Mặc dù trong những năm vừa qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu khá cao về phát triển con người. Tuy nhiên, cho đến nay, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển con người còn có một số hạn chế sau đây:
* Chưa có sự phát triển nhanh, còn chậm hơn sự phát triển trung bình của khu vực
Đến nay, nước ta đang đứng ở nhóm các nước có chỉ số HDI trung bình. nhìn vào vị trí xếp hạng ta thấy, chỉ số phát triển con người ở nước ta là chưa có sự tăng trưởng
nhanh. Năm 1990 nước ta đứng ở vị trí 112 trong bảng xếp hạng chỉ số HDI, đến năm 2003, chúng ta mới vươn lên đứng ở vị trí thứ 108.
Nếu chia trung bình về chỉ số của nhóm các nước phát triển trung bình về HDI thì đến nay Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình của nhóm này. Ví dụ: năm 2002, chỉ số HDI trung bình của 86 nước trong nhóm là 0,695, trong khi đó, chỉ số HDI của Việt Nam là 0,691, đứng ở vị trí 67/86 nước trong nhóm; năm 2003, chỉ số HDI trung bình của 88 nước trong nhóm là 0,718, trong khi đó, chỉ số HDI của Việt Nam là 0,704, đứng ở vị trí 51/88 trong nhóm. Từ năm 2002 đến 2003, mức tăng trung bình của các nước trong khối là 0,023, trong khi đó Việt Nam chỉ tăng có 0,013, thấp hơn mức trung bình của khu vực là 0,01. Năm 2002 thấp hơn mức trung bình trong nhóm là 0,004, thì đến năm 2003 thấp hơn rất nhiều: 0,014. Con số này phản ánh trình độ phát triển con người của Việt Nam trong nhóm là còn thấp.
Tuy nhiên, sự chỉ số phát triển con người ở nước còn thấp là do chỉ số thu nhập thập thấp chứ chỉ số tuổi thọ là khá cao, thậm chí chỉ số giáo dục là rất cao. Cho nên, sự so sánh với nước ngoài để đánh giá chỉ số phát triển con người chỉ là tương đối.
* Chất lượng giáo dục thấp, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi
Về mặt giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho con người hiện nay ở nước ta còn nhiều bất cập đó là sự phát triển không cân bằng về tỷ lệ người biết chữ và tỷ lệ nhập học của trẻ em giữa các tỉnh, thành phố, giữa các vùng, các dân tộc. Theo số liệu của "Báo
cáo phát triển con người năm 2001", tỷ lệ nhập học đúng tuổi của trẻ em các dân tộc
thiểu số là rất khác nhau, hiện nay, trẻ em dân tộc H’mông là 41,5%, dân tộc Tày là 95%. ở các vùng xa xôi hẻo lánh có khoảng 10% trẻ em trong độ tuổi 6 - 14 tuổi chưa đến trường.
Hiện nay, số trẻ em khuyết tật đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với cộng đồng xã hội, bao gồm các trẻ em khuyết tật bẩm sinh, các trẻ em chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam… có tỷ lệ đi học tương đối thấp, khoảng 33% trẻ em khuyết tật chưa bao giờ được đến trường, chỉ có 15% trẻ em khuyết tật học hết bậc học tiểu học.
Hiện nay, mặc dù nước ta đạt tỷ lệ cao về số người biết chữ và số học sinh phổ thông, nhưng chất lượng giáo dục và đào tạo chưa cao, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, các vùng dân tộc ít người còn khá thấp, điều này thể hiện bằng số học sinh đỗ đại học, cao đẳng là rất thấp, tiêu biểu như các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La… Tình trạng "tái mù chữ" đang có xu hướng gia tăng, thể hiện chất lượng "xóa mù chữ" ở các tỉnh này là rất thấp, tạo nên con số ảo về số người biết chữ ở các tỉnh này, thể hiện quá trình đầu tư cho phát triển con người chưa có hiệu quả cao, khó đảm bảo tính bền vững trong mục tiêu phát triển con người trong thời gian tới. Đó chính là một trong những khó khăn, thách thức cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở khu vực nông thôn, miền núi, tạo nên sự chênh lệch về trình độ dân trí ngày càng cao giữa các tỉnh, các vùng, miền.
