0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (109 trang)

Đặc điểm chung về dân số và việc phát huy nguồn lực con người ở Kiên Giang

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: VẤN ĐỀ PHÁT HUY NGUỒN LỰC CON NGƯỜI TRONG SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở TỈNH KIÊN GIANG PPTX (Trang 35 -46 )

1.3.1. Đặc điểm chung về dân số và việc phát huy nguồn lực con người ở Kiên Giang Kiên Giang

Kiên Giang là tỉnh nằm phía Tây Nam của Tổ quốc, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có đường biên giới đất liền chung với Vương quốc Campuchia dài 56,8km. Đặc điểm tự nhiên rất đa dạng, có cả đồng bằng, rừng, núi, biển đảo. Diện tích tự nhiên 6.222 km2 (đất liền 5.591 km2, hải đảo 631 km2), bờ biển dài 200 km, vùng biển rộng trên

60.000 km2 với 105 hòn đảo nổi lớn nhỏ, hình thành 5 quần đảo, trong đó 43 đảo có dân

sinh sống. Đảo lớn nhất là Phú Quốc, có diện tích tự nhiên 573km2 với 70.000 dân. Đảo

xa nhất là Thổ Châu cách Rạch Giá 200km.

Dân số Kiên Giang có 1.518 ngàn, có 3 dân tộc sinh sống: Dân tộc Kinh 84,64%; Khơ me 12,4% và người Hoa 2,96%. Toàn tỉnh có 11 huyện, 2 thị xã, trong đó có 2 huyện đảo, 1 huyện và 1 thị xã biên giới (111 xã, phường, thị trấn; trong đó 14 xã đảo và 5 xã biên giới đất liền).

Về tự nhiên, Kiên Giang là tỉnh có tài nguyên phong phú đa dạng về nông, hải sản, khoáng sản và du lịch. Nguồn lao động tại chỗ dồi dào, nằm ven Vịnh Thái Lan, lưu thông quốc tế đường biển rất thuận lợi. Khí hậu Kiên Giang quanh năm ấm áp thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác nuôi trồng thủy sản. Người dân Kiên Giang vốn có truyền thống sống có nghĩa tình, cần cù, sáng tạo không ngại gian khó trong sản xuất và xây dựng, từng thời kỳ đã đầu tư khai thác những tiềm năng sẵn có, ứng

dụng khoa học công nghệ mới vào các lĩnh vực, từ đó không ngừng đưa kinh tế - xã hội Kiên Giang ngày một phát triển đi lên.

Nông nghiệp là ngành sản xuất trọng điểm và là thế mạnh số một của tỉnh đã được phát triển tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm thời kỳ 1991 - 1995 là 8,44%; 1996 - 1999, mặc dù ảnh hưởng cơn bão số 5 năm 1997 nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 7,8%. Năm 1991, năm đầu tiên Kiên Giang đạt 1 triệu tấn lương thực. Thời gian qua, tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích thâm canh tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, đến năm 1999, sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 2,1 lần so với năm 1991. Lương thực bình quân đầu người từ 713 kg năm 1990 lên 1.363 kg năm 1999. Các loại cây công nghiệp truyền thống của địa phương như: Cây tiêu, điều, dừa, khóm, mía được củng cố và phát triển ổn định, đặc biệt hạt tiêu của Phú Quốc đã được thị trường thế giới chấp nhận. Các loại cây ăn trái từng bước được phát triển trên cơ sở cải tạo vườn tạp. Chăn nuôi phát triển với nhiều hình thức, quy mô thích hợp. Về lâm nghiệp, toàn tỉnh hiện có 116,181 ha rừng, chiếm 86,6% đất quy hoạch lâm nghiệp, với độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt tỷ lệ 19%.

Kinh tế thủy sản là thế mạnh thứ hai của tỉnh, có khả năng tạo ra sản phẩm hàng hóa giá trị cao. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 1991-1995 bình quân hàng năm 11,29%; 1995-1999, tuy bị thiệt hại lớn do cơn bão số 5 năm 1997, nhưng bình quân hàng năm vẫn đạt 7%. Năm 1995 sản lượng khai thác đạt 174.900 tấn; năm 1999: 225.000 tấn, tăng 1,28 lần so với năm 1995. Nuôi trồng thủy sản được chú trọng phát triển nhất là nuôi tôm nước lợ vùng ven biển, nuôi cá nước ngọt dưới nhiều hình thức, hàng năm sản lượng đạt 10.000 tấn.

