Tín dụng là hoạt động nghiệp vụ quan trọng nhất của một ngân hàng nói chung, dư nợ tín dụng là khoản mục chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tài sản có của ngân hàng. Tín dụng cũng là hoạt động mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho các ngân hàng, thông qua việc đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho khách hàng. Hiệu quả tín dụng đối với ngân hàng là một chỉ tiêu tổng hợp
được đánh giá liên quan đến lợi ích của 03 đối tượng: Lợi ích khách hàng vay vốn, ngân hàng và nền kinh tế- xã hội.
Trong luận văn này chúng tôi xin đi sâu đánh giá cụ thể về hiệu quả tín dụng hộ nghèo của NHCSXH.
(1). Hiệu quả kinh tế a. Về phía hộ nghèo
- Hiệu quả tín dụng ngân hàng đối với hộ nghèo được thể hiện ở doanh số vay, trả (gốc, lãi) đúng hạn, tỷ lệ nợ quá hạn thấp, rủi ro trong sử dụng vốn thấp. Nếu doanh số vay của hộ lớn, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ (gốc, lãi) đầy đủ, đúng hạn cho ngân hàng, trong quá trình sử dụng vốn không gặp các rủi ro gây thất thoát vốn, sau khi trừ đi các khoản chi phí vẫn còn có lãi, thể hiện vốn sử dụng có hiệu quả.
- Biểu hiện qua việc sử dụng vốn của hộ nghèo vào SXKD như thế nào? Nếu hộ nghèo vay vốn về SXKD thuận lợi, sản xuất nhiều hàng hoá bán thu được lợi nhuận cao, sau khi trừ đi phần trả nợ cho ngân hàng (gốc, lãi), trả tiền công lao động, mà vẫn có lãi, thì đánh giá hiệu quả sử dụng vốn cao. Ngược lại, nếu vay vốn về SXKD thua lỗ thì hiệu quả thấp; thậm chí mất vốn. Có nhiều trường hợp vay vốn ngân hàng về chăn nuôi, trồng trọt, tuy đã trả hết nợ cho ngân hàng đúng kỳ hạn, nhưng vẫn bị đánh giá là hiệu quả thấp vì nguồn để trả nợ cho ngân hàng phải đi vay chỗ khác, chứ không phải từ nguồn thu nhập của người vay. Trường hợp này, nếu không đi vay chỗ khác thì hộ nghèo phải bán tài sản hình thành từ vốn vay để trả nợ. Cho nên, nếu chỉ nhìn một mặt trả nợ của hộ vay cho ngân hàng để đánh giá hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả là chưa đủ.
- Hiệu quả tín dụng đối với hộ nghèo cũng được đánh giá thông qua tiêu chí: Tỷ suất lợi nhuận và mức sống của hộ nghèo; nếu tỷ suất lợi nhuận được tăng lên, mức sống hộ nghèo được cải thiện tốt, thì hiệu quả tín dụng tốt.
- Thông qua việc sử dụng vốn vào SXKD, trình độ quản lý kinh tế của người vay được nâng lên. Người nghèo có điều kiện tiếp cận được với kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi tiến tiến, có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật mới. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả tín dụng mang lại cho hộ nghèo.
- Số hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên thành hộ giàu là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả của tín dụng đối với hộ nghèo. Hộ đã thoát khỏi ngưỡng đói nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn mực đói nghèo hiện hành, không còn nằm trong danh sách hộ nghèo do Phòng LĐ- TB&XH huyện, thị, thành phố lập theo từng năm.
Tổng số hộ nghèo đã thoát khỏi khỏi
đói nghèo (ra khỏi danh sách
hộ nghèo) = Số hộ nghèo trong danh sách đầu kỳ - Số hộ nghèo trong danh sách cuối kỳ - Số hộ nghèo chuyển đi địa bàn khác trong kỳ + Số hộ nghèo chuyển đến trong kỳ Mục tiêu của tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo là giúp họ có vốn sản xuất, thoát nghèo để hòa nhập cộng đồng và hơn thế nữa là ổn định tình hình chính trị - xã hội. Do vậy, số hộ thoát khỏi nghèo đói hàng năm cao; trong đó, có hộ vay vốn NHCSXH, có nghĩa là vốn của NHCSXH đã được hộ nghèo sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay tại một số địa phương việc đánh giá hộ thoát nghèo không chính xác, vì nhiều lý do khác nhau.
- Tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn: Đây là chỉ tiêu đánh giá về mặt lượng đối với công tác tín dụng. Tỷ lệ này càng cao, một mặt thể hiện nguồn vốn tín dụng lớn để phục vụ hộ nghèo; mặt khác, đánh giá khả năng SXKD của hộ nghèo ngày càng lớn, nguồn vốn có hiệu quả (nếu sử dụng vốn không hiệu quả, thì hộ nghèo sẽ không có nhu cầu vay).
Tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn =
Tổng số hộ nghèo được vay vốn Tổng số hộ nghèo trong danh sách