2. Xem: Bùi Kiên Điện nghiên cứu, sử dụng đặc điểm nhân thân bị can trong hoạt động điều tra hình sự Tr187.
2.2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả chuẩn bị hỏi cung bị can
Chuẩn bị hỏi cung bị can trong hoạt động hỏi cung bị can của nước ta hiện nay đã đạt được những kết quả khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiến hành tố tụng của CQĐT. Tuy vậy, chúng ta không thể phủ nhận một thực tế tồn tại là còn quá nhiều án vẫn tồn đọng ngay từ khâu chuẩn bị hỏi cung bị can, có nhiều vi phạm pháp luật xảy ra trong khi tiến hành hỏi cung do không có sự chuẩn bị tốt từ khâu chuẩn bị hỏi cung; việc lấy lời khai của bị can còn gặp nhiều khó khăn do không có sự hỗ trợ của các lực lượng khác để thu thập những chứng cứ cần thiết hay những vấn đề tương ứng để đấu tranh với bị can. Hơn nữa, không có các văn bản hướng dẫn về vấn đề này để CQĐT áp dụng và thực hiện.
Nhằm khắc phục những thiếu sót kể trên, giúp nâng cao hiệu quả của chuẩn bị hỏi cung bị can đối với chất lượng của hoạt động hỏi cung bị can trong thực tế, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cần nâng cao vai trò cũng như nhận thức của CQĐT về ý nghĩa
của chuẩn bị hỏi cung bị can đối với hoạt động hỏi cung bị can nói riêng và hiệu quả của hoạt động điều tra vụ án hình sự nói chung.
Hiện nay, tổ chức CQĐT không chỉ thiếu về số lượng ĐTV mà còn yếu về chất lượng ĐTV. Trình độ pháp luật, nghiệp vụ điều tra của ĐTV còn nhiều hạn chế, trong đó có nhiều trường hợp nhận thức không đầy đủ về vai trò của chuẩn bị hỏi cung đối với hỏi cung bị can dẫn đến hiệu quả của hoạt động hỏi cung không cao, nhất là trong trường hợp bị can từ chối khai báo hay không thành khẩn khai báo. Có một số trường hợp, do ĐTV có trình độ pháp luật, nghiệp vụ không cao nên việc chuẩn bị cho hỏi cung còn phiến diện, lựa chọn cách thức hỏi cung không phù hợp nên làm cho nhiều vụ án rơi vào ngõ cụt ngay từ khâu hỏi cung. Để khắc phục tình trạng trên, trước tiên cần phải giải quyết việc tổ chức lực lượng và nâng cao trình độ pháp luật, nghiệp vụ cho ĐTV.
+ Việc tổ chức lực lượng có thể được thực hiện thông qua các hoạt động như: Rà soát tổng thể lực lượng làm công tác điều tra trong cơ quan Cảnh sát điều tra (số người đã được bổ nhiệm ĐTV, số người chưa được bổ nhiệm ĐTV; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; sức khỏe; phẩm chất, đạo đức, nhân cách của
ĐTV); tiến hành phân loại và tổ chức lực lượng. Có như vậy mới nhanh chóng khắc phục được tình trạng thiếu ĐTV hiện nay.
+ Đối với vấn đề nâng cao trình độ pháp luật và nghiệp vụ của ĐTV thì Công an các tỉnh thành phố cần chủ động liên hệ với trường Học viện Cảnh sát nhân dân để tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho lực lượng Cảnh sát điều tra. Cùng với đó, Bộ Công an cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng định kỳ về pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng ĐTV. Các ĐTV cần phải rèn luyện để nâng cao kinh nghiệm và khả năng thu thập, tổng hợp, phân tích tài liệu, chứng cứ cũng như khả năng vận dụng linh hoạt sáng tạo các thủ thuật hỏi cung sao cho hiệu quả. Ngoài ra, mỗi ĐTV cần phải tự mình nỗ lực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ pháp lý, phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, đề cao tinh thần trách nhiệm với công việc để hạn chế việc xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm trong khi phá án.
