Văn hoá Tày, Dao trong tổ chức đời sống cộng đồng

Một phần của tài liệu Luận văn: BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG VĂN XUÔI TRIỀU ÂN ppt (Trang 52 - 59)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.4. Văn hoá Tày, Dao trong tổ chức đời sống cộng đồng

Trong văn hoá người Việt Nam, một thành tố cũng rất quan trọng là văn hoá tổ chức cộng đồng . Cuộc sống nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên, vì vậy, người nông dân phải liên kết với nhau, dựa vào nhau mà sống. Những người sống gần nhau có xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau. Sản phẩm của lối liên kết này đã tạo nên tình làng nghĩa xóm. Nắm vững và phát huy tinh thần chung đó, đồng bào Tày, Dao đã có sự liên kết, gắn bó chặt chẽ và tạo nên những nét bản sắc riêng.

Địa bàn cư trú của người miền núi thường là đất rừng đồi bãi rộng để canh tác nương rẫy, săn bắt, hái lượm nên bắt buộc họ phải cư trú thành chòm xóm để hợp sức làm phai mương thuỷ lợi, lập thành phường săn bắn và đoàn kết chống trộm cướp. Tục ngữ Tày có câu: “Vỉ noọng tam tó bấu táy vỉ noọng sỏ rườn” (Anh em ruột ở xa không bằng người dưng ở ngay bên cạnh nhà) để nói lên mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức đời sống qua sự cố kết dân bản. Vì thế, từ bao đời nay, dân tộc Tày (và cả dân tộc Dao) đã hình thành tổ chức đời sống dân bản. Mỗi bản có thể gồm một số dòng họ. “Các gia đình trong những dòng họ ấy cố kết với nhau bằng luật tục, tập quán và quyền lợi, nghĩa vụ chính trị” [25, tr.288]. Họ cố kết với nhau để hợp sức lại trong mọi công việc, đặc biệt là tình cảm đùm bọc, chia sẻ, động viên lẫn nhau khi hoạn nạn. Nép đẹp trong văn hoá làng bản này đã được Triều Ân tập trung khai thác khá triệt để trong các trang tiểu thuyết.

Trong tiểu thuyết Nơi ấy biên thuỳ, chúng ta có thể bắt gặp nhiều trường đoạn miêu tả sự cố kết dân bản của người Tày. Nhân vật chính trong tác phẩm là Niêm với một số phận bất hạnh. Là con của một gia đình dân tộc Choang phía bên kia biên giới Việt – Trung, lúc còn bé đã bị mẹ mìn bắt cóc đem sang bán cho một người phụ nữ không chồng không con (bà Lụa) ở bản Cốc Cai (Việt Nam). Đến tuổi trăng tuổi nụ, cô và Triển (người cùng bản) đang có tình yêu đẹp, đã thề nguyện ước lấy nhau thì bị anh thanh niên con nhà giàu bên bản Nà Cải (Tháo) vừa vô tình gặp mặt đã “cho người mai mối đến dạm hỏi, có tiền bạc lễ vật sang trọng, định ngày cưới xin đàng hoàng” và doạ nếu “không nhận lời thì bắt cóc” [13, tr.466]. Từ ngày phải về làm vợ Tháo, cuộc sống của Niêm chìm trong đau khổ, ê chề nhục nhã. Trải qua bao thăng trầm, cuối cùng cô cũng đã có được niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao khi tìm lại được mẹ ruột, được chính thức cưới với người yêu đầu đời. Tất cả mọi niềm vui, nỗi buồn của Niêm đều có sự

