Làng nghề truyền thống

Một phần của tài liệu Hệ thống di tích lịch sử văn hóa du lịch ở Việt Nam (Trang 43 - 48)

* Nghề làm nem chua ở thành phố Thanh Hoá

Nem chua (quả) ở thành phố Thanh Hoá là một sản phẩm ẩm thực xuất hiện khá lâu đời, ngày nay đã trở thành món đặc sản được thị trường cả nước ưa chuộng. Nghề làm nem chua ở Thành Phố Thanh Hoá tập trung chủ yếu các phố Trường Thi, Cầu Sàng, Lò Chum, Tân Bình, Cầu Bố, Ðông Hương. Nguyên liệu làm nem rất đơn giản, gồm: Thịt lợn nạc, bì (da lợn) hạt tiêu, muối trắng, lá đinh lăng và gạo rang làm thính. Nem chua được gói trong nhiều lớp lá chuối tươi để ủ; sau từ 2 - 3 ngày là ăn được. Nem chua Thanh Hoá là “mồi nhậu” rất được ưa thích của mọi giới từ bình dân đến cao cấp.

* Chiếu cói Nga Sơn

Nga Sơn là một huyện nằm sát biển, về phía Bắc của tỉnh Thanh Hoá. Nghề trồng cói và dệt chiếu ở đây đã có trên 150 năm. Cho đến nay, nghề dệt chiếu vẫn là nghề thủ công - chỉ dùng sợi đay, sợi cói và cái “go” 2 người trong một ngày làm chăm chỉ cũng chỉ được 4 chiếc chiếu loại to. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học đã tạo ra giống cói mới chịu mặn, chịu chua, năng suất cao, chất lượng cói đảm bảo dai, bền, dài tới 2m. Việc đa dạng hoá chủng loại sản phẩm cói cũng đặc biệt được coi trọng. Với bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công ở đây, các sản phẩm chiếu cói, thảm cói, đồ thủ công mỹ nghệ như: làn, dép, đĩa, giỏ trang trí... bằng cói đã không chỉ làm vừa lòng khách trong tỉnh, trong nước mà khách nước ngoài cũng rất ưa chuộng.

Tuy hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm cùng loại bằng chất liệu nhựa, mây, gỗ, tre song nhờ chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nhạy bén với thị trường, đặc biệt là sự ưu việt về giá cả, chủng loại và công dụng mà mặt hàng cói đã chiếm lĩnh được thị trường, kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng đáng kể. Ðến nay, toàn huyện đã có 3 công ty và 10 xí nghiệp, hợp tác xã chuyên sản xuất kinh doanh mặt hàng chiếu cói và các sản phẩm từ cói (chưa kể các công ty nội, ngoại thương cấp tỉnh) toàn huyện có 35% số hộ chuyên sản xuất hàng cói, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 2 triệu lá chiếu, doanh thu năm 2000 ước đạt 30 tỷ đồng, thu

hút gần 2 vạn lao động. Người dân nơi đây còn biết tận dụng những thửa ruộng không trồng được cói để nuôi thuỷ, hải sản và đặc biệt họ còn là những hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình khi khách đến thăm quan vùng quê ngút ngàn cói mà trong tương lai không xa việc phát triển ngành nghề truyền thống chiếu cói sẽ gắn liền với việc phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái.

* Nghề Dệt của người Mường Thanh Hoá

Vùng thung lũng chân núi ở miền núi và trung du Thanh Hoá là địa bàn cư trú chính của người Mường. Trước kia việc giao lưu trao đổi hàng hoá rất khó khăn. Ðể giải quyết nhu cầu vải mặc và các đồ dùng bằng vải khác, đồng bào các dân tộc Mường trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, tự tạo ra nguyên liệu để dệt vải.

