Trên nhiều mặt, nguồn lực con người hiện nay ở Kiên Giang chưa đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi của sự nghiệp CNH, HĐH. Tuy nhiên, tiềm năng nguồn lực con người hiện có không phải là nhỏ. Cho đến nay, nguồn lực rất quan trọng này vẫn chưa được chú trọng khai thác và phát huy triệt để. Tình trạng sử dụng không hiệu quả, lãng phí những tiềm năng nguồn lực con người hiện có, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau là rất lớn.
Để nhanh chóng phát huy hiệu quả nguồn lực con người với tư cách là nguồn lực cơ bản trong CNH, HĐH, vấn đề thiết thực và cấp bách đặt ra hiện nay là: phải tìm mọi cách sử dụng hết và có hiệu quả nguồn lực con người hiện có để phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu CNH, HĐH đến năm 2005 và 2010 ở tỉnh Kiên Giang.
- Phải thực sự coi nguồn lực con người là nguồn vốn lớn nhất, qný nhất trong tất cả các nguồn lực hiện có để CNH, HĐH tỉnh Kiên Giang.
Trong các Văn kiện và Nghị quyết gần đây, Đảng ta đã xác định ưu thế lớn nhất hiện có ở Việt Nam là nguồn lực con người, và mấu chốt để đi lên là khai thác và phát
huy triệt để tiềm năng sẵn có này. Điều khẳng định trên đây, cần phải được thể hiện nhất quán trong các chủ trương, chính sách, biện pháp phát triển kinh tế ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức kinh tế - xã hội cũng như từng cá nhân người lao động ở Kiên Giang. Chỉ như vậy việc khai thác, phát huy và sử dụng tiềm năng nguồn lực con người mới trở thành công việc của từng địa phương, từng ngành, từng doanh nghiệp và gia đình. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò là người khởi xướng, vạch kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Cần khẳng định rằng, những ý tưởng khoa học hoàn thiện nhất, những sơ đồ công nghệ tiên tiến nhất, cũng khó bề đưa lại kết quả mong muốn nếu thiếu những con người có khả năng vận dụng chúng vào thực tiễn. Mặc dù con người không thể phát huy được vai trò quyết định cho sự phát triển nếu thiếu các điều kiện vật chất như vốn, khoa học công nghệ... Nhưng trong sự tương tác giữa các yếu tố đó, con người luôn có vai trò nổi trội hơn so với các yếu tố vật chất. Vì vậy, cần có sự đổi mới một cách căn bản, ở cấp độ toàn xã hội nhận thức về vai trò của nhân tố người trong phát triển. Cần phải thấy rằng, tài nguyên lớn nhất của một quốc gia, dân tộc không phải là vốn liếng hay máy móc mà chính là con người, cùng với tiềm năng trí tuệ mà họ đang sở hữu, là những sáng kiến còn ẩn giấu trong vỏ não của mỗi nhân viên. Chỉ có như vậy, việc chú trọng khai thác và phát huy nhân tố con người mới trở thành hành động tự giác của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.
Tiềm năng trong mỗi con người Kiên Giang cũng như trong cả cộng đồng là rất lớn, nếu không nói là vô tận. Nó phát triển tỷ lệ thuận với việc khai thác và sử dụng nó. Chỉ có thực sự coi nhân tố con người là nguồn vốn quý nhất, là tài nguyên lớn nhất trong tất cả các nguồn lực để phát triển và tiến hành CNH, HĐH, chúng ta mới chú trọng đúng mức đến nhân tố con người và tìm cách khai thác nó, biến tiềm năng thành sức mạnh nội lực để đưa Kiên Giang đi lên.
- Giải quyết tốt mối quan hệ giữa yêu cầu chất lượng việc làm ngày một cao với số lượng lao động dư thừa ngày càng lớn.
