Các nhân tố chủ quan:

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án cho vay tại Sở giao dịch I Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt nam. (Trang 35 - 38)

III. CHẤT LƯỢNG THẨM ĐỊNH TÀI CHÍNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI.

3. Những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định tài chính dự án đầu tư.

3.1. Các nhân tố chủ quan:

Là các nhân tố thuộc về nội bộ, các ngân hàng có thể chủ động nắm bắt, điều chỉnh.

*. Con người:

Con người là nhân tố trung tâm, liên kết tất cả các nhân tố khác với nhau. Ở đây không phải là con người nói chung mà chính là các nhân viên ngân hàng, đặc biệt là những nhân viên có nhiệm vụ trực tiếp thẩm định các DAĐT. Chính họ là chủ thể tiến hành thu thập xử lý các thông tin, sử dụng các trang thiết bị. Cũng chính họ là chủ thể áp dụng các phương pháp, tiêu chuẩn thẩm định khác nhau để xem xét, phân tích mỗi dự án. Hơn thế nữa, nhân tố con người còn đứng đằng sau các nhân tố khác đóng vai trò chi phối, quyết định các nhân tố khác và tới chất lượng của hoạt động thẩm định.

Cho dù phương pháp được áp dụng là khoa học, thông tin chính xác đầy đủ, trang thiết bị hiện đại... cũng có thể trở thành vô nghĩa nếu con người - cán bộ thẩm định - không thể hay không cố gắng để sử dụng chúng một cách có hiệu quả.

Trong mọi trường hợp, nếu muốn nâng cao chất lượng thẩm định thì trước hết bản thân chất lượng của cán bộ thẩm định phải không ngừng được nâng cao, đáp ứng được những yêu cầu nhất định về trình độ kiến thức, kinh nghiệm, năng lực làm việc cũng như tư cách đạo đức. Trình độ kiến thức đo lường lượng tri thức khoa học mà con người có được thông qua quá trình đào tạo và tự đào tạo. Kinh nghiệm là những hiểu biết, kỹ năng công việc được tích luỹ qua thời gian trong quá trình làm việc thực tế. Năng lực là khả năng giải quyết, xử lý các vấn đề của công việc và nó phụ thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm cũng như năng lực bẩm sinh của mỗi cá nhân. Ngoài ra, tư cách,

phẩm chất đạo đức của những nhân viên thẩm định cũng là điều kiện không thể thiếu bởi chắc chắn rằng chất lượng thẩm định không thể tốt nếu bản thân các nhân viên thẩm định lại coi nhẹ điều đó.

*. Phương pháp thẩm định: (ở đây ta chỉ đề cập đến phương pháp thẩm định tài chính sự án đầu tư)

Phương pháp thẩm định tài chính DAĐT bao gồm các tiêu chuẩn chỉ tiêu, cách thức xử lý chế biến những thông tin phải có trong hồ sơ dự án và những thông tin liên quan để đem lại những thông tin cần thiết về hiệu quả tài chính của dự án đầu tư.

Phương pháp thẩm định tài chính DAĐT hiện đại, khoa học, hợp lý giúp cán bộ thẩm định phân tích các dự án, tính toán hiệu quả tài chính DAĐT một cách nhanh chóng, chính xác tin cậy làm cơ sở cho lãnh đạo ra quyết định cho vay, đầu tư đúng đắn.

Trong thực tế, các ngân hàng thương mại VN mấy năm vừa qua đã chuyển dần từ các phương pháp thẩm định TC DAĐT cũ sang những phương pháp hiện đại vốn đã được áp dụng phổ biến tại các nước phát triển.

Phương pháp thẩm định tài chính DAĐT mới đã coi trọng công việc kiểm tra độ tin cậy (thực ra là phân tích lại) các con số chi phí, thu nhập được chủ đầu tư (hoặc người lập dự án) đưa ra bằng việc gắn chặt với các nghiên cứu về thị trường, công nghệ thiết bị... Quan trọng hơn phương pháp này ngày càng coi trọng giá trị thời gian của tiền, coi trọng việc lượng hoá các thông tin bằng các chỉ tiêu tỉ lệ, coi trọng hơn việc quản lý rủi ro. Thậm chí có cả việc áp dụng kinh tế lượng để xây dựng các mô hình dự báo, tính toán các chỉ tiêu hiệu quả của dự án.

Tuy nhiên, phương pháp tốt nhất là phương pháp phù hợp nhất chứ chưa chắc là phương pháp hiện đại nhất. Có thể có những phương pháp rất hiện đại, phức tạp nhưng không mang lại hiệu quả bởi môi trường kinh doanh nguồn thông tin, năng lực cán bộ... hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc bởi chính sự hiện đại phức tạp của phương pháp đó.