Cần tăng cường sức chiến đấu cho ĐTV và các CQĐT cấp huyện nhất là ở các địa bàn trọng điểm của các tỉnh trên cả nước. Bởi thực tế cho thấy, số lượng án mà các CQĐT cấp huyện phải giải quyết chiếm tỷ lệ không nhỏ. Mặt khác, lực lượng ĐTV trong các CQĐT cấp huyện còn rất mỏng, chất lượng lại chưa cao. Đồng thời, cũng nên thành lập các bộ phận chuyên trách trong các đơn vị của các cơ quan cảnh sát điều tra từ cấp huyện trở lên để điều tra các vụ án được thực hiện do trẻ vị thành niên. Bởi nó xuất phát từ đặc điểm của tội phạm vị thành niên là dễ bị tác động bởi cảm xúc, diễn biến tâm lý phức tạp, dễ bị thay đổi. Điều đó đòi hỏi, các ĐTV cần phải có những hiểu biết nhất định về tâm lý bị can vị thành niên để sử dụng chiến thuật hợp lý trong quá trình đấu tranh với những bị can này. Có như vậy, hoạt động hỏi cung bị can vị thành niên nói riêng và hỏi cung bị can nói chung mới đạt hiệu quả cao.
Thứ hai, CQĐT cần thường xuyên tổ chức việc tổng kết, đúc rút kinh
nghiệm sau mỗi cuộc hỏi cung để khắc phục những hạn chế mà chuẩn bị hỏi cung chưa làm được và phát huy những mặt đã đạt được trong các buổi hỏi cung tiếp theo. Phương thức thực hiện, nhất là những bài học kinh nghiệm, cả thành công và không thành công cùng nguyên nhân của nó cần được Bộ Công an quan tâm tổ chức đúc rút kinh nghiệm, phổ biến tới đội ngũ ĐTV trong toàn ngành.
Chỉ khi đó, những sơ xuất, thiếu sót của ĐTV trong chuẩn bị hỏi cung mới kịp thời được khắc phục và sửa đổi. Hơn nữa, CQĐT có thể phối hợp với các lực lượng liên quan khác để việc tổng kết kinh nghiệm được tiến hành chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Thứ ba, cần hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết cho việc chuẩn bị
hỏi cung bị can như, các phương tiện phục vụ lưu trữ, khai thác thông tin về bị can và nhất là chuẩn bị được phòng hỏi cung lý tưởng… Bởi kinh nghiệm hỏi cung bị can ở nước ta cũng như trên thế giới đã khẳng định: Phòng hỏi cung phù hợp hay không phù hợp cũng quyết định tới thái độ khai báo của bị can. Do đó, ĐTV phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm để có thể thực hiện tốt yêu cầu đó, góp phần nâng cao hiệu quả của chuẩn bị hỏi cung bị can. Tuy nhiên hiện nay, khoa học điều tra hình sự cũng như pháp luật tố tụng hình sự không quy định cụ thể về tiêu chuẩn của phòng hỏi cung, nhưng thông qua các tài liệu nghiên cứu về hỏi cung bị can cũng như thực tiễn hỏi cung bị can cho thấy giải pháp hữu hiệu để có thể tiến hành hỏi cung thuận lợi và đạt được hiệu quả cao thì phải chuẩn bị được phòng hỏi cung với những điều kiện lý tưởng. Theo Phan Hữu Kỳ - mấy kinh nghiệm về phương pháp và chiến thuật hỏi cung bị can, thì một phòng hỏi cung lý tưởng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Kích thước vừa phải: Phòng không nên rộng quá hoặc hẹp quá, rộng khoảng 3x4 m là được, chỉ nên có một cửa chính để tập trung sự chú ý của bị can, dễ nghe câu hỏi và trả lời.
+ Sự kín đáo và yên tĩnh: Nên chuẩn bị phòng hỏi cung là một phòng riêng biệt, không có một đặc điểm xung quanh nào có thể làm sai lệch cách nhìn của đối tượng; không được có bất kỳ tiếng động nào dội vào bên trong phòng hỏi cung; không có bất kỳ người nào có thể lọt vào được trong khi hỏi cung.
+ Sự đơn giản: Phòng hỏi cung không nên có quá nhiều màu sắc gây tâm lý hoảng loạn cho bị can mà nên quét vôi với màu sắc nhẹ nhàng tạo cho bị can có cảm giác ấm cúng, dễ chịu. Trên bàn viết không nên để bất kỳ một vật gì ngoài hồ sơ vụ án; không nên treo tranh ảnh trong phòng hỏi cung mà chỉ nên đặt những đồ dùng thật sự cần thiết cho công việc. Bàn ghế, tủ nên để ở mức tối thiểu. Ánh sáng phải đủ để làm việc, không quá sáng hay chói lóa chiếu vào mắt
đối tượng và cần tránh bất kỳ tia sáng nào có thể cản trở người hỏi cung quan sát đối tượng đồng thời làm sai lệch những biểu lộ về tình cảm hay thái độ thông cảm trên mặt người hỏi cung.