Sử dụng nguồn lực con người cho CNH, HĐH không hoàn toàn đồng nhất với chính sách giải quyết việc làm. Yêu cầu đặt ra trong quá trình sử dụng nguồn lực con người cho CNH, HĐH không chỉ đơn thuần là tạo ra nhiều việc làm hay giải quyết việc làm đầy đủ cho người lao động, mà quan trọng hơn, phải tạo ra nhiều việc làm với năng suất cao, phát huy triệt để các tiềm năng và sức mạnh của nhân tố con người. Trong đó khai thác và sử dụng tiềm năng trí tuệ, phát huy năng lực sáng tạo là yêu cầu quan trọng nhất.
Trong điều kiện nguồn lực con người dồi dào nhưng chất lượng còn hạn chế, quá trình sử dụng nguồn lực con người cho CNH, HĐH ở Kiên Giang rất dễ gặp phải mâu thuẫn giữa hai xu hướng:
- Để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH Kiên Giang cần phải sử dụng nguồn lực con người có chất lượng cao, cần phải tạo ra việc làm với năng suất cao, điều chỉnh cơ cấu lao động cho phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế, tổ chức lại lao động trên phạm vi toàn tỉnh... Điều này tất yếu dẫn đến hiện tượng dư thừa lao động.
- Ngược lại, nếu quá chú trọng đến yêu cầu về toàn dụng nguồn lực con người, cố gắng giải quyết việc làm đầy đủ cho người lao động, mà không tính tới chất lượng và hiệu quả sử dụng, thì sẽ không phát huy được vai trò của nhân tố con người cho mục tiêu CNH, HĐH.
Quán triệt quan điểm của Đảng, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của CNH, HĐH chúng ta cần khai thác, phát huy tốt nhất những yếu tố tích cực của nhân tố con người nhưng ngược lại, cũng không thể để đại bộ phận người lao động đứng ngoài thành quả chung của quá trình phát triển. Yêu cầu tất yếu đặt ra là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhu cầu chất lượng lao động việc làm ngày một cao với số lượng lao động dư thừa đang có xu hướng tăng lên.
Trong tình hình thực tế hiện nay, chúng ta rất khó có thể giải quyết được đồng thời cả hai mục tiêu: vừa đảm bảo được nhu cầu sử dụng nguồn lực con người cho CNH, vừa thực hiện mục tiêu toàn dụng nguồn lực con người. Bởi vậy, cần có sự lựa chọn, ưu tiên hơn một mục tiêu này so với mục tiêu kia theo hướng có lợi cho sự phát triển chung của đất nước. Trong sự lựa chọn này, chúng tôi cho rằng cần phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng. Điều này sẽ có lợi hơn cho quá trình CNH, HĐH và là tiền đề giải quyết việc làm đầy đủ cho người lao động xét theo phát triển dài hạn.
Thực tế cho thấy, chỉ có thể giải quyết việc làm đầy đủ cho người lao động khi nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định. Điều đó đòi hỏi phải sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, trong đó quan trọng nhất là nguồn lực con người. Gắn với quá trình CNH, HĐH ở Kiên Giang hiện nay, một mặt cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với yêu cầu CNH, HĐH; mặt khác, kết hợp giữa nâng cao hiệu quả sử dụng với các chính sách tạo việc làm, trợ cấp khó khăn, trợ cấp thất nghiệp... Trong đó rất chú ý thu
hút lao động dư thừa vào quá trình đào tạo, đào tạo lại. Việc thu hút lao động dư thừa vào quá trình đào tạo, sẽ mang lại lợi ích không chỉ trước
mắt mà cả lâu dài. Trước mắt, nó góp phần giảm bớt số người tìm việc làm trên thị trường lao động, hạ thấp mức tăng cung về lao động; về lâu dài, giáo dục đào tạo sẽ cung cấp nguồn lực con người có chất lượng cao cho nhu cầu CNH, HĐH.
