việc tranh chấp xảy ra sẽ không tranh thủ được tối đa sự hỗ trợ của nhà nước. Thực trạng này một phần xuất phát từ nguyên nhân thiếu các quy định pháp luật rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn… của các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần ban hành văn bản pháp luật quy định về vấn đề này để cơ quan ngoại giao ở nước ngoài thật sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và thị trường sở tại, để quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư Việt Nam ở nước ngoài được bảo vệ một cách chính đáng.
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài nước ngoài
Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang trên đà tăng trưởng, đã có thêm nhiều DN Việt Nam có khả năng tài chính cũng như kinh nghiệm để ĐTRNN. Mặt khác, các DN Việt Nam cũng nhận thức được lợi ích của việc ĐTRNN trong bối cảnh hội nhập sâu vào đời sống kinh tế khu vực và quốc tế. Nhất là khi Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của tổ chức Thương mại thế giới WTO cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đầu tư, thương mại của doanh nghiệp, trong đó có hoạt động ĐTTTRNN của DN Việt Nam. Pháp luật không chỉ phải được hoàn thiện phù hợp với sự phát triển của kinh tế và sự vận động không ngừng của các quan hệ xã hội, mà còn được thực thi một cách nghiêm chỉnh, người dân có ý thức chấp hành cao, để các quy định của pháp luật về ĐTTTRNN thực sự đi vào cuộc sống.
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác hỗ trợ cung cấp thông tin có liên quan đến hoạt động ĐTTTRNN cho nhà đầu tư dưới nhiều hình thức.
Pháp luật nói chung và pháp luật ĐTTTRNN nói riêng muốn có hiệu quả thực thi cao thì trước hết phải được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Đặc biệt đối với lĩnh vực không thể thiếu các thông tin như ĐTTTRNN, nhà nước càng cần phải có một hệ thống cung cấp thông tin rộng rãi, phổ biến trên toàn quốc, không ngừng cập nhật, đổi mới và phát triển. Bên cạnh các hình thức truyền thống như
thông qua phát thanh, truyền hình, báo chí trung ương, địa phương, một hình thức mới mẻ đang là xu hướng thịnh hành và tiến bộ bây giờ là qua Internet. Việc lập ra các trang web là cách thức mới trong thời gian gần đây và đã thu lại được hiệu quả đáng kể trong một số lĩnh vực [10]. Việc cung cấp các thông tin thường xuyên trên mạng Internet sẽ giúp cho các nhà đầu tư có một bước tiến trong việc tiếp cận lĩnh vực này. Giúp cho họ nắm bắt được thời cơ, tận dụng được lợi thế và tiến hành ĐTTTRNN một cách có hiệu quả. Đây được coi là một trong các biện pháp đơn giản nhất nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp mạnh dạn ĐTRNN. Không chỉ có lợi cho các nhà đầu tư, việc phổ biến các thông tin về pháp luật một cách thường xuyên và đầy đủ, làm cho ý thức chấp hành và thực hiện pháp luật trong hoạt động này nói riêng và đời sống nói chung không ngừng được củng cố và nâng cao. Các nhà đầu tư hiểu rõ hơn ai hết quyền và nghĩa vụ của mình, trên cơ sở đó thực hiện những hành vi mà pháp luật không cấm và chịu trách nhiệm về sự ràng buộc đối với pháp luật khi tham gia vào mối quan hệ này.
Cơ quan quản lý nhà nước mà Bộ KH - ĐT chủ trì cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thu thập thông tin định kỳ hàng năm biên soạn thành sách, hoặc qua internet để cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp đang có ý định ĐTRNN về: chính sách thu hút đầu tư, luật pháp chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại nước sở tại; các tiềm năng và cơ hội đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể tại nước sở tại; các dự án đầu tư cụ thể được Chính phủ 2 nước ký thoả thuận; các dự án kêu gọi ĐTNN của nước sở tại. Đồng thời cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nền kinh tế cũng cần cung cấp cho doanh nghiệp đang và sẽ hoạt động đầu tư tại nước sở tại cũng như cơ quan quản lý nhà nước liên quan các loại thông tin như: thông tin về chính sách thu hút đầu tư và các chính sách, luật pháp liên quan trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp; thường xuyên cập nhật các thay đổi về quy định pháp luật để cung cấp cho doanh nghiệp; định kỳ cung cấp các chỉ số kinh tế vĩ mô của nước sở tại về: quy mô, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế...,
quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước và tổ chức thu thập thông tin về các thị trường cụ thể mà nhà đầu tư quan tâm.
