Tương ứng với đối tượng của phản ánh nghệ thuật đã lựa chọn,

Một phần của tài liệu Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam (Trang 101 - 102)

Thạch Lam sử dụng nhiều thủ pháp phản ánh nghệ thuật phù hợp thể hiện qua cốt truyện và kết cấu, giọng điệu, ngôn ngữ trần thuật.

Một trong những đặc điểm nghệ thuật tự sự của truyện ngắn Thạch Lam là kiểu truyện không có truyện. Những sự kiện, biến cố, hành động chỉ là giá đỡ, là cái cớ để nhà văn nắm bắt và làm dấy lên những cảm xúc, cảm giác, trạng thái tâm lí bên trong. Yếu tố nghệ thuật này đem lại cho truyện ngắn Thạch Lam một lợi thế giống như thơ trong việc biểu đạt thế giới cảm xúc, cảm giác. Nhà văn thường đặt nhân vật vào một tình thế, một bi kịch nhân sinh nào đó để bắt kịp nét tâm lí, khoảnh khắc tâm trạng hay những biến thái tinh thần. Nhờ vậy, nhà văn đã nói được bằng nghệ thuật những suy ngẫm sâu sắc về con người một cách hiệu quả nhất.

Với nỗ lực tìm tòi và sáng tạo, Thạch Lam đã đem đến cho truyện ngắn của mình một kiểu kết cấu phù hợp và uyển chuyển. Kết cấu của truyện ngắn Thạch Lam không tuân theo những yếu tố ta thường thấy trong truyện ngắn hiện thực phê phán mà tuân theo những diễn biến tâm trạng nhân vật trong nhiều khoảnh khắc sống của đời thường. Lối kết cấu này đem lại cho truyện ngắn Thạch Lam nhiều trang viết hết sức tự nhiên, thành thực về đời sống bên trong của người bình dân.

Giọng điệu của truyện ngắn Thạch Lam cũng mang dấu ấn riêng tương ứng với cái tôi trữ tình như là đối tượng phản ánh. Đó là giọng điệu trữ tình

sâu lắng. Nhà văn dùng giọng điệu này để tạo ra những khoảng lặng nghệ thuật qua trang viết. Đây cũng là một phương diện tạo nên yếu tố trữ tình đậm đặc trong truyện ngắn Thạch Lam. Dù ẩn sâu vào từng câu chữ hay toát lên qua âm hưởng chung của cảnh vật, con người được mô tả, dù yêu thương ấm áp hay tâm tình chia sẻ, cảm thông, giọng điệu trong truyện ngắn Thạch Lam đều đóng vai trò như một thủ pháp nghệ thuật đắc địa trong việc thể hiện chân thành những nỗi niềm riêng tư của nhân vật.

Cũng như vậy, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Thạch Lam đã phát huy hết khả năng của nó để đáp ứng cho những mục đích nghệ thuật của nhà văn. Lớp từ miêu tả trạng thái cảm nhận chủ quan, hoạt động tâm lí thực chứng và những từ ngữ chỉ trạng thái tâm lí mơ hồ xuất hiện trong văn Thạch Lam trong ý nghĩa một phương tiện nghệ thuật độc đáo góp phần đắc lực cho việc thể hiện thế giới nội tâm sâu kín của con người. Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu và khả năng biểu hiện, nhà văn không chỉ đi sâu miêu tả, phản ánh “hiện thực bên trong” mà còn thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm và tấm lòng tin yêu con người, trân trọng sự sống và hiệu quả nhất là làm lộ diện những mạch cảm giác sâu kín, vi diệu. Niềm say mê sáng tạo không chỉ đem đến cho trang văn Thạch Lam một “ma lực” hấp dẫn, lôi cuốn, mà còn khẳng định đóng góp tích cực của ông vào sự phát triển của ngôn ngữ văn xuôi hiện đại.

Một phần của tài liệu Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam (Trang 101 - 102)