I. TỔNG QUAN VỀ CÁC CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT
3. Phân tích một số chỉ số KPI quản trị nguồn nhân lực
3.3. KPI về an toàn lao động
An toàn lao động luôn là vấn đề được quan tâm chặt chẽ, đặc biệt trong một số lĩnh vực đặc thù như khai thác, xây dựng, hóa chất… Vì vậy, tại một số doanh nghiệp nước ngoài, các chỉ số về an toàn lao động cho công nhân
viên đã được xây dựng nhằm theo dõi gắt gao quá trình thực hiện an toàn lao động.
3.3.1. Tỷ lệ báo cáo an toàn lao động
• Tỷ lệ này được đo lường bằng số tai nạn lao động trong một tháng của mỗi bộ phận sản xuất. Tất nhiên chỉ số này luôn được các tổ chức cố gắng giữ ở mức cực thấp.
• Ý nghĩa: Việc sử dụng tỉ lệ này giúp nhà quản trị giám sát được quá trình thực hiện an toàn lao động một cách tổng quát và đơn giản nhất, nhằm định hướng cho việc thực hiện an toàn lao động trong doanh nghiệp.
3.3.2. Tỷ lệ thời gian mất mát do an toàn lao động
• Công thức: Bằng tổng thời gian mất mát của tất cả các chức danh liên quan đến một tai nạn lao động (tổng hợp lại toàn bộ thời gian mất mát).
• Ý nghĩa: Tổng chi phí liên quan đến thời gian mất mát gồm chi phí mất đi do xảy ra tai nạn lao động và chi phí xử lý an toàn lao động. Ví dụ như tai nạn lao động làm đình trệ tiến độ công việc và ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và thành viên trong tổ chức. Các chi phí tổn thất trong thời gian này có thể do tâm lý của nhân viên sau tai nạn lao động, chi phí thuê nhân công để sản xuất bù lại thời gian đã mất, trường hợp xấu nhất là đền bù cho đối tác do chậm trễ hoặc ảnh hưởng tới hiệu quả công việc…
3.3.3. Tỷ lệ chi phí mất do an toàn lao động
• Công thức: Chi phí mất do an toàn lao động = Số sản phẩm bị mất x đơn giá (của người liên quan) + chi phí xử lý an toàn lao động.
• Ý nghĩa: Xét dưới góc độ kinh tế, việc xảy ra tai nạn lao động đem lại những tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Với chỉ số này, các doanh nghiệp nên theo dõi chi phí này ở các bộ phận khác nhau, với những tính chất công việc khác nhau, và so sánh theo từng tháng để có các biện pháp điều chỉnh thích hợp.
3.3.4. Thời gian huấn luyện an toàn lao động
Việc huấn luyện cho cán bộ, công nhân viên về an toàn lao động là việc làm rất cần thiết trong các tổ chức, doanh nghiệp. Đây là việc làm cần được ưu tiên lên hàng đầu nhằm tránh những tổn thất đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc huấn luyện và lường trước cho nhân viên về các trường hợp liên quan đến an toàn lao động thường không phải là dễ, bởi ít ai có thể tính toán một cách chính xác các trường hợp. Vì vậy, việc huấn luyện về an toàn lao động cần được tiến hành thường xuyên, định kì. Việc tính toán thời gian được huấn luyện cho từng cá nhân và theo từng hạng mục khác nhau cần được theo dõi thường xuyên, thành một chỉ số quan trọng, nhằm xem xét thời gian, hạng mục huấn luyện như vậy đã đủ hay chưa, các thông tin cũng như hướng xử lí tình huống xảy đến trong công việc có được truyền tải tới nhân viên kịp thời hay không?