III. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHO VAY HỘ SẢN XUẤT CỦA NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
1. Giải pháp trước mắt
a. Lập kế hoạch thu hút khách hàng:
Có thể nói số lượng khách hàng đến giao dịch với ngân hàng tương đối cao, nhưng chưa thực sự đúng nhu cầu vay vốn. Tỉnh Hà Tây có khoảng 86% số hộ có nhu cầu vay vốn tức là có khoảng 455.800 hộ. Như vậy, nhu cầu vốn của hộ sản xuất là khá lớn. Nếu tính khoảng 65% số hộ là đủ điều kiện vay vốn có khoảng344.500 hộ ( tỷ lệ này là khá thực tế). Như vậy, số hộ hiện còn dư nợ ngân hàng đến 31/12/02 là 242.856 hộ còn lại khoảng 101.644 hộ có nhu cầu vay vốn chưa được ngân hàng đáp ứng. Trong khi đó năm 2002 NHNoHà tây lại thừa vốn chuyển lên ngân hàng cấp trên khoảng 98 tỉ đồng. Thực tế cho thấy nhiều hộ có nhu cầu đầu tư sản xuất hoặc kinh doanh trong thời gian ngắn hoặc số lượng vốn ít nên họ ngại đến ngân hàng vay (vì ngại phải làm thủ tục hồ sơ theo quy định) mà họ lại vay ngoài để sản xuất kinh doanh mặc dù lãi suất có cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng. Mặc khác do tâm lý sợ phiền phức về mặt giấy tờ thủ tục hoặc không có khả năng lập dự án... ( đối với những hộ chưa vay ngân hàng lần nào). Vì vậy, để thu hút khách hàng, ngân hàng nên có những thông báo, hướng dẫn cụ thể về thủ tục xin vay, cách thức lập dự án đối với từng ngành nghề đến tận huyện, xã, các trưởng khu hành chính, tổ trưởng cũng như các chính sách ưu đãi của ngân hàng và cách đón tiếp khách hàng gửi cũng như khách hàng vay vốn tạo tâm lý hiểu biết lẫn nhau và thoải mái trong giao tiếp, giao dịch khi đến ngân hàng. Tuyệt đối tránh tình trạng khi đến ngân hàng người vay vốn tỏ ra lo lắng khi họ chưa biết mình phải làm gì để được ngân hàng cho vay. Đồng thời nên trích một khoản chi phí kết hợp với đài, báo ở thôn, xã tuyên truyền, quảng cáo về hoạt động ngân hàng cũng như những chính sách ưu đãi của Chính phủ để khuyến khích nhu cầu tiềm ẩn của hộ sản xuất.
Việc cho vay theo phương thức gián tiếp thông qua tổ nhóm tín chấp qua hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh…cũng đã và đang thu hút được khá đông đảo hộ sản xuất xin vay và nếu làm tốt phương thức này thì chất lượng tín dụng sẽ được nâng lên. Tuy nhiên chi phí cho vay kiểu này còn cao trong khi hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra còn thấp.
