Xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đoàn vùng Công giáo tập trung vững mạnh, thực sự là hạt nhân chính trị trong phong trào thanh niên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Công tác vận động thanh niên vùng Công giáo tập trung của tổ chức cơ sở Đoàn ở Thanh Hóa hiện nay - thực trạng và giải pháp pot (Trang 61 - 67)

mạnh, thực sự là hạt nhân chính trị trong phong trào thanh niên

Công tác vận động thanh niên là một công tác rất lớn, một nhiệm vụ rất quan trọng của Đoàn mà Đảng luôn quan tâm lãnh đạo. Muốn làm tốt nhiệm vụ này, vấn đề xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đoàn là một trong những giải pháp quan trọng. Bởi lẽ, Đoàn thanh niên trước hết là tổ chức của những thanh niên tiên tiến nhưng Đoàn là người đại diện lợi ích chính đáng của thanh niên. Vì vậy, Đoàn cũng là tổ chức của thanh niên,vì thanh niên "phải thường xuyên củng cố tổ chức, phải phát triển Đảng và Đoàn thanh niên lao động một cách tích cực và vững chắc" [39, tr. 530]. Tổ chức ấy phải luôn được củng cố và phát triển đúng với bản chất của một tổ chức thanh niên cộng sản. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào cũng phải kiên định bản chất ấy. Nghị quyết Hội nghị lần IV BCHTW Đảng (khóa VII) về công tác thanh niên trong thời kỳ mới đã chỉ rõ: xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là đội dự bị của Đảng. Củng cố tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của Đoàn, nhất là Đoàn cơ sở [1, tr. 4]. Đây không phải là giải pháp tình thế mà là vấn đề thuộc chiến lược của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Xây dựng củng cố tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh là yêu cầu bức xúc hiện nay.

Một tổ chức quần chúng, từ quần chúng mà ra thì mối liên hệ với quần chúng là điều kiện tiên quyết để tồn tại và phát triển. Song, vấn đề đặt ra là tiến hành xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn cơ sở vùng Công giáo tập trung thì cần phải theo định hướng nào?

Lấy nội dung gì làm cơ bản? ở tầm chiến lược, Bác Hồ nêu lên một luận điểm "... muốn củng cố và phát triển, Đoàn phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên, phải quan tâm đến đời sống, công tác, học tập của thanh niên... và tất cả đoàn viên phải gương mẫu..." [38, tr. 263]. Nếu một tổ chức quần chúng mà mất mối liên hệ với quần chúng thì tổ chức ấy hoàn toàn vô nghĩa. Thực tiễn hiện nay ở một số địa phương vùng Công giáo tập trung ở Thanh Hóa có tình trạng Chi đoàn chỉ có Ban chấp hành, tổ chức Chi đoàn không tập hợp được thanh niên để hoạt động vẫn còn. Trao đổi với chúng tôi về hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn vùng Công giáo trong huyện, đồng chí Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thọ Xuân cho biết: ở nhiều cơ sở Đoàn như ở xã Tây Hồ, Thọ Xương, Xuân Sơn... hoạt động của Đoàn thanh niên rất yếu. Đoàn xã có Ban chấp hành, Chi đoàn có Ban chấp hành nhưng Đoàn không tổ chức được hoạt động, thanh niên Công giáo không thiết tha với tổ chức Đoàn. Đoàn là một thực thể, thế nên nó phải vận động trong mối quan hệ với quần chúng, được quần chúng thanh niên tạo cho nguồn sinh lực, tạo cho môi trường phát triển. Tổ chức cơ sở Đoàn Công giáo cần phải "liên hệ rộng rãi và chặt chẽ" với các thanh niên vốn là tín đồ Công giáo. Mối liên hệ ấy được thể hiện hai mặt: Vừa rộng rãi (tức là không bỏ sót một đối tượng thanh niên Công giáo nào đứng ngoài tổ chức); vừa chặt chẽ.