Ngành công nghiệp được hình thành và phát triển từ lâu, hiện đã và đang thích ứng dần với cơ chế mới, đi dần vào thế ổn định và phát triển. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 1996 - 2000 bình quân đạt 13,05%. Hiện tại hai nhóm ngành chính đang phát triển khá và ổn định là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến hàng nông, hải sản.

Hai ngành công nghiệp này đã và đang thu hút vốn đầu tư của các đơn vị trong và ngoài tỉnh, kể cả vốn đầu tư nước ngoài để từng bước thúc đẩy quá trình CNH, HĐH.

Những năm gần đây cơ sở hạ tầng trong tỉnh phát triển khá. Giao thông nội ô các thị xã, thị trấn được sửa sang, nâng cấp và tráng nhựa. Các tuyến giao thông liên huyện, liên xã, giao thông nông thôn trong đất liền hầu hết đã lưu thông được cả bằng đường thủy và đường bộ. Đường ô tô đã nối liền từ tỉnh đến 11 huyện, thị trên đất liền và đã đến được 95/111 xã. Thành tựu nổi bật trong những năm qua là tỉnh đã kết hợp với Trung ương nâng cấp một số tuyến lộ quan trọng như: quốc lộ 80, quốc lộ 61, ngoài ra tỉnh cũng đã xây dựng được nhiều tuyến đường tỉnh lộ như: Tỉnh lộ 11, tỉnh lộ 28... Những tuyến đường này đã đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hệ thống giao thông liên lạc bưu chính viễn thông, điện ánh sáng được đầu tư phát triển. Đến nay có 100% xã, phường có điện thoại, 96,5% xã, phường có điện thắp sáng.

Các ngành dịch vụ từng bước được củng cố và phát triển. Giai đoạn 1991 - 1995 tốc độ tăng bình quân hàng năm 9,72%, giai đoạn 1996 - 2000 tăng bình quân hàng năm 9,93%. Dịch vụ vận chuyển trong tỉnh tăng nhanh, dịch vụ thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông tiếp tục được hiện đại hóa. Mạng lưới điện thoại, điện báo được mở rộng trong nước và nối mạng ra nước ngoài. Các loại dịch vụ thương mại, cung ứng vật tư thiết bị, giao thông hàng hóa trong vùng có bước phát triển nhanh. Thời gian qua tỉnh đã xây dựng cơ bản hoàn thành Trung tâm Thương mại Rạch Giá và một số chợ xã. Hàng hóa được tự do lưu thông với sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó thành phần kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo.

Về phát triển du lịch, thời gian qua tập trung chủ yếu ở thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương như: Khu du lịch Mũi Nai, Thạch Động, Chùa Hang, Bãi Dương, Hòn Phụ Tử. Đối với huyện đảo, du lịch chủ yếu tập trung ở Phú Quốc với những danh lam thắng cảnh như: Dinh Cậu, Khu du lịch Bà Kèo... Do đó đã thu hút được nhiều khách trong nước cũng như khách nước ngoài đến tham quan du lịch.

Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, công cuộc đổi mới gần 15 năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, tình hình kinh tế - xã hội ổn định và trên đà phát triển, đời sống nhân dân trong tỉnh ngày càng được cải thiện tốt hơn, góp phần ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển vững chắc.

Hiện tại tỉnh Kiên Giang đang cùng với cả nước đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Chuẩn bị sẵn thế và lực để bước vào thiên niên kỷ mới. Mục tiêu phấn đấu là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, mở rộng hợp tác đầu tư, phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn 2001 - 2005 từ 10,78% - 11,99%, giai đoạn 2006 - 2010 đạt từ 9,86% - 10,66%.

Để nhận thức và đánh giá đúng chất lượng nguồn lực con người tỉnh Kiên Giang, cần phải thấy rõ mặt mạnh và hạn chế, từ đó đề ra phương hướng và biện pháp để phát huy có hiệu quả nguồn lực con người, để tạo tiền đề cùng với cả nước thực hiện thành công CNH, HĐH.