b. Thực hiện quy trình cho vay một cách hợp lý:
Thực tế mà nói quy trình cho vay của NHNo & PTNT Việt nam khá chặt chẽ và nếu cán bộ tín dụng ở các chi nhánh ngân hàng NHNo đều thực hiện đúng quy trình cho vay thì có thể khẳng định định tỷ lệ nợ quá hạn sẽ rất thấp nếu không có sự ảnh hưởng của thời tiết. Tuy nhiên cũng có thể khẳng định rằng nếu làm đúng theo quy trình cho vay thì số hộ đủ điều kiện để cho vay rất ít, không đủ mức cho vay và dư nợ của ngân hàng NHNo Việt Nam yêu cầu. Vì vậy hiện nay tình hình chung là một phần lớn các cán bộ tín dụng không chỉ ở ngân hàng NHNo Hà tây mà ở các chi nhánh ngân hàng khác đều không làm đúng như quy trình cho vay mà ngân hàng NHNo Việt Nam quy định. Điều này cũng chấp nhận được. Tuy nhiên cách thức cho vay mà một phần không nhỏ cán bộ tín dụng ở NHNo Hà tây áp dụng theo em chưa được hợp lý. Quy trình cho vay mà các cán bộ tín dụng ở đây áp dụng chỉ chú ý đến tư cách người vay và khả năng tài chính, tài sản thế chấp của người vay là chủ yếu. Dự án xin vay được lập chỉ mang tính hình thức. Đây là điều chưa hợp lý bởi vì khả năng trả nợ của người vay phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của dự án mà họ đầu tư. Trong dự án, phần lớn hộ sản xuất đều sử dụng một phần vốn tự có của mình. Vì vậy, nên dự án khi đưa vào sản xuất kinh doanh không có hiệu quả như mong đợi, thậm chí hộ sản xuất bị thua lỗ cả vốn tự có và vốn vay ngân hàng thì khả năng tài chính của họ không còn và họ không tự bán tài sản thế chấp để trả nợ khi hết hạn mà họ cố tìm các biện pháp khác kiếm ra tiền để trả nợ dẫn đến hiện tượng chây ỳ, khó đòi nợ khi đến hạn hoặc để nợ quá hạn phát sinh kéo dài. Việc thế chấp tài sản ở nông thôn thực ra cũng gặp rất nhiều phiền toái. Bởi vì đa số các tài sản mà họ đưa ra làm vật thế chấp là nhà cửa, ruộng vườn. Khi họ không trả được nợ, nếu như ngân hàng thực hiện việc phát mại tài sản sẽ gặp khó khăn về
mặt tâm lý vì nhà cửa, ruộng vườn của các hộ ( chủ yếu là nông dân) gắn liền với đời sống của họ, anh em gia tộc họ hàng nên khó có thể mua bán trao đổi dễ dàng được. Mặt khác đa số các khoản vay của họ là nhỏ so với số tài sản mà họ đưa ra thế chấp. Vì vậy khó có thể phát mại nhà cửa, đất đai mà họ thế chấp được. Việc không quan tâm đến dự án xin vay cũng là nguyên nhân lớn góp phần làm tăng tỷ lệ nợ quá hạn đối với cho vay hộ sản xuất. Trong những năm qua ở NHNo Hà tây, đây là một điều mà ngân hàng hoàn toàn không mong muốn. Vì vậy để hạn chế nợ quá hạn, ngân hàng nên quan tâm hàng đầu đến hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư trong việc lập và thẩm định dự án. Đây quả là vấn đề khó khăn không chỉ riêng đối với chi nhánh NHNo Hà tây mà còn là vấn đề chung đối với tất cả các chi nhánh của NHNo & PTNT Việt Nam. Tuy nhiên chỉ giải quyết được vấn đề này mới đẩy lùi và hạn chế tỷ lệ nợ quá hạn. Có nhiều ý kiến cho rằng nếu dự án được xem xét cẩn thận thì số hộ được vay sẽ giảm, ngân hàng sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu khối lượng vốn cho vay và dư nợ. Tuy nhiên nếu ngân hàng có chiến lược thu hút khách hàng tốt (như đã trình bày phần trên) thì số hộ đến vay vốn ngân hàng sẽ tăng lên và ngân hàng có thể loại bỏ những dự án không mang lại hiệu quả cao hoặc yêu cầu hộ sản xuất lập dự án khả thi hơn. Như vậy doanh số cho vay và dư nợ vẫn sẽ được ổn định và có xu hướng tăng cao trong khi đó nợ quá hạn chắc chắn sẽ được giảm thấp. Việc lập các dự án nên để các hộ tự lập là chủ yếu. Với những hướng dẫn và thông báo cụ thể cách thức lập các loại dự án tới từng thôn, xã. Các cán bộ tín dụng chỉ làm nhiệm vụ thẩm định dự án, bàn bạc với các hộ về tính khả thi của dự án với mục đích làm cho các hộ hiểu mình làm là vì họ trước tiên sau đó mới đến lợi ích của ngân hàng.
