Một trong những điểm mới và tiến bộ nhất của Luật đầu tư 2005 là tạo ra được khung pháp lý chung để các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đều được đầu tư, kinh doanh công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch, có trật tự kỷ cương. Cho nên tất cả các nhà đầu tư cho dù là ĐTRNN hay nhà ĐTNN đầu tư vào Việt Nam và các nhà đầu tư ở trong nước cũng đều có các quyền và nghĩa vụ giống nhau. Riêng trong lĩnh vực ĐTTTRNN, xuất phát từ chính sách, vị trí, vai trò của hoạt động này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực này mà Luật đầu tư năm 2005 ghi nhận thêm một số quyền và nghĩa vụ đặc thù cho các nhà đầu tư, cụ thể như sau:
- Nhà đầu tư được quyền chuyển vốn bằng tiền và các tài sản hợp khác ra nước ngoài để thực hiện đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối sau khi dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền của nước, vùng lãnh thổ đầu tư chấp thuận;
Nhà đầu tư khi bắt tay ĐTTTRNN phải tuân thủ rất nhiều yêu cầu của các quy định khác nhau, trong đó mặc dù Luật đầu tư tạo điều kiện cho họ bằng cách trao quyền chuyển vốn bằng tiền và các tài sản khác ra nước ngoài để tiến hành đầu tư, tuy nhiên nhà đầu tư cũng phải thực hiện quyền này trong khuôn khổ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
- Nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về đầu tư theo quy định pháp luật. Mặc dù vậy, quy định này vẫn chưa được cụ thể, chỉ mang tính chất là một quy định khung của Luật đầu tư 2005 mà không có những ưu đãi nổi trội so với pháp luật của các nước khác. Nó có ý nghĩa hay không là tuỳ thuộc vào các quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư với hoạt động ĐTTTRNN.
- Tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại cơ sở sản xuất kinh doanh do nhà đầu tư thành lập ở nước ngoài.
Với quy định này, nhà nước Việt Nam vừa tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc tìm hiểu nhân công lao động trong nước vừa giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động thể hiện sự nhất quán với quy định về lĩnh vực khuyến khích đầu tư cũng như được quy định tại Điều 75 Luật đầu tư. Nhà đầu tư được hưởng quyền lợi trên đồng thời cũng phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về thủ tục đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc tại dự án đầu tư theo quy định pháp luật về lao động, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài và chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc tại dự án đầu tư cùng với các quy định khác của pháp luật liên quan.
Bên cạnh các quyền lợi kể trên, các nhà đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt những nghĩa vụ tương ứng:
- Tuân thủ pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư.
Theo thông lệ quốc tế, bất cứ một hoạt động ĐTRNN nào cũng đều chịu sự điều chỉnh của cả 2 hệ thống pháp luật: pháp luật của nước đầu tư và pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư. Vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật Việt Nam, các nhà đầu tư khi tiến hành ĐTTTRNN đều phải chấp hành các quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
- Chuyển lợi nhuận và các khoản thu từ việc ĐTRNN về nước theo quy định pháp luật.
+ Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày có quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận và các khoản thu nhập khác từ dự án đầu tư về Việt Nam.
+ Trường hợp có nhu cầu kéo dài thời hạn quy định trên, nhà đầu tư phải có văn bản đề nghị và nêu rõ lý do gửi Ngân hàng nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định việc gia hạn được thực hiện không quá 2 lần, mỗi lần không quá 6 tháng.
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tài chính và hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Nghĩa vụ này cũng được cụ thể hoá tại Điều 22 NĐ 78 năm 2006, theo đó, hàng năm, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư có văn bản báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư kèm theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư gửi Bộ KH - ĐT, Bộ tài chính, Bộ thương mại, NHNN Việt Nam, Bộ quản lý ngành Kinh tế - kỹ thuật và UBND cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đặt trụ sở.
Mặc dù đã được quy định rõ tuy nhiên việc chấp hành và thực hiện của các DN Việt Nam trong thời gian qua là chưa thật sự nghiêm túc. Các doanh nghiệp chưa tự giác thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của mình. Điều này gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc thống kê, giám sát tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp đi sau khi muốn tìm hiểu về thực trạng đầu tư kinh doanh trên thị trường mà mình quan tâm.
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam.
Điều 27 NĐ 78 năm 2006 quy định về các nghĩa vụ tài chính mà các nhà ĐT phải thực hiện như sau:
+ Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam theo quy định pháp luật.
+ Trường hợp dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư thì mức thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam đối với phần lợi nhuận chuyển về nước được áp dụng như mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với dự án đầu tư trong nước trong cùng lĩnh vực đầu tư.
+ Trường hợp nước tiếp nhận đầu tư là quốc gia hoặc thuộc vùng lãnh thổ đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam thực hiện theo quy định của hiệp định đó.
+ Trường hợp nước tiếp nhận đầu tư là quốc gia thuộc vùng lãnh thổ chưa ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam thì khoản thuế thu nhập doanh nghiệp đã được nộp ở nước tiếp nhận đầu tư sẽ được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.
+ Việc miễn thuế xuất khẩu đối với tài sản mang ra nước ngoài để triển khai dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Khi kết thúc đầu tư ở nước ngoài, chuyển toàn bộ vốn, tài sản hợp pháp về nước theo quy định của pháp luật.
Cũng cùng một mục đích với việc chuyển lợi nhuận về nước, Điều 26 NĐ 78 năm 2006 quy định về việc thanh lý dự án đầu tư như sau:
+ Ngay sau khi kết thúc dự án đầu tư, nhà đầu tư phải thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
+ Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc việc thanh lý dự án đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển về nước toàn bộ các khoản thu từ việc thanh lý dự án đầu tư.
+ Trường hợp có nhu cầu kéo dài thời hạn quy định tại khoản 2 điều này, nhà đầu tư phải có văn bản đề nghị và nêu rõ lý do gửi Bộ KH - ĐT xem xét, quyết định. Việc gia hạn được thực hiện 1 lần và không quá 6 tháng.
- Trường hợp nhà đầu tư chưa chuyển về nước vốn, tài sản, lợi nhuận và các khoản thu nhập từ việc đầu tư ở nước ngoài như các nghĩa vụ trên đây thì phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, các quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư đã được pháp luật quy định rõ trong Luật đầu tư và NĐ 78 năm 2006, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động ĐTTTRNN. Các quyền và nghĩa vụ được quy định rõ ràng giúp cho các doanh nghiệp có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị cơ quan quản lý nhà nước gây phiền nhiễu.