sẻ chia của bà con chòm xóm. Lần Niêm bị chồng đánh đến nỗi sẩy thai, rồi ốm đau, bà Lụa lại vụng về lóng ngóng trong chuyện chăm sóc người ốm, nhất là người đó lại liên quan đến sinh đẻ. “Bà con biết hoàn cảnh của bà, thương tình, đem gạo nếp đến để giúp bà làm cho con gái bà bồi dưỡng. Láng giềng nói: Niêm đẻ non hay sẩy thai có khác gì sinh nở, cần quan tâm chăm sóc đặc biệt” [13, tr.488]. Đây là một hành vi ứng xử cao đẹp của những người sống trong cộng đồng. Bởi theo phong tục của dân tộc Tày thường chỉ đi thăm người đẻ bằng một đôi gà giò, dăm ống gạo nếp đối với những ai là anh em họ hàng thân thích, ruột thịt. Trong trường hợp này, họ chỉ là hàng xóm láng giềng mới quen vì Niêm là người bản Cốc Cai bị về làm dâu nhà Tháo ở đây. Tình đồng loại, tấm lòng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau đã làm cho họ vượt qua rào cản phong tục. Chính những tình cảm, sự giúp đỡ tận tình đó của bà con mà Niêm đã lại sức rồi dần bình phục. Sự quan tâm, chia ngọt sẻ bùi của bà con dân bản đối với Niêm càng trở nên có ý nghĩa hơn trong ngày cưới lần thứ hai của cô. Đám cưới của Triển và Niêm là kết quả hôn nhân của một tình yêu thuỷ chung, vì thế “ Lụa cho mời tất cả bà con của hai bản Nà Cải và Cốc Cai” [13, tr.581]. Đến ngày cưới “Khách từ các ngả bắt đầu kéo về. Đi bộ, cưỡi ngựa, chống gậy, áo chàm, áo đỏ … đủ mọi phương tiện và màu sắc” [13, tr.583]. Tất cả đều hoan hỉ trước hạnh phúc của đôi vợ chồng. “Tiếng chào mời, tiếng cười vui đầy ngõ” [13, tr.585].

Sự cố kết dân bản còn được thể hiện ngay cả khi họ rời quê đi làm ăn xa. Đó là tinh thần đoàn kết của nhóm thanh niên bản Cốc Cai tại nơi khai thác quặng măng – gan ở Trà Lĩnh. Họ được anh quản đốc cho “lập một tổ lao động riêng, cử Triển làm tổ trưởng” với lí do “anh nhiều chữ hơn, cẩn thận hơn trong công việc … Và tập thể nói, chính vì anh yếu hơn nên làm việc cầm sổ là phù hợp. Tập thể sẽ cố lên một chút là đã có cả phần anh

Triển” [13, tr.540]. Nghe sự phân tích chí tình đó của anh em, Triển vô cùng xúc động và đã hết lòng quản lí, đốc thúc để công việc khai thác quặng của cả tổ có năng suất cao; đồng thời anh cũng hết lòng chăm lo sự bình yên, đoàn kết của cả tổ.

Sự cố kết dân bản không chỉ thể hiện trong việc luôn quan tâm, động viên tinh thần lẫn nhau mà còn được biểu hiện trong nhiều tập tục khác. Đối với cư dân miền núi, đặc biệt nơi vùng sâu vùng hẻo lánh việc đi chợ mua bán gặp nhiều khó khăn nên tập quán xưa nay đặt ra: “Dân bản thay nhau mổ lợn chia thịt các nhà để ăn” [17, tr.818]. Khi cá nhân hay phường săn đi săn có bắn được thú rừng “họ chia bôi nhau, chia cả suất cho chó săn” ”[12, tr.393]. Có lúc họ tổ chức mở hội ăn mừng chiến công đã săn được thú rừng phá hoại mùa màng tại nhà người đã bắn hạ thủ con thú. Sau khi ăn uống tập thể, họ còn “dành riêng cho mỗi nhà đưa về một cân cho người giữ bản lúc này không có mặt” [17, tr.825].

Ngay cả trong phong tục làm lễ đầy tháng tuổi cho trẻ nhỏ, văn hoá tổ chức đời sống cũng được dịp phát huy. Theo phong tục của người Tày, khi người con gái sinh con đầu lòng, cha mẹ với vai trò là ông bà ngoại sẽ tặng cháu một chiếc địu bằng vải hoa hay thổ cẩm, chiếc nôi đan bằng mây hoặc tre, trúc và chuẩn bị rất nhiều lễ vật khác để mang sang nhà bên nội trong ngày lễ đầy tháng. Nhưng với Ngọc Lan (Nắng vàng bản Dao) mọi sự chuẩn bị đó đều phải nhờ vào sự quan tâm, giúp đỡ của tập thể giáo viên trong hội đồng nhà trường vì cô mồ côi cha, còn bà dì ruột nuôi Lan lớn lên đã năm năm nay chưa gặp lần nào vì cô đi dạy học ở xa. Vì thế khi nghe Nải báo cáo, Bạch Kim với cương vị hiệu trưởng đã đề xuất bỏ quỹ lao động nhà trường, để sắm sanh cho Ngọc Lan. “Anh bàn cùng công đoàn lo liệu cho Lan đầy đủ khỏi phải băn khoăn gì vì không có ông bà ngoại của hai cháu”. “Nhà trường đương nhiên đóng vai bà ngoại” [12, tr.427] với