Song song vơí việc thẩm định dự án, việc chú trọng đến tư cách của người vay, khả năng tài chính cũng như tài sản thế chấp mà ngân hàng đang làm là điều cần thiết. Tuy nó không là chỉ tiêu quan trọng nhất để xác định cho vay nhưng nó là tiêu chuẩn đạo đức, ràng buộc pháp lý buộc người vay phải có trách nhiệm hơn trong dự án sản xuất kinh doanh của mình cũng như trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Thông tin là vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đặc biệt là đối với hoạt động tín dụng. Do hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng hộ sản xuất nói riêng gặp phải nhiều rủi ro cho nên những vấn đề thông tin liên quan đến khách hàng từ trước đến nay như tư cách năng lực, khả năng tài chính... phải luôn được cập nhật nhanh chóng, chính xác nhằm đảm bảo cho chất lượng tín dụng được nâng cao. Công tác thông tin luôn được các ngân hàng chú ý, tuy nhiên mức độ quan tâm ở mỗi ngân hàng khác nhau. ở NHNo Hà tây thông tin về khách hàng đặc biệt khách hàng là hộ sản xuất thì chưa được quan tâm đúng mức như thông tin về thị trường giá cả những biến động của nó, thông tin về khách hàng như trình độ học vấn, khả năng của họ, tư cách của họ... nhất là đối với những khách hàng mới. Điều này làm hạn chế khả năng của cán bộ tín dụng do họ phải làm việc suốt ngày nên không có thời gian tìm hiểu chính xác thông tin về thị trường giá cả, về khách hàng. Do đó khi có những đối tượng mới đến vay, cán bộ tín dụng phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu họ mà kết quả vẫn chưa được chính xác. Vì vậy ngân hàng nên trang bị đầy đủ hệ thống máy tính và lưu trũ thông tin về thị trường và khách hàng.
d. Xử lý và thu hồi nợ:
Trong hoạt động kinh doanh tín dụng, hiện tượng phát sinh nợ quá hạn xảy ra là tất yếu do tác động của nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan của các đơn vị, cá nhân vay vốn. Cho vay hộ sản xuất nông nghiệp là một vấn đề không đơn giản, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thời tiết, tình trạng dịch bệnh, giá cả thị trường nông phẩm không ổn định nên còn nhiều rủi ro, khả năng thu hồi vốn thấp nên ngân hàng cần có các biện pháp thu nhập, xử lý thông tin kịp thời để vừa đảm bảo thu hồi được nợ, vừa không gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ vay vốn, đồng thời giữ được mối quan hệ tốt giữa ngân hàng với hộ sản xuất.
Đối với các hộ sản xuất kinh doanh thua lỗ có thể do nguyên nhân bất khả kháng chưa có khả năng trả nợ ngân hàng. Trong trường hợp này hộ sản xuất thực sự cần thêm vốn và nếu có thì sẽ mang lại hiệu quả hơn. Lúc này ngân hàng phải nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng xem có nên tiếp tục cho hộ sản xuất đó vay
thêm không và nếu có cho vay thì sau khi phát tiền vay cán bộ tín dụng phải xuống kiểm tra trực tiếp tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tiêu thụ hàng hoá.
Đối với các hộ sản xuất có hàng hoá ứ đọng chưa bán được thì ngân hàng có thể giới thiệu đơn vị mua bán hàng hoá giúp hộ sản xuất giải quyết tồn đọng này với điều kiện hàng hoá phải có phẩm chất tốt.
Đối với những hộ có khả năng trả nợ mà vẫn cố tình không trả nợ ngân hàng thì ngân hàng phải phối kết hợp đề nghị các cơ quan pháp luật, chính quyền địa phương xử lý thật nghiêm khắc để làm gương cho người khác.
