NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ TỘI LÀM NHỤC NGƯỜI KHÁC TRONG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚ

Một phần của tài liệu Đấu tranh phòng, chống tội làm nhục người khác ở nước ta hiện nay (Trang 32 - 37)

PHÁP LUẬT HÌNH SỰ MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

Nghiên cứu những quy định về tội làm nhục người khác trong pháp luật hình sự của Nhật Bản, Vương quốc Thụy Điển, Liên bang Nga, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào cho thấy, các nước quy định rất khác nhau về tội phạm này.

Bộ luật hình sự Nhật Bản quy định các tội xâm phạm danh dự tại chương XXXIV, gồm hai tội nói xấu người và sỉ nhục người khác. Điều 231 Bộ luật quy định: “Người nào công khai sỉ nhục người khác thì bị phạt giam hình sự hoặc bị phạt tiền về tội hình sự nhỏ, thậm chí nếu người đó thực hiện hành vi sỉ nhục mà không đưa ra sự kiện” [12, tr. 64]. Điều 232 Bộ luật này còn quy định: “1. Các tội phạm quy định tại chương này chỉ bị khởi tố căn cứ vào đơn yêu cầu.

2. Khi người làm đơn yêu cầu là Hoàng đế, Nữ hoàng, Hoàng hậu góa, Hoàng thái hậu góa hoặc người thừa kế ngôi hoàng đế và Thủ tướng Chính phủ thì những người đó đều nhân danh cá nhân hoặc khi người làm đơn yêu cầu là Vua hoặc Tổng thống của một nước ngoài, là người đại diện của nước ngoài hữu quan thì những người đó cũng đều nhân danh cá nhân” [12, tr. 64].

Bộ luật hình sự Vương quốc Thụy Điển quy định về tội làm nhục người khác tại Điều 2 chương 5– Các tội xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác: “Người nào xỉ vả người khác bằng lời lẽ lăng mạ hoặc có hành động khác mang tính chất sỉ nhục đối với người đó, thì bị kết án về tội làm nhục người khác và bị phạt tiền nếu hành vi này không bị xử phạt theo Điều 1 hoặc Điều 2.

Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tiền hoặc bị phạt tù đến 6 tháng” [32, tr. 13].

Điều 5 của Bộ luật còn quy định: “Các tội nói từ Điều 1 đến Điều 3 có thể không bị truy tố trừ trường hợp có đơn yêu cầu của người bị hại. Tuy nhiên, nếu người bị hại không có đơn yêu cầu truy tố nhưng vì lợi ích công cộng thì công tố viên có thể truy tố các tội:

1. Vu khống và vu khống người khác trong trường hợp nghiêm trọng; 2. Làm nhục nhà chức trách hoặc lăng mạ nhà chức trách khi thi hành công vụ;

3. Làm nhục người khác vì lý do sắc tộc, màu da, nguồn gốc dân tộc hoặc tôn giáo của người đó;

4. Làm nhục người khác vì lý do bệnh đồng tình luyến ái của người đó. Hành vi xúc phạm danh dự và nhân phẩm người đã chết có thể bị truy tố theo yêu cầu của người vợ hoặc chồng còn sống, những người thừa kế trực tiếp, cha, mẹ hoặc anh chị em ruột của người chết. Công tố viên phải truy tố hành vi nói trên; việc truy tố là vì lợi ích công cộng do nhũng lý do đặc biệt.

Hành vi xúc phạm nguyên thủ quốc gia của một nước ngoài hiện đang ở Thụy Điển hoặc đại diện của một nước ngoài tại Thụy Điển có thể bị truy tố theo các Điều 1 – 3 nói trên” [32, tr. 14].

Như vậy, tương tự như pháp luật hình sự Nhật Bản, pháp luật hình sự Vương quốc Thụy Điển quy định tội làm nhục người khác có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp có đơn yêu cầu của người bị hại. Tuy nhiên, khác với pháp luật hình sự Nhật Bản, pháp luật hình sự Vương quốc Thụy Điển quy định cụ thể các trường hợp vì lợi ích công cộng, công tố viên phải truy tố về tội làm nhục người khác. Ngoài ra, pháp luật hình sự Vương quốc Thụy Điển còn quy định hành vi xúc phạm danh dự và nhân phẩm người đã chết có thể bị truy tố theo yêu cầu của người vợ hoặc chồng còn sống, những người thừa kế trực tiếp, cha, mẹ hoặc anh chị em ruột của người chết. Đây là những quy định mang tính nhân bản sâu sắc trong pháp luật hình sự của nước này.

Trong Bộ luật hình sự năm 1996 của Liên bang Nga, tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 131: “1. Làm nhục, nghĩa là hạ thấp danh dự và nhân phẩm của người khác, bằng hình thức thô tục.

- Thì bị phạt tiền đến 100 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hay thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian đến 1 tháng, hoặc bị phạt lao động bắt buộc đến 120 giờ, hoặc lao động cải tạo đến 6 tháng.

2. Làm nhục trên diễn đàn công cộng, trong tác phẩm được công bố công khai hay trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thì bị phạt tiền đến 200 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hay thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian đến 2 tháng, hoặc bị phạt lao động bắt buộc đến 180 giờ, hoặc lao động cải tạo đến 1 năm” [33, tr. 84 –85].

