Về cơ cấu sở hữu, Nhà nước không nên nắm giữ quá nhiều cổ phiếu của một công ty. Đối với những công ty mà Nhà nước nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu chi phối (từ 51% trở lên) thì chủ tịch HĐQT, giám đốc, kế toán trưởng thường là những người đại diện cho phần vốn của Nhà nước và gần như không có thay đổi so với DNNN trước đây. Từ đây, Nhà nước có thể can thiệp sâu rộng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty. Như vậy, việc CPH chỉ là hình thức “bình mới, rượu cũ”, và vì vậy không có những chuyển biến lớn về tổ chức quản lý, điều hành của công ty. Theo chúng tôi, Nhà nước nên mạnh dạn mở rộng tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ cho các nhà đầu tư có tiềm lực ở bên ngoài (trừ một số ít công ty thuộc lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ cổ phiếu chi phối), đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Có như vậy các ty cổ phần mới có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý hiện đại ở bên ngoài. Trên cơ sở đó chắc chắn hiệu quả hoạt động của các công ty sẽ được nâng lên.
Đối với những DNNN đã CPH mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, có thể giao hết cho nhà đầu tư thông qua bán 100% giá trị vốn của Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp. Mặt khác, cũng phải quan tâm khống chế tỉ lệ mua cổ phiếu tối đa đối với cán bộ lãnh đạo, khuyến khích cán bộ công nhân mua nhiều cổ phần để tham gia quản lý công ty. Có biện pháp ngăn chặn việc cán bộ công nhân bán hết cổ phiếu ưu đãi của mình cho một người, làm mất đi ý nghĩa việc CPH DNNN là đa dạng hoá sở hữu chứ không phải tư nhân hoá sở hữu.
Thành lập bộ phận theo dõi, giúp đỡ các công ty cổ phần tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là khâu dùng vốn của Nhà nước thu
được trong quá trình CPH hỗ trợ cho công ty cổ phần vay để thay đổi thiết bị công nghệ, phát triển qui mô sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.