kinh tế” từ năm 2001 đến năm 2006.
Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX, diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 02 năm 2002, tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thông qua Nghị quyết với nhiều vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội phụ nữ. Đại hội đã nhất trí phát động phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và đề ra sáu chương trình hoạt động trọng tâm của công tác Hội nhiệm kỳ 2002 – 2007:
Một là, giáo dục phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực và trình độ mọi mặt của phụ nữ.
Hai là, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
Ba là, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Bốn là, xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh.
Năm là, tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng nam - nữ.
Sáu là, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân và tăng cường hội nhập quốc tế.
Trong đó, chương trình II - “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” là sự tiếp nối chương trình “Vận động phụ nữ tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo việc làm, tăng thu nhập” từ nhiệm kỳ Đại hội VIII và được nâng cao, phát triển hơn, rộng hơn cả về phạm vi, chất lượng của chương trình nhằm động viên phụ nữ không chỉ dừng lại ở xóa đói giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng, để đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX đã xác định mục tiêu cơ bản của chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” với các nội dung:
Thứ nhất, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hiện xóa đói giảm nghèo. Phấn đấu 80% trở lên số hộ đói nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội giúp đỡ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Thứ hai, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng trang trại và phát triển doanh nghiệp nhỏ. Hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần tạo thêm việc làm cho phụ nữ.
Thứ ba, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, dịch vụ việc làm của Hội, góp phần thực hiện chỉ tiêu quốc gia về giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho phụ nữ.
Căn cứ vào những mục tiêu của chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” được xác định tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới đã tiến hành triển khai thực hiện chương trình tại địa phương mang những nội dung cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của huyện.
2.2.2.2.Nội dung của chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” từ năm 2001 đến năm 2006.
Xuất phát từ tình hình thực tế của huyện Chợ Mới, một huyện với lợi thế phát triển nông nghiệp, đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, vì vậy, công tác trọng tâm là phải phát triển các ngành trồng trọt, chăn nuôi, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân. Theo số liệu thống kê, đến năm 2002 số hộ nghèo trong toàn huyện là 2.263 trên 75.086 hộ dân, chiếm tỷ lệ 3,03%, dân số trong độ tuổi lao động là 217.161 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động làm nội trợ và có việc làm không ổn định là 8.756 người, chiếm 4,03% [12;18]. Qua số liệu thống kê cho thấy, số hộ nghèo và tỷ lệ người không có việc làm trong toàn huyện vẫn còn khá cao. Do đó, để góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của địa phương, cũng như thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX đề ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới đã xác định thực hiện chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” là một trong những công tác trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ 2001 – 2006.
Thực hiện chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới đã đề ra một số công tác trọng tâm cần thực hiện như: hỗ trợ vốn, thành lập các nhóm phụ nữ tiết kiệm, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, bồi dưỡng kiến thức khoa học - kỹ thuật cho phụ nữ. Từ năm 2001 - 2006 Hội đã tham gia thực hiện một số dự án như: dự án “Dạy nghề và hỗ trợ tín dụng để giải quyết việc làm cho phụ nữ có thu nhập thấp” của tổ chức ILO/Nhật Bản về mở rộng cơ hội việc làm cho phụ nữ, dự án “Khắc phục khẩn cấp dịch cúm gia cầm” do tổ chức Nông lương thế giới, Ngân hàng thế giới tài trợ.
Chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể:
a/. Hỗ trợ và bồi dưỡng kiến thức quản lí sử dụng vốn.
Nhân dân Chợ Mới chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, sau mùa vụ, phụ nữ ở nông thôn có thời gian nhàn rỗi nhưng do thiếu vốn và không có tay nghề nên không thể sử dụng thời gian đó vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập, ổn định đời sống vật chất và tinh thần của gia đình. Từ đó, công tác hỗ trợ vốn và dạy nghề cho phụ nữ, mà đặc biệt là phụ nữ nghèo, đã được Hội phụ nữ huyện xem là vấn đề cốt lõi, nhằm giải quyết tình trạng trên.
