0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (170 trang)

Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NGHIÊN CỨU ĐỊA DANH THÀNH PHỐ ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ HUYỆN ĐIỆN BIÊN PDF (Trang 78 -81 )

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa

Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa là một mối quan hệ hữu cơ, gắn bó khăng khít, được nghiên cứu trong rất nhiều lĩnh vực như văn hóa học, ngôn ngữ học, nhân loại học, tâm lí học. Điều đó dẫn tới sự ra đời của nhiều bộ môn liên ngành trong đó mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa là trọng tâm như tâm lí - ngôn ngữ học, dân tộc - ngôn ngữ học, nhân học - ngôn ngữ học.

Trong lĩnh vực ngôn ngữ học, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa biểu hiện ở chỗ ngôn ngữ được coi là biểu hiện, là hiện thân, là biểu trưng của văn hóa. Phạm Đức Dương khi bàn về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa cho rằng: “Nhờ khả năng biểu trưng hóa, lời nói đã để lại những dấu hiệu vật chất trong các hoạt động tinh thần của con người (như âm nhạc, hội họa, điêu khắc...) gắn với

dạng nói. Và những dấu hiệu ấy được hiện thực hóa thành những biểu tượng văn hóa. Vì vậy ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu phổ quát có thể diễn tả, giải thích các hệ thống biểu tượng khác của văn hóa và sự phát triển của các hệ thống ký hiệu trong văn hóa đều liên quan đến sự phát triển ngôn ngữ. Kí hiệu ngôn ngữ chứa trong nó hình ảnh các kí hiệu khác. Là công cụ giao tiếp xã hội, ngôn ngữ phải truyền đạt được tất cả các ý nghĩa của các kí hiệu khác cho tất cả các thành viên trong cộng đồng ngôn ngữ... Chỉ có chất liệu ngôn ngữ mới cho phép người nghệ sĩ tạo nên những hình tượng bất kì trong những bối cảnh sâu rộng, phong phú, tế nhị và hấp dẫn lòng người” [19, tr.111-112]. Còn Nguyễn Đức Tồn khi bàn về vấn đề này thì cho rằng: “Ngôn ngữ còn là phương tiện tất yếu và là điều kiện cho sự nảy sinh, phát triển và hoạt động của những thành tố khác trong văn hóa. Ngôn ngữ là một trong những thành tố đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hóa dân tộc nào. Chính trong ngôn ngữ, đặc điểm của một nền văn hóa dân tộc được lưu giữ lại rõ ràng nhất” [46, tr.47].

Ngôn ngữ là một trong những phương tiện trao đổi văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc, chẳng hạn qua giao tiếp, qua những phương tiện thông tin đại chúng, qua sách báo dịch thuật... hay trong cộng đồng một dân tộc, ngôn ngữ là phương tiện tích lũy và truyền đạt những tri thức, thông tin từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Những tri thức, thông tin đó có thể là lịch sử, truyền thống, kinh nghiệm sản xuất, là tâm lí, phong tục, tập quán, tín ngưỡng... Vì thế có nhà nghiên cứu đã khẳng định: Ngôn ngữ thực sự là tấm gương của nền văn hóa dân tộc.

Như vậy mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa không chỉ là mối quan hệ bao hàm mà còn là mối quan hệ tương tác, bổ trợ và chi phối lẫn nhau. Ngôn ngữ là một bộ phận độc lập của văn hóa đồng thời cũng là một thành tố quyết định sự tồn tại của một nền văn hóa. Mỗi dân tộc bằng lao động sáng tạo, bằng các hoạt động thực tiễn đã sáng tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần, tạo nên nền văn hóa của riêng họ. Để các giá trị văn hóa đó được con người trong thời đại đó lĩnh hội cũng như con người qua các thế hệ khác nhau, giữa các dân tộc khác nhau tiếp thu, sàng lọc và phát triển lên thì phải nhờ đến công cụ vô cùng quan trọng đó là ngôn ngữ. Nhờ có

ngôn ngữ với những nội dung và ngữ nghĩa của nó mà cách nhận thức, tư duy, lối sống... của một dân tộc hay nói cách khác là những đặc trưng văn hóa của một dân tộc được bảo tồn, được phát triển theo thời gian, không gian.

Trước đây ngôn ngữ - văn hóa đã được nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung và trong ngôn ngữ học nói riêng, đến nay mối quan hệ giữa ngôn ngữ - văn hóa ngày càng được nghiên cứu sâu rộng. Thuật ngữ ngôn ngữ - văn hóa, thuật ngữ này nên được hiểu ở cả bình diện hẹp và rộng: “Theo cách hiểu nghĩa ở bình diện hẹp thì ngôn ngữ - văn hóa là ngôn ngữ phản ánh những biểu hiện của văn hóa trong ứng xử giao tiếp. Theo cách hiểu ở bình diện rộng hơn thì đó là sự phản ánh những yếu tố, những biểu hiện, những đặc điểm của văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trong ngôn ngữ, qua ngôn ngữ” [31, tr.137].

Địa danh cũng là một lĩnh vực ngày càng được các nhà nghiên cứu quan tâm trong ngôn ngữ học. Mỗi địa danh gắn chặt với những đối tượng cụ thể, ở một thời điểm nhất định nào đó nên địa danh gắn liền với quá trình lao động sản xuất, lịch sử, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tư duy, cách nghĩ của mỗi dân tộc. “Địa danh như những đài kỉ niệm bằng ngôn ngữ một cách độc đáo, nó lưu giữ những thông tin về văn hóa” (Hà Quang Năng). Hay Phạm Đức Dương đã nhận xét: “Lần theo các địa danh, mặc dù vỏ ngữ âm đã bị biến dạng đi rất nhiều, ngữ nghĩa đã bị mất hoặc được giải thích theo từ nguyên dân gian, chúng ta vẫn có thể dựng lại địa bàn cư trú và những điểm tụ cư lâu đời của các tộc người” [19]. Qua địa danh chúng ta có thể thấy phần nào nền văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc. Cho nên nghiên cứu những đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa của địa danh cần quan tâm đến sự thể hiện các phương diện văn hóa vật chất vật chất và tinh thần trong địa danh.

Nghiên cứu địa danh trong thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên từ góc độ ngôn ngữ - văn hóa là xem xét những giá trị của nền văn hóa Điện Biên nói riêng và ảnh hưởng của những nền văn hóa khác nói chung đến địa danh. Từ đó thấy được những giá trị văn hóa đặc sắc của nhân dân các dân tộc trong thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên được thể hiện như thế nào qua các địa danh phong phú nơi đây.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NGHIÊN CỨU ĐỊA DANH THÀNH PHỐ ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ HUYỆN ĐIỆN BIÊN PDF (Trang 78 -81 )

×