Chương III: Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông cho bia Tiger tại thị trường miền Bắc
3.3. Các giải pháp về các chữ P khác
- Về sản phẩm
Theo những thông tin phản hồi từ người tiêu dùng, có 2 vấn đề về sản phẩm bia Tiger được nhiều khách hàng nam phản ánh. Đầu tiên đó chính là bia Tiger uống thường có vị đắng, không giống các loại bia khác. Nhiều khách hàng cảm thấy không thoải mái với sự khác biệt này của Tiger và cho rằng bia không phù hợp với khẩu vị cũng như thói quen của đại bộ phận người dân miền Bắc. Thực tế cũng cho thấy sản phẩm bia Tiger không được thực sự thành công ở thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận như đã làm được với thị trường trong Nam và các nước khác. Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, vì hương vị của bia đã trở thành bản sắc và được đưa vào quy chuẩn dây chuyền công nghệ. Việc thay đổi hương vị cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng rõ ràng là điều không thể. Đây là việc nằm ngoài khả năng của ban lãnh đạo công ty. Vì vậy, trong ngắn hạn, khó có thể hi vọng sẽ có nhiều khách hàng mới tìm đến với bia Tiger vì yêu thích hương vị đặc biệt của bia. Trong dài hạn, công ty cần có những chiến lược mới về sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Đó có thể là:
• Kết hợp với các công ty chế biến thực phẩm cho ra đời những loại thực phẩm, đồ ăn phù hợp, sao cho hương vị của món ăn sẽ ngon hơn khi dùng kèm bia Tiger. Cách làm này cũng giống như hải sản phải chấm mù tạt. Mù tạt không là một loại gia vị hết sức hăng và cay, không tạo cảm giác ngon miệng. Thế nhưng khi hải sản dùng kèm mù tạt lại tạo cảm giác dễ chịu, vừa khử được mùi tanh, vừa làm đậm thêm vị ngọt của hải sản. Đây có thể là một ý tưởng cho ban lãnh đạo công ty trong việc hợp tác nhằm tạo ra các loại đồ ăn không thể dùng khi thiếu bia Tiger
Vấn đề thứ hai được người sử dụng bia Tiger phàn nàn đó là họ cảm thấy nhức đầu sau khi uống bia. Điều đặc biệt là có khá nhiều khách hàng than phiền về vấn đề này. Đây là việc ban lãnh đạo công ty cần phải giải quyết ngay nếu không muốn mất đi những khách hàng quen thuộc. Đầu tiên cần xác định xem nguyên nhân nhức đầu do đâu, có thể do nồng độ cồn trong bia cao, có thể trong bia có các chất mà các loại bia khác không có, cũng có thể một số khách hàng bị dị ứng khi sử dụng bia:
• Nếu trường hợp nhức đầu là do độ cồn cao, công ty cần hướng dẫn trên bao bì sản phẩm khuyến cáo về độ cồn và đưa ra lời khuyên cho người uống. Việc làm này vừa cho thấy nhà sản xuất có trách nhiệm với sức khoẻ của người sử dụng, vừa khiến người sử dụng yên tâm hơn khi sử dụng bia Tiger
• Trường hợp trong bia có những chất gây cảm giác nhức đầu, khó chịu, công ty cần nghiên cứu để loại bỏ những chất này khỏi sản phẩm
• Trường hợp một số đối tượng khách hàng bị dị ứng khi sử dụng bia, công ty cần tiến hành các cuộc nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân cũng như phát hiện chính xác đối tượng bị dị ứng. Qua đó có thể đưa ra những khuyến cáo với khách hàng nhằm đảm bảo bia Tiger luôn là người bạn của đấng mày râu nhưng cũng luôn coi trọng sức khoẻ của người sử dụng
- Về giá cả
Các bộ phận chức năng có liên quan đến khâu làm giá nên có sự kết hợp với phòng công nghệ để làm giảm thấp nhất chi phí sản xuất ra sản phẩm nhằm làm hạ giá thành sản phẩm, tăng sự cạnh tranh bằng giá cho công ty.
