6. Cấu trúc luận văn
3.7.1. Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ là một địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc và nhân loại đặc biệt là từ sau chiến thắng thực dân Pháp lẫy lừng, vang dội năm 1954. Ngày nay cái tên Điện Biên Phủ là một địa danh gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa trường tồn và cũng là một trong những địa danh có nhiều cách giải thích chưa thống nhất về nguồn gốc tên gọi.
Điện Biên hay Điện Biên Phủ là một vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời. Về đời Hùng Vương, vùng Tây Bắc nước ta - trong đó có Mường Thanh - là đất Văn Lang. Về đời Lý, đất Mường Thanh nằm trong địa hạt châu Lâm Tây. Đời Trần, nước ta có 15 lộ thì Mường Thanh thuộc châu Ninh Viễn, lộ Đà Giang. Châu Ninh Viễn tương đương với cả tỉnh Lai Châu (cũ). Đến đầu đời Lê, Mường Thanh thuộc châu Phục Lễ, trấn Gia Hưng (châu Phục Lễ, tức Mường Lễ, tức Lai Châu cũ). Năm 1469, Mường Thanh thuộc phủ An Tây, thừa tuyên Hưng Hóa (phủ An Tây nguyên là châu Phục Lễ). Năm 1775 (có tài liệu nói năm 1777), chúa Trịnh đặt châu Ninh Biên thì Mường Thanh là trung tâm, là thủ phủ của Ninh Biên. Mãi đến năm 1841, đời Thiệu Trị nguyên niên, phủ Điện Biên được thành lập bao gồm cả châu Ninh Biên. Từ đó tên gọi Điện Biên hay Điện Biên Phủ mới xuất hiện. Từ khi thực dân Pháp đặt ách thống trị ở tỉnh Lai Châu (cũ) cho đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, châu Điện Biên thuộc tỉnh Lai Châu. Đến năm 1955, khu tự trị Thái - Mèo, sau đổi là khu tự trị Tây Bắc, được thành lập (không có cấp hành chính tỉnh) thì châu Điện Biên trực thuộc sự chỉ đạo của khu. Đến năm 1962, khi tỉnh Lai Châu được khôi phục thì huyện Điện Biên cũng được thành lập, không còn tồn tại châu Điện Biên. Huyện Điện Biên tồn tại cho đến ngày nay tuy nhiên địa giới của huyện đã bị chia tách nhiều để thành lập thị xã Điện Biên Phủ (năm 1992) và thành phố Điện Biên Phủ (năm 2003).
Về tên gọi, Điện Biên Phủ là vùng đất của người Thái bản địa cùng với một số dân tộc ít người khác và sau này có thêm người Kinh lên khai hoang sinh sống nên địa danh Điện Biên Phủ có cả nguồn gốc tiếng Thái và tiếng Việt.
* Nguồn gốc tên gọi bằng tiếng Thái.
Điện Biên Phủ có tên gọi bằng tiếng Thái là Mường Thanh. Đây cũng là tên gọi xa xưa và phổ biến nhất của Điện Biên Phủ. "Mường Thanh" là cách đọc theo phát âm của tiếng phổ thông. Nếu phát âm theo cách phát âm của tiếng Thái địa phương thì phải đọc là "Mướng Then" hoặc "Mưỡng Then". Theo "Từ điển Thái - Việt" do Hoàng Trần Nghịch - Tòng Kim Ân biên soạn thì "then" có nghĩa là "thượng đế", "thần", "mưỡng" là "mường, nước, tổ quốc". "Mưỡng Then" hay
"Mướng Then" là thiên cung, là mường trời, là cõi trời hay là một xứ của trời. Sau này tùy theo cách phiên âm Thái - Việt, Hán - Việt mà người ta gọi với các tên khác nhau như: Mường Thanh, Mường Theng, Mường Then, Mường Thiên... trong đó tên gọi Mường Thanh là phổ biến nhất và được dùng nhiều nhất.
Trong tác phẩm “Sông núi Điện Biên” (2000), Trần Lê Văn cho rằng từ "mường" là một từ có nghĩa co giãn trong ngôn ngữ Thái. Có thể đó là một không gian vô giới hạn như "Mướng Then", "Mướng Phạ", "Mướng Bôn" đều chỉ cõi trời trong đó có ông trời làm chủ, "Mướng Phi" là cõi ma, "Mướng Cốn" là cõi trần, cõi của những người đang sống. Có thể thu hẹp nghĩa lại, đó là khu vực của một dân tộc, như "Mướng Lự" là vùng của người Lự, "Mướng Táy" là vùng của người Thái... Có thể đó chỉ là nơi tập hợp các bản sở tại của một châu lỵ, huyện lỵ. Vì thế Mường Thanh xưa kia là nơi tập hợp các bản sở tại của châu lỵ Điện Biên.
