1. Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật quản lý CTN Hở Việt Nam Những kết quả đã đạt được
1.2. Những vấn đề còn tồn tạ
Quá trình triển khai áp dụng quy định pháp luật về quản lý CTNH trên thực tế đã bộc lộ không ít hạn chế mà chúng ta không thể không nhìn nhận.
Thứ nhất, hệ thống pháp luật quản lý CTNH tuy đã có một số lượng
không nhỏ nhưng chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tiễn do chưa thực sự hoàn thiện và thiếu đồng bộ.
Hệ thống pháp luật quản lý CTNH hiện nay còn rất nhiều vướng mắc. Nội dung của Quy chế chưa điều chỉnh hết được tất cả các loại CTNH (chỉ tập trung vào CTNH ở dạng hóa chất)… Hơn nữa, Quy chế này được ban hành từ khá lâu, nhưng có rất ít văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khi xã hội thay đổi từng ngày, từng giờ kéo theo nhu cầu thực tế về quản lý CTNH cũng biến đổi theo nhưng quy chế vẫn giữ nguyên hiệu lực nên tính khả thi của nó không cao. Chỉ đến khi BTNMT ban hành Thông tư số 12/2006/TT–BTNMT thì vấn đề quản lý CTNH mới được cải thiện phần nào. Hiện nay cả 2 văn bản pháp luật trên đều có hiệu lực đồng thời trong khi giữa chúng có rất nhiều nội dung mâu thuẫn nhau như quy định về thẩm quyền, thời hạn cấp phép… Trên thực tế, những quy định tại Thông tư 12 phù hợp với tình hình thực tế và mang tính khả thi hơn, nhưng quy chế quản lý CTNH lại có hiệu lực cao hơn nên các chủ thể liên quan gặp không ít khó khăn trong quá trình áp dụng. Tuy nhiên, dù mới được ban hành vào ngày 26/12/2006 nhưng Thông tư 12 đã bộc lộ một số tồn tại trong quá trình triển khai trên thực tế. Ví dụ quy định về một số điều kiện hành nghề vận chuyển, xử lý và tiêu hủy CTNH; điều kiện đối với phương tiện, thiết bị vận chuyển, xử lý, tiêu hủy CTNH…
Thứ hai, năng lực của bộ phận quản lý CTNH còn yếu và sự phân công,
phân nhiệm của các ngành trong lĩnh vực này chưa rõ ràng, không nhất quán, chưa quy về một mối.
Ở Trung ương chưa có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các bộ, ngành. Ở thành phố và thị xã thì mỗi nơi có một hệ thống quản lý khác nhau, cấp huyện thì hầu như không có hệ thống quản lý vệ sinh hoặc chất thải. Dù Thông tư 12 đã dành hẳn một phần để quy định về quản lý Nhà nước đối với CTNH, nhưng trên thực tế, tình trạng chồng chéo về thẩm quyền đã khiến vai trò của các cấp, các ngành chưa được ghi nhận nhiều. Ngoài ra, công tác đào tạo,
bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý CTNH chưa triệt để nên những chủ thể này chưa phát huy được vai trò của mình.
Thứ ba, các chế tài xử phạt vi phạm trong quản lý CTNH còn quá nhẹ.
