Nghệ thuật tổ chức cốt truyện

Một phần của tài liệu Luận văn: BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG VĂN XUÔI TRIỀU ÂN ppt (Trang 90 - 102)

6. Cấu trúc luận văn

3.1. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện

Cốt truyện (plot) là “hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch” [28, tr.99]. Trong thực tiễn văn học, cốt truyện các tác phẩm hết sức đa dạng, kết tinh truyền thống dân tộc, phản ánh những thành tựu văn học của mỗi thời kì lịch sử, thể hiện phong cách, tài năng nghệ thuật của nhà văn. Như chúng ta đã biết có thể cùng một đề tài, chủ đề nhưng ở mỗi nhà văn sẽ có cách kể khác nhau, dùng các hình thức nghệ thuật khác nhau. Sự khác nhau đó mới đem lại giá trị nghệ thuật đích thực cho các tác phẩm văn học đồng thời tạo nên dấu ấn, phong cách riêng cho từng tác giả. Không có tác phẩm nghệ thuật nào chỉ tồn tại với nội dung mà không có sự tham gia của hình thức. Hình thức nghệ thuật trong tác phẩm luôn có vai trò rất quan trọng để hướng người đọc đến những thành công của tác phẩm. Bên cạnh đó, hình thức nghệ thuật cũng cần phải thể hiện được dấu ấn dân tộc, góp phần tôn vinh bản sắc dân tộc. Vì vậy khi sáng tác, nhà văn Triều

Ân ngoài việc tôn trọng các quy tắc chung, ông đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật tổ chức cốt truyện mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao.

Một trong những đặc điểm về cách tổ chức cốt truyện của Triều Ân “là việc sử dụng những mô típ trong truyện dân gian một cách sáng tạo … đã được biến cải phù hợp với hoàn cảnh xã hội đương đại” [50, tr.35]. Dõi theo các truyện của ông, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra đặc điểm này.

Trước hết, trong việc tổ chức cốt truyện, Triều Ân thường có sự gài lồng giữa hiện thực đời thường các nhân vật với các tích truyện dân gian. Chẳng hạn ở tiểu thuyết Nắng vàng bản Dao, chúng ta bắt gặp câu chuyện về thủy quái thuồng luồng qua lời giải thích của chàng thanh niên người Dao (Piao) về chuỗi “mè” đeo trên cổ anh ta: “Piao kể về cái vòng cườm của Piao nhé … Ngày xưa người ta ra chợ, trai thuồng luồng thường hiện lên tìm bạn gái hát giao duyên nhưng khốn nỗi các vẩy thuồng luồng ở nơi cổ không biến hóa được, trai thuồng luồng phải đeo các chuỗi cườm quấn quanh cổ để che dấu” [12, tr.341]. Tác phẩm xuay quanh tình yêu, cuộc hôn nhân của đôi trai gái khác dân tộc là Piao (dân tộc Dao) và Ngọc Lan (dân tộc Tày) nhưng câu chuyện về chàng trai thuồng luồng cứ mãi đồng hiện theo mối quan hệ của hai người. Lần đầu tiên Piao và Lan thổ lộ tình cảm, Lan cảm thấy Piao là “chàng trai thuồng luồng xinh đẹp” và tự nhận “hồn Lan đã bị chàng trai thuồng luồng bắt về bản Dao” [12, tr.350]. Những ngày xa Piao, chờ đợi anh cho gia đình đến đặt vấn đề hôn nhân nhưng từ hy vọng đã chuyền sang ngờ vực và thất vọng. “Có lúc Lan đã nghĩ: Hay anh Piao là con thuồng luồng biến hóa từ thủy phủ lên chơi? Sao anh nỡ lừa dối Ngọc lan chân thật? Lan nghi ngờ những chuỗi cườm vòng quanh cổ anh. Nghĩ mà dại, sao mình không vạch thử bên trong bảy tám chuỗi cườm kia để xem có vẩy thuồng luồng không?” [12, tr.358]. Khi vợ chồng hạnh phúc bên nhau, “Lan thấy anh rực rỡ như chàng trai thuồng