Như vậy, "mường" vừa dùng để chỉ một châu, một huyện vừa dùng để chỉ châu lỵ, huyện lỵ, tức thủ phủ của châu ấy, huyện ấy. Cho nên Điện Biên hay
Mường Thanh, theo nghĩa rộng là toàn bộ địa hạt của tỉnh ngày nay (xưa kia là châu, sau này là huyện), theo nghĩa hẹp là khu vực thung lũng (nay gồm huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ trong đó có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, phì nhiêu, màu mỡ).
Đất Mường Thanh xưa gắn liền với nhiều câu chuyện thần thoại, truyền thuyết dân gian của đồng bào các dân tộc sinh sống nơi đây đặc biệt là dân tộc Thái, thành phần dân tộc cư trú đông nhất. Những câu chuyện đó được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ vùng đất này sang vùng đất khác nên đã có ít nhiều chi tiết bị biến đổi tùy theo từng dân tộc, từng địa phương. Tuy nhiên nội dung cơ bản cổ xưa của chúng thì ít bị thay đổi. Cho nên mỗi khi kể chuyện khai thiên, lập địa và nguồn gốc loài người, con cháu đời sau của những dân tộc đến chinh phục đất Điện Biên thuở sơ khai đều hiểu rằng Mường Thanh là quê hương xa xưa của họ, là nơi khởi nguyên nguồn gốc loài người. Theo "Truyện kể bản mường" (Quắm tố mướng) thì con người được Then (trời) cử xuống trần gian để sinh sống, dựng bản, lập
mường và Mường Thanh đã trở thành vùng đất được Then chọn lựa. Hẳn là vùng đất ấy rất giàu và đẹp như tên gọi vốn có của nó (Mường Thanh - Mường Trời). Trên đất Mường Thanh ngày nay còn có hai nơi liên quan đến chuyện sinh thành con người mà những địa danh này đã được nhắc đến trong các câu chuyện cổ, đó là hồ U Va (hồ Tao Bảo) ở xã Noong Luống và núi Tẩu Pung (núi Quả Bầu) ở xã Nà Tấu, cả hai xã đều thuộc huyện Điện Biên.
Truyện Hồ U Va kể rằng: Thuở trời đất còn liền nhau, ở hồ U Va, phía Bắc đất Mường Thanh, có dây leo Khau Cát nối liền trời và đất. Lúc đó, mặt đất còn như trong đêm tối. Ngước trông lên, trời mới chỉ to bằng chiếc hoa nấm úp xuống miền cánh đồng Mường Thanh, nơi có con sông Nậm Rốm chảy qua. Then đã cử "10 giống Xá, 5 giống Thái" xuống tạo bản, lập mường. Sau đó các lớp người mới lại được cử xuống, nối tiếp nhau gây dựng trần gian. Mặc dù đã được Then hướng dẫn, chỉ bảo làm lụng nhưng loài người vẫn làm trái ý Then, Then nổi giận, gây ra hạn hán, lũ lụt làm loài người chết gần hết. Sau khi dây Khau Cát bị cắt đứt đi thì bầu trời được đẩy lên cao dần. Như vậy sợi dây Khau Cát không chỉ là sợi dây nối liền bầu trời - mặt đất mà còn là sợi dây sự sống, nối liền con người với cội nguồn của họ, là biểu tượng cho nguồn gốc phát sinh loài người.
Tiếp đó truyện Quả bầu kể rằng: Sau nạn hồng thủy do Then gây ra chỉ còn hai anh em nhà nọ sống sót. Then đã sắp đặt cho họ lấy nhau và sinh ra một quả bầu. Quả bầu đó được người anh dùng dùi nung đỏ khoan thủng vỏ bầu và sau đó người em dùng dao khoét rộng lỗ cho các giống người chui ra. Người Xá ra trước bị dính gio than ở miệng lỗ nên da ngăm ngăm đen, người Thái, người Lự, người Lào... người Kinh lần lượt ra sau nên da trắng hơn. Sau đó các giống người phân chia đi các ngả để kiếm ăn. Giống người ra đầu tiên ở lại là tổ tiên của người Xá còn giống người ra sau cùng đi xuống đồng bằng là tổ tiên của người Kinh ngày nay. Đất Mường Thanh sở dĩ được rộng lớn, màu mỡ như ngày nay, theo người Thái, đó là do một ông khổng lồ mà người Thái gọi là Ải Lậc Cậc khai phá. Ải gánh núi, ngăn sông, làm ruộng, đánh cá, khai phá ruộng nương, tạo nên cảnh trí
thiên nhiên của vùng. Ải không chỉ mở mang được cánh đồng Mường Thanh mà còn mở rộng được ba cánh đồng lớn khác là Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu), Mường Tấc (Sơn La). Cho nên trong dân gian đã lưu truyền câu ví về độ rộng lớn, trù phú của bốn cánh đồng: "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc". Mường Thanh là ruộng mạ của Ải còn Ải vỡ Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc để cấy. Buổi sớm còn cấy lúa ở Mường Thanh, chiều Ải đã về cấy lúa ở Mường Tấc, giữa hai mường cách xa nhau đến mấy chục ngày đường bộ. Hiện ở xã Sam Mứn còn có núi Xôi Nướng (Pú Khẩu Chí) vốn là nắm xôi nướng Ải đang ăn khi cấy lúa ở Mường Lò ném đuổi trâu ăn lúa ở Mường Thanh. Mường Thanh là cánh đồng rộng và đẹp nhất của Ải.
