Điều 314 Bộ luật hình sự 1999.
Thông thường, các điều luật được cấu tạo theo cấu trúc: khoản 1 là cấu thành cơ bản, các khoản còn lại là cấu thành tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Nhưng khoản 2 Điều 314 không phải là cấu thành tăng nặng hay giảm nhẹ mà là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đối với một số trường hợp người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Theo qui định tại khoản 2 Điều 314 “Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo qui định tại khoản 1 Điều này.”. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thi hành về các tình tiết trong Điều luật này, nhưng căn cứ vào các qui định chung của Luật hôn nhân - gia đình năm 2000, có thể hiểu như sau: ông, bà của người phạm tội bao gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Cha, mẹ của người phạm tội bao gồm: cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi. Nếu là cha mẹ nuôi thì phải tuân thủ qui định của Bộ luật dân sự năm 2005, Luật hôn nhân gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn về nhận con nuôi.
Anh chị em ruột bao gồm anh chị em cùng cha mẹ (con trong thời kì hôn nhân của cha mẹ), anh chị em cùng cha khác mẹ, anh chị em cùng mẹ khác cha.
Vợ hoặc chồng là vợ chồng hợp pháp, tuân thủ đầy đủ qui định của pháp luật về kết hôn theo qui định tại chương II Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn.
Cùng với sự phát triển của xã hội, hôn nhân thực tế đang là vấn đề còn nhiều bất cập. Theo qui định tại khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000“Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn thì không được pháp luật công nhận vợ chồng”. Như vậy, pháp luật Việt Nam không thừa nhận hôn nhân thực tế mặc dù nam nữ đã có con chung, có tài sản chung, được mọi người coi như vợ chồng.
Điều luật không qui định ông bà, cha mẹ, con cháu phải chung sống với nhau dưới một mái nhà, hoặc thường xuyên có quan hệ qua lại với người phạm tội mà chỉ cần có quan hệ huyết thống với người phạm tội. Nếu có tranh chấp về quan hệ huyết thống thì cần phải tiến hành trưng cầu giám định. Thủ tục, thẩm quyền…về trưng cầu giám định theo qui định tại chương VII Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản liên quan.
Ví dụ: Nguyễn Tấn T và Nguyễn Thị S kết hôn từ năm 1999 nhưng không có con, S rất mong muốn được làm mẹ nên đã lẻn vào phòng trẻ sơ sinh chiếm đoạt cháu H (mới sinh tại bệnh viện). Sau khi bế được cháu bé ra khỏi bệnh viện, S đã cùng cháu H trốn lên Lạng sơn, đến nhà Trịnh Thị G. Theo lời bố của S nói thì bà G mới là mẹ đẻ của S, trước đây, do hoàn cảnh nên bà S và bố G không thể lấy nhau được. Bà G sau khi biết việc S chiếm đoạt cháu H đã khuyên S nên mang cháu bé về cho gia đình, bà S cũng không báo cho cơ quan có thẩm quyền về sự việc này. Sau khi bắt được S, Cơ quan điều tra đã khởi tố bà G về tội không tố giác tội phạm. Tại Cơ quan điều tra, bà G đã khai mình là mẹ đẻ của S, vì thương con nên bà G đã không tố giác hành vi phạm tội của S. Cơ quan điều tra đã xác minh và kết luận, bà G đúng là mẹ đẻ của S nên ra quyết định đình chỉ vụ án.
Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự đối với người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, anh chị em ruột…của người phạm tội chỉ được đặt ra đối với các tội ít nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và không thuộc trường hợp các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Nếu những đối tượng kể trên không tố giác
các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng thì vấn đề trách nhiệm hình sự đối với họ vẫn được đặt ra. Việc xác định trách nhiệm hình sự trong các trường hợp này tương tự như các trường hợp không phải là ông, bà, cha, mẹ…của người phạm tội. Chỉ cần biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã thực hiện mà không cần phải biết đó là tội gì? Có phải tội xâm phạm an ninh quốc gia không? Việc xác định tội phạm đó là tội phạm thường hay tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.