luồng trong huyền thoại từ thủy phủ lên” [12, tr.400]. Sau đó, trong cả một thời gian dài sống chung, Lan nhận ra Piao không có lập trường, chính kiến trước một bà mẹ quá cổ hủ, hẹp hòi thì bao mộng ước cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc và hình ảnh về chàng trai thuồng luồng mạnh mẽ đã tan biến, giờ đây “chàng trai thuồng luồng của Lan chỉ là một con giun đất mềm nhũn” [12, tr.440]. Sự gài lồng tích truyện dân gian về thủy quái thuồng luồng và xây dựng một hình tượng nhân vật luôn được mô tả như hiện thân của thuồng luồng đã làm cho cốt truyện thêm li kỳ, hấp dẫn, như dụ người đọc vào một thế giới kỳ ảo. Song dụng ý của nhà văn không phải chỉ có vậy mà bề sâu của việc gài lồng tích cổ còn là để nêu lên quan niệm về tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Dao, làm nổi bật hơn bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Lời giải thích của nhân vật Piao đã làm rõ quan niệm đeo bùa thần chú trừ ma của dân tộc này: “Các cụ kể rằng người Dao quen sống lang thang đi theo dọc sông dọc suối, chui rúc các khe tìm đất màu mỡ khai hoang làm ruộng nương. Người ta hay gặp thủy quái hoặc ma quỷ sinh đau ốm chết. Các cụ tổ bèn nghĩ ra cách xâu các chuỗi cườm nhiều màu sắc gọi là “mè” này, đem quấn quanh cổ. Quỷ quái từ bấy về sau thấy người Dao, chúng sợ mà chạy bởi chưa thấy giống người lạ ấy bao giờ. Thế là người Dao thắng ma, không ốm nữa. Người ta đeo mãi chuỗi “mè”, càng đeo thì sức càng khỏe …” [12, tr.341].

Trong tiểu thuyết Nơi ấy biên thùy, Triều Ân cũng sử dụng tích truyện dân gian để dẫn dắt người đọc dõi theo cuộc đời và số phận bất hạnh của nhân vật Niêm. Đó là truyện cổ tích về giếng nước phun ở Bó Pu mà Niêm đã được mẹ kể cho nghe. Ngày xưa, “Chị người làng dưới lấy anh con trai làng trên. Ngày cưới, chị cùng đoàn đưa dâu theo con đường về nhà chồng. Khi qua gần cái giếng phun thiên tạo, chị khát nước, nói mọi người đứng đợi, một mình chị đi uống nước. Khá lâu, không thấy cô dâu

