Thực trạng bạo lực giữa các thành viên trong gia đình

Một phần của tài liệu Một số vấn đề pháp lý về bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay (Trang 50 - 53)

a) Bạo lực giữa vợ và chồng

Bạo lực của người chồng đối với người vợ trong gia đình: đây là hình thức bạo lực được coi là phổ biến nhất trong gia đình. Không cần nhiều số liệu chứng minh chúng ta cũng có thể khẳng định bạo lực do người chồng gây ra chủ yếu và lớn nhất là bạo lực về thể chất – hình thức bạo lực dễ nhận thấy nhất và bị lên án mạnh mẽ nhất. Sở dĩ người đàn ông chọn cách sử dụng “nắm đấm” để dạy vợ như vậy một phần do những yếu tố đã nêu ở trên, một phần khác quan trọng hơn là họ không nhận thức được rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi bạo lực của người chồng đều là bạo lực về thể chất mà có những lúc, họ dùng tới nhiều cách khác để gây ra những tổn thương về tâm lý cho người vợ: mắng mỏ, chửi bới, xúc phạm,…; hoặc có những hành vi cưỡng bức về tình dục, kiểm soát về kinh tế…

Ngược lại, trong xã hội ngày này, hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực với chồng cũng không phải là hiếm. Không chỉ dừng lại ở những lời lẽ chua ngoa, những cách xử sự thô bạo mà họ còn trực tiếp gây ra những tổn thương về thể chất cho chồng. Một ví dụ điển hình có thể nêu ra đây là vụ bà Trần Thúy Liễu, vợ nhà báo Lê Hoàng Hùng giết chồng đang được rất nhiều người quan tâm. Mặc dù cơ quan điều tra chưa đưa ra kết luận cuối cùng nhưng hung thủ đã khai nhận: có hai nguyên nhân dẫn đến việc bà sát hại chồng. Một là, ông Hùng biết chuyện tình cảm của bà ở bên ngoài, hai là vấn đề kinh

tế gia đình khó khăn. Về chuyện tình cảm, gần đây ông Hùng phát hiện vợ có quan hệ tình cảm với một vài người khác nên nảy sinh ghen tuông. Bà Liễu khai ông Hùng có chửi mắng và đánh bà. Ngoài ra, cuối năm 2010, bà Liễu đã sang Campuchia đánh bạc, do thua bạc, thiếu nợ nên bà Liễu đề nghị ông Hùng bán căn nhà đang ở nhưng ông Hùng không đồng ý.

Báo cáo của Công an tỉnh Long An ngày 21-2 cho biết sáng 17-1, bà Liễu đi mua một đoạn dây dù và 20.000 đồng xăng chứa trong bịch nilông đem cất vào tủ. Trưa 17-1, khi không có ai ở nhà, bà Liễu lấy dây dù cột vào lan can nhà ở tầng 1, thắt nút các dây với dụng ý làm hiện trường giả rồi giấu vào góc khuất. Khoảng 0h ngày 19-1, bà Liễu đi từ phòng ngủ ra lan can thả một đầu dây dù xuống đất, sau đó lấy bịch xăng tạt vào giường ông Hùng đang nằm ngủ và châm lửa đốt. Thấy lửa đã cháy, bà Liễu đi về phòng nằm như không có chuyện gì xảy ra. Khi ông Hùng bị phỏng tung cửa chạy ra kêu cứu, bà Liễu mới cùng hai con chạy ra dập lửa trên người ông Hùng và cùng kêu cứu. Báo cáo khẳng định lời khai của bà Liễu phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường vụ án và các tài liệu chứng cứ thu thập được. [25]

Tóm lại, bạo lực gia đình từ cả hai phía vợ, chồng đang ngày càng phát triển và gây nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân của hiện tượng này rất nhiều, ngoài vấn đề tâm lý còn phải kể đến vấn đề đạo đức, kiến thức giải quyết mâu thuẫn gia đình…

b. Bạo lực giữa cha mẹ và con cái

Với những phân tích trên về tâm lý, truyền thống, thói quen của người Việt, bạo lực gia đình giữa cha mẹ với con cái là khá phổ biến và được xã hội chấp nhận. Đó thường là những hành động “dạy bảo” con cái, xuất phát từ quan niệm “yêu cho roi cho vọt” và giáo dục cần phải nghiêm khắc. Rất nhiều ông bố bà mẹ coi việc đánh đập, chửi mắng con cái khi chúng mắc lỗi là cần

thiết để chúng nhận ra sai lầm và sửa chữa; hay coi việc mạt sát, trách móc là động lực để chúng phấn đấu. Trên thực tế, cách làm này phần nào phù hợp với tâm lý người Việt và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khi những chuẩn mực tiến bộ về quyền con người đã và đang được phổ biến trên thế giới thì những tư tưởng, cách làm này cần được loại bỏ. Đặc biệt là những trường hợp bạo lực với con cái vượt ra ngoài phạm vi giáo dục – một tình trạng ngày càng gia tăng – thì càng cần phải bị trừng trị nghiêm khắc.

