Chương 3: NHỮNG GIẢI PHÁP KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH DOANH NGOẠI TỆ TẠI CHI NHÁNH NHNO&PTNT
3.3. Một số kiến nghị
Để có thể hoàn thiện, thực hiện thành công và hiệu quả các giải pháp nêu trên thì rất cần tới sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là: Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và NHĐT&PT Việt Nam. Em xin đề xuất một số kiến nghị lên các cơ quan chức năng để có thể hoàn thành, thực hiện và nâng cao hiệu quả của các giải pháp đưa ra.
• Đẩy mạnh các biện pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dới cả hai hình thức trực tiếp và gián tiếp. Nguồn vốn này sẽ làm giảm tình trạng khan hiếm ngoại tệ trong nước.
• Về việc ban hành các văn bản: Kinh doanh ngoại tệ là một lĩnh vực rất mới mẻ, do đó các văn bản pháp lý trong lĩnh vực này thường xuyên được điều chỉnh và thay đổi. Tuy nhiên trong thực tế các văn bản đôi khi lại không rõ ràng, không chỉ rõ văn bản nào đang có hiệu lực, văn bản nào đã bãi bỏ. Vì vậy các văn bản ban hành cần rõ ràng, có các thông tư kèm theo để hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các văn bản đó.
• Chính phủ cần có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu như: Tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại, ưu đãi cho những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu để tăng thu ngoại tệ giảm thâm hụt cán cân Thương mại quốc tế. Đồng thời cũng hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng chưa cần thiết.
• Có biện pháp nghiêm khắc hơn đối với các hành vi buôn lậu và mua bán ngoại tệ trái phép vì các vi phạm này gây lộn xộn, khó khăn cho hạt động kinh doanh trên thị trường ngoại tệ có tổ chức.
3.3.2. Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.
• Điều chỉnh biên độ thường xuyên:
Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp điều chỉnh và công bố tỷ giá linh hoạt hơn, mở rộng biên độ cao hơn vào khoảng 0,3% đến 0,5%. Đồng thời, NHNN cần tăng cường can thiệp vào thị trường ngoại hối với tư cách là người mua bán cuối cùng, tham gia giao dịch kỳ hạn, hoán đổi như đã nêu trong quy chế để tạo điều kiện cho việc mở rộng các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, tạo điều kiện để hoàn thiện thị trường ngoại hối Việt Nam.
NHNN cần chỉnh sửa, bổ sung những văn bản hiện đang là vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện của các NHTM, cần rà soát lại hệ thống các bảng biểu báo cáo, những gì trùng lặp, chồng chéo cần phải bỏ, đồng thời NHNN cần sớm thông báo những bổ sung để các Ngân hàng có cơ sở thực hiện.
• Phát huy vai trò kiểm soát:
Tăng cường vai trò kiểm soát của NHNN đối với các NHTM và các Tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các quy chế của NHNN ban hành. Qua đó nắm bắt thực trạng, vướng mắc của các ngân hàng để xử lý kịp thời.
• Đối với chính sách tỷ giá:
Chính sách tỷ giá phải linh hoạt, phản ánh quan hệ cung cầu trên thị trường. Tỷ giá công bố của NHNN cần theo sát hơn với tỷ giá trên thị trường tiền tệ liên Ngân hàng để thu hẹp đáng kể chênh lệch tỷ giá giao dịch của các ngân hàng với tỷ giá trên thị trường tư nhân.
• Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp tăng dự trữ ngoại tệ để có thể chủ động điều tiết thị trường.
• Phát triển thị trường ngoại tệ liên Ngân hàng, thực hiện tốt vai trò là người mua bán cuối cùng của NHNN.
3.3.3. Kiến nghị với NHNo&PTNT Việt Nam.
• NHNo&PTNT Việt Nam cần có quy chế bổ xung và hoàn thiện hoạt động kinh doanh ngoại hối theo hướng phát huy tối đa tiềm năng của hệ thống về đầu tư cho hàng xuất khẩu, kiểm soát ngoại tệ tạo nguồn ngoại tệ khép kín cho hàng nhập khẩu. Đơn giản hoá thủ tục, cải tiến phương thức điều hành nhằm khai thác tiềm năng của các đơn vị. Tăng cường khả năng cạnh tranh với các ngân hàng khác trên cùng địa bàn về chất lượng và uy tín thanh toán, nguồn ngoại tệ cũng như các mặt kinh doanh đối ngoại khác.
