Các nguồn vốn khác:

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO MỐI QUAN HỆ CỦA TẠO LẬP, THU HÚT VÀ SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ (Trang 27 - 28)

Nguồn kiều hối và các dịch vụ thu ngoại tệ:

Bên cạnh nguồn thu từ FDI, xuất khẩu và viện trợ, nguồn kiều hối cũng là một nguồn lực quan trọng không kém. Việt kiều là một bộ phận không tách rời của dân tộc. Nguồn lực của Cộng đồng người Việt ở nước ngoài còn rất to lớn. Điều đó thể hiện rất rõ qua số lượng kiều hối được gửi về hàng năm và số doanh nghiệp do Việt Kiều đầu tư về nước. Từ 1991- 2004, kiều hối tăng bình quân trên 10%/năm. Năm 1991, kiều hối chuyển về mới đạt 31 triệu đô-la, đến năm 1995 đạt gần 300 triệu, năm 1999 đạt hơn 1 tỷ đô-la, năm 2003 đã lên tới 2,6 tỷ và năm 2004 ước đạt 3 tỷ đô-la. Dự đoán với đà tăng trưởng này, đến năm 2010 lượng kiều hối sẽ là gần 5 tỷ. Các doanh nghiệp Việt Kiều có quy mô vừa và nhỏ hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Nhiều hội thảo doanh nhân Việt Kiều, các buổi họp mặt của các Hội người Việt Nam ở Nước ngoài đã góp phần tăng cường sự gắn bó của Việt Kiều với quê hương đất nước. Cộng đồng người Việt có cống hiến cho đất nước đang được dành nhiều ưu đãi và được khuyến khích mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đó là định hướng nhất quán và đang được triển khai thực hiện từ trung ương đến địa phương.

Cùng với nguồn thu từ kiều hối, thu từ các dịch vụ du lịch, vận tải vãng lai...cũng tăng nhanh, và là nguồn vốn chảy trực tiếp vào các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Thông qua các khoản thuế, các doanh nghiệp này trực tiếp đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Nguồn vốn đầu tư gián tiếp FPI (Foreign Portfolio Investment)

Có thể thấy, FPI là một khái niệm khá mới mẻ, nhất là ở nước ta, vì chúng xuất hiện và phát triển gắn liền với sự hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán quốc gia và quốc tế.

Trên thực tế, mặc dù FPI dùng để chỉ các hình thức đầu tư không phải là đầu tư trực tiếp nước ngoài truyền thống (tức đầu tư để lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, lập liên doanh hoặc công ty cổ phần và kinh doanh theo hợp đồng hợp tác kinh doanh…), song sự phân biệt này không phải lúc nào cũng rạch ròi và thống nhất. Chẳng hạn, khi nhà đầu tư dùng vốn của mình để mua cổ phiếu của doanh nghiệp, nếu tỷ lệ cổ phiếu do nhà đầu tư nắm giữ thấp hơn mức nhất định (10% theo tiêu chuẩn của IMF và 30% theo tiêu chuẩn của Việt Nam hiện hành) là đầu tư gián tiếp, nhưng khi vượt ngưỡng này lại được xếp vào đầu tư trực tiếp và khi đó, nhà đầu tư có thể dùng quyền bỏ phiếu của mình để can thiệp trực tiếp vào thực tế quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp…

Cũng như FDI, động thái dòng FPI chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ của các nhân tố như bối cảnh quốc tế (hòa bình, ổn định vĩ mô, các quan hệ ngoại giao và môi trường pháp lý quốc tế thuận lợi); nhu cầu và khả năng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; mức độ tự do hóa và sức cạnh tranh (chủ yếu là ưu đãi tài chính và sự thân thiện, thuận tiện của quản lý nhà nước đối với nhà đầu tư) của môi trường đầu tư trong nước; sự phát triển của hệ thống tiền tệ và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh nói riêng, của các thể chế thị trường nói chung của nước tiếp nhận đầu tư v.v… Nhưng khác với FDI, FPI chịu ảnh hưởng trực tiếp mạnh hơn từ các nhân tố như: sự phát triển và độ mở cửa của thị trường chứng khoán, chất lượng của các cổ phiếu, trái phiếu do doanh nghiệp và Nhà nước phát hành, cũng như các chứng khoán có giá khác lưu thông trên thị trường tài chính; sự đa dạng và vận hành có hiệu quả của các định chế tài chính trung gian (trước hết là các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư tài chính các loại, các quỹ đầu tư đại chúng, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thành

viên); sự phát triển và chất lượng của hệ thống thông tin và dịch vụ chứng khóan, trong đó có các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn và dịch vụ định mức hệ số tín nhiệm doanh nghiệp và chứng khoán. Dòng FPI sẽ chảy mạnh vào trong nước tỷ lệ thuận và cấp số nhân cùng với sự gia tăng quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động hiệu quả ở trong nước, cũng như cùng với việc nới rộng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp đó…

Thực tiễn 3 giai đoạn thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ở nước ta thời gian qua cho thấy sự tác động vừa đề cập ở trên:

- Giai đoạn 1 (1988 – 1997): là thời kỳ mở đầu cho dòng vốn FPI vào Việt Nam theo xu hướng đổi mới và mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra trong phạm vi cả nước và tạo động lực, hy vọng chung cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn này, ở Việt Nam đã có 7 Quỹ đầu tư nước ngoài được thành lập với tổng số vốn được huy động khoảng 400 triệu USD.

- Giai đoạn 2 (1998 – 2002): là thời kỳ khủng hoảng và hậu khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á khiến các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đổ vào châu Á bị chững lại và Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng chung của xu hướng này với việc giảm sút và thu hẹp đáng kể quy mô thu hút của cả FDI và FPI. Trong số 7 Quỹ đầu tư kể trên có 5 Quỹ rút khỏi Việt Nam, 1 Quỹ thu hẹp trên 90% quy mô quỹ, chỉ còn duy nhất Quỹ Vietnam Enterprise Investment Fund được thành lập tháng 7-1995 với quy mô vốn 35 triệu USD (nhỏ nhất trong số 7 Quỹ) là còn hoạt động cho đến nay.

- Giai đoạn 3 (từ 2003 - nay): là thời kỳ phục hồi trở lại của dòng vốn FPI vào Việt Nam cùng với xu hướng tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các định chế thị trường tài chính, trong đó có lập sàn giao dịch chứng khoán ở thành phố Hồ Chí Minh tháng 7-2000 và thị trường chứng khoán Hà Nội tháng 3-2005, đặc biệt là chủ trương và quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa và nới lỏng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước lớn được cổ phần hóa (từ 30% lên 49%)… Tính đến tháng 6-2006, cả nước đã có 19 Quỹ đầu tư nước ngoài với tổng vốn 1,9 tỉ USD đang hoạt động ở Việt Nam. Tổng cộng đến nay, FPI mà Việt Nam thu hút được bằng khoảng 2-3% so với tổng vốn FDI đã thu hút được trong cùng thời kỳ (so với tỷ lệ trung bình 30-40% của các nước khu vực thì đây là tỷ lệ khiêm tốn…). Tuy nhiên, có thể cảm nhận khá rõ rệt và xác đáng những triển vọng sáng sủa của dòng FPI đổ vào Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt từ sau khi Việt Nam triển khai các cam kết hội nhập WTO và thúc đẩy trên thực tế quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn đang hoạt động trong các lĩnh vực độc quyền hoặc gần như độc quyền hiện nay

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO MỐI QUAN HỆ CỦA TẠO LẬP, THU HÚT VÀ SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(57 trang)
w