Trước đây, hầu như nhà nào cũng có một khung dệt vải, dẫu đơn sơ nhưng rất đỗi quen thuộc. Dệt Mường cũng như dệt của một số dân tộc khác, hầu như có chung một quy trình kỹ thuật; nhưng khác nhau ở tính mỹ thuật của mỗi sản phẩm. Nổi bật nhất của sản phẩm dệt Mường là nghệ thuật trang trí cạp váy với những hoa văn hình học và động vật, mà có nhà nghiên cứu cho rằng: Thể hiện của nghệ thuật từ văn hoá Ðông Sơn. Từ xa xưa trong xã hội Mường cổ truyền, nghề dệt đã trở thành một ngành sản xuất quan trọng, giữ vị trí hàng đầu trong các nghề thủ công gia đình.

* Nghề mộc Ðạt Tài

Ðạt Tài là một làng lớn của xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hoá. Gọi là nghề mộc Ðạt Tài nhưng bao gồm cả hai làng Hạ Vũ (xã Hoằng Ðạt) và Hà Thái (xã Hoằng Hà). Ba làng này thuộc xã Hà Dương, tổng Bút Sơn cũ, nay thuộc xã Hoằng Ðạt và xã Hoằng Hà.

Thợ mộc ba làng này không chỉ làm nhà, đình chùa, cung điện mà còn chạm trổ những cửa võng, hoành phi, tượng, Long, Ly, Quy, Phượng, làm kiệu, làm ngai thờ, Hạc, Ngựa thờ cho đến các loại tủ thờ hiện đại. Thợ mộc Ðạt Tài được nhiều người, nhiều nơi ca ngợi bởi cách bố cục một khung nhà từ cột, xà, rường, kẻ... cân đối hài hoà, thanh thoát và làm nghề có lương tâm. Vì thế mà người ta nói thợ Ðạt Tài làm nhà có phong cách riêng: Chỉ cần nhìn kỹ mấy đường lắp, đường sàm các kẻ ở hiên nhà, nhất là quan sát hình dáng và nét chạm có thể nhận ra nhà nào là do thợ ba làng này làm. Ngày nay tay nghề của những thợ mộc Ðạt Tài vẫn nổi tiếng trong cả tỉnh.

* Nghề đan mây, tre ở Quảng Xương

Nghề đan lát bằng mây tre ở Quảng Xương có từ lâu đời, tập trung và nổi tiếng nhất là ở vùng các xã Quảng Phong, Quảng Ninh,Quảng Ðức. Sản phẩm đan mây tre Quảng Xương rất phong phú; Rổ, rá, nia, dần, sàng v.v... Nhưng nổi tiếng nhất là thúng, mủng, lồng bàn. Dưới thời thực dân phong kiến, thúng, mủng của Quảng Xương đã có tiếng là bền, đẹp. Nét đặc biệt của đồ đan mây tre Quảng Xương là kỹ thuật hun khói để tạo độ bền, làm tăng độ bóng đảm bảo tính thẩm mỹ của sản phẩm. Trong những năm 70 - 80, nhiều mặt hàng mỹ thuật đan mây, tre của Quảng Xương đã có mặt ở thị trường các nước Ðông Âu. Sau một thời gian gián đoạn do thị trường tiêu thụ hẹp, hiện nay, nghề đan mây, tre Quảng Xương đang được phục hồi và phát triển.

* Nghề dệt vải tơ lụa ở Nghĩa Hưng

Nghề dệt vải đã có từ rất lâu đời ở nhiều làng của huyện Hoằng Hoá. Vải của mỗi làng đều mang nét riêng độc đáo và gắn với tên tuổi của làng đó như: vải kẻ Ðầng (Phú Khê), vải kẻ Tổ (Quỳ Chử), vải kẻ Nhợm (Thanh Nga), vải kẻ Tào (Tào Xuyên), vải kẻ Ðằng (Ðằng Xá), vải làng Phùng (Phùng Dực), vải Ðại Ðồng (Hoằng Ðồng),...

Song có lẽ nổi tiếng hơn cả là vải Nghĩa Hưng, hay còn gọi là vải vùng chợ Quăng. Bí quyết làm nên sự nổi tiếng của vải Nghĩa Hưng chính là ở đôi bàn tay khéo léo với tay nghề tinh sảo, kỹ thuật điêu luyện của những cô gái vùng chợ Quăng, nhờ đó hàng dệt ra đã đẹp lại bền. Vải nhuộm nâu hoặc nhuộm màu thì càng đẹp, càng bền, làm say lòng khách hàng thuộc mọi lứa tuổi.

