C là chi tiêu bình quân đầu người hàng năm
17 Quỹ xóa đói giảm nghèo trước thuộc Ngân hàng người nghèo nay thuộc Ngân hàng chính sách (1/2003) Quỹ giải quyết việc làm cũng thuộc Ngân hàng chính sách nhưng là quỹ cho vay ủy thác từ Bộ
MỘT SỐ GIẢI PHÁP XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO VÀ NÂNG CAO MỨC SỐNG DÂN CƯ Ở NINH THUẬN
SỐNG DÂN CƯ Ở NINH THUẬN
Thời gian qua Ninh Thuận đã có những thay đổi tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo mà thành quả là mức sống của người dân đã được nâng lên. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta đã bằng lòng với những thành quả đó. So với những tỉnh khác trong vùng Đông Nam bộ nói riêng hay cả nước nói chung thì tình hình đói nghèo ở Ninh Thuận vẫn còn rất khốc liệt. Tỷ lệ nghèo cao, mức sống bình quân thấp có thể nhìn thấy bằng mắt.
Qua phân tích thực trạng và những nhân tố ảnh hưởng mức sống của người dân nơi đây, chúng tôi nhận thấy tình trạng đói nghèo ở Ninh Thuận chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ năm yếu tố, đó là: tình trạng việc làm, tình trạng sở hữu đất đai, khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức, vấn đề dân tộc thiểu số, quy mô hộ và giới tính của chủ hộ. Vì vậy, chúng tôi đưa ra một số giải pháp tập trung chủ yếu vào những yếu tố này nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác xóa đói giảm nghèo ở Ninh Thuận trong thời gian tới.
1.1. Việc làm
Nâng cao hiệu quả và thu nhập từ việc làm nông nghiệp thông qua hệ thống khuyến nông đồng thời đa dạng hóa nguồn thu bằng cách tạo thêm nhiều việc làm phi nông nghiệp.
Phân tích mô hình cho thấy việc làm có vị trí quan trọng hàng đầu quyết định mức chi tiêu cũng như khả năng nghèo của một hộ gia đình. Nhưng liệu việc làm đó có thuộc nông nghiệp hay không cũng quan trọng không kém. Hệ số của cả hai mô hình khẳng định nếu một hộ làm việc trong nông nghiệp sẽ có khả năng nghèo nhiều hơn. Hơn một nửa hộ gia đình tự hoạt động trong nông nghiệp nhưng có chưa tới 5% trong số này có chi tiêu thuộc nhóm hộ khá trở lên. Nhưng điều đó không có nghĩa là để thoát nghèo các hộ phải thôi không làm việc trong nông nghiệp nữa. Trong điều kiện hiện nay ở Ninh Thuận, điều cần làm nhất là tìm hiểu những khó khăn nào khiến những hộ làm việc trong nông nghiệp không khá lên và tùy hoàn cảnh cụ thể mà cải tạo chúng. Thực tế nghiên cứu đã cho thấy những khó khăn này bao gồm thiên tai, thiếu đất, đất xấu, thiếu nước, thiếu vốn và thiếu kỹ năng canh tác. Đây là những nguyên nhân có mặt ở bất cứ nơi nào trong cả nước, nhưng ở Ninh Thuận thì những yếu tố thuộc về tự nhiên như
thiên tai và thiếu nước là hết sức khắc nghiệt. Trong điều kiện như vậy, vai trò của công tác khuyến nông là vô cùng quan trọng.
Một số ý kiến đóng góp cho chương trình khuyến nông ở Ninh Thuận:
Người dân mong mỏi khuyến nông trước hết là phải đáp ứng nhu cầu và giải quyết những thắc mắc của người dân, đặc biệt là nông dân nghèo tại địa phương, hơn là chỉ thực hiện theo các chương trình từ trên đưa xuống một cách thụ động. Tuy nhiên để yêu cầu này thành hiện thực cần có được thể chế hóa về tổ chức cũng như phân bổ nguồn lực theo hướng phân cấp mạnh xuống huyện, xã hay tới chính các tổ chức tự nguyện của nông dân, chẳng hạn như CLB khuyến nông.
Công tác khuyến nông cần gắn bó với các chương trình tín dụng của ngân hàng. Điều này tạo sự bổ sung cần thiết và hiệu ứng cộng hưởng giữa hai chương trình. Nên xem xét ý kiến cho rằng nên phối hợp các trung tâm khuyến nông/lâm/ ngư/ thú y/ bảo vệ thực vật thành một trung tâm đặt tại huyện, có cơ sở tại xã và phối hợp chặt chẽ với hoạt động tín dụng. Việc này sẽ làm cho các ngành phối hợp tốt hơn để phục vụ nông dân trong huyện cũng như tham mưu cho UBND huyện trong việc định hướng sản xuất cho nông dân trong vùng.
