Trong các truyện ngắn viết về trẻ thơ, Thạch Lam thường đặt những “thiên sứ” của mình vào các bi kịch nhân sinh. Nhưng chủ ý của Thạch Lam không phải là đi sâu mô tả những cảnh đời lụi tàn, lam lũ. Điểm nhấn của Thạch Lam chính là vẻ đẹp thế giới bên trong của những đứa trẻ trên cái nền bóng tối tràn lan, đậm đặc của xã hội đương thời. Nhà văn đã lách vào đáy sâu đời sống tinh thần phong phú của trẻ thơ để khám phá, miêu tả những cảm xúc tinh tế, vi diệu nhất trong tâm hồn trẻ nhỏ và tạo ra được cho mình một thế giới trẻ thơ riêng. Đọc truyện ngắn viết về trẻ thơ của Thạch Lam, ta luôn bắt gặp những em thơ giàu cảm xúc, dễ rung động trước biến thái tinh vi của tạo vật và hồn người.
Đó là cảm xúc bâng khuâng trước cơn gió lạnh đầu mùa, là sự rung động trước thay đổi bất ngờ của đất trời ở một huyện lị nhỏ đồng bằng Bắc Bộ (Gió lạnh đầu mùa). Những rung động của chiếc lá trong cơn gió thổi, cái nắng ấm và hanh, hình ảnh mặt đất khô rắn, nứt nẻ, cái run rẩy vì rét của những em thơ vừa là ngoại cảnh vừa là tâm tình. Tất cả kết đọng biết bao yêu thương đối với những gì là linh hồn là thần thái của quê hương xứ sở. Những cảm xúc đẹp như thế không thể có ở những tâm hồn khô cứng. Đó phải là điệu hồn của những tấm lòng nhân ái, trĩu nặng yêu thương. Sự nhìn thấy và phát hiện ra những “rung động cực điểm” (chữ dùng của Thạch Lam) trong tâm hồn của những em bé đáng yêu đã khiến cho Gió lạnh đầu mùa được đánh giá là típ truyện hay nhất trong mảng truyện viết về trẻ thơ của Thạch Lam và có thể “đem vào bộ tuyển truyện ngắn hay của văn học Việt Nam thế kỷ XX” [3; 91].
Đó còn là âm thanh thân thuộc của “tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”, của “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng”, là những hình ảnh gợi cảm và rất đỗi nên thơ xuất hiện bên cạnh những hình ảnh tiêu điều, lam lũ, là ánh sáng đan xen với bóng tối, sự náo động chốc lát hiện trên cái nền im lặng mênh mang và cả “mùi riêng của đất, của quê hương” (Hai đứa trẻ)... mà Liên cảm nghe được khi đối diện với cảnh vật và cuộc sống con người nơi phố huyện. Rồi cảm giác xót thương của Liên khi nhìn thấy mấy đứa trẻ con nhà nghèo nhặt nhạnh trên bãi chợ tàn và dáng đi “lảo đảo” của bà cụ Thi lẫn vào đêm tối; nỗi buồn trông khắc khoải lúc màn đêm buông xuống; sự nuối tiếc, mơ tưởng, khát khao khi chuyến tàu vụt qua... Dường như mọi hình ảnh và âm thanh, đường nét và màu sắc, hương vị ở cái phố huyện nghèo đều gợi cảm giác buồn man mác. Khó có thể nói nỗi buồn từ cảnh vật thấm vào hồn người hay nỗi buồn từ tâm hồn ngây thơ của con người lan toả ra cảnh vật. Chỉ biết cảm xúc ấy cứ giăng mắc trong từng câu chữ tạo nên một giai điệu buồn thương. Dưới ngòi bút tài hoa của Thạch Lam, những sắc thái cảm xúc dịu dàng, êm ả, buồn xa vắng ở cô bé Liên được mở ra theo từng thời khắc đầy ấn tượng. Đó là những cung bậc cảm xúc chỉ có ở những em bé có đời sống nội tâm sâu sắc, có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, tươi non mát mẻ như giọt nắng buổi sớm mai. Bằng tấm lòng yêu thương vô hạn, Thạch Lam đã nỗ lực phát giác và lưu giữ vẻ đẹp thánh thiện trong tâm hồn trẻ thơ trên những trang văn của mình.
Còn đây là cảm giác của hai anh em trong một đêm mưa gió bão bùng: “không có cái khoan khoái êm ấm nào bằng cái thú đắp chăn nằm ngủ mà nghe mưa gió ở ngoài. Đêm lúc bấy giờ lạnh hơn lại càng làm cho mình thấy cái ấm trong chăn là dễ chịu” (Tiếng chim kêu). Cái cảm giác dịu êm trong đêm mưa gió ở đây đã mở ra bao cảm xúc xót thương cho những cảnh những tình, từ sự “thương hại” những lữ khách lê bước trên con đường khuya trong
mưa rét đến sự “ái ngại” cho những người nghèo đang trong cảnh ngộ “đêm nằm năm ở” và lòng thương chú chim non rũ cánh vô hạn...Tất cả những “tâm tình tốt đẹp ấy” đều là sự hiển thị của lòng trắc ẩn, là nhịp cầu kết nối những tấm lòng yêu thương, là vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam.
Là nhà văn có tâm hồn “đa cảm và tinh tế đến độ có thể thu nhận được sự thay đổi về độ ánh trăng hay âm sắc của các loại lá khô rụng va vào đất” [3; 25], Thạch Lam đã cảm nhận và diễn tả sâu sắc những cảm xúc hồn nhiên, thanh sạch ở thế giới bên trong của con người. Chính những cảm xúc rất gần với rung động thơ ấy đã tạo nên chiều sâu và sức ngân vang cho truyện ngắn Thạch Lam .