Chợ Mới với tổng số dân là 368.477 người, trong đó nữ chiếm khoảng 50,4% [12;12]. Phụ nữ có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tham gia vào các hoạt động kinh tế để tạo ra nguồn thu nhập cùng nam giới nuôi sống gia đình. Bên cạnh đó, phụ nữ còn đóng vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, có tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách, đạo đức của thế hệ trẻ, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, phụ nữ luôn thể hiện vai trò trên các lĩnh vực đời sống xã hội, với truyền thống giỏi việc nước đảm việc nhà, phụ nữ đã khắc phục khó khăn vừa tham gia lao động sản xuất, vừa đảm đang trong công việc gia đình.
Nhằm giúp các tầng lớp phụ nữ trong huyện phát huy vai trò tích cực, cùng nam giới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới đã thực hiện các chương trình như: Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, tiết kiệm, nuôi con khỏe dạy con ngoan, dân số kế hoạch hóa gia đình và thành lập các câu lạc bộ vì sự tiến bộ phụ nữ, từ đó đã tập hợp đông đảo phụ nữ tham gia và mang lại hiệu quả tích cực.
Với mục đích nâng cao cuộc sống cho phụ nữ ở nông thôn, trong nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã thực hiện chương trình liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội kết hợp với Ban xóa đói giảm nghèo của địa phương, nhằm giúp cho phụ nữ có việc làm ổn định, nâng cao đời sống gia đình thông qua các dự án hỗ trợ vốn cho các ngành tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ…Ngoài ra, Hội phối hợp với chương trình khuyến công dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ trẻ tuổi, nhất là các em học sinh không có điều kiện học tập, phụ nữ vùng nông thôn chưa có việc làm ổn định.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới, đời sống cũng như nhận thức của các tầng lớp phụ nữ trong huyện đã dần dần được nâng lên. Phụ nữ đã được tạo điều kiện để tham gia vào các
hoạt động xã hội và trong từng lĩnh vực đều có sự đóng góp tích cực của lực lượng phụ nữ.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lực lượng lao động nữ chiếm 51%, chị em đã tích cực học tập, tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, phục vụ cho sản xuất và cải thiện đời sống gia đình. Qua đó, góp phần vào việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển, có nhiều chị em đã tham gia lao động trong các cơ sở: sản xuất gạch mộc, đan lát, chằm nón… với mức thu nhập khoảng 600.000đ/tháng. Ngoài ra, còn có đông đảo lực lượng lao động nữ là công nhân may giày da, may công nghiệp, sản xuất cầu lông, chế biến thủy sản…với mức thu nhập khoảng từ 800.000 đến 1.000.000đ/tháng đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định, đóng góp vào các khoản chi tiêu trong gia đình, tạo ra sản phẩm cho người tiêu dùng tại địa phương, mở rộng thị trường và phục vụ xuất khẩu.
Lĩnh vực dịch vụ - thương mại, lực lượng lao động nữ tham gia ngày càng đông, nhiều phụ nữ đã không ngừng cải tiến phương thức mua bán, để nắm bắt kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và xu thế hội nhập. Tính đến nay trong toàn huyện có khoảng 16 nữ doanh nghiệp quản lí giỏi, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao đời sống cho lao động nữ. Điển hình như chị Nông Thị Hoàng Trang - nữ doanh nghiệp cầu lông Hoàng Yến, được sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, từ mặt hàng cầu lông hiện nay, cơ sở của chị đã tăng thêm một số mặt hàng khác như: bím lục bình, các sản phẩm sành sứ, và đã mở rộng được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Từ đó, hằng năm cơ sở tạo ra việc làm ổn định cho gần 150 lao động nữ tại địa phương với mức lương khoảng 800.000đ/tháng.
Đối với lực lượng nữ công nhân viên chức trong các ngành hành chính sự nghiệp, đã được các cấp ủy quan tâm, tạo điều kiện học tập để nâng cao trình độ học vấn, chính trị và chuyên môn đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi
mới đất nước. Tính đến nay, số lượng nữ công nhân viên chức trong toàn huyện là 511 người, trong đó có 27 cán bộ nữ giữ vai trò lãnh đạo. Với vai trò là người lãnh đạo, quản lí các chị đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong quản lí, điều hành đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đời sống vật chất được nâng lên, nên vấn đề chú ý bảo vệ sức khỏe cũng được nhiều phụ nữ trong huyện quan tâm và tích cực tham gia phong trào rèn luyện bảo vệ sức khỏe như: đi bộ, tập dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu,…Hội phụ nữ huyện cũng thường xuyên kết hợp với bệnh viện huyện, bệnh viện thành phố như bệnh viện Từ Dũ tổ chức các buổi tư vấn, khám sức khỏe cho chị em phụ nữ, các thai phụ nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về bảo vệ sức khỏe.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban điều hành công tác Đào tạo nghề - giải quyết việc làm - Xuất khẩu lao động và giảm nghèo huyện Chợ Mới thì đến cuối năm 2006 trong toàn huyện vẫn còn 5.259 hộ nghèo. Trong hoàn cảnh chung của hộ gia đình nghèo, thì phụ nữ là người chịu thiệt thòi nhất, họ chủ yếu làm thuê trong lĩnh vực nông nghiệp, thu nhập thấp, không ổn định. Vừa chăm lo con cái, vừa quán xuyến công việc gia đình, đồng thời phải tham gia sản xuất kinh tế phụ giúp gia đình, làm cho người phụ nữ không có thời gian để nghỉ ngơi, cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội.
Phụ nữ vùng nông thôn Chợ Mới thường có trình độ văn hóa thấp, ít có cơ hội tiếp cận các chính sách của Nhà nước, họ nhận thức rất mơ hồ về quyền lợi của bản thân, ít có cơ hội tham gia các buổi tập huấn, không có điều kiện tiếp cận với các kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, được dạy nghề nhưng chưa mạnh dạn đi tìm việc làm nên không tạo ra thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, còn một hiện tượng cần phải thừa nhận là có không ít phụ nữ sử dụng thời gian rỗi của mình vào các mục đích không lành mạnh, họ thường sử dụng thời gian rỗi để bàn tán việc gia đình người khác, tụ tập bài bạc, số đề,…
Từ thực trạng đời sống của phụ nữ trong huyện, thiết nghĩ trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức trong chị em phụ nữ nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, trong các hộ nghèo có ý chí tự vươn lên, chủ động tìm giải pháp thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, khắc phục sự tự ti, mặc cảm, phó thác gánh nặng gia đình cho nam giới, nâng cao nhận thức cho phụ nữ biết bảo vệ những quyền và lợi ích chính đáng của bản thân cũng như gia đình góp phần xây dựng gia đình theo bốn tiêu chuẩn: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
2.2.2. Thực tế triển khai thực hiện chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang từ năm 2001 đến năm 2006.