Muốn xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đoàn ở vùng Công giáo tập trung, tất cả đoàn viên, (dù Công giáo hay không Công giáo), phải gương mẫu. Đây là một yêu cầu tất yếu. Đoàn mạnh, khi mỗi thành viên trong tổ chức đều mạnh. Chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn được nâng lên từ chất lượng đoàn viên và ngược lại. Quán triệt sâu sắc vấn đề đó, BCHTW Đoàn (khóa VI) đã có Nghị quyết 424 năm 1995 về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn, chất lượng đoàn viên với giải pháp triển khai sâu rộng "chương trình rèn luyện đoàn viên" tới các cơ sở Đoàn. Điều đó được đặt ra do trong thực tế không phải mọi đoàn viên trong tổ chức Đoàn đều đã là những người gương mẫu. Để có chất lượng đoàn viên tốt, hiện nay, tổ chức cơ sở Đoàn vừa tiếp tục triển khai "chương trình rèn luyện đoàn viên", đồng thời, phải quan tâm làm tốt công tác phát triển đoàn viên mới có chất lượng và phối hợp với cấp ủy Đảng phát triển đảng viên trong thanh niên Công giáo. Nhiều đoàn viên mới được kết nạp, nhiều đảng viên mới được kết nạp từ thanh niên là tín đồ Công giáo, sẽ là một động lực khuyến khích để thanh niên phấn đấu và gắn bó với tổ

chức Đoàn. Muốn vậy "mỗi đoàn viên thực sự phụ trách, gần gũi và giúp đỡ một bạn ngoài Đoàn cùng tiến bộ thì Đoàn sẽ phát triển vững chắc và nhanh chóng hơn nữa" [40, tr. 318]. Dĩ nhiên, việc kết nạp đoàn viên, kết nạp đảng viên là tín đồ đạo Công giáo phải được chọn lọc cẩn thận, trọng chất lượng hơn số lượng. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, số đông thanh niên Công giáo vẫn bị ràng buộc bởi gia đình, bởi những quy định trong sinh hoạt Công giáo và bản thân tổ chức cơ sở Đoàn vùng Công giáo chưa thật mạnh, chưa quan tâm giúp đỡ họ, tạo môi trường, điều kiện cho họ phấn đấu. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình hình phát triển Đảng trong cộng đồng giáo dân Công giáo còn nhiều hạn chế, tiến sĩ Ngô Hữu Thảo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong bài "Phát triển Đảng trong vùng đồng bào theo đạo Thiên Chúa" đã viết "Các đoàn thể - nhất là Đoàn thanh niên hoạt động yếu, thanh niên không có môi trường, điều kiện sinh hoạt, phấn đấu vào Đảng. Do đó, công tác vận động giáo dục thanh niên có đạo bị hạn chế" [48, tr. 27].

Để củng cố tổ chức cơ sở Đoàn vùng Công giáo tập trung, chúng ta còn phải đa dạng hóa loại hình tổ chức tập hợp, đoàn kết thanh niên thông qua tổ chức Hội liên hiệp thanh niên.

Hội LHTN là mặt trận rộng rãi, nơi mà thanh niên tìm thấy những hoạt động tập thể theo nguyện vọng, sở thích, bổ ích cho bản thân. Phải tiếp tục quán triệt một cách sâu sắc nhận thức về vai trò của tổ chức cơ sở Đoàn trong công tác vận động thanh niên, coi trọng xây dựng tổ chức Hội LHTN, đa dạng hóa các loại hình tổ chức tập hợp thanh niên theo từng đối tượng thanh niên, từng lĩnh vực thanh niên. Có loại hình tồn tại lâu dài, được phát triển rộng như Chi hội thanh niên theo địa bàn dân cư, Chi hội thanh niên theo nhóm nghề nghiệp, đối tượng... Lại có loại hình tổ chức chỉ tồn tại trong từng giai đoạn, từng phần việc cụ thể, như: Chi hội thanh niên theo sở thích, Chi hội thanh niên tự nguyện tham gia công tác xã hội,... Trong đó chú trọng phát triển các Chi hội LHTN theo địa bàn dân cư ở những cơ sở có đông thanh niên Công giáo. Xây dựng Chi hội LHTN phải căn cứ vào địa bàn dân cư, đơn vị hành chính, không phân biệt Chi hội LHTN tôn giáo và không tôn giáo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển khá mạnh các tổ chức Hội LHTN cơ sở. Thực tế vùng Công giáo đang gặp rất nhiều khó khăn. Phát triển