Giải quyết mối quan hệ giữa yêu cầu chất lượng lao động, việc làm ngày một cao với yêu cầu tạo việc làm đầy đủ trong giai đoạn hiện nay không có nghĩa là đặt cả hai mục tiêu đó ngang bằng nhau. Chúng ta không nên vì sức ép giải quyết việc làm quá lớn mà chạy theo số lượng, coi nhẹ mặt chất lượng trong sử dụng, ngược lại, cũng không vì chất lượng còn hạn chế của nguồn lực con người mà hạ thấp hoặc coi nhẹ tiêu chuẩn, yêu
cầu sử dụng như một số nơi đã làm trong thời gian qua. Cách giải quyết tốt nhất là lấy mục tiêu này (chất lượng) làm tiền đề và cơ sở để thực hiện mục tiêu kia (số lượng).
- Sử dụng tối đa nguồn lực con người phải trên cơ sở nâng cao chất lượng.
Thực tế đã chứng minh, chỉ có lao động đông và rẻ thì không
thể thực hiện thành công CNH, HĐH. Kinh nghiệm các quốc gia đã thực hiện thành công quá trình CNH đất nước chỉ ra rằng: Một quốc gia có được lực lượng lao động khỏe mạnh, lành nghề cùng với việc quản lý sáng tạo, linh hoạt lực lượng lao động đó sẽ là yếu tố quyết định tăng trưởng và phát triển [41, 22]. Từ đó có thể thấy rằng, yêu cầu đặt ra ở Kiên Giang là trong quá trình sử dụng nguồn lực con người cho CNH, HĐH một mặt, phải nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn lực con người đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi của quá trình CNH. Mặt khác, phải tổ chức, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực con người hiện có.
- Khơi dậy và nuôi dưỡng tính tích cực của người lao động.
Hiệu quả sử dụng nguồn lực con người phụ thuộc chủ yếu vào hai vấn đề: mức độ lành nghề và thái độ của người lao động đối với công việc. Để nâng cao trình độ chuyên môn - nghề nghiệp của người lao động đòi hỏi phải có thời gian. Kinh nghiệm cho thấy, sau khi được đào tạo về chuyên môn nghề nghiệp, người lao động phải mất thời gian khoảng 5 năm mới phát huy được tác dụng tốt. Vì vậy, cái mà chúng ta có thể và cần phải làm ngay là khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy tính tích cực của người lao động, hướng nó vào thực hiện mục tiêu CNH, HĐH tỉnh Kiên Giang.
- Sử dụng có hiệu quả nguồn lực con người đã qua đào tạo.
Như đã biết, mặc dù mới chỉ có 5,4% lực lượng lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nhưng Kiên Giang vẫn chưa sử dụng hợp lý nên có hiện tượng dư thừa giả tạo. Đây là nghịch lý cần nhanh chóng xóa bỏ để tránh hậu quả không tốt về sau.
Khắc phục tình trạng này, ngoài những vấn đề có tính cơ bản, lâu dài như: đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế, thay đổi cơ cấu, tỷ lệ đào tạo giữa các bậc học: Đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề... thì những vấn đề mà chúng ta có thể thực hiện được ngay trong thời gian tới nhằm sử dụng hết và có hiêụ quả
nguồn lực con người đã qua đào tạo là: Phát triển thông tin về thị trường lao động. Vấn
đề này, nó có ý nghĩa rất lớn trong việc làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của lao động đã qua đào tạo. Trong kinh tế thị trường, thông tin là yếu tố rất quan trọng để cung - cầu gặp nhau. Thông tin đầy đủ, chính xác sẽ giúp người lao động và người sử dụng lao động điều chỉnh quan hệ cung - cầu, tránh được những tổn thất về sức người, sức của do lãng phí hoặc sử dụng không đúng người, đúng việc gây ra. Cần tạo ra sự liên thông giữa người sử dụng và nơi đào tạo, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để những thông tin về nhu cầu lao động đến với các trường trung học chuyên nghiệp, các cơ sở, trung tâm đào tạo. Điều này sẽ giúp cho cả người sử dụng, nơi đào tạo và người lao động, điều chỉnh được cung cầu thích ứng với nhau và tránh được những lãng phí cả về vật chất (chi phí đào tạo) và tiềm năng nguồn lực
con người.