Điều 328 Bộ luật này còn quy định tội xúc phạm quân nhân: “1. Quân nhân nào xúc phạm đồng đội trong khi thực hiện các nghĩa vụ trong quân đội hoặc liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ đó thì phạt hạn chế phục vụ

quân đội đến 6 tháng hoặc bị phạt giữ ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến 6 tháng.

2. Cấp dưới xúc phạm người chỉ huy hoặc người chỉ huy xúc phạm cấp dưới trong khi thực hiện các nghĩa vụ trong quân đội hoặc liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ đó, thì bị phạt hạn chế phục vụ quân đội đến 1 năm hoặc bị phạt giữ ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến 1 năm” [33, tr. 136]

Như vậy, khác với pháp luật hình sự Vương quốc Thụy Điển, pháp luật hình sự Nhật Bản, pháp luật hình sự hiện hành của Liên bang Nga có quy phạm định nghĩa về khái niệm làm nhục người khác. Ngoài ra, pháp luật hình sự Liên bang Nga còn có quy định về tội xúc phạm quân nhân. Tội xúc phạm quân nhân trong pháp luật hình sư Liên bang Nga có nhiều điểm tương tự như tội làm nhục người chỉ huy hoặc cấp trên, tội làm nhục cấp dưới và tội làm nhục đồng đội trong pháp luật hình sự của nước ta.

Bộ luật hình sự Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào quy định tội xúc phạm danh dự người khác tại Điều 87, tội chửi rủa lăng nhục người khác tại Điều 88, tội xúc phạm mồ mả và thanh danh của người đã chết tại Điều 89.

Điều 87 Bộ luật quy định: “Người nào xúc phạm danh dự của người khác bằng lời nói, viết hoặc những hình thức khác thì bị phạt tước quyền tự do từ 3 tháng đến 1 năm hoặc cải tạo không tước quyền tự do hoặc phạt tiền từ 5.000 đến 10.000 kíp.

Người nào đặt ra những điều không có thực bằng lời nói, viết hoặc bằng các hình thức khác xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự của người khác thì bị phạt tước quyền tự do từ 3 tháng đến 1 năm hoặc bị phạt tiền từ 5000 kíp đến 10.000 kíp” [11, tr. 46].

Như vậy, theo pháp luật hình sự Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, hành vi xúc phạm danh dự của người khác và hành vi vu khống người khác được

quy định chung trong một điều luật quy định về tội xúc phạm danh dự của người khác.

Điều 88 Bộ luật còn quy định về tội chửi rủa lăng nhục người khác: “Người nào dùng lời nói, viết hoặc thực hiện hành vi xấu xa, trụy lạc xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người khác thi bị phạt tước quyền tự do từ 3 tháng đến 1 năm hoặc cải tạo không tước quyền tự do hoặc phạt tiền từ 5.000 kíp đến 10.000 kíp” [11, tr. 28 – 29].

Ngoài ra, Điều 89 Bộ luật này còn quy định về tội xúc phạm mồ mả và thanh danh của người đã chết: “Người nào có hành động hoặc dùng lời nói xấu xa đối với hài cốt, thanh danh của người đã chết, ảnh hưởng xấu tới sự tôn trọng của quần chúng nhân dân với người đã chết thì bị phạt tước quyền tự do từ 3 tháng đến 1 năm hoặc cải tạo không tước quyền tự do hoặc phạt tiền từ 5.000 kíp đến 10.000 kíp” [11, tr. 29].

Như vậy, tương tự với quy định tương ứng trong pháp luật hình sự Vương quốc Thụy Điển, trong pháp luật hình sự Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đã chết cũng bị coi là tội phạm và người thực hiện hành vi đó phải chịu hình phạt. Đây là điểm khác biệt so với quy định tương ứng trong pháp luật hình sự của nước ta.

Từ sự phân tích ở trên, có thể rút ra một số nhận xét như sau:

Thứ nhất, những quy định về tội làm nhục người khác trong pháp luật hình sự của các nước: Nhật Bản, Vương quốc Thụy Điển, Liên bang Nga, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào rất khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của từng nước.

Thứ hai, pháp luật hình sự hiện hành của Liên bang Nga có quy phạm định nghĩa về khái niệm làm nhục người khác. Ngoài ra, pháp luật hình sự

Liên bang Nga còn có quy định về tội xúc phạm quân nhân. Tội xúc phạm quân nhân trong pháp luật hình sư Liên bang Nga có nhiều điểm tương tự như tội làm nhục người chỉ huy hoặc cấp trên, tội làm nhục cấp dưới và tội làm nhục đồng đội trong pháp luật hình sự của nước ta.

Thứ ba, tương tự với quy định tương ứng trong pháp luật hình sự Vương quốc Thụy Điển, trong pháp luật hình sự Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đã chết cũng bị coi là tội phạm và người thực hiện hành vi đó phải chịu hình phạt. Đây là điểm khác biệt so với quy định tương ứng trong pháp luật hình sự của nước ta.

Ngoài ra, trong pháp luật hình sự hiện hành của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, hành vi xúc phạm danh dự của người khác và hành vi vu khống người khác được quy định chung trong một điều luật quy định về tội xúc phạm danh dự của người khác. Đây cũng là điểm khác biệt so với quy định tương ứng trong pháp luật hình sự của nước ta.

Chương 2

TÌNH HÌNH, NGUYÊN NHÂN, ĐIỀU KIỆN CỦA TỘI LÀM NHỤC NGƯỜI KHÁC Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Một phần của tài liệu Đấu tranh phòng, chống tội làm nhục người khác ở nước ta hiện nay (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(121 trang)
w