Văn hóa Tày, Dao quay học dân tộc

Một phần của tài liệu Luận văn: BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG VĂN XUÔI TRIỀU ÂN ppt (Trang 68 - 75)

6. Cấu trúc luận văn

2.3. Văn hóa Tày, Dao quay học dân tộc

Đến nay hẳn không ai phủ nhận y học dân gian là một trong những bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền y học cổ truyền nước nhà. Có thể hiểu y học dân gian (fonlk – medicine) là toàn bộ những kinh nghiệm phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe có tính tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động. Như chúng ta đều biết, ở làng xã Việt Nam, “hầu như nhà nào cũng trồng dăm ba “cây nhà lá vườn” vừa để làm rau ăn, gia vị hàng ngày, vừa để dùng làm thuốc khi đau ốm, hầu như người nào cũng biết một vài bài thuốc đơn giản” [59]. Với miền núi xa xôi hẻo lánh, giao thông chưa thuận tiện, xa trung tâm y tế, để chiến thắng được bệnh tật, người dân đã biết tìm ra những “bài thuốc bằng các vị thuốc xung quanh họ có, là hoa, là lá, rễ cây hoặc xương, mật, gan động vật do họ đánh bắt được” [20, tr.7]. Chính từ yêu cầu thực tế của đời sống cộng với sự cần cù, tỉ mẩn của người dân trong việc tìm thuốc, sao, đun … và thử nghiệm trực tiếp đã đúc kết thành những kinh nghiệm dân gian, thành khả năng y học dân gian của người dân. Đối với người dân tộc thiểu số, trong những bài thuốc của họ luôn có những tên thuốc, vị thuốc mang tính dân tộc rõ rệt bởi chỉ có thể gọi tên bằng tiếng dân tộc và chỉ tìm thấy ở vùng rừng núi, thậm chí có những loại bệnh cũng chỉ có thể chữa được bằng thuốc dân tộc. Những yếu tố đó đã làm nên văn hóa y học dân gian của người dân tộc; đồng thời ghi nhận khả năng y thuật của một số thầy lang dân tộc nổi tiếng.

Với vốn hiểu biết sẵn có cộng thêm truyền thống về y học của gia đình, Triều Ân đã đưa vào trong văn xuôi của mình không ít dấu ấn dân tộc ở phương diện y học dân tộc của đồng bào Tày, Dao và hình ảnh những người thầy thuốc dân tộc hết lòng vì nghề nghiệp. Vì vậy khi đọc văn xuôi

của Triều Ân, chúng ta thường gặp cách chữa bệnh của các nhân vật trong truyện bằng các bài thuốc dân gian của người dân tộc.

Theo bài thuốc dân gian truyền thống, nếu ai mắc căn bệnh “máu lên đầu” thì có thể dùng một vài loại lá cây để đắp. Do đó, khi mẹ Tháo bị “máu lên đầu”, mẹ thường “đắp lá thầu dầu tía” hoặc “đắp lá ngải cứu” được “một thời gian dài thấy mẹ không sao nữa” [3, tr.147]. Trong truyện ngắn Mây tan ta thấy sau lần Piao đi săn bị đứt sợi gân gót chân không bước được, ông Phin “vào rừng hái thuốc đắp cho Piao. Qua hai ngày, Piao đứng dậy, lại lên nương” [6, tr.126]. Chúng ta còn có thể bắt gặp cách chữa bệnh “píu xè” (sốt phát ban) của đồng bào miền núi. Lần ông giáo Long bị ốm mệt, “nằm nhiều nên thêm bệnh “píu xè”. Bà con đến thăm và chích từng cục máu thâm ở vùng ngực. Dưới lưỡi, hai tia máu đen nổi cục như hai con đỉa; bà con láng giềng phải đi tìm vỏ cây “cháu bản” về cho ông ngậm. Cơm ông không thể ăn. Cháo thì bệnh “píu xè” phải kiêng kị. Ông chỉ ăn vài thìa nước cơm nấu từ cơm nguội” [17, tr.647]. Nếu người phụ nữ lấy chồng mà chậm có con, đồng bào thường “lấy “toong thẩu” (lá ấm áp) về lót dưới chiếu nằm” [12, tr.395] để cơ thể ấm áp, dễ thụ thai. Trong thời kỳ mang thai nếu bị động thai, người dân “đi đào rễ cây gai về nấu nước uống … Nửa đêm cái thai yên yên” [12, tr.402]. Sản phụ sau khi sinh con mà không có sữa về thì đồng bào dân tộc tìm “cây thuốc “mẹ sữa” thì nhiều thứ. Sáng nay dạy học xong Nải sẽ về dưới thung lũng bản người Tày kia xin búp mít về ninh chân giò hoặc ninh cổ cánh gà … Rồi có sữa ngay, hai cháu Mỹ, Dung tha hồ bú” [12, tr.412]. Cách chữa rắn cắn của người Tày, Dao theo kinh nghiệm dân gian là: “uống bảy đầu diêm”, “đào rễ đu đủ, chế thuốc cho cháu uống”, hay là “tìm lá rau ngót bản” [12, tr.452] về vò với nước để uống …