Nên có cán bộ khuyến nông tại xã để có thể kịp thời giúp nông dân giải quyết những vấn đề kỹ thuật (trồng trọt, chăn nuôi, thú y, dịch hại) một cách hiệu quả và bám sát nhu cầu của sản xuất tại chỗ. Khuyến khích những hộ nông dân giỏi, thành đạt giúp đỡ, truyền thụ kinh nghiệm cho bà con khác trong cộng đồng. Ngoài ra, khuyến nông cũng cần có những hướng dẫn trong việc bán hay tiếp thị sản phẩm ra thị trường.
Nên hỗ trợ thành lập và tăng cường năng lực của các tổ chức tự trợ giúp của người dân như CLB khuyến nông, nhóm cùng sở thích, tổ hợp tác… để làm đầu mối kết nối các chương trình khuyến nông và các hỗ trợ khác cho nông dân và người nghèo. Mặt khác, các tổ chức này phải là tự nguyện, tự trang trải kinh phí và cần bao gồm cả những người nghèo, phải đi vào hoạt động thực chất thay vì chỉ hình thức như hiện nay.
Tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ khuyến nông cũng là hình thức đáng khích lệ. Tuy chưa rõ ràng nhưng hiện nay đã có một số dịch vụ được tư nhân thực hiện tại một vài thôn xã như tiêm thuốc phòng ngừa gia súc, cung cấp giống, ứng trước vốn, vật tư… người dân thường cần dịch vụ tại chỗ, kịp lúc hơn là miễn phí. Tại những vùng có đồng bào dân tộc hay nông dân nghèo ít học thì khuyến nông phải được hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” mới có hiệu quả.
Hệ thống khuyến nông cần thể hiện tính đa dạng, thuận tiện và phổ biến rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng như: phát thanh, truyền hình, báo chí, bản tin thôn xóm, đặc biệt đến được với vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống mạng lưới điện.
Tuy nhiên, nếu dừng lại ở phát triển nông nghiệp thì mới chỉ có thể đảm bảo cho các hộ dân nông thôn có một nguồn thu nhập hạn chế. Trong tương lai, cùng với xu thế phát triển chung, cần phải đa dạng hóa nguồn thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp. Điều đó sẽ có tác dụng:
Giải quyết việc làm cho những hộ không có đất. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện nguồn lao động ngày càng dư thừa nhiều mà đất đai nông nghiệp ngày càng hạn chế, đồng thời khả năng xen canh, tăng vụ không phải vùng đất nào cũng thực hiện được.
Thu nhập từ các ngành phi nông nghiệp không những làm tăng thu nhập mà còn tạo điều kiện tích lũy, đầu tư lại vào nông nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Nếu như người dân vừa làm ruộng vừa làm các nghề khác trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ thì đây sẽ là hình thức tốt nhất để tăng thu nhập cho người dân mà không phải sử dụng biện pháp di dân.
Những vấn đề quan trọng để thực hiện giải pháp đa dạng hóa thu nhập:
Thứ nhất, cần thiết phải khôi phục và phát huy các làng nghề truyền thống. Đó là các làng nghề có quá trình phát triển từ lâu đời nên nếu khôi phục lại sẽ có điều kiện phát triển các lợi thế về tay nghề của các nghệ nhân, nhãn hiệu truyền thống cũng như các thị trường tiêu thụ truyền thống. Các làng nghề truyền thống hiện đang được khôi phục nhưng tốc độ còn chậm, địa bàn tổ chức chưa được mở rộng, chủng loại, mẫu mã chưa phong phú, đa dạng nên giá trị còn thấp và hiệu quả hoạt động chưa cao. Đó cũng chính là những nội dung cần hoàn thiện trong chiến lược khôi phục làng nghề truyền thống ở Ninh Thuận.
Thứ hai, các ngành có khả năng tạo việc làm tại chỗ cho những lao động dư thừa trong điều kiện vốn ít và công nghệ lạc hậu, sử dụng được các loại lao động trai, gái, già, trẻ… như các ngành chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, sản xuất hàng tiêu dùng, vật tư kỹ thuật và tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp, kể cả việc khôi phục, đưa vào sử dụng và khai thác các lợi thế về môi trường thủy sản, giao thông, du lịch trên các diện tích mặt nước để tăng thu nhập cho người lao động.
