đào tạo.
- Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra của các cơ quan hành chính nhà nước đối với việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Tiến hành thường xuyên hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý giáo dục - đào tạo các cấp đối với tất cả các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
- Hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát phải gắn với việc kết luận đánh giá mức độ thực thi pháp luật, về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo. Xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm trong thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo. Gắn việc xử lý vi phạm với hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, bảo đảm việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo ở tỉnh.
- Củng cố tổ chức, bộ máy cơ quan thanh tra giáo dục các cấp. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra; thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên kết hợp với thanh tra, kiểm tra đột xuất có trọng tâm, trọng điểm. Phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ việc, các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện chương trình đào tạo, trong quản lý và sử dụng tài sản, tài chính; trong tuyển sinh, thi cử, đánh giá; trong cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ.
- Tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo bố trí số cán bộ thanh tra đạt ít nhất 10% tổng biên chế quản lý nhà nước của cơ quan Sở Giáo dục - Đào tạo. Cán bộ làm công tác thanh tra cần được lựa chọn từ những người có trình độ chuyên môn, đã kinh qua công tác quản lý, có phẩm chất tốt, có năng lực đánh giá, kết luận, kiến nghị biện pháp giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thanh tra giáo dục.
- Chú ý xây dựng đội ngũ thanh tra quản lý tài chính, tài sản. Bên cạnh số thanh tra chuyên trách cần tăng cường lựa chọn, bổ nhiệm cộng tác viên thường xuyên (thanh tra viên kiêm nhiệm) để đủ lực lượng hoàn thành các chỉ tiêu thanh tra. Các Phòng Giáo dục - Đào tạo phải bố trí ít nhất một cán bộ chuyên trách công tác thanh tra.
3.2.8. Hoàn thiện các văn bản pháp quy về giáo dục và đào tạo ở tỉnh Bình Định Định
Thực tiễn của việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo ở tỉnh Bình Định cho thấy pháp luật về giáo dục và đào tạo của nước ta thực sự chưa ngang tầm, còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của giáo dục và đào tạo, nhất là trong điều kiện đổi mới hiện nay và yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Những hạn chế như: việc thể chế hoá nhiều nghị quyết của Đảng còn chậm và lúng túng, lại thiếu kiểm tra đôn đốc; nhiều chủ trương đã được đưa ra nhưng thiếu chính sách và cơ chế pháp lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện; hệ thống pháp luật giáo dục và đào tạo chưa đồng bộ và thiếu cụ thể; nội dung và hình thức của hệ thống văn bản pháp luật về giáo dục và đào tạo hiện hành chưa ngang tầm với đòi hỏi của thực tiễn về số lượng và đặc biệt là chất lượng; các văn bản ban hành còn thiếu toàn diện chưa đầy đủ, đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn, nhiều lĩnh vực bức xúc của hoạt động giáo dục và đào tạo vẫn chưa được điều chỉnh... đã làm hạn chế hiệu quả của vấn đề thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo ở tỉnh Bình Định.
Để bảo đảm thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo cần phải hoàn thiện các văn bản pháp quy về giáo dục và đào tạo. Hoàn thiện các văn bản pháp quy về giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu cho việc thể chế hoá nhất quán các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo; tăng cường xã hội hoá sự nghiệp giáo dục theo hướng bảo đảm sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, tránh tình trạng thương mại hoá giáo dục; tiếp tục củng cố, duy trì, phát huy tính chất xã hội chủ nghĩa của nền giáo dục Việt Nam, đồng thời tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ để thực hiện chủ trương chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá giáo dục-đào tạo; bảo đảm đạt được các mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục, nâng cao khả năng đáp ứng của sự nghiệp giáo dục-đào tạo đối với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tiến bộ khoa học công nghệ, củng cố quốc phòng an ninh, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Để từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục và đào tạo, đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 1998; chỉ đạo và đưa vào kế hoạch xây dựng luật và pháp lệnh một số luật khác như Luật Giáo viên, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp... Chính phủ cần có kế hoạch thực hiện một số chủ trương trong chỉ đạo và quản lý lĩnh vực giáo dục và đào tạo như: Điều chỉnh và
phân bổ ngân sách giáo dục-đào tạo theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư cho giáo dục phổ cập, giáo dục vùng dân tộc và vùng khó khăn và các chương trình mục tiêu ưu tiên khác; ban hành chính sách mới về học phí, học bổng, tiếp tục có chính sách ưu tiên, hỗ trợ để cho con em các gia đình thuộc diện chính sách, gia đình nghèo và học sinh xuất sắc có điều kiện học tập tốt hơn...
Trong phạm vi quản lý của địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định cần xây dựng và ban hành qui chế phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo với các ban ngành liên quan, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế, các cơ sở đào tạo và gia đình của người học trong việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở qui định của Trung ương, tỉnh Bình Định cần ban hành chính sách học phí, học bổng mới phù hợp với tình hình của địa phương và khả năng thực tế của nhân dân, khuyến khích việc học tập của nhân dân. Hoàn thiện các văn bản pháp quy về giáo dục và đào tạo phải bảo đảm phản ảnh đúng thực tiễn cuộc sống, khắc phục những yếu kém, phát huy hiệu lực và hiệu quả theo tinh thần: “nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, ban hành các văn bản pháp luật với những văn bản cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm dần các luật, pháp lệnh, chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung, muốn thực hiện được phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành” [18, tr.130].
3.2.9. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo ở tỉnh Bình Định