Tâm lý của hầu hết khách hàng ai cũng muốn mua hàng với giá rẻ nhất vậy làm thế nào để công ty có thể mang lại cho khách hàng sự hài lòng ở mức giá họ mua? Do bia Tiger được sản xuất bởi dây chuyền và nguyên liệu ngoại nhập nên giá thành không thấp. Tuy nhiên, do bia Tiger là sản phẩm cao cấp nhắm vào đối tượng khách hàng thu nhập khá trở lên nên việc áp đặt mức giá thấp cũng không hợp lý và mâu thuẫn với chiến lược của công
ty. Vì vậy, công ty cần tiến hành những cuộc khảo sát, nghiên cứu thị trường để biết được đánh giá của khách hàng về giá hiện thời của bia Tiger, từ đó tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở so sánh với giá của các sản phẩm cạnh tranh để đưa ra mức giá hợp lý nhất, sao cho vừa có thể thoả mãn khách hàng, vừa đảm bảo mang lại lợi nhuận cũng như tạo lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ xây dựng hình ảnh thương hiệu.
Ngoài ra, công ty cũng cần nghiên cứu chính sách giá tại các thời điểm trong năm. Ví dụ như mùa đông là thời điểm lượng tiêu thụ mặt hàng bia xuống mức thấp nhất, công ty cần nghiên cứu xem có nên dùng chính sách hỗ trợ giá không, và nếu có thì mức hỗ trợ là bao nhiêu để vẫn đảm bảo lợi nhuận cũng như doanh số bán ra. Ngược lại, vào mùa nóng và dịp tết là 2 thời điểm lượng tiêu thụ bia tăng cao, công ty cũng cần nghiên cứu xem có nên tăng giá để tăng lợi nhuận không, hay giữ nguyên giá để tạo lợi thế cạnh tranh nhằm tăng doanh số
- Về kênh phân phối
Kênh bán lẻ trực tiếp là kênh dễ dàng đưa hình ảnh công ty, sản phẩm đến khách hàng cá nhân nhất, vì vậy loại kênh này nên được triển khai một cách rộng rãi hơn nữa. Để đảm bảo các kênh bán lẻ có mạng lưới rộng khắp nhưng vẫn giữ được hình ảnh và vị thế của thương hiệu, công ty cần có một hệ thống giám sát chất lượng, đồng thời đảm bảo sự cam kết của các nhà bán lẻ trực tiếp như nhà hàng, khách sạn… Các nhân viên làm việc tại các điểm tiêu thụ trực tiếp này cần giữ được tác phong đúng mực theo quy định của bia Tiger. Ngoài ra công ty cũng có thể bố trí đại diện nhãn hiệu tại các điểm tiêu thụ trực tiếp lớn như các nhà hàng lớn hay trung tâm giải trí để đảm bảo việc giám sát được hiệu quả.
Công ty nên có các chính sách khuyến khích các thành viên kênh hoạt động một cách hiệu quả hơn, nên có chính sách ưu đãi hợp lý. Như đã đề cập ở trên, hiện tại công ty vẫn đang tiến hành phát những sản phẩm khuyến mãi như cốc, ô… cho các thành viên kênh, kèm theo đó là một mức chiết khấu nhất định. Tuy vậy, theo đánh giá của các thành viên thì mức chiết khấu cũng chỉ ở mức trung bình so với thị trường, vậy muốn các thành viên kênh hoạt động hiệu quả hơn thì công ty có thể tăng chiết khấu cho trung gian thương mại hoặc dành cho họ mức thưởng về doanh số trong các đợt lễ hội, có các chính sách gắn bó trung gian với nhà sản xuất. Nhân các đợt chào mừng ngày thành lập công ty hay những ngày lễ lớn thì có thể tăng mức chiết khấu lên thêm 1% đến 2% so với ngày thường và thưởng doanh số.