tư nhân nên việc coi thu nhập từ tiền gửi là khoản thu “có trước” có thể là sai lầm.

Một phần của tài liệu An sinh xã hội ở Việt Nam Lũy tiến đến mức nào? pdf (Trang 35 - 36)