2. Thực trạng áp dụng mô hình Grameen Bank ở Việt Nam
2.2.3 Các TCTCVM sử dụng phương pháp Grameen
2.2.3.1 Quỹ trợ vốn CEP.
Đây là tổ chức TCVM phi lợi nhuận hoạt động trên toàn Tp. HCM và một số tỉnh lân cận. CEP được thành lập bởi Liên đoàn Lao động Tp. HCM vào tháng 11/1991 theo mô hình Ngân hàng Grameen nhằm giảm tình trạng nghèo của công nhân và người lao động bằng việc giúp họ tự tạo việc làm thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính.
Sứ mệnh của CEP là hoạt động vì lợi ích của người nghèo và nghèo nhất, nhằm giúp họ đạt được những cải thiện về an sinh lâu dài thông qua cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính một cách bền vững, trung thực và hiệu quả. CEP hoạt động không vụ lợi, kiên trì và nhất quán với tôn chỉ là phục vụ thành phần lao động nghèo khó.
Mục đích của CEP: giúp người lao động nghèo tự tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ bằng số vốn nhỏ ban đầu do quỹ tài trợ và có hoàn lại; giúp người lao động nghèo tạo được hay tăng thêm chỗ làm việc mới có thu nhập chính đáng bằng công sức và năng lực của mình cùng những người lao động khác; góp phần giảm thiểu tình trạng thất nghiệp của người lao động thành phố chỉ vì thiếu vốn hoạt động; tạo tinh thần tương trợ giữa người lao động nghèo cùng hoạt động và liên đới trách nhiệm trong phạm vi nghề nghiệp, địa bàn sinh sống, hoàn cảnh xã hội; xây dựng những mối quan hệ mật thiết với nhân dân lao động, để hỗ trợ những khoản vay nhỏ giúp họ phấn đấu làm ăn vươn lên, để dần dần cải thiện được những tình trạng nghèo túng.
Đối tượng phục vụ: CEP ưu tiên phục vụ người nghèo, tập trung vào đối tượng nữ và cung cấp trực tiếp các dịch vụ tài chính và phi tài chính cho những khách hàng sinh sống và làm việc tại các cộng đồng. Khách hàng của CEP được chia làm 3 nhóm: nghèo nhất, nghèo và tương đối nghèo. CEP tập trung vào phục vụ người nghèo và những người dễ bị tổn thương, những khách hàng tương đối nghèo được phục vụ ưu tiên thấp hơn.
CEP có cách thức phân loại nghèo tổng thể mô tả chung về 3 nhóm khách hàng bao gồm rất nghèo, nghèo và tương đối nghèo. Việc mô tả sắp xếp những tiêu chuẩn nghèo theo tình trạng chung và sẽ được thay đổi theo đặc điểm cụ thể của từng khu vực.
Mạng lưới phục vụ:
Năm 2010 CEP có 24 chi nhánh gồm 17 chi nhánh tại Tp.HCM và 7 chi nhánh tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long là Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang. Mỗi chi nhánh ngoại tỉnh được thành lập có thể giúp CEP mở rộng hoạt động
tại các những vùng nông thôn và kém phát triển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và phía Đông Nam Việt Nam. Trong thời gian tới CEP sẽ tìm kiếm mở rộng hoạt động, cung cấp hỗ trợ và các dịch vụ tài chính cho người nghèo nông thôn.
Sản phẩm và dịch vụ:
Sản phẩm cho vay: gồm sản phẩm cho vay tạo thu nhập cơ bản, vay cải thiện nhà ở, vay cải thiện môi trường, vay xây nhà cho người lao động tái định cư,…
Sản phẩm tiết kiệm: các thành viên vay vốn của CEP đều phải thực hiện tiết kiệm bắt buộc. Ngoài ra CEP còn cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tiết kiệm tự nguyện như là một nguồn quỹ an toàn để khách hàng có thể sử dụng trang trải những chi phí lớn.