Thực hiện công tác hỗ trợ vốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới đã tích cực khai thác các nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng phục vụ người nghèo, Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Trong nhiều năm qua, Hội đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện thực hiện chương trình cho vay hộ nghèo, đã tạo điều kiện cho những hộ nghèo, trong đó có hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ tự vươn lên để ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động các nguồn vốn nhàn rỗi, cho mượn hoặc cho vay thỏa thuận giữa chị em khá giúp chị em nghèo, để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt là nguồn vốn tiết kiệm phụ nữ, Hội đã quan tâm chỉ đạo các cấp Hội cơ sở hình thành các tổ nhóm “Phụ nữ tiết kiệm”. Mô hình tổ “Phụ nữ tiết kiệm” với phương thức ban đầu Hội sẽ đứng ra huy động chị em tham gia vào tổ, nhóm, tùy theo quy định mà vào mỗi tháng hoặc mỗi tuần chị em sẽ nộp một số tiền nhất định được qui ước phù hợp với khả năng, số vốn đó sẽ được giúp đỡ theo hình thức xoay vòng cho mỗi thành viên, có sự ưu tiên cho những chị em gặp nhiều khó khăn trong kinh tế hoặc gặp rủi ro, tai nạn. Từ nguồn vốn này đã giúp cho chị em phụ nữ nghèo được vay vốn sản xuất, mua bán nhỏ,…cải thiện được đời sống kinh tế gia đình, nuôi con ăn học và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, củng cố và phát huy tinh thần tương trợ, hợp tác cộng đồng.
Không chỉ huy động được nguồn vốn đến với phụ nữ nghèo mà còn giúp đỡ để chị em sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả cao. Hội đã hướng dẫn chị em lập kế hoạch sản xuất, biết hạch toán lỗ lãi trên đồng vốn được vay và đầu tư vào loại hình sản xuất có khả năng mang lại hiệu quả cao nhất, tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giới thiệu gương điển hình. Đặc biệt, từ năm 2005, tham gia thực hiện dự án “ Dạy nghề và hỗ trợ tín dụng để giải quyết việc làm cho phụ nữ có thu nhập thấp” tại xã An Thạnh Trung, Hội đã tổ chức được bốn lớp tập huấn khởi sự kinh doanh cho 100 phụ nữ, tham gia lớp học, phụ nữ được trang bị những kiến thức về cách ghi chép sổ sách kế toán, cách tính giá thành sản phẩm, giúp cho các chị có phương thức tính toán trong công việc kinh doanh mua bán của mình. Những việc làm này có ý nghĩa trong việc bảo toàn và hoàn trả vốn lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn và cũng là sự đảm bảo chữ tín của Hội đối với các cơ quan, ban ngành, tổ chức trong nước và quốc tế. Qua đó, có thể khai thác thêm được nhiều nguồn vốn vay.
Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng, phương thức hỗ trợ bằng hiện vật cũng được thực hiện, Hội phụ nữ huyện đã phối hợp với Chi cục Thú y giao 20.100 con gà cho 180 hộ tại ba xã: An Thạnh Trung, Kiến Thành, Long Điền B thuộc dự án “Khắc phục khẩn cấp dịch cúm gia cầm” do tổ chức Nông lương thế giới, Ngân hàng thế giới tài trợ, nhằm hỗ trợ con giống, bước đầu giúp các hộ chăn nuôi khắc phục những tổn thất do dịch cúm gia cầm gây ra.
b/. Hướng dẫn phổ biến khoa học - kỹ thuật
Sự giúp đỡ phụ nữ trong việc phát triển kinh tế không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vốn, mà điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là phải giúp chị em sử dụng nguồn vốn vay vào hoạt động sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới đã phối hợp cùng một số ban ngành khác thực hiện công tác hướng dẫn phổ biến khoa học - kỹ thuật, nhằm nâng cao kiến thức cho phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh. Hội đã phối hợp với Hội nông dân, Trung tâm học tập cộng đồng, Trạm thú y, Trạm khuyến nông đẩy
mạnh công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, mở các buổi tập huấn, hội thảo trang bị kiến thức chăn nuôi, trồng trọt cho người vay vốn, hướng dẫn chị em mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Thông qua dự án “Dạy nghề và hỗ trợ tín dụng để giải quyết việc làm cho phụ nữ có thu nhập thấp” được thực hiện tại xã An Thạnh Trung, Hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan mở bốn lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật chăn nuôi heo cho 52 phụ nữ, một lớp tập huấn về nuôi lươn, một lớp tập huấn về trồng gừng. Tham gia các lớp tập huấn, đã mang lại cho phụ nữ nhiều kiến thức mới, ứng dụng được khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
c/. Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ
Phụ nữ nghèo có địa chỉ là đối tượng phụ nữ làm chủ hộ nghèo, phụ nữ đơn thân, tàn tật. Theo số liệu thống kê năm 2001, toàn huyện có 5.706 hộ nghèo, trong đó phụ nữ là chủ hộ có 1.711 hộ. Phụ nữ nghèo có địa chỉ luôn luôn là đối tượng được Hội phụ nữ ưu tiên giúp đỡ về vốn, kiến thức nhằm giúp chị em vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Hội Chữ Thập Đỏ huyện phát động trong cán bộ, hội viên quần chúng phụ nữ phong trào xoá nhà tranh, tre lá, vận động quỹ tình thương để cất sửa nhà cho chị em phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ làm chủ hộ nghèo giúp chị em ổn định cuộc sống gia đình yên tâm sản xuất.
