Thực tiễn cho thấy, thời gian qua tổ chức và hoạt động của Chính phủ Lào có những đổi mới nhất định, góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, so với mục tiêu của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng nhân dân cách mạng Lào khởi xướng và lãnh đạo, tổ chức và hoạt động của Chính phủ Lào vẫn chưa theo kịp và đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể là tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở vẫn còn chưa hợp lí, bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước còn chồng chéo, chưa rõ ràng; văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của Chính phủ vừa thiếu vừa chưa đồng bộ, dẫn đến sự không thống nhất trong tổ chức và hoạt động của cơ quan này; đội ngũ cán bộ công chức tuy đã có bước phát triển lớn so với thời kì trước đổi mới nhưng nhìn chung số lượng vẫn còn thiếu và nhất là chất lượng còn thấp.
Việc nghiên cứu tìm kiếm phương hướng và các giải pháp cụ thể để đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ Lào hiện nay cần dựa trên cơ sở đúc kết thực tiễn, kinh nghiệm và truyền thống lịch sử dân tộc, nghiên cứu lí luận cơ bản cũng như tham khảo mô hình tổ chức, vận hành bộ máy Chính phủ của các nước tiên tiến trên thế giới, nhất là kinh nghiệm của Việt Nam - người bạn láng giềng gần gũi, nhất mực thuỷ chung của nhân dân các bộ tộc Lào