Thứ hai: Nhà nước thành lập hoặc khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc để cung cấp các
thông tin cần thiết về pháp luật, thị trường, đối tác, kinh nghiệm, các dịch vụ xúc tiến thương mại, dịch vụ hỗ trợ tư pháp và thủ tục hành chính.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà các nhà đầu tư thường gặp phải khi tiến hành ĐTTTRNN là phải trải qua rất nhiều các yêu cầu về thủ tục đăng ký, thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài… gây mất rất nhiều thời gian và cơ hội đầu tư. Thông qua các tổ chức tư vấn này, các doanh nghiệp sẽ bớt bở ngỡ hơn, tiến hành thuận lợi hơn và mất ít thời gian hơn. Bằng việc cung cấp thông tin pháp luật cho khách hàng khi có yêu cầu, giúp khách hàng hiểu đúng pháp luật từ đó chấp hành nghiêm chỉnh hoặc thông qua việc nhận uỷ quyền của các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý như xin giấy chúng nhận đầu tư, vay vốn, chuyển tiền… theo quy định của pháp luật. Hoạt động của các tổ chức này phải được tiến hành một cách chuyên nghiệp, có quy mô rộng lớn với đội ngũ nhân viên tư vấn am hiểu sâu sắc pháp luật, làm việc năng suất, hiệu quả, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu và nguyện vọng của các nhà đầu tư.
Thứ ba: Nhà nước cần tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với các quốc gia khác trên thế giới, không ngừng ký kết các điều ước quốc tế về ĐTTTRNN.
Việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới là tiền đề thúc đẩy hoạt động ĐTTT có cơ hội xâm nhập ra nhiều quốc gia khác nhau. Các hiệp định song phương về bảo đảm đầu tư là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng trong bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư ở các nước mà chúng ta có ký hiệp định song phương, đó sẽ là cơ sở pháp lý chung điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hợp tác đầu tư giữa các nước, tạo cơ chế pháp lý ổn định giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh khi đầu tư sang những nước cũng cùng tham gia và
nâng cao khả năng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện dự án ở nước ngoài.
Các điều ước quốc tế nói chung và hiệp định song phương nói riêng cùng với hệ thống pháp luật trong nước điều chỉnh lĩnh vực này sẽ không ngừng tác động lẫn nhau theo hướng hỗ trợ và bổ sung cho nhau, cùng xây dựng nên hệ thống quy phạm pháp luật về ĐTTTRNN ngày càng hoàn thiện, phát triển, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi pháp luật ĐTTTRNN của các doanh nghiệp trong nước.
Thứ tư: Tăng cường các biện pháp chế tài về trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo, thống kê định kỳ của các doanh nghiệp.
Một trong những bất cập gặp phải kể từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Luật đầu tư 2005 và NĐ 78 năm 2006 là công tác quản lý các dự án ĐTRNN chưa thật sự hiệu quả và còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do việc thực hiện chế độ báo cáo, thống kê định kỳ của các dự án chưa đầy đủ.
Để khắc phục được hạn chế trên, pháp luật cần phải quy định rõ hơn nữa về các biện pháp chế tài đối với việc thực hiện nghĩa vụ này. Ràng buộc trách nhiệm, đảm bảo sự tuân thủ nghiêm chỉnh của các doanh nghiệp như đôn đốc thường xuyên, đồng thời áp dụng ngay các biện pháp chế tài khi có vi phạm. Theo phân tích đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật về ĐTTTRNN thời gian qua thì nguyên nhân của tình trạng báo cáo chưa đầy đủ một phần là do cơ quan nhà nước không có sự đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, lơ là trong việc quản lý và không có chế tài khi doanh nghiệp chậm hay không báo cáo. Vì vậy, để đảm bảo việc thực thi pháp luật một cách nghiêm túc và đúng đắn, các cơ quan nhà nước phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ ban ngành, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát để có những đánh giá toàn diện về dự án, sớm phát hiện những vi phạm và kịp thời chấn chỉnh theo đúng quy định pháp luật.
Thứ năm: Chính phủ nên thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nghiệp ĐTTTRNN.
Thông qua hoạt động này, Chính phủ sẽ trực tiếp nắm bắt được tình hình hoạt động của các dự án ĐTTTRNN, từ đó xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật phù hợp. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm thường xuyên và kịp thời của các nhà lãnh đạo cấp cao đối với các nhà ĐTTTRNN cho thấy thái độ của nhà nước đối với chính hoạt động này. Buộc các nhà đầu tư đã, đang và sẽ tiến hành ĐTTTRNN phải tự gắn trách nhiệm của bản thân đối với nhà nước, ý thức cao về việc tuân thủ và thực hiện đúng đắn các quy định của pháp luật.