tổ chức hội LHTN là một đòi hỏi khách quan, song chúng ta cần khắc phục tư tưởng cho rằng làm như vậy là "mềm hóa Đoàn", "Hội hóa Đoàn" để thu hút dễ dàng thêm nhiều thanh niên. Nhận thức đó thực chất là hạ thấp tính chất, vai trò, chức năng của Đoàn, của Hội. Tác hại của những biểu hiện sai lệch là làm mất phương hướng trong quá trình xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, xóa nhòa ranh giới giữa đoàn viên và người ngoài Đoàn. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị quần chúng, tổ chức của những người cộng sản, tổ chức quần chúng gần Đảng nhất. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là hạt nhân chính trị, lực lượng nòng cốt của Hội LHTN. Hội là nơi tập hợp, rèn luyện, bồi dưỡng thanh niên. Trách nhiệm xây dựng Đoàn của Hội bằng việc giới thiệu những hội viên ưu tú cho Đoàn kết nạp. Dù trong môi trường hoạt động nào, Đoàn và Hội cũng phải kiên trì xây dựng, củng cố tổ chức thanh niên cộng sản đúng với tính chất, chức năng vốn có của nó. Không thể lẫn lộn tính chất, chức năng của Đoàn và Hội. Trong thực tế, ở các huyện Tĩnh Gia, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân... Một số cơ sở vùng Công giáo, thành lập tổ chức Hội LHTN nhưng không hoạt động. Tổ chức Hội cơ sở tồn tại hình thức, chiếu lệ; thậm chí có cơ sở Đoàn hình thành ra Hội nhưng không tạo điều kiện cho Hội hoạt động. Đó là thiếu sót cần nhanh chóng khắc phục, cần suy nghĩ một cách nghiêm túc, nhất là trong điều kiện các Hội đoàn Công giáo ở địa phương Thanh Hóa hiện nay đang hoạt động rất sôi động.

Tổ chức sinh hoạt của Đoàn, của Hội ở vùng Công giáo tập trung, theo chúng tôi, càng phải quan tâm lựa chọn thời gian thích hợp. Duy trì chế độ sinh hoạt theo Điều lệ Đoàn quy định, song không nên tổ chức trùng lặp cùng thời gian đi lễ của thanh niên Công giáo.

2.2.3. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt Đoàn, Hội vùng Công giáo tập trung thực sự là "thủ lĩnh" chính trị của thanh niên tập trung thực sự là "thủ lĩnh" chính trị của thanh niên

Công tác vận động thanh niên vùng Công giáo tập trung là sự tác động tới một đối tượng đặc thù, được xem là một khoa học, một nghệ thuật. Đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ luôn có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt.

C. Mác và Ph.Ăngghen là những người đặt nền móng cho vấn đề cán bộ của giai cấp vô sản. Các ông cho rằng, mỗi thời đại, xã hội muốn phát triển được đều phải có một

đội ngũ cán bộ tương ứng cho thời kỳ lịch sử của mình. Nghĩa là công tác cán bộ cũng phải vận động và phát triển theo sự vận động của cách mạng.

V. I. Lênin ngay từ khi thành lập Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân đã đặc biệt chú ý đến vấn đề cán bộ. Người khẳng định: "Trong lịch sử chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào" [25, tr. 173].

ở Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến cán bộ nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng. Người cho rằng: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém" [35, tr. 269-240].

Để thực hiện được nhiệm vụ nêu trên, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ trẻ. Người coi đây là vấn đề hết sức quan trọng phải được chú ý thường xuyên, phải thông qua quần chúng, thông qua phong trào hành động cách mạng của thanh niên để lựa chọn cán bộ. Người nói: "Bất kỳ công việc gì cũng có người hăng hái hơn, đắc lực hơn có sáng kiến hơn. Nếu Đoàn khéo chú ý, tìm tòi, cất nhắc thì đó là những cán bộ. Có lẽ những thanh niên đó viết không giỏi, nói không kêu nhưng họ làm được việc. Đó là cái chính thanh niên cần nhiều cán bộ như thế " [35, tr. 375].