Từ những cách chữa bệnh theo các bài thuốc dân gian của các nhân vật trong truyện của Triều Ân như trên, chúng ta có thể khẳng định rằng “y học dân gian luôn mang đậm tinh thực tiễn và có mối quan hệ hết sức mật thiết với đời sống sinh hoạt của nhân dân lao động …đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đắc lực vào công cuộc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cá nhân và cộng đồng” [59].

Nhằm tôn vinh các bài thuốc dân gian cổ truyền và một số lương y giỏi ở vùng dân tộc thiểu số, qua trang văn của mình, Triều Ân đã khắc họa thành công một lương y giỏi, tận tâm với nghề. Đó là hình tượng nhân vật thầy lang Thuần trong tiểu thuyết Dặm ngàn rong ruổi. Ngay từ thời trẻ, đang là một anh lính đóng quân tại nhà dân ở Trùng Khánh, Thuần vốn có biết một vài bài thuốc nam gia truyền nên thường cắt thuốc cho bà cụ chủ nhà, được bà cụ rất quý mến. Đến độ tuổi khoảng hơn bốn mươi, chán nản trong cuộc sống vợ chồng với người vợ do bố mẹ bắt ép lấy, “ông Thuần khóa cửa lên đường tìm học nghề thuốc của ngưởi Dao …Kiên nhẫn tìm tòi, chẳng mấy chốc, ông trở thành một thầy lang nổi tiếng; giỏi về một vài môn thuốc” [17, tr.729]. Chẳng hạn như để học được bài thuốc chữa gãy xương, ông đã “lấy trộm bí kíp gia truyền” của chim bìm bịp. “Nghe đồn con chim bìm bịp có môn thuốc chữa gãy xương rất tài, ông bèn đi tìm tổ bìm bịp, thừa dịp con mẹ bay đi kiếm mồi, Thuần bẻ gãy hết cẳng chân mấy con con. Đoạn ông nấp trong bụi, chờ con mẹ về. Một lát sau con chim mẹ bay về lại bay đi ngay; lát sau nữa chim mẹ bay về, mỏ ngậm bao nhiêu là lá. Sáng sớm tinh mơ hôm sau khi chim mẹ bay đi tìm mồi, ông đi đến tổ chim, thấy tất cả cẳng của chim con đều lành lại như cũ. Ông nhặt hết các lá cây lót ổ chim, đem về ngâm nước lã cho tươi trở lại, rồi chép lấy bài thuốc chữa gãy xương” [17, tr.729]. Bài thuốc này được thể hiện trong lần

bác sỹ Phương đi lên suối nguồn lấy mẫu nước về nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến bệnh bướu cổ của bà con bản Luộc bị ngã gãy cánh tay. Khi đi săn về thấy sự việc ông Thuần liền cho chẻ đuốc để ông đi nhặt cây thuốc về đắp vết thương ngay. Ông phải “tìm đủ vị cho bài thuốc gẫy xương của chim bìm bịp” [17, tr.816]. Lúc trở về với một đẫy lá cây đủ loại. Ông Thuần chế ngay đắp vào vết thương. Khi mới đắp vào, vết thương vẫn buốt và nhức, sưng tấy. Sáng hôm sau ông Thuần lại vào chân núi tìm lá thuốc về thay cho mới. Đến lúc này, bác sỹ Phương đã cảm thấy vết thương “Không nhức. Không sưng. Có lẽ chỉ chỉ chờ xương liền nữa” [17, tr.817]. Đây quả là điều thần kỳ trong cách chữa trị bệnh theo y học dân tộc. Trước kết quả bất ngờ đó, thầy lang Thuần tự công nhận: “Rình mò để biết được bài thuốc gãy xương của mẹ chim bìm bịp là công phu. Hôm nay có kết quả này là nhờ sự cố gắng của việc làm trước đây. Thật mừng” [17, tr.817].