d/. Dạy nghề, giới thiệu việc làm
Theo số liệu của Phòng thống kê huyện, năm 2002 số người trong độ tuổi lao động toàn huyện là 217.161 người, chiếm tỉ lệ 60,6%. Từ đó cho thấy nguồn nhân lực của huyện rất dồi dào. Tuy nhiên, đây cũng là một áp lực lớn đối với huyện trong vấn đề giải quyết việc làm, vì hiện nay, chất lượng nguồn lao động còn thấp, số lượng nguồn lao động qua đào tạo còn ít. Vấn đề thiếu tay nghề dẫn đến thiếu việc làm là vấn đề phổ biến nhất ở huyện, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn đã dẫn đến tình trạng nhiều phụ nữ bị bán vượt biên sang Campuchia để hành nghề mại dâm. Phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ không có tay nghề, thiếu việc làm, không được hỗ trợ tạo điều kiện có một nghề nghiệp ổn định thì vấn đề này sẽ ngày càng phát triển hơn.
Tình trạng thiếu việc làm đang là vấn đề bức xúc của nhiều phụ nữ trong huyện, nên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới đã kết hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện, Trung tâm dịch vụ việc làm Hội phụ nữ tỉnh mở các lớp dạy nghề như: cắt may, thêu ren, chằm nón,…Thông qua dự án “Dạy nghề và hỗ trợ tín dụng để giải quyết việc làm cho phụ nữ có thu nhập thấp” thực hiện tại xã An Thạnh Trung cũng đã dạy một số nghề mới cho phụ nữ như: may dân dụng, nghề móc len, kết thảm lục bình. Qua công tác dạy nghề cho phụ nữ, Hội sẽ tập hợp được nhiều đối tượng nữ thanh niên, phụ nữ nghèo là lao động nhàn rỗi ở địa phương được học nghề.
Bên cạnh mở các lớp dạy nghề, Hội đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất tại địa phương, nhằm giải quyết nguồn lao động đã được đào tạo nghề như: cơ sở cầu lông Hoàng Yến, công ty may giày da, may công nghiệp, chế biến thủy sản… Hội cũng phối hợp với Phòng Thương binh xã hội huyện giới thiệu lao động nữ làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, cũng như xuất khẩu lao động, từ đó đã giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động nữ vùng nông thôn.
Được hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm cải thiện đời sống kinh tế gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Đó luôn luôn là nguyện vọng chính đáng của mọi tầng lớp phụ nữ. Đời sống kinh tế ổn định, sẽ là một nhân tố quan trọng để xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhận thấy những vấn đề khó khăn mà phụ nữ huyện đang gặp phải trong việc phát triển kinh tế gia đình, do đó, trong quá trình thực hiện chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới đã xây dựng nội dung chương trình hỗ trợ kinh tế cho phụ nữ đa dạng, phong phú, thiết thực phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi
và nhu cầu của phụ nữ. Từ đó đã duy trì, mở rộng số lượng phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, tăng sức hấp dẫn của Hội. Hội đã tăng cường hướng về cơ sở với phương châm nơi nào có phụ nữ thì nơi đó có tổ chức Hội.
2.2.2.3. Một số kết quả và hạn chế của thực hiện chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” từ năm 2001 đến năm 2006.
a/. Kết quả
Trong nhiệm kỳ 2001-2006, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới đã phát huy truyền thống đoàn kết các tầng lớp phụ nữ trong huyện khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu tích cực thi đua thực hiện các phong trào đã góp phần đáng kể vào việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, nổi bật là hoạt động triển khai thực hiện chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” của Hội tại huyện Chợ Mới, chương trình đã thực sự mang lại những kết quả thiết thực cho các tầng lớp phụ nữ huyện nhà.
Hoạt động hỗ trợ vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập được Hội phụ nữ huyện xác định là vấn đề trọng tâm trong việc giúp đỡ phụ nữ phát triển kinh