So với những chế tài trong Nghị định số 121/2004/NĐ–CP về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường thì những quy định trong Nghị định 81/2006/NĐ–CP về vấn đề này có phần nghiêm khắc hơn. Cụ thể, mức tiền phạt trong từng khung có tăng lên so với quy định cũ, tuy nhiên mức tiền phạt cao nhất cũng chỉ dừng lại ở mức cũ là 70 triệu đồng. Mức phạt này quá nhẹ so với chi phí mà các chủ thể phải bỏ ra để xử lý CTNH cũng như so với những hậu quả do hành vi đó gây ra. Do đó, tính răn đe của những quy định này không cao, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn tiếp tục gia tăng. Ví dụ: các chế tài hành chính áp dụng trong vụ mua bán trái phép chất thải y tế của bệnh viện Việt Đức trong thời gian vừa qua. Hành vi này đã diễn ra từ khá lâu và hậu quả để lại vô cùng nghiêm trọng. Dựa trên quy định của pháp luật, thanh tra BTNMT xử phạt hành chính 20 triệu đồng; Cục Cảnh sát môi trường tiếp tục xác minh những dấu hiệu vi phạm pháp luật, nếu đủ cơ sở thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự [30]. Đây là mức phạt dành cho hành vi quản lý CTNH, còn hành vi kinh doanh CTNH trong trường hợp này không hề bị xử lý, do không có chế tài pháp luật đối với hành vi này. Đây chính là một lỗ hổng của pháp luật, cần được khắc phục kịp thời. Số tiền trên quá nhỏ so với khoản lợi nhuận mà những người vi phạm đã thu được, và nó càng không thuyết phục khi so sánh với hậu quả đối với môi trường và sức khỏe con người do hành vi đó gây ra.
Ngoài ra, những chế tài hình sự về vi phạm pháp luật môi trường dù đã được Bộ Luật Hình sự quy định tại chương XVII với những tội danh: tội gây ô nhiễm không khí, tội gây ô nhiễm nguồn nước, tội gây ô nhiễm đất… nhưng những chế tài trong từng khung chưa thực sự nghiêm khắc. Hậu quả của những hành vi vi phạm pháp luật môi trường để lại là rất nghiêm trọng, nó là nguyên nhân khiến môi trường bị tàn phá và có thể cướp đi tính mạng con người một cách từ từ, nhưng hình phạt cho những tội danh này quá nhẹ so với những chế
tài hình sự áp dụng cho tội phạm có hành vi cố ý hoặc vô ý giết người. Đây chính là kẽ hở của pháp luật khiến tội phạm môi trường ngày càng gia tăng.
Thứ tư, tình trạng thiếu vốn đầu tư cho hệ thống quản lý CTNH vẫn đang
là bài toán khó giải quyết.
Phần lớn chi phí cho hoạt động quản lý CTNH có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay ngân sách Nhà nước chi cho việc quản lý CTNH còn khá hạn chế, trong khi cơ sở vật chất (phương tiện, thiết bị…) cho quản lý CTNH đòi hỏi lượng vốn rất lớn. Trên phạm vi toàn quốc đến nay vẫn chưa có một cơ sở xử lý tập trung đối với các chất thải công nghiệp nguy hại. Ngay cả những trung tâm kinh tế lớn của cả nước như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hịện nay cũng còn thiếu rất nhiều cơ sở vật chất trang bị cho hoạt động quản lý CTNH. Ngày 25/03/2008, tại thành phố Vũng Tàu đã diễn ra Hội nghị giao ban các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hội nghị đã thừa nhận hiện tại vẫn chưa có khu công nghiệp, khu chế xuất nào có hệ thống xử lý nước thải, chất thải hoàn chỉnh. Ngay cả những nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp khu chế xuất có hệ thống xử lý CTNH nhưng vì mục đích lợi nhuận nên rất ít hoạt động, hoặc chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra đến [30].
Ngoài những khó khăn về vốn đầu tư cho công nghệ, thiết bị hiện đại, các chủ thể có liên quan đến CTNH còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng để xây dựng cơ sở quản lý CTNH. Dường như đây là tình trạng chung của cả nước nên công tác quản lý CTNH trên phạm vi toàn quốc trong thời gian vừa qua có kết quả khá khiêm tốn.