Người kẻ Quăng dệt vải quanh năm, hầu như nhà nào cũng có khung dệt. Tuy không hợp thành phường, nhưng họ vẫn thường xuyên trao đổi và truyền lại kinh nghiệm cho nhau. Thậm chí, người dân trong vùng còn thi dệt tốt, dệt đẹp, để vải dệt ra “có tiếng”. Vải “có tiếng” mới được nhiều người tiêu thụ, mới giữ được phẩm giá cho cá nhân và cả gia đình. Do vậy có câu ca dao:

Ai về Hoằng Nghĩa mà xem,

Chợ Quăng một tháng bốn mươi hai phiêu điều (đều) Trai mỹ miều gắng công đèn sách

Gái thì dệt cửi vừa nhanh vừa tài

Phải “dệt cửi vừa nhanh vừa tài” và giữ tiếng thì “gái thanh tân” mới được các chàng thư sinh mến, mới được các nhà khoa bảng "nhăm nhe" cho con trai mình. Do vậy, đến phiên chợ Quăng, đình làng vải đông nghịt người. Người đi mua vải, mua tơ lụa đã đông mà các chàng trai đi ngắm nhìn các cô gái Hằng Nghĩa, Nguyệt Viên,... ngồi bán vải, bán tơ lụa cũng đông không kém.

Ngày nay, bà con vùng kẻ Quăng dệt vải thước, vải màn bằng khung cải tiến, song chất lượng cũng không kém bất cứ nơi nào trong cả nước.

2.2.4. Bảo tàng

* Bảo tàng Thanh Hóa

Bảo tàng Thanh Hóa là một quần thể kiến trúc, gồm ba toà nhà kiên cố được xây dựng từ thời thuộc Pháp. Nhà trưng bày lớn ba tầng bề thế, vừa cổ kính, vừa hiện đại, tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn với nhiều cây cổ thụ nằm cạnh đường Trường Thi (TP Thanh Hóa) - một địa danh lịch sử về một thời trường ốc với nền giáo dục Nho học ở chốn “cửa Khổng sân Trình” triều Nguyễn, hiện còn lưu giữ tấm bia “khuyến học” dựng năm Thành Thái thứ 3 (1892).

Bảo tàng Thanh Hóa ra đời từ năm 1955, đến nay đã trở thành một trong những địa chỉ văn hóa - khoa học của tỉnh. Là nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy những giá trị di sản văn hóa quí báu của quốc gia, đồng thời cũng là nơi nghiên cứu khoa học và truyền bá khoa học lịch sử, một địa điểm hấp dẫn của du lịch trong thời kỳ hội nhập và phát triển toàn cầu thông qua những bộ sưu tập hiện vật giá trị, quí hiếm và đầy sức truyền cảm.

Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Thanh Hóa hiện nay được trình bày theo trình tự lịch sử từ khi xuất hiện những con người tối cổ trên đất Thanh Hóa đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đến năm 1975, đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước. Tiến trình lịch sử này được thể hiện trong một không gian gồm 3 phòng trưng bày lớn. Bên cạnh hệ thống trưng bày chính, bảo tàng còn có 4 phòng trưng bày chuyên đề riêng, thường xuyên trưng bày giới thiệu một chủ đề lịch sử, một sưu tập cổ vật đặc sắc, quí hiếm, một đặc trưng văn hóa độc đáo của dân tộc...

Hiện nay, kho cơ sở Bảo tàng Thanh Hóa với hơn 629m2, hiện lưu giữ hơn 24.000 hiện vật lịch sử các loại. Với 5 phân kho được sắp đặt, bảo quản theo chất liệu, trong đó có nhiều bộ sưu tập hiện vật quí hiếm, giá trị: Sưu tập gốm Tam Thọ, sưu tập gốm sứ thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn; các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá; sưu tập các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ; sưu tập chuông đồng; thạp đồng; sưu tập tiêu bản các loại thú quí hiếm ở Thanh Hóa.