Là một thầy thuốc đông y, lại có ý thích đi đây đi đó để mở mang tầm nhìn, đặc biệt là tinh thần tận tụy với bệnh nhân, ông Thuần thường đi đến các bản làng để chữa bệnh. “Đôi chân cùng con ngựa hồng, thêm túi thuốc nữa, đã đi khá nhiều miền xa lạ. Anh chỉ mong giúp ích cho đời bằng những rễ cây cỏ, hoa quả quen biết hoặc chim muông … ở vùng nào cũng có. Những bài thuốc mà anh có dù là của gia truyền, anh cũng không giấu giếm. Anh nghe, anh đọc được bài báo lạ nào, anh chú ý nghiên cứu và thí nghiệm” [17, tr.995] Bởi thế bên cạnh việc chữa bệnh bằng thuốc lá cây, ông Thuần còn kết hợp cả châm cứu, đốt huyệt - những phương pháp cứu chữa mang tính chất y học cổ truyền. Ví như trường hợp con bệnh của ông là bà mẹ của Lan ở mãi tận ngoài thị xã mà ông thường “vẫn đến cắt thuốc chữa bệnh” [17, tr.765] . Bà bị thấp khớp nặng đến nỗi không thể đi lại được nhưng may nhờ được ông Thuần cắt thuốc cộng với châm cứu mà “Từ chỗ các đầu khớp xương xưng to, đau nhức hôm nay hình dáng chân tay đã trở lại bình thường, chống gậy đi lại được. Tình hình thuyên giảm

thế này là tốt. Nay còn cần mấy thang thuốc, uống xong chắc kết thúc được” [17, tr.783]. Căn bệnh bướu cổ thường gặp ở miền núi, nhất là vùng Nguyên Bình quê ông cũng được ông chữa trị bằng phương pháp đông y. Với những hiểu biết y học về bệnh bướu cổ, ông Thuần đã giúp đỡ bác sỹ Phương rất nhiều trong công trình nghiên cứu về bệnh này. “Ông Thuần cung cấp tên những xóm làng trong vùng Nguyên Bình nhiều người bị mắc bệnh bướu cổ … Bản thân ông đã điều trị bao nhiêu người mắc bệnh bướu cổ. Điều trị bằng đốt bấc các huyệt nào? Cho uống những vị thuốc, cây thuốc nào? Bao nhiêu trường hợp không có tác dụng khi chữa bằng đông y ” [17, tr.779. Lần ông đến làng người anh kết nghĩa tên Kim ở huyện Ba Bể chơi, ông đã “cắt thuốc và châm cứu” [17, tr939] chữa bệnh thận cho vợ Kim. Có người trong bản bị ngã dẫn đến sái khớp xương bả vai, đầu khớp xương vai trật ra ngoài, sưng vù mọi người khiêng con bệnh đến tìm ông ở nhà Kim , Thuần đã tận tình chỉ bảo, cứu chữa. Ông “dùng rượu “ú tàu” xoa bóp và nắn lại xương bả vai đã. Tôi có mang theo đây một ít mật mèo đen già tuổi, đem nghiền với rượu xoa bóp toàn thân … Mật mèo đen cũng giá trị gần bằng mật gấu” [17, tr.947,948].

Đặc biệt nhất trong các bài thuốc chữa trị của thầy lang Thuần có lẽ là cách chữa bệnh hắc lào toàn thân ở cô gái người Dao tên là Lưu ở bản Bua. Lưu xinh đẹp nhưng chẳng may bị mắc bệnh hắc lào toàn thân, nên không dám đi ra khỏi nhà bao giờ vì “vùng quê này đã coi cô như con hủi” [17, tr.949]. Khi biết được tin có thầy thuốc Trương Ngọc Thuần, người huyện Nguyên Bình là “thầy thuốc giỏi đến Mai Phong chữa bệnh. Các nơi rước mời liên tiếp vì anh ấy chữa bệnh giỏi … Bệnh gì cũng chữa được” [7, tr.949], cô đã “ngày ngày ao ước và mong ngóng có một thầy thuốc giỏi đến chữa bệnh”. Và rồi vào một buổi trưa, “Lưu thấy một khách lạ, người Tày qua đường. Khách rẽ lên nhà xin nước uống. Hai mẹ con Lưu mời khách” [17, tr.980]. Đây biểu hiện của lòng hiếu khách ở vùng đồng bào