+ Ghế ngồi của ĐTV nên đặt ở chính diện, đặt đối diện với ghế của bị can và không có vật gì ngăn cách. Nên đặt ghế tựa thẳng, không có tay nắm. Không được để bất cứ vật gì xung quanh bị can có thể khiến bị can chú ý mà ảnh hưởng tới việc khai báo của bị can. Nên bố trí tư thế ngồi hỏi cung sao cho bị can quay lưng ra phía cửa sổ để không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố nào.
+ Không đặt máy điện thoại và những đồ dùng của chung để người không phận sự khỏi ra vào làm gián đoạn cuộc hỏi cung. Có thể đặt máy ghi âm trong phòng hỏi cung nhưng phải bí mật và không để bị can biết. Đặc biệt máy ghi âm rất cần được các ĐTV sử dụng trong các vụ án quan trọng.
+ Nếu có điều kiện có thể lắp đặt máy nghe nhìn từ xa, nên đặt một phòng quan sát kế bên phòng hỏi cung và lắp đặt hệ thống gương phản chiếu cùng micro để những người trong phòng quan sát có thể theo dõi quá trình hỏi cung mà không dẫn đến xuất hiện quá nhiều người trong buổi hỏi cung.
Thứ tư, cần hoàn thiện về tổ chức CQĐT và đội ngũ ĐTV để khắc phục
tình trạng quá tải án hiện nay. ĐTV được khẳng định là chủ thể quan trọng trong hỏi cung bị can, là người tiến hành hỏi cung lấy lời khai của bị can, cũng là người chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để đảm bảo tốt nhất cho mỗi cuộc hỏi cung. Tuy nhiên, lực lượng điều tra hiện nay còn thiếu nhiều về số lượng, yếu về chất lượng và nghiệp vụ. Việc hoàn thiện tổ chức CQĐT và xây dựng lực lượng Cảnh sát điều tra đảm bảo về chất lượng và số lượng là một trong những yêu cầu cần thiết góp phần nâng cao hiệu quả của việc chuẩn bị hỏi cung đối với hoạt động hỏi cung bị can.
Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 đã làm thay đổi mô hình cơ quan cảnh sát điều tra so với quy định của pháp lệnh cũ. Theo đó, cơ quan Cảnh sát điều tra (cũ) và các cơ quan trinh sát hình sự, kinh tế, ma túy của lực lượng Cảnh sát nhân dân sáp nhập lại thành cơ quan Cảnh sát điều tra. Với mô hình mới này, hiệu quả của hoạt động hỏi cung bị can nói chung và chuẩn bị hỏi cung nói riêng đã được nâng cao hơn, nhiều vụ án phức tạp được khám phá và xử lý
kịp thời. Tuy nhiên, với hiện tượng án quá tải hiện nay cùng với những thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, phức tạp thì cần phải tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức CQĐT theo hướng chuyên môn hóa cao trong hoạt động xuất phát từ những đặc điểm đặc thù của các loại tội phạm. Bởi sự chuyên môn hóa trong hoạt động điều tra các loại tội phạm sẽ giúp cho ĐTV có khả năng tích lũy kinh nghiệm điều tra các loại tội phạm thuộc thẩm quyền của mình cũng như áp dụng một cách thuận lợi những kinh nghiệm đó vào thực tiễn.
Theo báo cáo của Tổng cục chính trị Tổng cục Cảnh sát nhân dân thì: Ở những thành phố lớn, một ĐTV trung bình thụ lý 10-15 vụ án/tháng, có nơi lên đến 20-30 vụ án/tháng. Như vậy, thời gian để ĐTV giải quyết một vụ án thường là ngắn so với tính chất phức tạp của vụ án (theo thống kê trên thì trung bình là 2-3 ngày/vụ), nhất là đối với những vụ án mà bị can bất hợp tác với CQĐT hay những bị can có nhiều tiền án, tiền sự thì thời gian đó gần như là không thể để ĐTV có thể lấy lời khai và tìm ra sự thật của vụ án một cách nhanh chóng. Thực tế này đã dẫn tới tình trạng trong những vụ án phức tạp, ĐTV không có đủ thời gian để nghiên cứu về hồ sơ vụ án, nghiên cứu đặc điểm nhân thân bị can, thu thập thêm chứng cứ và sử dụng có hiệu quả các chiến thuật hỏi cung bị can. Thực trạng đó đặt ra một yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng cường số lượng ĐTV trong các CQĐT đồng thời xây dựng được một đội ngũ ĐTV chuyên sâu về chuẩn bị hỏi cung đáp ứng được yêu cầu của chuẩn bị hỏi cung và hỏi cung bị can.