Bên cạnh những hành vi bạo lực từ phía cha mẹ, bạo lực gia đình xuất phát từ người con đối với cha mẹ mình cũng đang ngày một gia tăng. Một số trường hợp những người trẻ tuổi gây ra nhưng tổn thương về cả vật chất, tinh thần cho cha mẹ do sự bốc đồng tuổi trẻ, thiếu kiềm chế, do đua đòi hư hỏng hoặc lý do khác. Tuy nhiên, không thể bào chữa, biện hộ cho những người con cái đã khôn lớn trưởng thành nhưng lại bỏ bê, không chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, thậm chí tàn nhẫn hơn là đánh đập, chửi mắng, xỉ nhục những người đã sinh ra mình. Lý do rất đơn giản: những người già thì sức khỏe yếu, không còn sức lao động nên cần có người chăm sóc; trong khi những đứa con không đủ yêu thương nên không muốn tốn kém tiền của, thời gian, công sức của mình cho cha mẹ, đúng như câu ca dao xưa “Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể; Con nuôi mẹ con kể từng ngày”. Điều này chứng tỏ một sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng, hoàn toàn ngược lại với truyền thống đề cao chữ “hiếu” của dân tộc Việt Nam.

Báo Pháp luật Việt Nam số 62, ngày 03/03/2011 có đưa tin về một vụ án đã gây xôn xao dư luận ở tỉnh Kiên Giang: vì tiền, đứa con bất hiếu đã bóp cổ mẹ, treo ngược bố lên cành mít để tra hỏi. Cụ thể: đã nhiều năm, tại ấp Sơn Thành, xã Nam Hoài Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang quen với cảnh tên Đỗ Văn Hiếu (Sn 1992, con ruột bà Lê Thị Nga và ông Đỗ Văn Ái) luôn say

xỉn, thường xuyên chửi bới, đánh đập cha mẹ. Nghiêm trọng nhất là chiều ngày 25/12/2010, khi Hiếu đi uống rượu về, thấy mẹ đang ngủ đã dùng dao dí vào cổ bà Nga đòi phải đưa xe máy và 22 triệu. Trong hoàn cảnh bị chính cậu quý tử đe dọa, bà Nga chỉ còn biết khóc lóc van xin. Thế nhưng tình mẫu từ không làm Hiếu xiêu lòng mà ngược lại, hắn còn kéo lê mẹ ra đường và làm bà chảy máu. Phải đến khi ông Lê Văn Tuấn (em bà Nga) nghe tin đến xin Hiếu thả bà Nga ông sẽ đưa tiền, rồi lợi dụng lúc Hiếu sơ xuất ông Tuấn xông vào giật con dao thì bà Nga mới được giả thoát. Không dừng lại ở đó, 17h chiều cùng ngày, tên Hiếu tiếp tục quay về nhà để trấn lột tiền bạc, của cải. Lần này nạn nhân là ông Ái – cha ruột của y. Thấy ông Ái đang ngủ, Hiếu xông vào bắt trói và treo chân bố mình lên cây mít, chúi ngược đầu xuống đất rồi tra hỏi chỗ cất tiền. Thấy tên Hiếu quá mất nhân tính, người dân đã báo với lực lượng Công an đến khống chế và bắt giam đứa con này. [19]

c) Bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình

Bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình với nhau cũng đã tồn tại từ lâu nhưng chiếm tỷ lệ không lớn, vì mức độ phụ thuộc giữa các thành viên này là không cao như giữa vợ chồng hay cha mẹ với con. Nạn nhân của loại bạo lực này vẫn chủ yếu là phụ nữ và trẻ em khi mà các thành viên này muốn tham gia vào việc “giáo dục” những người làm dâu, làm con trong gia đình. Ngoài ra, những mâu thuẫn trong gia đình không tìm được cách giải quyết cũng dẫn tới nạn bạo lực giữa những thành viên khác: anh em, chú cháu đánh nhau vì xích mích trong cuộc sống, vì tranh chấp tài sản; chị em mắng chửi, nói xấu nhau…

Một phần của tài liệu Một số vấn đề pháp lý về bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(69 trang)
w