về, bà đưa, bà đón cùng các bạn phù dâu tới giếng xem. Giếng nước vắng tanh. Mọi người ngơ ngác sợ hãi và lên tiếng gọi. Nhưng không có tiếng nào đáp. Có người phát hiện thấy sợi chỉ trắng dài nằm trên mặt nước. Đoàn người đi tìm, nước rẽ lối người đi. Cuối cùng họ thấy một tòa nhà nguy nga tráng lệ kiểu nhà vua quan giàu có. Đi vào, họ thấy cô dâu đang van xin chàng trai ngồi đối diện để trở về. Thấy vậy mọi người xúm lại để nói giùm; và nói nếu chàng trai không ưng thuận cũng kéo cô dâu về. Chàng trai có vẻ đẹp lạ kỳ, ăn mặc sang trọng lộng lẫy hơn bất kỳ con cái nhà giầu có nào ở trần gian. Chàng nói: “Ta yêu nàng và lấy nàng làm vợ vì nàng đẹp xứng đôi. Nếu các người định kéo tay nàng về, ta sẽ cho khép nước lại ngay lập tức thì mọi người hết lối về. Ta tuy là con cái vua thuồng luồng, thân rắn, đầu đội mũ có mào đỏ như mào gà; nhưng cái oai phong bên ngoài chỉ để tự vệ lúc lên trần thế đội lốt thuồng luồng để họ sợ ta mà khỏi làm hại ta. Khi mọi người ăn ở tốt với nhau, ta lại biến hóa làm con người bình thường chứ sao?”. Nghe vậy nàng thốt lên thất thanh tưởng chừng trời cũng nghe thấu “Trời ơi!” Chàng trai thuồng luồng cười ha hả, hai cánh tay giang rộng, nói: “Gọi trời cũng là gọi ta vì ta là con trời đất. Cái giếng nước phun ấy do ta làm ra. Mà khi nàng thả cuộn chỉ trên tay từ bờ giếng đến đây, ta cũng biết nhưng để mặc nàng bởi cũng muốn đoàn đưa dâu đến thăm nhà lầu nàng đến làm dâu”. Mọi người xanh mắt dắt díu nhau về … Từ đó làng trên làng dưới có ai lấy nhau cũng phải mở con đường vượt đèo dốc núi đá để đi trong ngày đón dâu. Không ai dám đi theo con đường cạnh giếng phun nước Bó Pu nữa …” [13, tr.467,468]. Sự lồng ghép tích truyện dân gian trong tiểu thuyết hiện đại đã khiến cho cốt truyện thêm li kỳ, huyền ảo, lôi cuốn người đọc vào thế giới thần tiên, trí tưởng tượng phong phú của đồng bào Tày; đồng thời nhấn mạnh mạch nguồn văn học dân gian luôn có sức sống, sức lay động trong lòng nhân dân. Hơn thế,

đan xen yếu tố thực và ảo này còn thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả. Từ câu truyện cổ tích này, Triều Ân một mặt đã làm nổi lên bản sắc dân tộc miền núi qua màn rước dâu. Mặt khác, nhà văn hướng độc giả vào vấn đề nên nhìn nhận và đánh giá con người như thế nào? Có phải vì ngoại hình xấu xí thì tâm địa độc ác như lời chàng trai thuồng luồng trong câu chuyện cổ đã nói? Rồi mối quan hệ giữa người với người nên như thế nào? Đây là vấn đề muôn thuở nảy sinh trong xã hội, cho dù là ảo hay thực. Thực tế ấy đã được chứng minh ngay trong những biến cố số phận của Niêm. Niêm đang có một cuộc sống bình thường, đang có tình yêu đầu đời đẹp đẽ với anh Triển, bạn trai cùng bản. Sóng gió cuộc đời bắt đầu ập đến từ hôm cô đi gánh nước tình cờ gặp chàng trai ngổ ngáo, kênh kiệu con nhà giàu bản khác. Trước “Dáng người đẹp chưa từng thấy. Đi gánh nước mà như đang múa trên sân khấu. Vẻ mặt đẹp xinh” của Niêm, Tháo đã có những hành động, lời nói sỗ sàng, và thông báo “Ta sẽ cho người đến làm lễ ăn hỏi để cưới nàng. Không nhận lời thì bắt cóc” [13, tr.466]. Chính từ cuộc gặp gỡ định mệnh ấy mà ngay bữa cơm tối hôm đó cô đã hỏi mẹ câu chuyện cổ tích về giếng nước phun Bó Pu và người mẹ “đã lâu không kể chuyện cổ tích, nay thấy con hỏi, bà có dịp kể lại” [13, tr.467]. Và từ câu chuyện mẹ kể, cô đã nói: “ở đời này có người còn hung ác hơn chàng trai thuồng luồng nọ” và cô “chỉ muốn đến nơi ấy” vì nhận thức được “cái hình thức xấu xí gớm ghiếc chẳng qua chỉ để tự vệ. Khi sống tốt với nhau họ là con người bình thường, nhân hậu. Tấm lòng mới thật là cao quý” [13, tr.469]. Đến đây, vấn đề mà nhà văn muốn gửi gắm thông qua sự lồng ghép cốt truyện đã được hé mở phần nào. Cái cốt yếu nhất đối với cộng đồng dân cư miền núi là tình đồng loại, là lòng hướng thiện, là sự đối nhân xử thế sao cho tốt đẹp. Cũng nhờ vào sự gài lồng cốt truyện dân gian này mà nhà văn đã khai thác được thế giới tâm lí đa dạng của nhân vật. Sự phức tạp đó