Dân số Kiên Giang năm 1999: 1.518 ngàn, (năm 1995 dân số 1.399 ngàn), chỉ trong vòng 5 năm tăng thêm 119 ngàn [xem phụ lục 1]. Quy mô dân số lớn, tỷ lệ hàng năm tăng cao đã làm tăng nhanh chóng nguồn lao động. Nguồn lao động năm 1995 có 757 ngàn, tăng lên 879 ngàn năm 1999 [xem phụ lục 2]. Vậy, trung bình mỗi năm có thêm 33 ngàn người gia nhập lực lượng lao động. Điều đó cho thấy nguồn cung lao động rất dồi dào. Đây là một lợi thế về tiềm năng để phát triển, song cũng là sức ép lớn đối với tỉnh trong giải quyết việc làm.

Cần khẳng định rằng, trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang có nhiều cố gắng giải quyết việc làm cho lực lượng lao động xã hội. Điều đó được thể hiện qua số lượng tuyệt đối người lao động đang làm việc trong nền kinh tế ngày một tăng thêm. Nếu năm 1995, số người đang làm việc trong nền kinh tế là: 621 ngàn đến năm 1999 là 735 ngàn. Trong 5 năm tăng lên 114 ngàn, bình quân tăng mỗi năm trên 22 ngàn người.

Tuy nhiên, trên thực tế nguồn lao động dồi dào của tỉnh Kiên Giang vẫn chưa được thu hút hết vào làm việc trong nền kinh tế. Tỷ trọng người đang làm việc trong nền kinh tế so với số người trong nguồn lao động là 83,37% năm 1995, đã giảm xuống còn 75% năm 1999. Theo kết quả điều tra lao động - việc làm toàn tỉnh năm 1996 thì tỷ lệ thất nghiệp là 4,19%, năm 1999: 4,08%, đến năm 2000 còn 3,96% [xem phụ lục 3].

Từ năm 1993, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ra nghị quyết và ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch thực hiện chủ trương tạo việc làm cho người lao động, từng bước xóa đói giảm nghèo. Bằng nhiều biện pháp đồng bộ như: hỗ trợ vốn, giải quyết đất đai, dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, giáo dục xây dựng cung cách làm ăn mới và có ý thức tiết kiệm, khắc phục tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu... đi đôi đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, từ đó giảm dần tỷ lệ thất nghiệp, giảm bớt dần hộ nghèo từ 14,49% năm 1997, xuống còn 10,1% năm 2000 (theo điều tra Cục thống kê tỉnh Kiên Giang 6 tháng đầu năm 2000).

Một điểm đáng lưu ý là trong những năm qua, nhờ chủ trương khuyến khích kinh tế ngoài quốc doanh phát triển, nên các ngành kinh tế ngoài quốc doanh đã thu hút được một số lượng khá lớn lao động vào làm việc. Nếu năm 1995 khu vực này chỉ có 592.469 lao động, thì đến năm 1999 đã tăng lên 701.432 [xem phụ lục 4]. Điều này chứng tỏ rằng kinh tế ngoài quốc doanh trong thời kỳ chuyển đổi đã giữ vai trò rất quan trọng trên thị trường lao động, góp phần giảm bớt sự căng thẳng quan hệ cung cầu lao động trong thời gian vừa qua.

Nhìn chung trong thời gian qua, do tác động của đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nên mặc dù giá trị sản lượng công nghiệp luôn tăng cao (cao hơn nhịp độ chung của nền kinh tế) nhưng lao động trong công nghiệp không tăng nhiều [phụ lục 4]. Điều này chứng tỏ rằng, trong quá trình CNH, HĐH, lĩnh vực công nghiệp không phải là nơi thu hút nhiều lao động mà là lĩnh vực thu hút lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao hơn. Vì vậy số lượng lao động trong công nghiệp không tăng bao nhiêu, cũng là điều tất yếu trong CNH, HĐH.

Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp, theo kết quả điều tra lao động việc làm tỉnh Kiên Giang năm 1995 có 492 ngàn lao động, tăng lên 582 ngàn năm 1999 [xem phụ lục 5]. Những năm gần đây, cùng với sự đổi mới chung của nền kinh tế, nông nghiệp nông thôn của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, qua đó tác dụng tích cực đến giải quyết việc làm cho người lao động.

Để tạo việc làm và tăng thêm thời gian lao động ở nông thôn tỉnh đã chú trọng phát triển các ngành nghề ngoài nông nghiệp. Có thể coi đây là bước phát triển đáng mừng cho nông nghiệp, nông thôn trong tình hình hiện nay ở Kiên Giang.

