Nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chứng cứ và vấn đề chứng minh trong Bộ luật Tố tụng dân sự pdf (Trang 27 - 29)

- Giai đoạn từ 2005 đến nay

2.1.1.Nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ

Tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự đã khẳng định quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự lại quy định về việc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự, trong đó nêu:

1. Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

Vậy, vì sao pháp luật tố tụng dân sự lại đặt ra nghĩa vụ chứng minh cho đương sự? Sở dĩ như vậy do: ở quan hệ dân sự là quan hệ riêng tư của các bên, do các bên tự quyết định, tự giải quyết là chủ yếu và chỉ khi các bên không tự giải quyết được thì họ cũng tự quyết định có yêu cầu Nhà nước hỗ trợ hay không? Mặt khác, các bên đương sự là người hiểu rõ vụ việc của mình nhất, thường biết rõ tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc của mình có những gì, còn hay không còn, đúng hay không đúng và đang ở đâu. Do đó, khi các bên đưa tranh chấp của họ ra Tòa án, thì tòa án là trọng tài giúp các bên giải quyết tranh chấp một cách khách quan và đúng pháp luật, chứ tòa án không thể làm thay, chứng minh cho đương sự với những yêu cầu của họ. Thời gian qua, trong một số vụ án đương sự không hiểu về nghĩa vụ của mình về việc tự chứng minh nên đã không hợp tác với Tòa án, gây ảnh hưởng và cản trở cho quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Có người không đến tòa khi tòa triệu tập để lấy lời khai, không tham gia vào buổi định giá, hòa giải, đối chất, không cho tòa xem xét đối tượng tranh chấp.

Ví dụ: Vụ án đòi nợ tại Tòa án nhân dân huyện Đông Anh - Hà Nội. Nguyên đơn là anh Nguyễn Văn Lan thường trú tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh. Bị đơn là bà Hoàng Thị Hải trú tại Nam Hồng - Đông Anh - Hà Nội. Sự việc bà Hải ký vay nợ 20.000.000đ và mua anh Lan chiếc xe máy; anh Lan đã làm đơn khởi kiện, Tòa án nhân dân huyện Đông Anh thụ lý giải quyết, Tòa án làm giấy triệu tập lần đầu bà Hải có mặt và phản đối giấy vay nợ trong việc mua xe, và bảo xe đang đi không phải của anh Lan và khẳng định không phải chữ ký của bà. Tòa án nhân dân huyện đã làm giấy triệu tập rất nhiều lần nhưng bà Hải đều vắng mặt không có lý do: Vì vậy, việc lấy lời khai, hòa giải và đối chất đều không thực hiện được. Lý do bà Hải đưa ra là Tòa án phải có nhiệm vụ chứng minh chữ ký của bà và chứng minh xe máy của anh Lan (xe máy không phải chính chủ của anh Lan mà của người khác anh Lan đã mua chỉ viết giấy trao tay). Hiện nay, bà Hải đã tẩu tán chiếc xe máy. Anh Lan đã đề nghị Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng đối tượng vật - chiếc xe đã không còn. Anh Lan đề nghị giám định chữ ký của bà Hải tại Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an nhưng bà Hải không cho lấy mẫu chữ ký. Vụ án từ khi khởi kiện đến nay đã hơn 01 năm vẫn trong vòng bế tắc.

Tòa án muốn căn cứ vào các chứng cứ bên kia cung cấp và các tài liệu đã thu thập được để xét xử trong một số vụ án cụ thể là không khả thi. Có quan điểm cho rằng, nếu đương sự không cho xem xét, định giá, giám định thì cần có biện pháp cưỡng chế đối với bên không hợp tác với tòa án, để bảo đảm cho việc thu thập chứng cứ được đầy đủ và việc xử lý đúng đắn. Đối với vấn đề này, pháp luật đã dành cho đương sự quyền lựa chọn phương án hành động có lợi (đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình hay phản đối yêu cầu của người khác) hoặc phương án hành động bất lợi cho mình (không cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình...) thì họ phải gánh chịu hậu quả tương ứng với phương án mà đương sự tự định đoạt, tự lựa chọn là quy định hợp lý cả về quy phạm pháp luật và cả về thực tiễn xét xử. Có như vậy mới là biện pháp tác động đến hành vi ứng xử của công dân phải sống theo hiến pháp và pháp luật mà không cần sử dụng đến biện pháp mạnh là cưỡng chế.

Bởi vậy, việc quy định đương sự phải chịu hậu quả về việc chứng minh của mình vừa bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự vừa nâng cao trách nhiệm cho đương sự.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chứng cứ và vấn đề chứng minh trong Bộ luật Tố tụng dân sự pdf (Trang 27 - 29)