Các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp huyện mà tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để xét xử

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn (Trang 30 - 33)

huyện mà tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để xét xử

Nghiên cứu thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện không thể không nghiên cứu nội dung này. Các vụ án thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện mà TAND cấp tỉnh lấy lên để xét xử thực chất là những vụ án được quy định tại khoản 1 Điều 170 của BLTTHS năm 2003 đã được phân tích ở trên, nhưng những vụ án này lại phức tạp hoặc có căn cứ cho rằng nếu để TAND cấp huyện xét xử theo thẩm quyền sẽ gặp khó khăn, hoặc thiếu khách quan, TAND cấp tỉnh

xét thấy cần thiết phải chuyển lên cấp tỉnh để xét xử bảo đảm tính khách quan, đúng đắn của bản án.

Khoản 2 Điều 170 BLTTHS năm 2003 quy định: “Tòa án nhân dân cấp

tỉnh... xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện... hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử”.

Từ khi ban hành BLTTHS năm 2003, chưa có một văn bản dưới luật nào quy định những vụ án thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện với tính chất như thế nào thì TAND cấp tỉnh lấy lên để xét xử. Khi vận dụng quy định này, trên thực tế đều áp dụng Thông tư liên ngành số 02 ban hành ngày 12/11/1989 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ tư pháp, Bộ nội vụ hướng dẫn về vấn đề này khi thực hiện BLTTHS năm 1988. Thông tư giao thẩm quyền cho Chánh án Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát, và Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh căn cứ vào khả năng thực tế của các Thẩm phán, Kiểm sát viên và Điều tra viên của cấp huyện ở địa phương mình mà xác định những loại vụ án cần thiết lấy lên để điều tra, truy tố, xét xử ở cấp tỉnh. Thông tư nêu rõ một số trường hợp cấp tỉnh nên lấy lên điều tra, truy tố, xét xử đó là:

- Những vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Ví dụ, vụ án có nhiều đối tượng phạm tội tham gia, có nhiều tình tiết định khung tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khó đánh giá như: phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, côn đồ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, hoặc phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng...

- Vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Cán bộ lão thành chủ chốt ở cấp huyện, người nước ngoài, người có chức sắc cao trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.

Khi xác định vụ án thuộc trường hợp trên đây mà Viện kiểm sát đã truy tố xét xử ở TAND cấp huyện thì TAND cấp huyện trả lại hồ sơ cho Viện kiểm sát

cùng cấp để Viện kiểm sát chuyển hồ sơ lên Viện kiểm sát cấp trên để truy tố trước TAND cấp tỉnh.

Ví dụ, khoảng 0 giờ 30 phút ngày 24/10/2004, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Sơn La đã bắt quả tang tại nhà của Võ tiến Sơn 43 đối tượng đang có mặt tại chiếu bạc, trong đó có 31 đối tượng đánh bạc với hình thức xóc đĩa ăn tiền. Khám xét thu giữ tài sản đánh bạc là 57 triệu đồng. Quá trình điều tra đã xác định Nguyễn Văn Thảo đã đến nhà Võ Tiến Sơn đặt vấn đề thuê nhà để tổ chức đánh bạc, mỗi tối Thảo lấy 1 triệu đồng, còn lại là của Sơn. Kết thúc quá trình điều tra, truy tố và xét xử, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã ra bản án sơ thẩm số 243/HSST ngày 18/8/2004 tuyên:

- Nguyễn Văn Thảo phạm tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc. Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 248 và khoản 1 Điều 249 BLHS năm 1999 sử phạt bị cáo Thảo 2 năm tù giam cùng hình phạt bổ sung là 10 triệu đồng.

- Võ Tiến Sơn phạm tội đánh bạc và gá bạc, áp dụng điểm b khoản 2 Điều 248 và khoản 1 Điều 249 của BLHS năm 1999 sử phạt bị cáo Sơn 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 24 tháng, cộng hình phạt bổ sung là 10 triệu đồng.

- 29 bị cáo còn lại đều bị phạt tiền hoặc phạt tù với mức án từ 6 tháng đến 2,5 năm tù cho hưởng án treo.

Mặc dù vụ án này thuộc thẩm quyền xét xử của TAND huyện Mộc Châu - Sơn La vì mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với mỗi bị cáo đều thấp hơn 7 năm tù. Nhưng về tính chất của vụ án, sự phức tạp của vụ án, ta thấy số lượng bị cáo đưa ra xét xử tới 31 bị cáo, trong đó có những bị can bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội (có liên quan đến nhau), bản thân các đối tượng cư trú tại nhiều địa bàn khác nhau. Nếu như để vụ án xét xử tại TAND huyện Mộc Châu, cũng có nghĩa là thẩm quyền điều tra, truy tố thuộc về Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân huyện Mộc Châu, do lực lượng cán bộ tố tụng hình sự còn mỏng, cơ sở vật chất không đảm bảo, về nghiệp vụ, trình độ chuyên môn còn thấp sẽ vượt quá khả năng của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Mộc Châu. Vì vậy, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã quyết

định chuyển vụ án này lên cấp tỉnh để giải quyết nhằm đảm bảo tính khách quan, kịp thời trong quá trình giải quyết vụ án.

Như vậy, theo cách quy định tại khoản 1 Điều 170 BLTTHS năm 2003, thẩm quyền xét xử theo sự việc các VAHS của TAND cấp huyện đã được mở rộng hơn trước rất nhiều. Các vụ án mà TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết là những vụ án về những tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với tội đó là đến 15 năm tù, loại trừ những tội phạm được quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 170 BLTTHS năm 2003. Đó là những tội phạm do tính chất quan trọng của quan hệ xã hội mà nó xâm hại hoặc hậu quả mà nó có thể gây ra, hoặc do tính chất đặc thù của hành vi phạm tội. Để bảo đảm cho chất lượng xét xử, các nhà làm luật đã loại trừ những vụ án đó ra khỏi thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện mặc dù mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với mỗi tội ấy có thể chỉ đến 15 năm tù. Đồng thời, TAND cấp huyện cũng không được xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của mình nếu TAND cấp tỉnh lấy lên để xét xử và không được xét xử những vụ án nếu đối tượng phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự khu vực.

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn (Trang 30 - 33)