Trong xu thế hội nhập và mở cửa, bằng giải pháp mới trong phương pháp trưng bày, Bảo tàng Thanh Hóa sẽ từng bước hiện đại hóa bằng cách trong hệ thống trưng bày chính, sẽ cải tạo, bổ sung, nâng cấp các phòng trưng bày hiện có và xây dựng những phần trưng bày mới lấp dần những khoảng trống lịch sử, văn hóa: Phòng trưng bày “Thiên nhiên Thanh Hóa”; “Thanh Hóa thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc”(TK I đến TK X); “Thanh Hóa thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ”( TK X đến TK XIX); “Thanh Hóa giai đoạn 1975 đến nay” và các phòng trưng bày chuyên đề; “Đặc trưng văn hóa dân tộc Việt, Dao, Mông, Khơ Mú, Thổ”...

Trong những năm qua, Bảo tàng Thanh Hóa đã đón hàng trăm ngàn lượt khách, trong đó có hàng ngàn du khách đến từ nhiều quốc tịch khác nhau. Tuy nhiên, lượng khách đó còn rất khiêm tốn, mặc dù Bảo tàng Thanh Hóa đã là một địa danh du lịch trên bản đồ du lịch Thanh Hóa. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Trước vận hội, thời cơ và nhiều thách thức mới, vừa qua, ngày 9-9-2009, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có một buổi làm việc với Bảo tàng Thanh Hóa, với nhiều nội dung cụ thể cả trước mắt và lâu dài. Trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới cách trình bày, chú ý công tác qui hoạch, đồng thời có dự án để sưu tầm, bảo quản hiện vật, trưng bày ngoài trời, cải tạo khuôn viên... thu hút khách tham quan đến với bảo tàng ngày một nhiều hơn

* Bảo tàng cổ vật Hoàng Long

Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long (BTCVHL) được thành lập vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ nhất- ngày 23-11-2006. Đây là bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên của Việt Nam được Nhà nước cho phép thành lập và đi vào hoạt động. BTCVHL nằm trong khuôn viên của khu ẩm thực Rừng Trong Phố tại số 41 Đội Cung, phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa.

Hiện nay tổng số hiện vật sưu tầm được gần 12.000 cổ vật với đủ tất cả chất liệu từ đồ đá, đồ đất nung, đồ gốm, đồ đồng, đồ sứ…. trải dài qua các thời kỳ lịch sử trên phạm vi toàn quốc. BTCVHL đang trưng bày tại phòng trưng bày cổ vật chính với số hiện vật là 6.200 hiện vật với đầy đủ các chất liệu và trải dài qua các thời kỳ lịch sử trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam và một số quốc gia ở khu vực Đông Nam châu Á.

Hiện vật được trưng bày theo sưu tập và chất liệu với một số bộ sưu tập tiêu biểu như: Bộ sưu tập rìu đá cách ngày nay 4 vạn năm; bộ sưu tập trống đồng minh khí thuộc văn hóa Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.500 năm; bộ sưu tập đồ đồng văn hóa Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.500 năm; bộ sưu tập gương đồng Hán thế kỷ I-III; bộ sưu tập bát gốm thời Lý- Trần; bộ sưu tập gốm Hoa nâu thời Trần thế kỷ XIII-XIV; bộ sưu tập bình tỳ bà gốm Chu Đậu thế kỷ XV; bộ sưu tập ấm thế kỷ I- XIX; bộ sưu tập hiện vật gốm, sứ Trung Hoa thế kỷ XI-XVIII... Các bộ sưu tập nói trên là những hiện vật độc đáo và có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, kinh tế, đang được trưng bày khoa học và ấn tượng tạo nên sự hài hòa và tinh tế trong từng cổ vật làm cho du khách hài lòng khi đến tham quan và chiêm ngưỡng.

Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long cùng với Nhà hàng “Rừng Trong Phố” là điểm đến không thể thiếu cho du khách đến với “thành phố bên bờ sông Mã”.

Một phần của tài liệu Hệ thống di tích lịch sử văn hóa du lịch ở Việt Nam (Trang 43 - 48)