PHẦN KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Ngôn chí thi tập (Trang 65 - 67)

88 bài thơ trong Ngôn chí thi tập của Phùng Khắc Khoan chỉ là hơn 1/3 trong tổng số của tập thơ này. Nhưng nó là sự kết tinh là tiếng nói đôn hậu, chân thành đáp ứng hoài bão lớn, khát khao mãnh liệt của một đại sĩ phu thời loạn bấy giờ. Nó vừa mang những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ thơ chữ Hán Việt Nam, vừa có những đặc điểm riêng tạo nên phong cách độc đáo cho riêng tác giả.

Trên phương diện thể loại, 88 bài thơ này hầu hết được làm theo thể tài Kim thể với sự chuẩn xác, tinh tế của thơ Đường. Là một danh nho chính thống hơn nữa lại do ảnh hưởng của lối học khoa cử quan trường, những yêu cầu trong mỗi lần đi sứ khiến cho Phùng Khắc Khoan tuân thủ nghiêm ngặt luật thi này. Mỗi một bài thơ đều bộc lộ cái chí lớn, mỗi một câu thơ là lời ngôn chí chân thành xuất phát tự đáy lòng mà Phùng Khắc Khoan muốn nói cùng hậu thế.

Trên phương diện từ ngữ, Phùng Khắc Khoan đóng góp mộ số lượng lớn các từ mang tính chất nói chí, tải đạo của bậc đại trượng phu, có giá trị phong cách nhất định. Số lượng thực từ được ông sử dụng nhiều hơn so với hư từ. Phùng Khắc Khoan gần như không sử dụng vốn từ chỉ cuộc sống lênh đênh chìm nổi, với thân phận bọt bèo hiu hẩm hay chuyện thư kiếm không thành như Nguyến Du, cũng

không thiên quá nhiều về tự nhiên cây cỏ như Nguyễn Trãi mà ông tập trung vào vốn từ thuộc phạm trù quốc gia, triều đình hay chính sự, học hành. Ông khát khao mong muốn có một xã hội thái bình, nhân dân no ấm, ở đó có một ông vua nhân nghiã biết cái trị và ông cùng các nhà nho khác có thể dốc lòng thờ vua đem hết tài trí giúp vua an nguy trị loạn có thể làm nên được sự nghiệp rực rỡ như Y Doãn, Phó Duyệt, Trương Lương đời xưa. Sự chênh lệch trong cách dùng giữa thực từ với hư từ cũng là nét riêng trong thơ Trạng Bùng và vẫn trong dòng chung của nền văn học bấy giờ.

Bên cạnh đó sự tích hợp từ ngữ và điển cố đã đem lại giá trị nhất định cho 88 bài thơ nói riêng và tập Ngôn chí nói chung. Sự vận dụng một cách sang tạo linh hoạt nhóm điển cố thuộc cả Kinh - Sử - Tử - Tập đã chứng tỏ sự thông kim hiếu cổ về lịch sử Trung Hoa về hệ thống Thi Thư Lễ Nhạc. Tuy nhiên nhóm điển cố thuộc sử bộ chiếm ưu thế nhiều hơn đây cũng là điều dễ hiểu bởi Phùng Khắc Khoan thường hay mượn hình ảnh những con người trong sử sách để bộc lộ cái chí của mnình và niềm cảm phục trước các bậc tiền nhân. Ông tìm thấy ở họ những nét đồng cảm về tâm hồn, cùng chung một hoài bão khát vọng lớn ở đời dù rằng cách xa nhau hàng thể kỉ.

Kẻ hậu thế chúng ta khi nhìn vào sự nghiệp vinh hiển của Phùng Khắc Khoan không khỏi ngạc nhiên khi tình hình đất nước đương trong lúc binh đao khói lửa liên tiếp trong muôn dặm mà Trạng Bùng vẫn quyết tâm đi thi, làm quan, quyết tâm lặn lội vào trong Thanh Hoa để tham gia sự nghiệp trung hưng. Trên thực tế ông phủ nhận lối sống ẩn dật giấu mình trái lại chủ trương hành đạo và khẳng định niềm tin vào thế thái nhân tình vào triều đại vua tôi anh sống. Quan niệm của ông là quan niệm kẻ sĩ sinh ra trên đời phải biết tôn chúa cứu dân đọc sách thánh hiền phải biết phân biệt nghĩa lợi chi rạch ròi đúng đắn. Ngôn chí thi tập là tập thơ có giá trị top lớn tronbg nền văn học chữ Hán trung đại Việt Nam,

đó là tiếng nói chân thành của nhà thơ về con người, về quan niệm nhân sinh quan, đồng thời là lời động viên khích lệ kẻ nsĩ nên biết chuyên tâm học hành và là lời phủ định một quan niệm sống tiêu cực, có cái nhìn u tối. “Thật hiếm thấy một nhà thơ nào cùng thế hệ Phùng Khắc Khoan sống trong buổi loạn lạc anh hung tranh cướp nhau toán loạn mà có được hoài bão tích cực lạc quan như thế. Những bài thơ của ông dù là tự thuật hàng năm, dù là nhắn gửi bạn bè, mừng thọ cha mẹ, dù là jkhánh chúc một nhà học làm xong, một khoa thi vừa đỗ, hay vịnh một thắng cảnh, phẩm bình một nhân vật… bao giờ cũng thể hiện hoài bão ấy” (Đinh Gia Khánh, sđd). Ngôn chí thi tập mang đạm dấu ấn của một con người luôn coi việc học là quan trọng hơn, những câu thơ giáo huấn mà không sáo rỗng cầu kì lại thể hiện sinh động tình yêu thiên nhiên đất nước, tấm lòng băn khoăn trăn trở với những ước lệ phong phú mang chiều sâu tư tưởng thẩm mĩ cao.

Cùng với những tác giả Hán văn đương thời khác, Phùng Khắc Khoan đã đóng góp thêm một tiếng nói, một cái nhìn, một quan điểm tuy không còn mới mẻ nhưng độc đáo và có âm vị riêng. Di cảo của Trạng Bùng hẳn còn thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ giới ngiên cứu và những người yêu thích thơ văn ông. Cái tên Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sẽ mãi còn lưu danh trong sử sách, mãi còn được người đời nhắc đến với niềm cảm phục một con người tài năng khí phách đĩnh đạc khoan thai, có một tấm lòng nghĩa tình sâu nặng ưu ái chân thành với quê hương đất nước.

Một phần của tài liệu Ngôn chí thi tập (Trang 65 - 67)