Thứ ba, phát triển mạng lưới dịch vụ trong nông nghiệp từ dịch vụ tín dụng, bảo hiểm, cung cấp vật tư kỹ thuật, máy móc thiết bị, cung cấp hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, đến các dịch vụ mua bán, chế biến lương thực thực phẩm, thủy sản để cung cấp trong nước và xuất khẩu; kể cả dịch vụ bảo vệ thực vật, giao thông vận tải ở nông thôn, xây dựng, sửa chữa nhà cửa.
1.2. Đất đai
Phân bổ nguồn đất chưa sử dụng một cách hợp lý, chứng nhận quyền sử dụng đất nhanh hơn, cải tạo hệ thống nước tưới đồng thời nghiên cứu lựa chọn cây trồng thích hợp để sử dụng đất có hiệu quả hơn.
Có thể thấy sở hữu đất đai đóng vai trò quan trọng như thế nào đến khả năng nghèo đói của một hộ gia đình. Với những hộ ở nông thôn vùng cao, vùng sâu, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số, đất đai và sức lao động có lẽ là nguồn lực chính. Theo Niên giám thống kê Ninh Thuận, đến cuối năm 2003 vẫn còn hơn 100 ngàn ha đất chưa sử dụng, chiếm gần 30% tổng diện tích đất toàn tỉnh, trong đó có trên 19 ngàn ha đất bằng có thể trồng cây lương thực và cây hàng năm. Với quỹ đất chưa sử dụng còn lại ở này, chính quyền địa phương có thể lựa chọn cách phân bổ đất đai cho cá nhân và tập thể trong vùng.
Nhưng vướng mắc lớn nhất ở Ninh Thuận hiện nay là việc phân bổ đất rừng. Cản trở chính ở đây là những khó khăn trong việc phân loại “đất rừng”, không thống nhất quyền lợi giữa cộng đồng người sử dụng và các doanh nghiệp cơ quan nhà nước, và môi trường pháp lý không rõ ràng. Việc phân bổ đất rừng là mối quan tâm đặc biệt của người dân tộc thiểu số vì phần lớn họ sống tại các miền núi và cuộc sống của họ phụ thuộc vào canh tác nông nghiệp đồi núi và sử dụng rừng. Cho đến nay, các nhóm người thiểu số vẫn tiếp tục thiếu sự đảm bảo về quyền sử dụng, tạo nên những tranh chấp rất phức tạp, điển hình là những trường hợp ở huyện Ninh Phước. Có thể thấy quyền sử dụng là rất cần thiết để người dân quyết định đầu tư vào đất đai cũng như được hưởng đền bù từ việc khai thác sử dụng đất cho các mục đích khác như quy hoạch thành khu công nghiệp chẳng hạn.
Do đó, điều quan trọng lớn nhất là việc xây dựng quá trình phân bổ đất đai sao cho công bằng, minh bạch và dựa trên hệ thống sử dụng đất của địa phương. Cần tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình phân bổ đất đai, đặc biệt là đất rừng để đảm bảo các loại đất được phân bổ một cách công bằng. Cần có sự ưu tiên cho việc tham gia rộng rãi hơn của cộng đồng người dân tộc thiểu số. Tăng cường năng lực của các cán bộ ở cấp huyện và xã về lập kế hoạch sử dụng đất và phổ biến thông tin phân bổ đất đai.
Trong khi nguồn đất bị giới hạn, điều cần làm trước tiên là nâng cao chất lượng quỹ đất hiện có. Thế nhưng tình trạng thiếu nước tưới ở vùng đất khô hạn này cũng là vấn đề đáng lo ngại bên cạnh nỗi lo thiếu đất. Hệ thống thủy lợi ở Ninh Thuận thường có quy mô nhỏ (trừ hệ thống Nha Trinh-Lâm Cấm thuộc vùng giáp Ninh Sơn, sử dụng nước xả của nhà máy thủy điện Đa Nhim), diện tích tưới thấp, thiếu hồ chứa nên mùa mưa thì thừa nước còn mùa khô thì lại thiếu nước, hệ thống các kênh mương bị xuống cấp làm tổn thất nước nhiều.
Trong thời gian tới nên nghiên cứu xây dựng các hồ chứa nước trữ lượng lớn vừa để hạn chế lũ vừa giữ được nước cho mùa khô nhằm mở rộng diện tích cây trồng được tưới và đảm bảo nguồn nước tưới ổn định cho diện tích đất canh tác nông nghiệp. Nhanh chóng hoàn thành các công trình đang thực hiện như hồ Sông Sắt và hồ Sông Trâu để dẫn nước cho các vùng ở huyện Ninh Hải. Cải tạo nâng cấp các hệ thống công trình sẵn có để phát huy tối đa năng lực tưới.