Sản phẩm giảm thiểu rủi ro: sản phẩm y tế tạo thuận lợi cho khách hàng CEP tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Sản phẩm phát triển cộng đồng: phổ biến tài liệu giáo dục và sức khoẻ cộng đồng và vệ sinh cho khách hàng, huấn luyện cho khách hàng về quản lý tài chính…
Qua khảo sát tình hình thực tế tại các chi nhánh của CEP tại Long Thành - Đồng Nai, Đức Hoà - Long An, Mỹ Tho - Tiền Giang…chúng tôi thấy các chi nhánh đều thống nhất cho vay theo 2 gói sản phẩm là góp tuần và góp tháng để phù hợp với nhu cầu và điều kiện của khách hàng ở các địa phương này. Mức lãi suất cho vay thống nhất cho toàn hệ thống CEP là: đối với cán bộ công nhân viên chức: 0.9%/ tháng, đối với nhân dân lao động: 1%/ tháng. Theo gói sản phẩm này, CEP yêu cầu tiết kiệm bắt buộc đối với khách hàng nhằm tạo thói quen tiết kiệm cho người vay vốn. Tỷ lệ tiết kiệm bắt buộc là 1%/ tổng số vốn vay đối với tất cả các đối tượng. Tiền lãi từ khoản tiết kiệm bắt buộc này là 0.25%/ tháng nhằm mục đích xây dựng quỹ phát triển cộng đồng: xây dựng “mái nhà CEP” cho những đối tượng thực sự khó khăn không có nhà ở, học bổng đầu năm với con em thành viên có thành tích học tập tốt nhưng hoàn cảnh thực sự khó khăn. Khoản tiết kiệm tự nguyện có lãi suất 0.25%/ tháng. Với các sản phẩm đa dạng như trên, CEP ngày càng phục vụ được nhiều khách hàng hơn. Cho đến năm 2009, số
lượng khách hàng đã tăng hơn 2.61 lần, với số dư nợ cho vay tăng hơn 4.2 lần so với năm
2004. Mức vay bình quân của khách hàng tăng, cụ thể là năm 2006: 4.5 triệu/khách hàng, năm 2007: 5 triệu/khách hàng, năm 2008: 6.2 triệu/khách hàng, năm 2009: 7.2 triệu/khách hàng.
Như vậy CEP đã đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người nghèo. Nguồn vốn cho vay văn
phòng chính của CEP chủ yếu lấy từ những nguồn sau: UBND Tp.HCM, các đoàn thể đóng góp, nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính, nguồn tài trợ từ các dự án nước ngoài
(Ford Foundation, Ausaid …). Các chi nhánh CEP lấy nguồn vốn từ văn phòng chính, Liên đoàn Lao động, khoản tiết kiệm của khách hàng, các chương trình từ thiện… Tóm lại, CEP hoạt động dựa trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, thực hiện chế độ tự quản, tự cân đối thu chi tài chính, nhà nước không hỗ trợ. CEP chứng tỏ hiệu quả hoạt động của mình thông qua tỷ lệ hoàn trả vốn vay của khách hàng trung bình lên tới 99%. Đặc biệt có những chi nhánh tuy mới thành lập nhưng hiệu quả hoạt động rất tốt như chi nhánh Mỹ Tho - Tiền Giang tỷ lệ hoàn vốn đúng hạn lên đến 99.99%. Chi nhánh Long Thành - Đồng Nai có tỷ lệ hoàn vốn đúng hạn là 99%, nợ quá hạn luôn nhỏ hơn 1%...
Phương thức hoạt động: CEP cho vay theo phương pháp Grameen - phương pháp cho vay theo nhóm. Qua khảo sát thực tế tại các chi nhánh CEP, quy trình cho vay đều thống nhất như sau: - CEP giới thiệu chương trình cho vay đến chính quyền địa phương tại khu vực có nhu cầu. Sau đó kết hợp với họ chọn lọc ra những đối tượng khách hàng có hộ khẩu hoặc có KT3 tại địa phương, ưu tiên phụ nữ. Bước giới thiệu chương trình cho vay ban đầu này có thể khác nhau theo từng chi nhánh. Đối với những chi nhánh cũ, đối tượng cho vay sẽ do chính quyền địa phương giới thiệu cho CEP. Riêng đối với những chi nhánh mới, nhân viên chi nhánh sẽ tự điều tra khu vực có nhu cầu, sau đó sẽ liên hệ với chính quyền khu vực đó giới thiệu những người có nhu cầu vay vốn.
- Sinh hoạt tập huấn cho các đối tượng này: giới thiệu tổ chức CEP, phương thức cho vay, chia nhóm, lựa chọn nhóm trưởng, phát đơn hướng dẫn cách làm đơn và một số thủ tục vay vốn…
- Cán bộ tín dụng CEP đến tận hộ gia đình khảo sát thực tế, quyết định mức cho vay và hoàn thành hồ sơ khách hàng.