Tuy nhiên, đánh giá chung thì nông nghiệp và nông thôn vẫn đang đứng trước những thách thức rất lớn để giải quyết việc làm, sử dụng và phát huy có hiệu quả nguồn lực con người hiện có. Ngoài ra còn phải giải quyết tạo thêm chỗ làm mới cho 33 ngàn lao động tăng thêm hàng năm. Đây thật sự là thách thức rất lớn không chỉ đối với nông thôn, mà còn đối với toàn tỉnh Kiên Giang.

Bằng những phương thức có tính sáng tạo, huy động từ nhiều nguồn vốn tập trung đầu tư để thu hút được nhiều nguồn lao động vào những công trình, trong đó có những công trình mới có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt và có tính chất lâu dài như: Trung tâm Thương mại Rạch Giá với vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng hoàn toàn bằng nguồn vốn của nhân dân, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1998, có hiệu quả về phát triển kinh tế, giải quyết việc làm trong xã hội. Đặc biệt dự án lấn biển, xây dựng khu đô thị mới, mở rộng thị xã Rạch giá (1999 - 2005). Đây là dự án hết sức táo bạo của lãnh đạo tỉnh, chủ chốt là Ban thường vụ, ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Qua nhiều năm suy nghĩ, trăn trở làm sao để giải quyết hiện trạng thị xã Rạch Giá kết cấu hạ tầng thấp, thị xã nhỏ hẹp, mật độ dân cư quá đông, thiếu khu vui chơi, giải trí bởi sự khống chế của kênh Rạch giá - Hà Tiên, ba bên, bốn phía đều sông và biển. Vấn đề đặt ra là mở rộng theo hướng nào? Nếu mở về hướng Đông thì việc thực hiện sẽ hết sức tốn kém, nhất là công tác giải tỏa, đền bù. Đồng thời việc sử dụng đất nông nghiệp phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng là không phù hợp với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nếu mở hướng Tây thì là

biển. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang, các nhà kỹ sư tiến hành thăm dò đê biển

và quyết định mở ra hướng Tây là hợp lý và mang tính khả thi cao, với ba lý do: Một là,

không đụng đến đất đai và nhà ở của nhân dân. Hai là, bãi biển bồi rất cạn, do vậy, chi

phí tạo mặt bằng ít tốn kém. Ba là, tạo ra dáng vẻ, bộ mặt của một đô thị biển, sẽ thu hút các nhà đầu tư để phát triển các ngành khác. Ngoài ra Kiên Giang là một tỉnh tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, phía Bắc giáp với ranh giới Campuchia, phía Tây giáp với Vịnh Thái Lan. Do vậy, việc mở rộng thị xã ra phía biển sẽ tạo ra một vành đai phòng thủ vững chắc, với một tầm nhìn bao quát mặt biển về phía Tây (Vịnh Thái Lan). Do đó, về mặt chiến lược an ninh quốc phòng rất quan trọng khi dự án được mở ra.

Dự án lấn biển là một dự án có quy mô lớn và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với địa bàn chật hẹp của thị xã như hiện nay, việc bố trí dân cư, hệ thống giao thông, các khu vui chơi giải trí, các khu du lịch và các công trình khác hết sức khó khăn và phức tạp. Do đó, việc mở rộng thêm diện tích thị xã về phía biển trở nên hết sức cần thiết cho việc bố trí lại dân cư, hệ thống giao thông, các khu du lịch, các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn thị xã.

Dự án lấn biển mở ra, tạo mỹ quan cho đô thị, đồng thời thu hút hàng ngàn lao động, góp phần thực hiện tốt chính sách của tỉnh về giải quyết việc làm cho người lao động, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp một cách đáng kể. Đó là sự cố gắng rất lớn của Đảng bộ và nhân dân Kiên Giang.

Thực tiễn cũng như kinh nghiệm các quốc gia thực hiện thành công CNH, HĐH đã khẳng định rằng: Có được nguồn lực con người đào tạo tốt về chuyên môn kỹ thuật cùng với việc phát huy có hiệu quả đội ngũ nguồn lực đó sẽ là nhân tố quyết định sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng. Điều này, chứng minh rằng: Công nghệ dù có lạc hậu, vốn dù có thiếu, đất nước ta nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng, vẫn có thể có được CNH, HĐH bằng con đường "nhập", "vay", nhưng nguồn lực con người thì không thể thay thế bằng con đường nhập khẩu. Đó là nguồn nội lực

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: VẤN ĐỀ PHÁT HUY NGUỒN LỰC CON NGƯỜI TRONG SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở TỈNH KIÊN GIANG PPTX (Trang 35 -46 )

×