Để tăng trưởng và giảm nghèo ở khu vực miền núi, nơi có nhiều dân tộc thiểu số đang sống, cần chú ý đến việc nâng cao năng suất hệ thống đất đai vùng miền núi. Hiện nay do thiếu sự hướng dẫn, các hộ dân thường trồng nhiều loại cây khác nhau trên một vùng đất, không mang tính thị trường mà chỉ có tính “tự trồng tự ăn”, và như vậy không mang lại hiệu quả. Do đó, cần có sự tư vấn cho các hộ cách tận dụng nguồn đất và lựa chọn giống cây trồng thích hợp để có thể mang lại hiệu quả cao. Cũng nên khuyến khích các hộ làm ăn giỏi phổ biến cách làm của mình cho bà con.
Không thật sự cần thiết hạn chế sự bán và chuyển nhượng đất mà quan trọng hơn là tạo điều kiện thuận lợi để người dân thấy được giá trị của đất, có thể sống bằng chính mảnh đất của mình. Nếu đất không canh tác được vì thiếu vốn, thiếu giống, thiếu nước thì việc giữ đất hoàn toàn không đem lại một lợi ích nào. Hơn nữa việc giữ ít đất và sản xuất manh mún trên mảnh đất ấy sẽ hạn chế khả năng công nghiệp hóa nông thôn trong tương lai.
1.3. Vay vốn
Đa dạng hóa nguồn vốn cho vay, mức cho vay cao hơn, thời hạn dài hơn và cho vay kết hợp với hỗ trợ phương thức làm ăn, sản xuất.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính thức là một yếu tố quan trọng giúp nhóm nghèo thêm khả năng thoát nghèo. Thực tế là trong thời gian tỉnh Ninh Thuận đã có những nỗ lực lớn trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ nghèo. Cụ thể là nhiều hộ nghèo đã từng được vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo (thuộc Ngân hàng chính sách). Nhưng như
thế vẫn còn chưa đủ dù rằng Ngân hàng chính sách Ninh Thuận hiện nay đã có nhiều đổi mới và hoạt động mạnh hơn. Nhiều hộ nghèo vẫn chưa được vay và những hộ khác muốn được vay nhiều hơn, dài hạn hơn. Vì vậy, những cải tiến hơn nữa của các ngân hàng trong việc huy động tiết kiệm, phương thức vay vốn, phương thức trả lãi và điều kiện vay vốn là rất cần thiết để tăng khả năng tiếp cận của các hộ gia đình nghèo với tín dụng.
Những hướng cơ bản cần áp dụng ở Ninh Thuận với hy vọng cung cấp thêm nhiều vốn tín dụng hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo là:
Phổ biến kiến thức và quy trình vay vốn đến các hộ để họ mạnh dạn vay vốn nếu có đủ điều kiện và nhu cầu. Đặc biệt là những hộ nghèo và những hộ thuộc nhóm dân tộc thiểu số. Những hộ này do thiếu hiểu biết hay mặc cảm nên thường ngại đến ngân hàng vay vốn.
Đánh giá, phân loại các đối tượng cần vay vốn một cách rõ ràng, minh bạch. Ngân hàng cần chủ động phối hợp với Sở LĐTBXH hay phòng ban có liên quan để nắm bắt tình hình của các hộ nghèo một cách chính xác. Chủ động được việc này, ngân hàng có thể giảm thời gian khảo sát và vì thế có thể cho vay nhanh hơn, phục vụ được nhiều đối tượng hơn.
Nên đa dạng hóa nguồn vốn cho vay với nhiều điều kiện vay, phương thức vay và trả hay lãi suất khác nhau chứ không nhất thiết chỉ có các ngân hàng. Có thể xem xét ủy thác cho vay thông qua các tổ chức như Hội phụ nữ, cựu chiến binh. Khuyến khích mở rộng nhiều hình thức tín dụng nông dân và các ngân hàng tư nhân ở nông thôn trên cơ sở có đăng ký và hoạt động theo luật và quy chế kiểm soát tài chính tín dụng của nhà nước. Khuyến khích quỹ tín dụng này tham gia huy động vốn tại địa phương và cho vay.
Nên xem xét cho vay nhiều hơn với thời hạn lâu hơn. Nghiên cứu đã cho thấy những hộ tiếp cận với vốn vay từ 5 triệu trở lên có xác suất giảm nghèo