- Sau khi có quyết định của cấp trên, cán bộ tín dụng phát vốn đến tận tay khách hàng. - Hàng tuần (đối với sản phẩm góp tuần), hoặc hàng tháng (đối với sản phẩm góp tháng) cán bộ tín dụng đến thu tiền tại nhà cụm trưởng, đồng thời kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh của khách hàng có sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả không.
- Cuối đợt vay khoảng 2 - 3 tuần nhân viên tín dụng tổ chức tiếp họp cụm để xem xét ý kiến cũng như nhu cầu vay vốn cho đợt tiếp theo, kết nạp thêm thành viên mới, đi khảo sát những người có nhu cầu vay tiếp. Quy trình tiếp tục được lặp lại.
Mặc dù áp dụng phương pháp Grameen, nhưng khi áp dụng vào Việt Nam CEP cũng cải tiến cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đã đạt được những thành công nhất định. Cụ thể: Về cách tiếp cận khách hàng: đối với mô hình Grameen Bank, nhân viên tín dụng tự tìm đến khách hàng còn CEP dựa trên sự giới thiệu của chính quyền địa phương để chọn lọc được đối tượng cho vay chính xác hơn.
Về việc chia nhóm: theo Grameen Bank một nhóm phải có 5 người, không có quan hệ ruột thịt. Nhân viên tín dụng tự quyết định thành viên trong nhóm. Còn CEP, số lượng thành viên linh hoạt tuỳ theo đặc điểm của từng chi nhánh CEP và các thành viên tự lựa chọn nhóm sao thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và việc góp tiền. Với những chi nhánh mới thành lập như chi nhánh mới như Mỹ Tho, số thành viên là 3 đến 7 người trong 1 nhóm để cho nhân viên tín dụng dễ quản lý, còn những chi nhánh hoạt động từ lâu, số lượng thành viên nhiều hơn như chi nhánh Long Thành - Đồng Nai, số lượng thành viên là từ 3 đến 9 người.
Phương thức vay và cách thức liên đới chịu trách nhiệm giữa các thành viên: theo phương thức Grameen, hai người nghèo nhất được vay trước, mỗi tuần phải trả một phần nợ, tích lũy một phần khác, thường là 1% tiền lời, còn lại cho thêm vào tiền vốn. Các người khác trong tổ giúp đỡ, động viên, kiểm điểm để việc hoàn trả được thực hiện đều đặn. Khi hai người đầu tiên trả xong nợ, hai người tiếp theo sẽ được vay. Và cuối cùng là trưởng tổ được vay. Tổ 5 người quyết định và kiểm soát mọi việc, nhân viên ngân hàng cung cấp tài liệu, tư vấn và hướng dẫn về các dịch vụ vi tài chính của Grameen. Còn theo CEP, mọi thành viên được nhận vốn cùng một lúc, không có việc liên đới chịu trách nhiệm, chẳng hạn nếu một thành viên không trả nợ đúng hạn, các thành viên khác vẫn được vay bình thường và thành viên đó sẽ bị tách ra khỏi nhóm. Việc cho vay như vậy vừa tạo sự công bằng và đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho người vay.
Gói sản phẩm của CEP được thiết kế phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Chẳng hạn như sản phẩm góp tuần phù hợp cho đối tượng tiểu thương vì họ có nguồn thu nhập hàng ngày, còn sản phẩm góp tháng phù hợp với công nhân vì họ có thu nhập theo tháng. Tuỳ theo từng đối tượng khách hàng và thông qua quá trình khảo sát cụ thể mà CEP có những mức vay phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Về điều kiện cho vay cũng đơn giản. CEP dựa trên 4 tiêu chí: mức độ phụ thuộc, thu nhập, tài sản thuộc sở hữu, điều kiện nhà ở. Thủ tục cho vay đơn giản bao gồm đơn xin vay vốn, bản sao chứng minh nhân dân có công chứng, bản sao hộ
khẩu có công chứng. Ngoài ra khách hàng của CEP không phải tốn bất cứ chi phí nào khác ngoài lãi suất phải trả hàng tháng.
Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng CEP cũng còn những hạn chế:
- Nguồn vốn còn hạn chế nên CEP mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của một phần nhỏ người
lao động nghèo có thu nhập thường xuyên như chi nhánh Mỹ Tho - Tiền Giang là 30% nhu
cầu. Trong khi đó CEP chưa triển khai đối với những khách hàng có thu nhập không thường xuyên như người nông dân - những người đang khát vốn.