đầy đủ mọi thứ cần thiết theo phong tục. Khi các giáo viên đến nơi, gia đình Piao cùng làng xóm đứng ngoài sân đón tiếp “Ai cũng nói rằng nhà trường lo liệu thật chu đáo” [12, tr.428]. Tình đồng chí, đồng nghiệp, tấm lòng yêu thương, chia ngọt sẻ bùi trong đời sống tập thể đã làm tôn vinh nét văn hoá tốt đẹp của cộng đồng.

Như đã khẳng định ở chương I, đồng bào Tày, Dao “rất mến khách. Khách đến nhà bao giờ cũng được tiếp đãi chu đáo” [39, tr.8]. Nét đẹp trong văn hóa ứng xử đối với cộng đồng của đồng bào Tày, Dao đã đươc Triều Ân khắc họa sâu sắc và sinh động qua các trang tiểu thuyết.

Đối với đồng bào Tày, Dao khách đến nhà chơi được tiếp đãi rất chu đáo. Mỗi khi nhà có khách “gà vịt lại kêu quang quác, dao thớt lại khua giòn giã” [17, tr.814]. Bữa cơm đối đãi khách bao giờ cũng thường là xôi, thịt gà (vịt). Vì thế mà thấy Lương đến chơi, “bà cụ đã rỉ tai nói gì với Phón. Và sau đó từ chuồng vịt có tiếng kêu cạp cạp ầm ĩ. Đứa em út tám tuổi đi hái rau răm. Đứa mười hai sau nhà nhặt mộc nhĩ. Em gái mười bốn tuổi làm lông vịt … Trong bữa cơm, cả nhà ăn vui vẻ, nói cười rôm rả”

[17, tr.599]. Lần bà Lệ Thu cùng bác sĩ Lê Ái đưa Phón về bản, sớm hôm sau mẹ Phón “dậy sớm đồ xôi, mổ gà. Tuy nhà không dư dật nhưng bà cố lo bữa sáng cho tươm tất để tiễn hai vị khách quý”. Bà còn “gói một gói xôi to tướng và một con gà luộc còn nguyên gửi cho anh lái xe đêm qua phải nghỉ coi xe ở trụ sở xã” [17, tr.654].

Sự đối đãi chu đáo đó còn được bà con giành tặng cho cả những khách lỡ độ đường đến xin ngủ nhờ qua đêm. Ở các bản làng vùng cao xưa nay khách “nhỡ độ đường, xin ngủ trọ chưa mấy ai từ chối” [17, tr776]. Đọc tiểu thuyết của Triều Ân chúng ta sẽ thường bắt gặp tín hiệu ấm áp mang đậm màu sắc truyền thống dân tộc này. Ngày Lơ bỏ quê Trùng Khánh để vào Nguyên Bình tìm chồng (Thuần), nơi đất khách quê người

trong cảnh “trời chiều đã lảng bảng” [17, tr.704] cô đã xin nghỉ nhờ qua đêm trong ngôi quán của một bà chủ nhà “là người xởi lởi” [17, tr.705] ở chợ Nà Bao. Hôm sau, trước khi chào từ biệt để đi tiếp, cô đã được bà chủ nhà căn dặn: “Hôm nào ra lại đến đây ngủ chờ xe ô tô qua đường mà đi nhờ, đừng đi bộ như chiều qua mà ốm” [17, tr.708]. Thái độ, tình cảm ấy đã làm ấm lòng Lơ trong lúc đang ngổn ngang bao đau khổ. Từ Nà Bao, Lơ tìm đường vào Bắc Hợp, quê của Thuần, lại đúng vào ngày cưới của Thuần với Vòng. Đau khổ, bẽ bàng cô đã không trở về quê cũ mà lang thang phiêu bạt ra đất Hòa An với cái tên mới là Hạnh. Vào một buổi chiều “Hạnh đến làng người Nùng xin ăn và nghỉ trọ qua đêm” tại nhà của người đàn ông sống độc thân tên là Ban Văn Nẹng. “Anh chủ nhà tỏ ra là người rất tử tế.” [17, tr.716].