*.Thông tin, trang thiết bị:

Thông tin là cơ sở cho phân tích đánh giá, là “nguyên liệu” cho quá trình tác nghiệp của cán bộ thẩm định.

Nguồn thông tin quan trọng nhất trước hết là từ hồ sơ dự án do chủ đầu tư gửi đến. Nếu thông tin trong hồ sơ dự án thiếu hoặc không rõ ràng, cán bộ

thẩm định có quyền yêu cầu chủ dự án cung cấp thêm hoặc giải trình những thông tin đó.

Tuy nhiên, việc thẩm định một DAĐT chính là việc kiểm tra độ tin cậy và bổ sung những thông tin cần thiết vào hồ sơ dự án để đưa ra một bức tranh đầy đủ nhất có thể về tính khả thi, khả năng trả nợ của dự án. Vì thế ngân hàng không thể trông chờ vào những thông tin từ phía chủ dự án cái mà thường bao giờ cũng khá sáng sủa. Các cán bộ thẩm định phải biết khai thác tốt nhất nguồn thông tin có liên quan đến dự án được lưu trữ tại ngân hàng cũng như các nguồn khác đáng tin cậy (các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, báo chí...). Để có thể phục vụ tốt công tác thẩm định, thông tin thu thập được phải đảm bảo tính chính xác đầy đủ kịp thời. Trước hết, tính chính xác của thông tin là điều kiện cần cho những nhận xét đánh giá đúng. Những thông tin có độ chính xác cao là những số liệu đánh giá thống kê về thực trạng, những chỉ tiêu định mức cũng như các nhgiên cứu dự báo của các cơ quan quản lý thống kê, các cơ quan chuyên môn cũng như các viện nghiên cứu.

Thứ hai, thông tin cũng cần phải đầy đủ bởi vì nếu thiếu có thể dẫn tới các đánh giá sai lệch không khác gì việc thông tin không chính xác. Tuy nhiên, sự “đầy đủ” ở đây chỉ là tương đối, là người cán bộ thẩm định phải thường xuyên làm việc trong môi trường thiếu thông tin. Cán bộ thẩm định không thể chờ đến lúc thông tin đầy đủ một cách tuyệt đối bởi điều đó sẽ hoặc không bao giờ xảy ra, hoặc quá muộn, điều quan trọng là có được những thông tin mang tính quyết định đến dự án.

Thứ ba, môi trường kinh doanh năng động và cạnh tranh cao đòi hỏi các thông tin phải kịp thời. Nếu muộn, tiến độ và chất lượng thẩm định sẽ bị ảnh hưởng, có thể tạo ra một hình ảnh xấu về NH, có thể tác động tiêu cực tới việc tiến hành dự án của chủ đầu tư, cũng có thể một dự án thực sự là béo bở đã được một NH khác tài trợ.

Bên cạnh thông tin, các trang thiết bị cũng rất quan trọng với vai trò là cơ sở vật chất trực tiếp cho quá trình tác nghiệp của các nhân viên. Thẩm định dự án là xử lý thông tin cho nên trang thiết bị chủ yếu là các phương tiện máy móc thu thập lưu trữ xử lý thông tin. Đó chính là hệ thống máy tính cùng các phần mềm ứng dụng, các phương tiện giao thông liên lạc cần thiết.

Là cách sắp xếp bố trí, quy định trình tự trách nhiệm quyền hạn của các nhân viên liên quan, các bộ phận tham gia thẩm định DAĐT và mối quan hệ giữa các nhân viên, bộ phận ấy. Khác với các nhân tố khác, nhân tố tổ chức điều hành tác động một cách gián tiếp tới chất lượng hoạt động thẩm định. Việc tổ chức điều hành hoạt động thẩm định tại mỗi NH phải đảm bảo xây dựng được một hệ thống mạnh (chứ không phải đơn thuần là tập hợp của những cá nhân bộ phận riêng lẻ):

Hệ thống đó phải tận dụng, phát huy tối đa năng lực sức sáng tạo của từng cá nhân cũng như hạn chế được các nhược điểm của họ.

Hệ thống đó phải hoạt động một cách nhịp nhàng, nhanh chóng nhưng an toàn.

Để thực hiện được vai trò như trên, công tác tổ chức điều hành phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Phải có sự hợp tác hỗ trợ của các cá nhân bộ phận

Phải có sự kiểm tra chéo, giám sát lẫn nhau (mà không gây cản trở trì trệ quá đáng cho cả hệ thống)

Đồng thời việc tổ chức điều hành cũng phải dựa trên tình hình thực tế (về quy mô, tính chất cũng như những điểm mạnh điểm yếu) của môi trường kinh doanh và bản thân NH.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án cho vay tại Sở giao dịch I Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt nam. (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(87 trang)
w