được miêu tả thông qua những cảnh huống tâm trạng khác nhau của Niêm. Sau lần gặp gỡ ngẫu nhiên với Tháo, và trước những lời “tỏ tình” mang tính đe dọa của Tháo, Niêm thấy “chàng trai thuồng luồng” trong câu chuyện mẹ kể thật đáng quý. Cô còn có ý nghĩ tìm đến đó. Nhưng tới lúc Tháo cậy con nhà giầu có cho người đến nhà Niêm dạm hỏi thật sự thì chị lại “thoáng nhớ đến câu chuyện cổ tích Bó Pu mẹ kể. Trong hoàn cụ thể này, Niêm lại nghĩ chàng trai thuồng luồng là đáng ghét bởi anh ta cả gan, nỡ đón đường cướp vợ người khác” [13, tr.471]. Như vậy là, cùng một tích truyện cổ song với sự khéo léo dẫn dắt, đan cài vào cốt truyện chính, tác phẩm của Triều Ân đã biểu đạt được nhiều tầng ý nghĩa. Sự ghép nối cốt truyện cổ với cốt truyện hiện đại không chỉ đem lại cho tiểu thuyết Nơi ấy

biên thùy những chi tiết nghệ thuật đắt giá mà còn giúp cho người đọc hiểu

sâu hơn về vốn văn học dân gian cũng như sự nhìn nhận và đánh giá về con người và cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ngoài sự gài lồng các tích truyện dân gian, trong văn xuôi Triều Ân chúng ta cũng thường gặp những nhân vật có dáng dấp kiểu nhân vật người mồ côi, chị em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha, mô típ đứa con đi tìm cha, mẹ, theo mô thức con người tìm về gốc rễ, nguồn cội của mình trong chuyện cổ dân gian.

Hình ảnh nhân vật mồ côi đã trở thành quen thuộc trong truyện cổ tích của mọi dân tộc, đặc biệt là đối với người Tày. Các câu chuyện kể như

Ý vjịa (Chàng mồ côi), Cẩu Khây, …. còn đọng mãi trong tâm trí của mỗi

người dân Tày bởi cuộc đời của các nhân vật chính trong truyện. Mô thức nhân vật mồ côi thường mang những nét phẩm chất tiêu biểu: ngoại hình khỏe mạnh, đẹp đẽ; giàu lòng nhân ái; có ý thức tự lập cao, có khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Cuộc đời của họ thường gặp phải nhiều gian truân, thử thách nhưng sau đó đã có được niềm hạnh phúc. Từ hình mẫu

trong truyện cổ tích, Triều Ân đã xây dựng trong văn xuôi của mình những nhân vật có dáng dấp truyền thống song với cách tổ chức, dẫn dắt theo hướng hiện đại. Trong tiểu thuyết Nắng vàng bản Dao, chúng ta bắt gặp hình tượng nhân vật mồ côi là cô giáo Ngọc Lan. Ngọc Lan được nhà văn miêu tả là một cô gái Tày “không nhà cửa, không còn cha mẹ” [12, tr.357], được bà dì ruột nuôi Lan lớn lên. Vậy mà bằng ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, cô đã cố gắng học hành và trở thành giáo viên, tìm được tình yêu và hạnh phúc với người con trai khác dân tộc là Piao. Cuộc đời cô trải qua bao đoạn cay đắng, tủi cực, bi thương song với bản lĩnh và tính tự lập từ nhỏ cô đã gắng gượng và bám trụ với cuộc đời hiện tại, vươn lên làm chủ bản thân mình. Niềm tin vào lẽ phải, vào tương lai đã giúp cô thêm nghị lực để vượt qua tất cả, đặc biệt là ý thức chống lại những tập tục lạc hậu, phản khoa học, mê tín và với ước vọng mai này khi con gái của cô lớn lên “đi học để biết khoa học đầy đủ” [12, tr.462] sẽ không còn bị những hủ tục làm khổ cuộc đời của mình nữa.