Trong kho tàng truyện cổ dân gian người Thái còn lưu truyền câu chuyện kể về một nhân vật có thể coi là tổ tiên chung của người Thái và một vài dân tộc khác ở Mường Thanh đó là Khun Borom. Qua hai ngàn năm, loài người sau khi xuống trần lại chết hết. Then cử Khun Borom, con trai út của Then, xuống trần gian để thu xếp bản mường, cai trị trần gian. Khun Borom mang theo hai người vợ xinh đẹp và cho một đoàn tùy tùng đi theo. Xuống cư trú ở đất Mường Thanh ít lâu, hai người vợ sinh hạ cho Khun Borom được bảy người con. Các con của Khun lớn lên đều tài giỏi, lần lượt được Khun cử đi bảy nơi để xây dựng các vùng đất, lập nên các bản mường làm cho dòng dõi của Then ngày càng sinh sôi, phát triển.
Như vậy trong cảm quan huyền thoại của mình, người Thái Mường Thanh ví vùng đất của họ như "cõi trời". Sau này vào khoảng thế kỷ XI - XII, dưới con mắt của Lạng Chượng, một vị tướng người Thái đã đánh bại các tù trưởng các nhóm dân tộc Nam Á ở miền Sơn La, làm chủ trung tâm cánh đồng Mường Thanh, thì "Vùng đất lớn nhất là cánh đồng Mường Thanh, tròn như cạp nong, cong như sừng trâu". Đến thế kỷ XV, nhà bác học Lê Quý Đôn trong cuốn "Kiến văn tiểu lục" lại đánh giá: "Châu này thế núi vòng quanh, ruộng đất bằng phẳng, màu mỡ, sản vật nhiều, thú rừng lắm... có thể nói đây là miền đất màu mỡ, trù phú nhất miền Bắc nước ta". Còn trong dân gian thì muôn đời lưu truyền câu ví: "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc".
* Nguồn gốc tên gọi Hán Việt
Như vậy theo nghĩa tiếng Thái, Điện Biên Phủ hay Mường Thanh là chỉ mường trời, một vùng đất của thiên đường, một vùng đất huyền thoại, giàu đẹp. Sau tên gọi Mường Thanh, vùng đất này còn mang những tên gọi khác nhau tùy theo các triều đại và cũng tùy theo các đơn vị hành chính xưa. Đến đời Thiệu Trị nguyên niên năm 1841, để bảo vệ miền Tây Bắc giàu đẹp chống lại sự dòm ngó của phong kiến Xiêm La và Nam Chưởng (Luông Pha Băng) và chống lại sự quấy rối thường xuyên của những đám giặc cỏ từ ba nước Miến Điện, Lào, Trung Quốc vào Tây Bắc cướp phá, nhà vua đã lấy đất các châu Ninh Biên, Tuần Giáo, châu Lai lập thành phủ Điện Biên, đóng phủ lỵ ở Chiềng Lễ, nơi đại bản doanh của người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất. Đến nay, trong khi chỉ có các đơn vị hành chính là thay đổi còn tên Điện Biên hay Điện Biên Phủ thì vẫn còn tồn tại. Phải chăng bởi tên gọi đó có ý nghĩa và giá trị muôn đời?
Trần Lê Văn cho rằng: "điện" là "vững", "biên" là "biên giới", "điện biên" là "biên giới vững vàng". Nếu "điện" dùng làm tính từ thì "điện biên" hiểu là "giữ vững nơi biên giới" cũng như những tên gọi trước đây: Ninh Viễn (vỗ yên nơi xa),
An Tây (làm yên phía tây), Ninh Biên (vỗ yên nơi biên giới). Đó đều là những tên gọi gửi gắm ước vọng của nhân dân cũng như phản ánh sự quan tâm và mong muốn chung của các triều đại phong kiến đối với vùng lãnh thổ phía Tây của đất nước.