Thứ năm, cần thường xuyên tổ chức các buổi huấn luyện, bồi dưỡng
nghiệp vụ điều tra cho đội ngũ ĐTV mà nhất là nghiệp vụ hỏi cung bị can và chuẩn bị hỏi cung. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng đối với CQĐT khi tiến hành hoạt động điều tra vụ án hình sự. Bởi có nắm chắc được nghiệp vụ điều tra thì các ĐTV mới có thể giải quyết nhanh chóng vụ án. Tuy nhiên, hiện nay không ít các ĐTV trong CQĐT mà nhất là ở các CQĐT cấp huyện còn yếu về kỹ năng nghiệp vụ. Chính bởi vậy mà thực trạng hoạt động điều tra tội phạm trong thời gian qua còn xảy ra nhiều sai sót, vi phạm pháp luật và để lọt tội phạm hay bắt oan người vô tội. Trước tình hình đó, đòi hỏi phải nâng cao nghiệp
vụ cho đội ngũ ĐTV trong các CQĐT mà trong đó, nghiệp vụ hỏi cung bị can và chuẩn bị hỏi cung bị can được đặt lên hàng đầu.
+ Trước tiên, để tạo không khí buổi hỏi cung thoải mái, giúp cho bị can có tâm lý ổn định và không căng thẳng, ĐTV phải giải quyết được những vướng mắc trong tư tưởng của bị can. Để thực hiện tốt vấn đề đó, ĐTV phải nghiên cứu, nắm bắt được tư tưởng, tâm lý, nhân cách, sở thích, ham muốn, trình độ học vấn và thói quen của bị can. Nghĩa là ĐTV phải nắm thật chắc các phương pháp phát hiện tâm lý bị can, xem bị can lo sợ điều gì, vướng mắc ở đâu, từ đó sử dụng phương pháp tác động phù hợp với tâm lý hiện tại của bị can. Trong khi hoạt động hỏi cung bị can ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, chưa có những máy móc phụ trợ cao cấp giúp phát hiện tâm lý tội phạm (như máy phát hiện nói dối…) thì ĐTV phải cố gắng bằng khả năng và kinh nghiệm của mình, vận dụng một cách linh hoạt việc ứng dụng tâm lý học để phục vụ cho hoạt động hỏi cung bị can. Để có thể vận dụng một cách có hiệu quả phương pháp trên, ĐTV phải luôn tìm tòi học hỏi để nắm vững đường lối, chủ trương, nguyên tắc công tác, có trí thức nghề nghiệp vững vàng, nắm vững phương pháp, chiến thuật và thường xuyên rèn luyện óc phán đoán nhanh nhậy, tinh thần dũng cảm, ngoan cường, khắc phục khó khăn, hăng say với công việc, không chịu bó tay trước mọi tình huống.
+ ĐTV phải dành thời gian và công sức cho việc nghiên cứu đặc điểm nhân thân bị can. Đặc điểm nhân thân bị can là một yếu tố mang tính phức tạp nhưng mang lại hiệu quả cao cho hoạt động hỏi cung bị can. Để tìm hiểu và nắm vững được đặc điểm nhân thân của bị can, ĐTV có thể sử dụng nhiều phương pháp và cách thức khác nhau. Cụ thể, ĐTV nên áp dụng phương pháp sử dụng bảng hỏi trước khi hỏi cung bị can (phương pháp trắc nghiệm nhân cách của H.J. EYSENK - được trình bày ở phần phụ lục) để nắm bắt thông tin về nhân thân của bị can nhất là những tâm tư, tình cảm và vướng mắc trong tâm lý bị can. Bảng hỏi này gồm 57 câu hỏi, để trả lời hết các câu hỏi đó, bị can chỉ cần 10 – 15 phút. Trên cơ sở đánh giá các câu trả lời đó của bị can, ĐTV sẽ biết được khá đầy đủ về nhân cách của bị can để áp dụng cách thức đấu tranh. Đây là một phương thức có giá trị to lớn đối với hoạt động hỏi cung bị can, nên ĐTV cần có
nhận thức đúng đắn, cần quan tâm sử dụng nhiều hơn ngay từ khâu chuẩn bị hỏi