- Nguồn nhân lực còn thiếu, một nhân viên phải quản lý 600 đến 700 khách hàng nên gặp khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của khách hàng. Ngoài ra do nhận thức của khách hàng chưa cao nên gây khó khăn cho nhân viên tín dụng trong việc khảo sát, tiếp cận với khách hàng.
- Mạng lưới hoạt động chưa được mở rộng, chỉ mới tập trung ở Tp.HCM và một số tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp. Các chi nhánh này cũng mới chỉ tập trung ở vị trí trung tâm, chưa phục vụ cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, vấn đề này dựa trên quan điểm của CEP: việc thí điểm mô hình hoạt động của CEP nên bắt đầu từ những nơi dân cư có trình độ hiểu biết cao, sau khi đạt được mức thành công nhất định thì mới nhân rộng mô hình.
- Do việc lựa chọn khách hàng theo cơ chế từ bên trên chính quyền địa phương giới thiệu xuống như vậy vẫn mang yếu tố chủ quan, vì vậy tất yếu sẽ còn sót lại nhiều đối tượng có nhu cầu vốn mà không được đáp ứng.
- CEP là TCTCVM bán chính thức lớn nhất Việt Nam nhưng vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động như là một TCTCVM chuyên biệt, vẫn hoạt động dưới sự kiểm soát của Liên đoàn Lao động. Như vậy CEP sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn và thiếu linh hoạt trong quản lý thu chi và một số hoạt động khác.
- Mức lãi suất của CEP còn khá cao so với các TCTCVM chính thức. Tuy nhiên, CEP vẫn phải duy trì mức lãi suất này để duy trì hoạt động. Mặt khác, người vay không quan trọng lãi suất cao hay thấp mà cái chính là họ được đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời.
2.2.3.2 Quỹ Tình Thương - Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Tổ chức này được hình thành bắt đầu từ Dự án Quỹ Tình Thương theo quyết định số 11/QĐ và trình thủ tướng chính phủ cho cấp phép hoạt động thử nghiệm trên địa bàn huyện Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội vào ngày 7/1/1992. Ngày 20/2/1992, Chính phủ đã ban hành văn bản số 563/KTĐN cho phép Hội thực thi dự án trên các vùng miền nghèo. Quỹ Tình Thương ra đời với tên giao dịch quốc tế là "Tau Yeu May" hay còn gọi là TYM. Sứ mệnh của TYM là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện địa vị cho phụ nữ nghèo, nghèo nhất và gia đình họ thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính phù hợp cho các nhóm phụ nữ ở cộng đồng, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và nâng cao vai trò của họ trong xã hội. Với phương châm cam kết phục vụ người nghèo TYM luôn nghiên cứu và thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhu cầu người nghèo về mục đích sử dụng và khả năng hoàn trả.
Về sản phẩm tài chính bao gồm:
Vốn vay: thiết kế trên nguyên tắc cho vay không cần thế chấp, không tạo ra gánh nặng về hoàn trả, bảo đảm cho người nghèo tập dượt kỹ năng quản lý, sử dụng vốn vào các hoạt động tăng thu nhập và bảo đảm bù đắp các chi phí hợp lý cho hoạt động của TYM. Các loại vốn của TYM phát ra theo vòng, các mức vay tăng dần từ nhỏ đến lớn (tối thiểu là 1 triệu đồng). Thời hạn vay từ 10 - 100 tuần. Gốc và lãi hoàn trả hàng tuần. Hầu hết vốn vay được sử dụng cho các hoạt động tăng thu nhập, sửa chữa nhà cửa. Ngoài ra, TYM còn cho vay vốn đa mục đích (vốn khẩn cấp) với mức vốn nhỏ hơn và thời hạn ngắn hơn và có thể sử dụng cho tiêu dùng và các mục đích khác.
Sản phẩm tiết kiệm: để xây dựng nguồn vốn tự có và giáo dục thói quen tiết kiệm, TYM yêu cầu mọi khách hàng đóng tiết kiệm bắt buộc 3.000 đồng/tuần (0,19 USD). Tiết kiệm bắt buộc có lãi suất và có thể rút ra sau khi đạt được số dư tối thiểu nhất định. Ngoài ra, TYM cũng