Điện Biên còn được gọi là Điện Biên Phủ, chữ phủ trong Điện Biên Phủ có nhiều cách hiểu. Có ý kiến cho rằng "phủ" có nghĩa là một đơn vị hành chính thời phong kiến như phủ Điện Biên, phủ An Tây, phủ Gia Hưng, phủ Quy Hóa; cũng có người cho rằng "phủ" nghĩa là "thủ phủ". Thực ra hai cách hiểu này đều có những căn cứ nhất định.
Theo cách hiểu thứ nhất, "phủ" là một đơn vị hành chính của nhà nước phong kiến, đơn vị này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1469, khi Lê Thánh Tông đặt cả nước thành 12 thừa tuyên, dưới thừa tuyên là các phủ, châu. Khi đó, Mường Thanh thuộc phủ An Tây, thừa tuyên Hưng Hóa. Sau này, nhà Nguyễn cũng lấy
"phủ" làm một đơn vị hành chính và thành lập phủ Điện Biên thì "phủĐiện Biên" hay "Điện Biên Phủ" nghĩa là "một phủ vững vàng nơi biên giới". Ở đây, chữ "phủ" trong cụm từ "phủ Điện Biên" là một thành tố chung đã chuyển hóa thành một bộ phận của tên riêng trong từ "Điện Biên Phủ".
Theo cách hiểu thứ hai, vào năm 1775 (có tài liệu nói năm 1777), chúa Trịnh đặt châu Ninh Biên thì Mường Thanh là trung tâm, là thủ phủ của châu Ninh Biên. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị cho thành lập phủ Điện Biên. Lúc đó phủ Điện Biên là một vùng rộng lớn bao gồm cả châu Ninh Biên, châu Lai và châu Tuần Giáo. Trung tâm của phủ Điện Biên chính là trung tâm Mường Thanh của châu Ninh Biên trước đó. Như vậy "Điện Biên Phủ" nghĩa là "thủ phủ vững vàng nơi biên giới".
Ngoài ra lại có người đưa ra cách hiểu khác. Đó là cách giải thích của tác giả người Pháp Rules Roy trong cuốn "Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp", cuốn sách được viết sau khi quân Pháp bị thất bại thảm hại tại chiến trường Điện Biên Phủ: "điện" là "to", "biên" là "biên giới", "phủ" là "thủphủ hành chính", "điện biên phủ" là "thủ phủ hành chính lớn ở biên giới".
Như vậy hiện nay có ba cách hiểu về ý nghĩa của địa danh Điện Biên Phủ. Cách hiểu thứ nhất phù hợp khi "phủ" dùng để chỉ một đơn vị hành chính của nhà nước phong kiến. Cách giải thích thứ ba khiến cho cái tên Điện Biên Phủ chỉ có ý nghĩa đơn thuần về vị trí, về hình thức (là thủ phủ hành chính to lớn) mà không thấy được giá trị lịch sử cũng như ước vọng muôn đời của nhân dân ta: luôn luôn bảo vệ vững vàng không chỉ miền biên giới phía Tây mà mọi miền biên cương, mọi vùng lãnh thổ của Tổ quốc. Cách giải thích thứ hai cho rằng Điện Biên Phủ là "thủ phủ vững vàng nơi biên giới" là phù hợp hơn cả. Thứ nhất, ngày nay nhà nước ta không còn sử dụng "phủ" để đặt cho một đơn vị hành chính như ở triều đại phong kiến nữa mà sử dụng các đơn vị khác tương đương như huyện, thị xã, thành phố. Mặt khác, cái tên Điện Biên Phủ đã được dùng để đặt cho trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Điện Biên đó là thành phố Điện Biên Phủ. Thứ hai, Điện Biên Phủ là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc và cũng là tỉnh duy nhất trên đất nước
ta có chung đường biên giới với hai quốc gia Trung Quốc và Lào. Vì vậy vấn đề bảo vệ lãnh thổ càng phải được đặt lên hàng đầu. Cho nên đồng bào các dân tộc Điện Biên cũng như nhân dân cả nước không chỉ mong ước mà đã biến ước mong thành quyết tâm giữ vững miền biên giới xa xôi của Tổ quốc. Mặt khác, tên gọi
Điện Biên Phủ đã trở nên nổi tiếng và được sử dụng phổ biến sau khi quân dân ta chiến thắng lừng lẫy quân đội Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ vào năm 1954. Ngay cả ở Pháp, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, đã nảy sinh tử "dienbienphuer"