0
Tải bản đầy đủ (.doc) (63 trang)

Trách nhiệm hình sự đối với người không tố giác tội phạm theo khoản 3 Điều 314 Bộ luật hình sự.

Một phần của tài liệu TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG TỐ GIÁC TỘI PHẠM (Trang 53 -60 )

Điều 314 Bộ luật hình sự.

Khoản 3 của điều luật là cấu thành giảm nhẹ với tình tiết“Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”.

Trong những trường hợp này, người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi cấu thành tội phạm và lẽ ra họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này nhưng do họ có một trong các điều kiện qui định tại khoản 3 nên họ được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt. Có thể nhận thấy, căn cứ miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt không phụ thuộc vào tình tiết qui định tại Điều 25 - miễn trách nhiệm hình sự và Điều 54 - miễn hình phạt của Bộ luật hình sự. Do vậy, khi xem xét để miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho người phạm tội không tố giác chỉ cần căn cứ vào qui định trực tiếp tại khoản 3 Điều 314 mà không cần phải đối chiếu các tình tiết của Điều 25 và Điều 54. Vậy dấu hiệu mà khoản 3 yêu cầu là gì?

Thứ nhất, người không tố giác tội phạm phải có hành động can ngăn người phạm tội. “Can ngăn” có nghĩa là hành vi của một người khi biết người khác có ý định làm một việc gì đó trái pháp luật thì ngăn cản không cho người đó thực hiện hành vi bằng mọi cách. Người không tố giác biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện nhưng không tố giác với cơ quan chức năng

nhưng đã tự mình ngăn cản, khuyên răn thậm chí đe dọa người phạm tội, giúp họ hiểu ra tính sai trái của hành vi, hậu quả nếu tiếp tục thực hiện hành vi đó… Hành động can ngăn có thể bằng lời nói hoặc bằng việc làm, có thể kết hợp cả lời nói và việc làm. Ví dụ: Nguyễn Hoàng A và Hoàng Quyết C đang đi xe máy trên đoạn đường vắng, đột nhiên C nói “ tao nhìn thấy con bé đi trước có chiếc dây chuyền rất to, chắc phải 4 chỉ vàng đấy, mày phóng nhanh lên để tao giật cho”. A đã không làm theo lời của C mà quay đầu xe chạy theo hướng đường ngược lại. Trong trường hợp này, do A đã không tiếp tục phóng xe nhanh và đi cùng chiều đường với cô gái kia nên C không thể thực hiện hành vi cướp của mình.

Chỉ cần có hành động can ngăn còn kết quả của việc can ngăn đó như thế nào không phải là dấu hiệu bắt buộc để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt đối với người không tố giác tội phạm. Thực tiễn cho thấy, không phải lúc nào cũng đạt được kết quả tích cực: khiến người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm từ bỏ ý định. Ví dụ Trịnh Đình Q và Vũ Minh Đ đều là sinh viên đại học, sắp đến thời điểm đóng học phí nhưng Q không còn tiền (do đã chơi điện tử hết). Q nảy ra ý định sẽ bắt cóc cháu M là con của chủ nhà mà Q đang trọ để tống tiền. Đ biết việc Q sắp làm và khuyên nhủ Đ nên gọi điện về nhà xin tiền, Q không nghe và còn mắng Đ “Cậu không giúp tớ thì thôi, đừng can thiệp vào chuyện riêng của tớ”. Hai ngày sau, Đ đã dụ dỗ và bắt cóc cháu M để đòi chuộc. Trong tình huống này, hành động can ngăn của Q đã không đạt được kết quả và tội phạm vẫn được thực hiện.

Thứ hai, người không tố giác đã hạn chế tác hại của tội phạm. Đây là trường hợp tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện, hậu quả có thể đã hiện hữu, người biết rõ về tội phạm tuy không tố giác đã thực hiện đã kịp thời sử dụng những biện pháp mà họ cho là cần thiết để hạn chế tác hại của tội phạm. Nói cách khác, người này đã tự mình làm cho thiệt hại thực tế mà tội phạm đã gây ra ở mức thấp nhất. Những biện pháp ấy có thể là: thông báo cho người bị

hại những gì sắp xảy ra đối với họ, cất giấu phương tiện, công cụ mà người phạm tội sẽ dùng để thực hiện tội phạm…Ví dụ Nguyễn Hương H biết rõ Nông Thị P bỏ thuốc độc vào trong rượu của ông N (là người tình của P) để trộm cắp tài sản trốn ra nước ngoài, mặc dù H không tố giác hành vi phạm tội của P với cơ quan có thẩm quyền nhưng H đã viết một mảnh giấy nhỏ đặt vào lòng bàn tay của ông N. Do được thông báo kịp thời nên ông N đã không uống ly rượu đó.