Hình ảnh “đứa con côi cút” Dưỡng càng tội nghiệp hơn. Bấy lâu nay, anh tưởng mình là con đẻ của cậu Hoàn, mợ Nhen, do “hợp tác xã tan, ruộng chỉ có một trăm mét vuông không đủ thóc gạo nuôi sống ba miệng ăn” [17, tr.682] nên cậu mợ đã bỏ quê vào Đắc Lắc làm ăn, để lại mình Dưỡng ở quê nhà tự lo liệu cái ăn, cái mặc và sống trong nỗi thương nhớ cha mẹ. Vì ở quê “có nhiều cách gọi cha mẹ khác nhau như: Chú cô, cậu mợ, anh chị, bác mẹ, pa me, pá me …” nên “Dưỡng có ngờ đâu xưa nay Dưỡng gọi cậu mợ này chỉ là cha mẹ đỡ đầu Dưỡng, cậu Hoàn là em mẹ, mợ Nhen là vợ cậu Hoàn” [17, tr.695]. Một lần tình cờ trèo lên gác nhà, Dưỡng phát hiện ra rương đựng đồ, trong đó có giấy khai sinh mang tên mình nhưng bố mẹ lại là Trương Ngọc Thuần, Ngọc Thị Lơ. Và sự thật về cuộc đời của Dưỡng cũng như cuộc tình duyên đầy éo le của Thuần, Lơ đã

được hé mở thông qua lời kể của cụ Sung, người hàng xóm của Dưỡng. Thì ra cha đẻ của Dưỡng là ông Thuần. Do hoàn cảnh đặc biệt đã bỏ mẹ con anh ra đi từ lúc Dưỡng chưa đầy tháng tuổi. Mẹ đẻ anh là bà Lơ cũng vì muốn em trai, em dâu có niềm an ủi, không bỏ nhau nên đã “để đứa con dứt ruột ra cho hai vợ chồng em trai rồi trốn nhà ra đi” [17, tr.696] tha phương cầu thực. Vậy là , cha mẹ đẻ đích thực cũng không, cha mẹ đỡ đầu cũng đã đi làm ăn xa, Dưỡng trở thành một người côi cút thật sự. Mười tám tuổi Dưỡng đã sống tự lập. Đứa con côi cút đó, không chỉ “vật vã với cơm áo” [17, tr.695] thường ngày mà còn càng tủi phận hơn khi đến tuổi tìm bạn gái. Cuộc sống cô đơn, đói nghèo đã khiến Dưỡng không sắm nổi bộ quần áo chàm mới để mặc trong khi theo phong tục “ngày chợ xuân nếu là con nhà có bố mẹ thì con cái phải được mặc quần áo màu chàm mới, thơm ngát” [17, tr.680]. Dưỡng đã phải đến chợ xuân bằng bộ quần áo bò mua rẻ ở chợ biên giới và không dám theo bạn gái về bản. Khổ cực hơn khi người bạn gái của Dưỡng chỉ vì theo phong tục ở quê đã phải thốt lời đau khổ: “Anh chỉ sống độc thân, không có cha mẹ thì anh lấy đâu tiền bạc để sắm

Một phần của tài liệu Luận văn: BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG VĂN XUÔI TRIỀU ÂN ppt (Trang 90 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)