• Cần có biện pháp khuyến khích chi nhánh cơ sở có hoạt động kinh doanh ngoại tệ đạt thành tích nổi bật trong năm nhằm động viên họ phát huy hơn nữa thành quả đạt được, phổ biến kinh nghiệm để toàn hệ thống tham khảo, học tập. Đề ra các chỉ tiêu thi đua trong lĩnh vực này giữa các chi nhánh tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển chung.
• Để thu hút các khách hàng lớn, NHNo&PTNT Việt Nam cần có chính sách thiết thực như: cơ chế điều phối nguồn vốn chung của toàn hệ thống, chuyển tiền trong nước với chi phí thấp… bằng các thoả thuận song phương do đại diện của NHNo VN ký và giao cho các chi nhánh có khả năng thực hiện.
• Để phát triển kinh doanh ngoại tệ và kinh doanh đối ngoại một cách bền vững cần có đủ cán bộ có năng lực, trình độ. Do đó việc đào tạo cần được đầu tư thích đáng. NHNo VN cần mở nhiều lớp đào tạo thường xuyên và đa dạng, kết hợp giữa lý thuyết với thực tiễn để đào tạo cán bộ cho các chi nhánh. Đối với các chi nhánh hoạt động kinh doanh xuất sắc, NHNo VN có thể có kế hoạch cho đi tu nghiệp ở nước ngoài nơi có thị trường ngoại hối phát triển.
• Tỷ giá công bố của NHNo Việt Nam áp dụng cho các chi nhánh cần linh hoạt mềm dẻo, sát với thị trường để các chi nhánh vận dụng vào các nghiệp vụ được hiệu quả.
• NHNo Việt Nam cần tổ chức tốt vấn đề điều hoà vốn ngoại tệ trong hệ thống đảm bảo thu được hiệu quả hoạt động giữa các chi nhánh.
• Tích cực tham gia thị trường ngoại tệ liên ngân hàng nhằm tạo được các cơ hội kinh doanh và thu thập thông tin một cách nhanh chóng, chính xác tạo điều kiện cho các chi nhánh mở rộng và tiếp cận với thị trường ngoại tệ liên Ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như chất lượng phục vụ và đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ nhằm giúp các chi nhánh phát triển hơn nữa.
KẾT LUẬN
Hoạt động kinh doanh ngoại hối nói chung và kinh doanh ngoại tệ nói riêng vẫn là một hoạt động mới mẻ, quy trình nghiệp vụ cũng như các loại hình giao dịch rất phức tạp. Thị trường ngoại hối nước ta mới đi vào hoạt động trong thời gian chưa lâu nên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, song qua đó cũng rút ra được kinh nghiệm và dần khắc phục được những khó khăn tồn tại để thị trường ngày một phát triển hơn.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, chi nhánh NHNo&PTNT Hà Nội luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các NHTM quốc doanh, NHTMCP và các NH nước ngoài đã có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh ngoại tệ, nên NH không tránh khỏi những khó khăn tồn tại.
Qua thời gian học tập, nghiên cứu tại trường và thực tập tại chi nhánh NHNo&PTNT Hà Nội, được sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của TS Nguyễn Thị Chiến và các cán bộ làm việc trực tiếp tại Phòng thanh toán quốc tế của NHNo&PTNT Hà Nội, chuyên đề đã hoàn thành. Trên cơ sở hệ thống hoá được những lý luận cơ bản về tổ chức hoạt động của thị trường ngoại hối, những rủi ro thường gặp trong lĩnh vực kinh doanh này và nghiên cứu những văn bản pháp quy có tính pháp lý về hoạt động kinh doanh ngoại hối của NHNN; thực trạng kinh doanh ngoại tệ tại cơ sở thực tập, chuyên đề đã phân tích, đánh giá được thực trạng công tác kinh doanh ngoại tệ tại NHNo&PTNT Hà Nội từ đó chỉ ra những tồn tại và những vấn đề bức xúc cần giải quyết. Qua đó chuyên đề đã đưa ra một hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ xuất phát từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng nhằm góp phần tích cực phát triển hoạt động kinh doanh ngoại tệ tại chi nhánh, tạo cơ sở cho việc mở rộng, đa dạng hoá các nghiệp vụ kinh doanh, ngày càng đáp ứng yêu cầu của một ngân hàng hiện đại trong nền kinh tế thị trường.
Em mong rằng những giải pháp được nêu trong chuyên đề này sẽ giúp ích phần nào cho chi nhánh trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh ngoại tệ.
Em xin chân thành cảm ơn!