2.2.1.1. Vài nét về vị trí địa lý và tình hình kinh tế - xã hội huyện Chợ Mới.
Chợ Mới là huyện cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Có diện tích đất tự nhiên là 35.571 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 24.579 ha, số dân là 368.477 người, mật độ dân số trung bình 998 người/km2, chỉ sau thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc [12] . Huyện gồm 2 thị trấn và 16 xã là: thị trấn Chợ Mới, thị trấn Mỹ Luông, xã Mỹ Hội Đông, Kiến An, Long Điền A, Tấn Mỹ, Long Điền B, Kiến Thành, Mỹ Hiệp, Mỹ An, Nhơn Mỹ, Long Giang, Long Kiến, Bình Phước Xuân, An Thạnh Trung, Hội An, Hòa Bình, Hòa An.
Về vị trí địa lý, phía Đông giáp thị xã Cao Lãnh, phía Tây giáp huyện Phú Tân, Châu Thành, phía Nam giáp thành phố Long Xuyên và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), phía Bắc giáp huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Chợ Mới cách thành phố Long Xuyên 30 km, đây là trung tâm của tỉnh nên thuận lợi cho việc học tập, tiếp thu khoa học - công nghệ phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
Với địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, có nhiều sông ngòi kênh rạch, cùng với khí hậu nhiệt đới gió mùa rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nên người dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Với tình trạng đất hẹp, người đông mà chỉ đơn thuần sản xuất nông nghiệp thì rất khó cải thiện đời sống. Vì thế, ngoài việc sản xuất nông nghiệp nhân dân Chợ Mới còn sản xuất một số ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: ngành mộc, đan bồ, vẽ tranh trên kiếng, chằm nón, xay xát gạo, cầu lông…Tính đến cuối năm 2005, toàn huyện có 4.046 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với 15.589 lao động, đã góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương. [12;27].
Lĩnh vực thương mại và dịch vụ phát triển khá nhanh, sức mua tăng, mẫu mã hàng hóa đa dạng, tình trạng khan hiếm hàng và giá tăng đột biến ít xảy ra. Hiện nay, toàn huyện có 64 chợ, trong đó có 06 chợ loại II, 58 chợ loại III. Từ năm 2001-2005, đã tiến hành nâng cấp 25 chợ, xây dựng mới 03 chợ với tổng số vốn đầu tư trên 7 tỷ đồng [15]. Với mạng lưới thương mại - dịch vụ khá phát triển là điều kiện thuận lợi trong việc mua bán, phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân.
Trong quá trình phát triển, huyện Chợ Mới rất chú trọng phát triển hệ thống giao thông vận tải. Đến nay hệ thống giao thông trên địa bàn đã phát triển tương đối hoàn chỉnh với 187 km đường nhựa, gồm 39 km đường tỉnh lộ và 148 km đường hương lộ, là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình bêtông hóa 100% các tuyến lộ nông thôn. Mạng lưới giao thông phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, việc buôn bán với các địa phương lân cận, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa[15].
Về văn hóa - thông tin, trong những năm qua công tác thông tin tuyên truyền đạt kết quả tích cực. Bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tuyên truyền trực quan, panô, khẩu hiệu, hệ thống truyền thanh xã, thị trấn…
đã chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến mọi người dân. Phong trào thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư” đã được quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng. Tính đến cuối năm 2005 toàn huyện đã công nhận 65.763 hộ văn hóa, 115 ấp văn hóa, 16 ấp tiên tiến và 1 xã, thị trấn văn hóa [15].
Về giáo dục, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Năm học 2005-2006, tỉ lệ tốt nghiệp ở các cấp học đều đạt từ 70-99%. Cơ sở vật chất trường học được đầu tư kiên cố hóa, với 370 phòng học mới, không còn tình trạng học ca ba. Hiện nay, huyện có ba trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia: Mẫu giáo thị trấn Chợ Mới, Mầm non thị trấn Mỹ Luông và Tiểu học A thị trấn Chợ Mới [15]. Với sự phát triển cả về qui mô và chất lượng của ngành giáo dục, sẽ cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của huyện.
Về y tế, những năm qua việc chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng cao, mạng lưới y tế xã - thị trấn được tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động. Từ năm 2000 huyện đã đạt chỉ tiêu: 100% xã có bác sĩ, nữ hộ sinh (hoặc y sĩ sản nhi), 100% ấp có nhân viên y tế hoạt động, đã đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nhân dân ngày càng có ý thức trong việc phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh [15].
Từ những điều kiện trên, huyện có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển đáng kể, GDP bình quân đầu người tại địa phương tính đến năm 2006 là 9,95 triệu đồng/người/năm tăng 4,25 triệu đồng so với năm 2002.[12;29]. Có thể nói, với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và những thành tựu về kinh tế - xã hội đã đạt được trong những năm qua là điều kiện thúc đẩy sự phát triển của huyện Chợ Mới trong những năm tiếp theo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.