Không chỉ xảy ra ở những trung tâm công nghiệp, hiện nay ở các bệnh viện lớn trên cả nước cũng đang ở tình trạng trên. Điển hình là thành phố Hồ chí Minh hiện còn hơn 40 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước đạt chuẩn và 35 cở sở khác thậm chí chưa có cả hệ thống xử lý. Ví dụ: Bệnh viện Ung Bướu chỉ
có một hệ thống xử lý nước thải duy nhất xây trên diện tích gần 20m2 bao gồm
một bồn chứa dung dịch Clo và vài thứ khác; hoặc tại bệnh viện An Bình có khu xử lý nước thải khá rộng nhưng hệ thống không hoạt động hơn 10 năm nay.
Giống như thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện lớn ở thủ đô Hà Nội cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Bệnh viện Phụ sản Trung ương được coi là nơi có cơ sở hạ tầng bề thế, nhưng nơi đây vẫn chưa có hệ thống xử lý nước, từ nhiều năm nay nước thải được xả trực tiếp vào hệ thống cống ngầm rồi tập kết ra sông Tô Lịch; Bệnh viện Việt Đức, Xanh Pon hàng ngày thải ra một khối lượng nước thải nguy hại rất lớn nhưng hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước đạt chuẩn. Một số bệnh viện khác tuy có khu xử lý nước nhưng không được bảo dưỡng dẫn dến hỏng hóc hoặc chỉ vận hành hệ thống trong giai đoạn còn bảo hành. Theo ý kiến của thạc sỹ Từ Hải Bằng - Phó khoa Vệ sinh và Sức khỏe môi trường thuộc Viện Y học Lao động và Vệ sinh Môi trường, trong hơn 1000 bệnh viện ở Việt Nam chỉ có 1/3 có hệ thống xử lý nước thải (chủ yếu ở Trung ương và tuyến tỉnh), trong đó chỉ có một số đạt tiêu chuẩn [31]. Việc vận chuyển rác thải y tế nguy hại hầu hết được khoán trắng cho các Công ty môi trường đô thị, dẫn đến tình trạng bệnh viện bỏ ngỏ việc quản lý hoạt động vận chuyển đó. Hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác giữa một số bệnh viện và Công ty môi trường đô thị chưa rõ ràng về trách nhiệm, không kiểm soát được rác thải ở khu vực thu gom tập trung trước và sau khi đưa lên xe vận chuyển đến nơi tiêu hủy. Sở dĩ có tình trạng trên vì hầu hết các bệnh viện (chiếm 98.5%) mang tính dịch vụ công, kinh phí đầu tư để xây dựng hệ thống xử lý CTNH phụ thuộc ngân sách Nhà nước nên các bệnh viện chưa thực sự chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho đơn vị mình. Nếu không giải quyết được vấn đề kinh phí thì tình trạng trên vẫn chưa biết đến khi nào mới được khắc phục.
Thứ năm, nhận thức của đa số người dân về mức độ nguy hiểm của CTNH
còn rất thấp, phần lớn vì lợi ích trước mắt mà không chú ý đến hậu quả để lại cho môi trường.
Hành vi xả thải bừa bãi, để lẫn lộn CTNH với chất thải thông thường đã trở thành một thói quen cố hữu của người dân từ xưa đến nay. CTNH trong chất thải sinh hoạt hàng ngày của người dân chiếm một khối lượng khá lớn. Vì vậy, nếu người dân vẫn tiếp tục duy trì những thói quen trên thì quá trình xử lý
CTNH sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tốn kém chi phí và thời gian để phân loại CTNH ra khỏi chất thải thông thường.