* Các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân còn nhiều bất cập, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh một số tỉnh còn khá cao
Trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho con người, mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ, song bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho con người còn nhiều hạn chế, những năm gần đây do giá thuốc và giá các dịch vụ y tế lên cao nên nhân dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám, chữa bệnh. ở các tỉnh miền núi, các dịch vụ y tế còn lạc hậu, xa khu dân cư. Vì vậy, chưa tạo được những điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Sự tăng giá thuốc và các dịch vụ y tế hiện nay là một thách thức rất lớn đối với người dân, đặc biệt là dân nghèo vốn chiếm tỷ lệ cao trong xã hội. Mặc dù hiện nay chúng ta đã giảm được 50% số người nghèo đói, song điều đó không có nghĩa là họ có đủ khả năng để vượt qua những thách thức, khó khăn và rủi ro nảy sinh trong cuộc sống, nhất là về mặt sức khỏe, lương thực. Tức là chưa có nền tảng cần thiết bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Hiện nay, tỷ lệ tử vong của bà mẹ giữa các vùng, khu vực trên cả nước có sự cách biệt: ở các tỉnh miền núi có thể cao gấp 10 lần so với các tỉnh, thành phố và khu công nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2003, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ ở tỉnh Bình
Dương chỉ có 45 trường hợp, trong khi đó, ở tỉnh Cao Bằng là 411 trường hợp. Điều này thể hiện sự chênh lệch khá cao về trình độ phát triển con người trong lĩnh vực y tế, chúng ta chưa đạt được mục tiêu phát triển con người đồng đều giữa các khu vực trong cả nước.
* Về lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo
Thành tựu xóa đói, giảm nghèo còn chưa vững chắc, Việt Nam vẫn còn là nước nghèo, mức sống của người dân còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Năm 2004, thu nhập bình quân đầu người là 560 USD, đây là mức thu nhập chỉ nằm cận ngay trên của chuẩn nghèo quốc tế.
Hiện nay tỷ lệ người nghèo ở vùng nông thôn là rất cao và đặc biệt là miền núi (95% số người nghèo sống ở nông thôn, miền núi), khoảng cách chênh lệch về số người nghèo giữa các tỉnh thành phố cũng rất lớn, Thành phố Hồ Chí Minh có số người nghèo chiếm 1,8% dân số, tỉnh Lai Châu chiếm 76% dân số điều này thể hiện sự phát triển con người người giữa các tỉnh thành phố là chưa cân đối. Sự khác biệt đói nghèo giữa các dân tộc còn lớn, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách và đầu tư nhiều về kinh tế, văn hóa, xã hội cho các vùng dân tộc, miền núi, nhưng tỷ lệ người nghèo ở các dân tộc ít người là cao nhất, tốc độ giảm nghèo cũng chậm hơn. Đến năm, 2002, số người nghèo ở các dân tộc ít người gấp ba lần người nghèo ở dân tộc Kinh. (Theo số liệu của "Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ"). Sự phân hóa giàu-
nghèo trong khu vực cũng như giữa các khu vực, các dân tộc, tỉnh, thành có xu hướng
ngày càng tăng không chỉ là sự thách thức cho sự phát triển con người, mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
Tình trạng tái nghèo đã xuất hiện và đang có xu hướng phát triển, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, các vùng dân tộc thiểu số. Đời sống nhân dân ở các vùng miền núi còn rất nhiều khó khăn, họ vừa mới thoát khỏi tình trạng đói về thiếu lương thực, song, cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tình trạng đói nghèo luôn rình dập, những rủi ro do điều kiện tự nhiên tác động như hạn hán, lũ lụt luôn đe dọa đến đời sống của đồng
bào khu vực này. Đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển bền vững mà trước tiên là đảm bảo những yêu cầu tối thiểu về đời sống ở các vùng này.