Lựa chọn cán bộ từ thực tiễn phong trào, được rèn luyện từ phong trào thanh niên ở cơ sở là rất quan trọng. Hiện nay ở nhiều tổ chức cơ sở Đoàn vùng Công giáo tập trung chưa quan tâm đúng mức. Vấn đề này, thường là khi cần, khi thiếu mới suy nghĩ tới. Tình trạng hụt hẫng cán bộ, chất lượng cán bộ không đáp ứng được nhiệm vụ được giao là một thực tế ở cơ sở. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về tổ chức cơ sở Đoàn. Nhắc nhở điều này đối với Đoàn thanh niên, Hồ Chí Minh nói: "... Các đồng chí phụ trách thanh niên không chịu đào tạo, dùi dắt thêm những cán bộ mới, tuy những phần tử có thể trở nên cán bộ vẫn không thiếu trong đám thanh niên" [34, tr. 29].

Lựa chọn cán bộ cần gắn với quá trình bồi dưỡng và đào tạo, nhất là cán bộ chủ chốt cơ sở Đoàn vùng Công giáo tập trung ở Thanh Hóa hiện nay lại chủ yếu trưởng thành từ phong trào, chưa qua đào tạo bồi dưỡng. Để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ cán bộ

làm công tác vận động thanh niên vùng Công giáo tập trung không chỉ được bồi dưỡng về kỹ năng vận động thanh niên, mà còn phải học tập để nâng cao trình độ mọi mặt - cần học văn hóa, chính trị, kỹ thuật; học lý luận chủ nghĩa Mác -Lênin, kết hợp với lăn lộn trong thực tiễn phong trào thanh niên. Nói cách khác, cán bộ Đoàn phải chịu khó học tập và qua nhiều hình thức đào tạo - học trong thực tiễn, học trong sách báo, học qua các trường lớp của Đảng, của Đoàn. Để đáp ứng yêu cầu đó tổ chức Đoàn thanh niên các cấp phải góp phần trong việc lựa chọn các nội dung, hình thức bồi dưỡng, tập huấn thích hợp. Thanh niên Công giáo có tính đặc thù riêng, đội ngũ cán bộ chủ chốt Đoàn cơ sở, Chi đoàn ở đây cũng phải được xem là một đội ngũ cán bộ có tính đặc thù. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phải phù hợp với yêu cầu công tác của họ.

Theo chúng tôi, Đoàn thanh niên cấp tỉnh và các huyện vùng Công giáo ở Thanh Hóa cần phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tôn giáo ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng nội dung và mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn riêng cho đối tượng cán bộ Đoàn vùng Công giáo, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về tôn giáo; những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo; tình hình hoạt động của tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng ở Thanh Hóa và phạm vi toàn quốc; kỹ năng nghiệp vụ công tác vận động tín đồ Công giáo... Đặc biệt kinh phí bồi dưỡng, tập huấn cũng phải được ưu tiên. Hiện nay kinh phí tập huấn bồi dưỡng cán bộ Đoàn nói chung ở Thanh Hóa thực hiện theo phương thức Nhà nước hỗ trợ, các cơ sở Đoàn tham gia đóng góp. Các cơ sở vùng Công giáo cần được ưu tiên trợ cấp hoàn toàn nguồn kinh phí của Nhà nước trong công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ.

Đi đôi với việc nâng cao trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn, cán bộ Đoàn cơ sở, Chi đoàn vùng Công giáo tập trung cần phải có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, nhiệt tình xông xáo, gương mẫu về mọi mặt để thực sự là "thủ lĩnh" chính trị trong phong trào thanh niên. Căn dặn đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác vận động quần chúng nói riêng, Bác Hồ nói: "Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc.

Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu.

Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới, nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm trong sạch, chính đáng" [35, tr. 208]. Hiện nay

các cơ sở Đoàn vùng Công giáo tập trung ở Thanh Hóa vẫn còn tình trạng cán bộ xa rời với quần chúng thanh niên, làm việc theo phong cách hành chính, giấy tờ, mệnh lệnh, như Bác Hồ nói: "Họ còn "các quan" lắm!" [35, tr. 208]. Do đó, nâng cao năng lực công tác, nâng cao trình độ mọi mặt và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở Đoàn vùng Công giáo tập trung là đòi hỏi cần thiết hiện nay. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một trong những vấn đề cũng hết sức quan tâm đối với đội ngũ cán bộ Đoàn vùng Công giáo tập trung ở Thanh Hóa hiện nay là chính sách đãi ngộ, sử dụng. Hầu hết

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Công tác vận động thanh niên vùng Công giáo tập trung của tổ chức cơ sở Đoàn ở Thanh Hóa hiện nay - thực trạng và giải pháp pot (Trang 61 - 67)