Đồng thời đối với nợ quá thời hạn ngân hàng viên thực hiện phân tích thực trạng dư nợ một cách thường xuyên và có hệ thống phân loại, theo dõi và xử lý nợ quá hạn tiềm ẩn và nợ quá hạn phát sinh mới. Nên phân tích tình hình nợ quá hạn đến từng xã, từng cán bộ và từng khách hàng. Qua việc phân tích sẽ xác định được CBTD nào có vấn đề, và mức độ nợ quá hạn, nhằm xác định nợ quá hạn tiềm ẩn, thuộc địa bàn xã trọng điểm, khách hàng trọng điểm, đơn vị trọng điểm. Định kỳ hàng tháng hoặc quý nên chia hoạt động tín dụng ra bốn phần để phân tích và chỉ đạo từng phần cụ thể như sau:
+ Thứ nhất: Nợ quá hạn, tổ chức phân tích từng đối tượng và phân ra bốn loại: Loại thu được ngay, loại thu dần một phần, loại khó thu, và loại không có khả năng thu, từ đó xác rõ nguyên nhân, nguồn thu, biện pháp thu, thời gian thu phù hợp.
+ Thứ hai: Nợ sắp đến hạn, từ ngày 01 đến 10 tháng trước, tổ chức in ra từ máy vi tính các món nợ đến hạn của tháng sau, thông báo cho CBTD. Từ ngày 10 đến 25 CBTD công tác địa bàn kết hợp thâm nhập khách hàng có nợ đến hạn để xác định khả năng thu nợ của từng khách hàng đến hạn tháng sau, từ đó có biện pháp cụ thể, nếu khách hàng nào có khó khăn báo cáo cán bộ lãnh đạo trực tiếp để có biện pháp giúp đỡ, tháo gỡ, xử lý kịp thời. Làm tốt phần này sẽ hạn chế tình trạng nợ quá hạn phát sinh.
+ Thứ ba: Nợ chưa đến hạn, thường xuyên tổ chức kiểm tra sau khi vay. Theo đề cương của ngân hàng cấp trên, theo chương trình của Ban Giám Đốc,
theo quy trình nghiệp vụ và kế hoạch kiểm tra đột xuất của Ban Giám Đốc... Nội dung kiểm tra là tiền vay có được sử dụng đúng mục đích xin vay hay không, số lượng, giá trị vật tư tương đương làm đảm bảo, diễn biến của tài sản thế chấp... Nếu có vấn đề gì thì xử lý theo các biện pháp, chế tài tín dụng, trên cơ sở giúp đỡ khách hàng sớm khắc phục khó khăn và có điều kiện trả nợ ngân hàng.
+ Thứ tư: Cho vay mới, yêu cầu cho vay đúng chế độ, đúng đối tượng xin vay, thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ đảm bảo vốn cho vay phát huy tối đa hiệu quả nhằm tạo ra mặt bằng dư nợ mới với chất lượng lành mạnh hơn.
e. NHNo & PTNT Hà tây cần phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các cấp chính quyền địa phương.
Các cấp uỷ, chính quyền địa phương có vai trò hết sức quan trọng trong đầu tư tín dụng đối với hộ sản xuất. Từ việc xác định dự án phát triển kinh tế – xã hội đến xét duyệt cho vay, đôn đốc và xử lý các trường hợp vi phạm chế tài tín dụng có liên quan đến chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy chi nhánh ngân hàng nào duy trì tốt mối quan hệ với các cấp chính quyền địa phương thì qui mô tín dụng ngày càng được mở rộng, hiệu quả tín dụng được nâng cao. Nhận thức rõ điều trên, trong năm qua, NHNo Hà tây luôn tranh thủ sự giúp đỡ của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban lãnh đạo các huyện, xã, các cơ quan ban ngành đoàn thể các cấp. Điều này đã góp phần không nhỏ đối với sự thành công trong công tác tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên muốn duy trì tốt mối quan hệ với các cấp chính quyền địa phương thì ngoài việc kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền, NHNo Hà tây cũng nên trích một phần tỷ lệ hoa hồng nhất định hỗ trợ một phần bù đắp các chi phí đối với những huyện, xã có ký hợp đồng dịch vụ với ngân hàng trên cơ sở các nguyên tắc và nội dung đã được thoả thuận thống nhất giữa các cấp lãnh đạo.