dân tộc thiểu số. Qua hỏi han, trò chuyện, người mẹ đã kể cho khách lạ biết bệnh tình của con gái. Lắng nghe lời hỏi đáp giữa mẹ và khách lạ, Lưu càng nghe càng oán trách mẹ vì bỗng dưng đi kể lể chuyện xấu của mình. Nhưng đến khi khách nói: “Tôi là thầy thuốc đông y, bà ạ. Nếu được bà tin cậy, tôi chữa giúp em nó thời gian xem sao” thì cả mẹ và Lưu đều rất sung sướng, ngạc nhiên, bản thân cô “chạy lại, xúc động đứng trước khách”. Lần gặp gỡ đầu tiên đó, “Sẵn trong túi có hộp thuốc mỡ cơridôphaních, anh bôi thử lên cánh tay Lưu. Anh lại về Mai Phong ” [17, tr.981] Sau hơn mươi ngày đi biền biệt để mong để chờ cho con bệnh, với “ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc đông y đã chỉ đường anh về bản Bua, nơi ấy có một cô gái Dao xinh đẹp, bất hạnh, đầy mình hắc lào” [17, tr.979] đang ngày đêm chờ đợi anh trở lại để chữa trị. Lần trở lại bản Bua này, Thuần ở lại nhà Lưu để chữa bệnh. “Các gia đình ở rải rác khắp triền núi biết tin kéo tới để anh xem bệnh giúp và cho thuốc. Anh vui say với nghề nghiệp của anh …” [7, tr.982]. Chữa hắc lào cho Lưu, sau khi dùng hết hộp thuốc mỡ, thầy lang Thuần đã “thử dùng mủ “giang sa” xem, có người hợp, có người không. Có thế nào ta lại dùng cây thuốc khác”. Thuần cho con bệnh tự “dùng đũa bông chấm mủ, bôi lên những chỗ hắc lào” [17, tr.984]. Một thời gian ngắn sau đó, “Trên mặt da hàng ngày Lưu bóc đi từng mảng vẩy hắc lào. Bóc đến đâu Lưu thấy dễ chịu đến đó” [17, tr.985]. Nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp, Thuần biết hết sự ngoan cố của cây nấm hắc lào trắng nên đã tìm hái hạt “sừng dê” đem về phơi giã, ngâm dấm thanh một vò đầy. Thuần hướng dẫn con bệnh những chỗ “bóc vẩy một lần rồi mà vẫn ngứa” hãy “quét thêm một nước hạt “sừng dê” ngâm dấm thanh nữa” [17, tr.986]. Băn khoăn trong cách làm triệt nọc chân nấm hắc lào, Thuần nhớ đã có lần anh nghe các bạn lương y trao đổi nghề nghiệp với nhau kinh nghiệm và bài thuốc chữa hắc lào. “Anh nhớ lại, các bạn có nói

đến tác dụng rau thai nhi, rau thai nhi đem về thái thành miếng mỏng đắp lên hắc lào, nó sẽ rút hết chân nấm hắc lào. Mà đây mới chỉ là nghe nói, nghe chừng chưa ai thực nghiệm. Thuần nghĩ rằng anh sẽ là một trong những người đầu tiên làm thử. Anh có niềm tin thành công …” [17, tr.987]. Bởi anh nghĩ đến “việc người ta xăm mình, châm chữ hay hình động vật cây cối bằng màu xanh màu đen lên da thịt; ban đầu người ta phải dùng mũi kim châm vào da thịt theo hình hay chữ mà mình muốn, rồi người ta bôi mực lên; vậy là hình xăm ấy ngấm sâu, suốt đời không xóa nổi dù kỳ cọ chà xát thật kỹ càng. Ấy vậy mà người ta châm lại mũi kim theo hình vẽ hoặc chữ nghĩa, rồi dùng râu cùng lưỡi kiếm ở đầu con tôm đem giã, đắp vào còn hút được mực ra, xóa hết dấu vết xăm mình … Từ suy nghĩ liên tưởng đó, anh nghĩ rằng chân cây nấm hắc lào dù ăn sâu cũng chỉ là bệnh ngoài da, tất nhiên có bài thuốc hút lên được” [17, tr.995]. Nghĩ là làm, Thuần đã xuống trạm y tế xã tìm y sỹ để xin một bộ rau thai nhi để thí nghiệm. Mang rau thai về, Thuần thái mỏng tang từng miếng rồi đắp lên cơ thể người bệnh. Sau một thời gian để thuốc đủ ngấm, “Anh nhẹ tay bóc gỡ hết những miếng rau thai nhi làm thí nghiệm chữa bệnh hắc lào toàn thân” [17, tr.994]. Thí nghiệm đã thành công, da dẻ của Lưu trở lại hồng hào, mơn mởn, lành lặn như xưa. Đây đúng là thành quả của sự mày mò tìm tòi, thí nghiệm của người thầy thuốc tận tâm với nghề.

Qua hình tượng nhân vật thầy lang Thuần cùng với các bài thuốc dân gian đã được người dân vận dụng trong thực tế, nhà văn Triều Ân đã ghi dấu và tôn vinh khả năng y học dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Y học dân gian luôn gắn bó mật thiết đối với đời sống của người dân và do nhân dân tạo nên, vì thế nó mang đậm tính văn hóa, là một bộ phận không thể thiếu của kho tàng văn hóa dân tộc. Đọc văn xuôi Triều Ân, chúng ta đã nhận thấy dấu ấn văn hóa của các dân tộc ít người ở vùng cao, đặc biệt là

Một phần của tài liệu Luận văn: BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG VĂN XUÔI TRIỀU ÂN ppt (Trang 68 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)