Thứ sáu: Cần sớm có sự thay đổi nhận thức về ĐTTTRNN đồng thời các cán bộ trực tiếp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Theo quan niệm truyền thống, ở các nước có nền kinh tế đang phát triển thường chỉ chú ý đến vai trò của thu hút ĐTTTNN vào nước mình. Trong thời điểm hiện nay, khi mà bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra ngày một sâu sắc, các quốc gia đang phát triển đánh giá và nhìn nhận lại một cách chính xác và đầy đủ. Lý thuyết và thực tiễn đã chứng minh rằng, một nước mà dòng ĐTRNN càng mạnh thì càng có nhiều khả năng mở rộng thị trường và tăng cơ hội kinh doanh, từ đó tăng việc làm, tăng động lực phát triển kinh tế đất nước và tăng thu hút dòng vốn đầu tư vào. Các quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Nhật, Đức…là trung tâm thu hút đầu tư của thế giới và cũng là các quốc gia ĐTRNN lớn nhất thế giới [16].
Tại Việt Nam, thời gian trước một trong những yếu tố khiến quy định ĐTTTRNN chưa thoáng là do cách nghĩ đem tiền ra nước ngoài là đất nước bị hụt vốn. Đó là cách nghĩ phi kinh tế, bởi ĐTRNN không những cần mà còn là một xu hướng tất yếu. Các nước phát triển ĐTTTRNN để lợi dụng nhân công rẻ, nhưng đối với các nước đang phát triển như chúng ta, đến một mức độ nào đó dứt khoát cũng phải đầu tư ra, bởi đó là hành động chuyển những công nghệ hiện tại của chúng ta ra khỏi biên giới. Trung Quốc đang làm như thế, để họ có thể nhập về những công nghệ hiện đại hơn. Nếu Việt Nam không ĐTRNN thì vấn đề đổi mới công nghệ rất khó giải quyết. ĐTRNN lại hoàn toàn phù hợp với sự hội nhập của Việt Nam; nó
tạo lực mới cho nền kinh tế. Vì vậy việc thay đổi suy nghĩ và cách nhìn đối với hoạt động này là cần thiết và mang tính tất yếu. Có như vậy thì việc triển khai thực hiện mới thật sự thu được hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ cũng như các nhà cầm quyền cần có nhận thức sáng suốt theo quan điểm mới, từ đó phát huy tư duy theo cách nghĩ này, không ngừng rèn luyện, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn để có những đóng góp tích cực đẩy mạnh hoạt động ĐTTTRNN, đưa đất nước tiến lên theo kịp xu thế thời đại.
Kinh tế càng phát triển, nhu cầu điều chỉnh bởi công cụ pháp luật ngày càng tăng cao. Pháp luật không chỉ phải theo kịp và giải quyết tốt các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực kinh tế đó mà pháp luật còn phải mang tính định hướng, dự đoán được trước các vấn đề có thể phát sinh. Việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nhằm xây dựng nên một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp với điều kiện khách quan, đồng thời đưa nó vào cuộc sống, thiết thực, tạo dựng một môi trường pháp lý thuận lợi, lý tưởng, tác động trở lại đối với sự phát triển của kinh tế.
Trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập ngày càng mạnh mẽ của thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều nỗ lực để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế. Xác định được vai trò quan trọng của ĐTTTRNN, Chính phủ và Quốc hội đã tích cực thông qua hàng loạt các văn bản có giá trị pháp lý điều chỉnh hoạt động này.
Chỉ trong vòng một năm sau khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO, các DN Việt Nam đã ĐTRNN gần 400 triệu USD [17 ]. Xu thế này dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, với điều kiện pháp luật Việt Nam phải ngày càng xây dựng và hoàn thiện được môi trường pháp lý minh bạch, tạo điều kiện cho các DN Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Đề tài: “Tìm hiểu pháp luật về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài ở Việt
Nam” này được hoàn thiện trên cơ sở tập hợp các số liệu, các văn bản pháp lý
có liên quan trong lĩnh vực ĐTTTRNN. Trong khoảng thời gian tương đối hạn hẹp, khả năng nghiên cứu còn nhiều hạn chế và tính chất mới mẻ của đề tài, em đã phân tích được một số cơ sở lý luận về ĐTTTRNN và pháp luật về ĐTTTRNN, thực trạng pháp luật về ĐTTTRNN và những ý kiến đóng góp cho sự hoàn thiện của các quy định pháp luật đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về ĐTTTRNN. Trong sự vận động không ngừng của thời đại ngày nay có thể thấy các quy phạm pháp luật ra đời nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong một lĩnh vực nhất định sẽ tất yếu rất mau chóng trở thành lạc hậu. Mong rằng, trong thời gian tới các chuyên gia cũng như các nhà làm luật sẽ không ngừng tiếp tục nghiên cứu vấn đề hoàn thiện các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động ĐTTTRNN nhằm tiến tới xây dựng một hệ thống pháp luật ĐTTTRNN hoàn thiện, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam tiến xa ra thị trường thế giới.