Ý thức đối với việc quản lý CTNH hạn chế cộng với động cơ tìm kiếm lợi nhuận nên đã có nhiều chủ thể bất chấp rào cản pháp luật, tiến hành những hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhằm đạt được lợi ích trước mắt. Vừa qua, Cục Cảnh sát môi trường đã phát hiện ra gần 200 tấn CTNH của công ty Thiên Quan ở khu công nghiệp Phố Nối B (Hưng Yên). Công ty này đã nhập khẩu 100% các vỏ nhựa có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc danh mục CTNH đều không được làm sạch trước khi đưa vào nước ta; hoặc việc Cục Cảnh sát môi trường (C36-Bộ công an) phát hiện và bắt quả tang nhân viên bệnh viện Việt Đức bán chất thải y tế nguy hại cho tư nhân bên ngoài tiêu thụ. Theo xác minh của cơ quan điều tra, bệnh viện Việt Đức giao khoa chống nhiễm làm đầu mối thu gom, xử lý rác thải. Bệnh viện cũng ký hợp đồng với xí nghiệp xử lý chất thải công nghiệp - y tế để thu gom, vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, một số nhân viên của bệnh viện khi được giao nhiệm vụ đã vì lợi ích trước mắt, tự ý bán rác ra ngoài. Số rác này khi chuyển ra ngoài sẽ chuyển tiếp đến cơ sở nhỏ lẻ để tái chế hoặc tận dụng sản xuất đồ dùng sinh hoạt. Người tiêu dùng khi sử dụng những sản phẩm này sẽ rất nguy hiểm do nhựa từ chất thải y tế chỉ được nấu qua
ở nhiệt độ 3000C, trong khi muốn tiệt trùng vi khuẩn gây bệnh phải cần 1000-
15000C. Như vậy, chỉ vì lợi ích trước mắt mà rất nhiều cá nhân, tổ chức đã tiến
hành những hành vi vi phạm pháp luật quản lý CTNH nói riêng và pháp luật bảo vệ môi trường nói chung, khiến môi trường và sức khỏe con người ngày càng bị đe dọa.
Thứ sáu, công cụ kinh tế chưa được áp dụng triệt để.
Đã có nhiều quy định về thuế, phí, lệ phí áp dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật môi trường dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và phụ thuộc vào khối lượng và mức độ độc hại của chất thải. Việc đưa ra các chi phí môi trường vào hạch toán kinh doanh sẽ bắt buộc các nhà sản xuất luôn luôn đẩy mạnh cách tiếp cận “sản xuất sạch hơn”, tức là phải luôn tìm cách sử dụng tiết kiệm và tối ưu các đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh; tối ưu hóa
quy trình công nghệ và quản lý để có thể làm ra nhiều sản phẩm nhất và ít chất thải nhất, hoặc có thể tái sử dụng một cách tối đa các chất thải bắt buộc tạo ra do hoạt động sản xuất của mình [24, tr.57]. Theo đó, nếu thực hiện triệt để công cụ kinh tế vào hoạt động quản lý CTNH sẽ giảm thiểu được các tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, với mức thu thuế, phí, lệ phí thấp như hiện nay thì hiệu quả của những công cụ này chưa cao do chưa đánh nhiều vào quyền lợi của các chủ thể có liên quan.
Như vậy, đánh giá quá trình thực thi pháp luật quản lý CTNH trên thực tế, có thể nhận định rằng bên cạnh những thành quả đã đạt được thì những vấn đề phát sinh xung quanh quá trình đó cũng không hề nhỏ, thậm chí còn đáng phải quan tâm nhiều hơn. Đó là những bất cập trong việc xây dựng hệ thống văn bản pháp quy, cũng như sự thiếu thốn về vốn, kinh nghiệm quản lý và sự hạn chế trong nhận thức cộng đồng về pháp luật quản lý CTNH. Chúng ta nhìn nhận khuyết điểm này để từ đây có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm trong quá trình quản lý, nhằm đạt được hiệu quả tốt hơn, hạn chế những vấn đề gây vướng mắc cho mọi chủ thể. Trách nhiệm bảo vệ môi trường không phải của riêng cá nhân, tổ chức nào, cũng không phải là trách nhiệm hoàn toàn thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Đây là trách nhiệm chung của cộng đồng. Để đạt được nhiều thành tựu trong quá trình bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTNH nói riêng rất cần đến sự nỗ lực của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội và quan trọng hơn nữa là vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.