- Thu hút và sử dụng nguồn lực con người đã qua đào tạo đến các vùng nông thôn.
Nơi đây giữ một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân Kiên Giang. Tuy vậy, trên thực tế, việc huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội ở đây gặp rất nhiều khó khăn.
Phần lớn thanh niên sau khi học xong đại học hoặc được đào tạo chuyên môn - nghề nghiệp đều không muốn trở về quê, mà hầu hết tìm việc làm ở thị xã. Chính vì vậy, hiện nay ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học đang thiếu trầm trọng. Nhà nước cũng như Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cần có chính sách như: đào tạo tại chỗ, đào tạo theo địa chỉ... Ngoài ra, phải có chính sách ưu đãi về vật chất và tinh thần, để khuyến khích, động viên họ trở về phục vụ tại địa phương mình. Để thu hút trí thức trẻ đến làm việc ở vùng nông thôn, xa xôi hẻo lánh, thì một vấn đề hết sức quan trọng là tạo điều kiện để trí thức dễ dàng di chuyển từ vùng nông thôn đến thị xã... cùng nhiều chính sách khác để động viên kích thích họ cả về vật chất và tinh thần.
- Chính sách thu hút và sử dụng nhân tài.
Nếu con người là vốn quý thì nhân tài là cái quý nhất trong vốn quý đó. Vì vậy, thu hút và sử dụng được nhân tài ở Kiên Giang là vấn đề có ý nghĩa rất to lớn trong việc phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân tố con người. Cần có chính sách hợp lý để thu hút và trọng dụng nhân tài là một bộ phận hết sức quan trọng của chính sách sử dụng nguồn lực con người ở Kiên Giang.
Như đã trình bày ở trên, nguồn lực con người hiện có ở Kiên Giang trên nhiều mặt còn chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi CNH, HĐH. Nếu chỉ dựa vào nguồn lực con người hiện có, chúng ta khó có thể phát huy được vai trò của nó với tư cách là nguồn lực cơ bản để tiến hành CNH, HĐH ở tỉnh Kiên Giang. Con người không thể phát huy được sức mạnh của mình nếu không có sức khỏe tốt để làm chủ và nhân lên sức mạnh của bản thân. Chúng ta tiến hành CNH, HĐH không thể chỉ dựa vào lao động thủ công,
cần cù chịu khó, mà phải dựa vào lao động thông minh, sáng tạo, có trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật cao, thích ứng với công nghệ hiện đại. Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn lực con người vừa là yêu cầu mang tính cấp bách, vừa cơ bản lâu dài.
Xét trong mối quan hệ qua lại, giữa hiệu quả sử dụng và chất lượng của nguồn lực con người, cần phải thấy rằng: Hiệu quả sử dụng nguồn lực con người phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của bản thân nguồn lực con người. Hai vấn đề này, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Có được nguồn lực con người với chất lượng cao, đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi của quá trình CNH, HĐH sẽ là tiền đề quan trọng để phát huy vai trò của nguồn lực con người trong phát triển. Ngược lại, sử dụng đầy đủ và có hiệu quả nguồn lực con người sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để nâng cao chất lượng của nguồn lực con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ.
Từ mối quan hệ biện chứng đó, đòi hỏi quá trình sử dụng nguồn lực con người cho CNH, HĐH ở Kiên Giang phải được đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nâng cao chất lượng nguồn lực con người. Đây không chỉ là yêu cầu tất yếu để nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy vai trò của nguồn lực con người, mà còn là một phương hướng quan trọng để giải quyết mối quan hệ, giữa yêu cầu chất lượng việc làm ngày một cao với số lượng lao động dư thừa ngày càng lớn trong quá trình CNH, HĐH Kiên Giang.