Hành động can ngăn người phạm tội và hành động hạn chế tác hại của tội phạm của người không tố giác tội phạm không phải bao giờ cũng tách bạch, không ít trường hợp hành động can ngăn người phạm tội lại chính là nguyên nhân dẫn đến tác hại của tội phạm được hạn chế. Mục đích ngăn ngừa tội phạm không những không đạt được mà còn gây nên tác hại lớn hơn, thiệt hại nặng nề hơn cho người bị hại và cho xã hội. Ví dụ, Vũ Văn T và Nguyễn Phương X là hai anh em họ, cùng làm kế toán tại ngân hàng. T đã nhiều lần làm giả sổ sách của ngân hàng để lấy tiền, cách thức làm của T rất tinh vi nên rất khó phát hiện. Nhưng vì là họ hàng nên T đã nói với X cách sửa số liệu, khai khống để lấy tiền của ngân hàng, X đã khuyên T không được làm như vậy, thậm chí X còn nói “Em mới nghe được thông tin sắp có thanh tra toàn ngành, sớm muộn hành vi của anh cũng bị lộ thôi, anh nên viết bản kiểm điểm với lãnh đạo trước đi, có thể sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm đấy”. T nghe vậy cũng sợ và T nghĩ sớm muộn thì cơ quan cũng phát hiện ra hành vi của mình nên quyết định làm “mạnh tay”, lấy một số tiền lớn rồi trốn đi biệt tích. Như vậy, chính hành động can ngăn của X đã củng cố quyết tâm của T thực hiện hành vi ăn cắp tiền của cơ quan, gây thiệt hại lớn cho ngân sách.

Do đó, khi xác định tình tiết “đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc đã hạn chế tác hại của tội phạm” của người không tố giác cần phải xem xét một cách toàn diện. Vì không phải hành động can ngăn, khuyên nhủ nào cũng là tiền đề của việc chấm dứt hoặc từ bỏ ý định phạm tội của tội phạm. Song có những trường hợp, người phạm tội chỉ nghe một lời khuyên từ người mà họ rất kính

trọng, yêu mến…họ đã không thực hiện hành vi phạm tội nữa, họ thấy được sai lầm của mình và hoàn lương. Nếu người không tố giác vừa có hành động can ngăn vừa có hành động hạn chế tác hại của tội phạm thì cần xác định là người không tố giác “đã có hành động can ngăn người phạm tội và hạn chế tác hại của tội phạm”. Nếu họ chỉ có hành động can ngăn mà không có hành động hạn chế tác hại của tội phạm thì chỉ xác định là “có hành động can ngăn người phạm tội”.

Như vậy, một người khi biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã thực hiện tuy không tố giác với cơ quan có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn tội phạm nhưng tự họ đã chủ động có những hành động hạn chế tác hại của tội phạm hoặc những hành động khác mà họ cho là cần thiết để ngăn ngừa tội phạm. Họ đã có ý thức trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm nên họ được xem xét để miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, pháp luật qui định các điều kiện miễn trách nhiệm hình sự cũng chính là các điều kiện để có thể miễn hình phạt cho người không tố giác. Khoản 3 Điều 314 chưa qui định cụ thể trường hợp nào được miễn trách nhiệm hình sự, người không tố giác đã can ngăn đến mức độ nào, hạn chế được bao nhiêu so với tổng thiệt hại của hành vi phạm tội đã xảy ra hoặc đang xảy ra. Việc xem xét thái độ tích cực trong hành động, lời nói của người không tố giác, họ có thực sự mong muốn ngăn cản người phạm tội hay không…là một việc khó khăn phải tùy từng trường hợp cụ thể. Do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể những hành động nào được miễn trách nhiệm hình sự nên việc xác định hành động nào được miễn hình phạt còn là vấn đề nan giải. Theo quan điểm của ông Đinh Văn Quế trong “Bình luận khoa học bộ luật hình sự - phần các tội phạm, tập X”: “Nếu người không tố giác có hành động can ngăn người phạm tội đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của tội phạm thì được miễn trách nhiệm hình sự. Nếu người không tố giác tội phạm tuy có hành vi can ngăn người phạm tội hoặc có hành động hạn chế tác hại của tội phạm nhưng mức độ không đáng kể thì chỉ có thể được miễn hình phạt”.

trách nhiệm hình sự thì “Việc áp dụng biện pháp nào phụ thuộc vào từng vụ án với nhũng tình tiết cụ thể và phụ thuộc vào nhân thân của người phạm tội”. Như vậy, việc xác định người phạm tội không tố giác được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt vẫn còn là vấn đề đang được nghiên cứu và hoàn thiện.