Cũng là khách lỡ độ đường trong lần Dưỡng từ quê Trùng Khánh ra Hòa An tìm mẹ, sau một ngày rong ruổi một mình một ngựa, “Đêm ấy anh nghỉ ở một bản lạ. Thấy có khách đường xa về, nam nữ thanh niên láng giềng đến chơi” [17, tr.698]. Sáng hôm sau, Dưỡng “cám ơn, chia tay chủ nhà” [17, tr.699], anh đi lên chợ Nước Hai để tìm mẹ. Suốt cả buổi chợ tìm kiếm không kết quả, chiều tối anh “vào xin một nhà nghỉ trọ”. Chủ nhà là một cô gái trẻ từ chối, khiến anh “ngơ ngác không hiểu tại sao Hòa An vốn dĩ có tiếng là đất văn minh lịch sự lại có lời từ chối như vậy”? May thay người mẹ về và đã cho anh nghỉ lại. “Đêm ấy anh nghỉ lại. Đến bữa, anh mới biết nhà này chỉ có hai mẹ con” [17, tr.700].

Tấm lòng, tình cảm của bà con đối với khách lỡ độ đường càng đáng quý, đáng trân trọng hơn trong cảnh huống mà bà Lụa đã giành cho “ khách lạ từ biên giới sang hỏi trọ” [13, tr.497]. Người khách ấy nói tiếng Nùng Giang, “lấy lý do đi đường xa nhỡ độ đường xin nghỉ lại” [13, tr.498] vì thực ra bà khách chính là mẹ đẻ của Dị Xuỳn (tức Niêm) sang đây để tìm

hiểu thực hư câu chuyện đứa con bị mất tích hồi trước. Bà chủ nhà sống côi cút ấy không hề hay biết chuyện gì nhưng với tấm lòng hiếu khách vốn có của người dân tộc, bà đã nhận lời cho ngủ nhờ, còn làm cơm tối, cơm sáng mời khách lạ rất chu đáo. Mấy ngày sau, bà khách nói tiếng Nùng Giang ấy quay trở lại, và vì “nhỡ độ đường” lại xin nghỉ lại. Khi khách lạ từ biệt bà để trở về biên giới, bà Lụa đã chuẩn bị đồ ăn đi đường là một “gói xôi hoa cau … Lại còn cả một con gả thiến luộc nữa chứ” [13, tr.504].

Những hành vi ứng xử chân thật, ấm áp tình người của đồng bào Tày, Dao trong việc đối đãi với khách nhỡ độ đường kể trên quả thực rất đáng quý, đáng trân trọng. Tấm lòng, tình cảm đó của bà con còn được nhà văn nhấn mạnh hơn trong những tình cảnh đặc biệt như trường hợp anh Nẹng ở một mình mà vẫn đồng ý cho cô Hạnh ngủ nhờ hay trường hợp Dưỡng đến xin ngủ nhờ đúng nhà chỉ có hai mẹ con gái. Triều Ân đã đi sâu vào đặc tả những tình cảnh éo le này để qua đó làm nổi rõ hơn truyền thống hiếu khách của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao; đồng thời nêu cao niềm tự hào dân tộc, làm ngời sáng lên những phẩm chất tốt đẹp của con người miền núi.

Sự cố kết dân bản và tấm lòng hiếu khách của đồng bào Tày, Dao quả có ý nghĩa cao đẹp trong đời sống cộng đồng của mọi dân tộc nhưng đối với người miền núi càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt hơn. Bởi đó là những tình cảm chân thành của những con người hồn nhiên, thuần phác; là “thuần phong mỹ tục nết ăn ở tại những vùng quê hẻo lánh đẹp lắm, chưa bị cái lai căng pha tạp tấn công” [17, tr.811]. Họ tìm đến với nhau để sẻ chia, giúp đỡ nhau trong mọi tình huống. Nó đã làm nên văn hoá ứng xử của các cộng đồng dân cư ở vùng dân tộc thiểu số. Có thể ở miền xuôi, nơi thành thị mọi việc thường có thể giải quyết được bằng tiền bạc nhưng với người dân tộc thiểu số thì tình cảm là cái quý giá nhất (người Tày đã từng có câu nói: “Tha nả tảy xiên kim” – Tình cảm đáng giá hơn ngàn vàng).

Một phần của tài liệu Luận văn: BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG VĂN XUÔI TRIỀU ÂN ppt (Trang 52 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)