Như vậy, trách nhiệm hình sự đối với tội không tố giác tội phạm được pháp luật qui định là 3 khoản. Khoản 1 bao gồm các hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Việc xử lý đối với người không tố giác giáo dục là chính, chỉ áp dụng hình phạt tù đối với trường hợp người phạm tội đã được giáo dục nhiều lần hoặc đã có tiền án, tiền sự…Khoản 2 của điều luật là liệt kê một số đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự, đó là ông, bà, cha, mẹ, anh chị em..của người phạm tội. Tuy nhiên, đối với những tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc các tội xâm phạm an ninh quốc gia theo qui định tại khoản 1 nếu họ không tố giác thì TNHS vẫn được đặt ra. Đây là điểm mới của Bộ luật hình sự 1999 so với Bộ luật hình sự năm 1985, được kế thừa từ truyền thống pháp luật của ông cha ta. Khoản 3 là cấu thành giảm nhẹ, căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự và hình phạt là người phạm tội đã có hành động can ngăn hoặc hạn chế tác hại của tội phạm. Đây là mọt trường hợp miễn TNHS hoặc miễn hình phạt mà điều kiện hoàn toàn khác với qui định tại Điều 25 và Điều 54. Chỉ cần có hành động can ngăn, còn kết quả của việc can ngăn đó như thế nào không phải là dấu hiệu bắt buộc để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho người không tố giác tội phạm. Cụ thể các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt vẫn còn là vấn đề đang được làm rõ, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

KẾT LUẬN

1. Tội không tố giác tội phạm là một tội phạm cụ thể được qui định trong chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp Bộ luật hình sự 1999, được sự kế thừa, hoàn chỉnh từ các bộ luật trước đó: Bộ luật Hồng đức 1483, Bộ luật Gia Long và gần gũi nhất là Bộ luật Hình sự 1985. Do đó tội không tố giác tội phạm không phải là một tội phạm mới song do tính chất diễn biến phức tạp, khó có khả năng phát kịp thời nên thực tiễn xét xử các tội phạm này không cao, trung bình mỗi năm dao động từ 13 đến 15 vụ/năm [25]. Tính cấp thiết của đề tài được đặt trong bối cảnh cả xã hội cùng nêu cao tinh thần đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, mọi tội phạm cần phải được phát hiện kịp thời, nhanh chóng do đó cần có sự nghiêm túc, khoa học trong việc nhìn nhận, phân tích cụ thể về tội không tố giác tội phạm trên các phương diện lí luận và thực tiễn. Các yếu tố cấu thành tội phạm là một nội dung quan trọng khi tìm hiểu về tội phạm nói chung và tội phạm qui định trong Điều 314 Bộ luật hình sự nói riêng. Nét đặc trưng trong mặt khách quan của tội không tố giác tội phạm là hành vi không tố giác luôn luôn được thể hiện dưới dạng không hành động phạm tội, cho thấy người phạm tội cố ý thực hiện hành vi của mình, hành vi đó đã vi phạm nghĩa vụ luật định (Điều ). Khoản 2 của điều luật loại trừ trách nhiệm hình sự đối với một số trường hợp là người có quan hệ thân thích với người phạm tội, qui định này vừa là điểm mới của Bộ luật hình sự 1999 so với bộ luật hình sự 1985, vừa là sự kế thừa tinh thần của bộ luật Hồng đức 1483.

2. Chương 2 của khóa luận tập trung phân biệt tội không tố giác tội phạm và tội che giấu tội phạm cũng như đã đưa ra một vụ án cụ thể trong thực tiễn xét xử. Xét cả về lý luận và thực tiễn, tội không tố giác tội phạm và tội che giấu tội phạm có nhiều điểm tương đồng về mặt khách thể, mặt chủ quan, trách nhiệm hình sự (đều là tội ít nghiêm trọng) nên dễ gây nhầm lẫn, do đó, tác giả khóa luận đã đưa ra một số tiêu chí để phân biệt: về mặt khách quan (hành vi khách quan), động cơ, mục đích phạm tội…Ngoài ra, tác giả cũng đưa thêm một số tội

cũng dễ gây nhầm lẫn với tội không tố giác tội phạm như: Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu (Điều 308)…

3. Trách nhiệm hình sự đối với tội không tố giác tội phạm được xác định là 3 khoản. Chế tài được qui định ở khoản 1 là chế tài lựa chọn, bao gồm các hình phạt chính là: cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù có thời hạn. Những hình phạt này thể hiện tính răn đe về tư tưởng nghiêm khắc của nhà nước đối với người phạm tội về mặt tinh thần. Việc lượng hình của Tòa án đối với người không tố giác còn phụ thuộc vào thời điểm tố giác, nội dung tố giác cũng như mức độ nguy hiểm của tội phạm đang được thực hiện, đã thực hiện, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…Khoản 2 của điều luật qui định một số trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự là ông, bà, cha, mẹ, anh chị em ruột..của người phạm tội, đây là sự kế thừa truyền thống pháp luật từ các bộ luật trước đó. Tuy nhiên, nếu những đối tượng kể trên không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng thì vấn đề trách nhiệm hình sự vẫn đặt ra. Khoản 3 của Điều 314 ghi nhận các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt mà căn cứ được miễn không phụ thuộc vào Điều 25 và Điều 54 BLHS. Tuy nhiên, việc phân định trường hợp nào được miễn TNHS, trường hợp nào được miễn hình phạt, cách hiểu về “hành động can ngăn”, “hành động hạn chế” tác hại của tội phạm vẫn còn là một vấn đề chưa thống nhất.

Một phần của tài liệu TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG TỐ GIÁC TỘI PHẠM (Trang 53 -60 )

×