Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
Quản lý rủi ro, tìm cách đổi mới, thích nghi nhanh chóng để giành thắng lợi trong cạnh tranh là điều mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều hướng tới. Từ xưa đến nay, yếu tố công nghệ kỹ thuật được xem là nhân tố cơ sở tạo nên sức cạnh tranh cơ bản của doanh nghiệp. Tuy nhiên do tính chất có thể bắt chước và khuyếch tán nhanh của kỹ thuật công nghệ trong thời đại của thế giới phẳng ngày nay, địa vị của nó trong sức cạnh
tranh doanh nghiệp chỉ mang tính chất tạm thời, không lâu dài.
Khác với công nghệ kỹ thuật, văn hóa doanh nghiệp rất khó bắt chước hoặc cũng không thể bắt chước được toàn bộ bởi lẽ các nhân tố văn hóa doanh nghiệp như triết lý, quan điểm, giá trị độc đáo với hệ thống ý tưởng, hành vi sẽ tạo nên cá tính, bản sắc độc đáo của doanh nghiệp. Do đó, văn hóa doanh nghiệp sẽ trở thành nhân tố then chốt tạo
nên sức cạnh tranh cơ bản của doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Ở đất nước ta, nhận thức của xã hội về việc kinh doanh và xây dựng văn hóa
doanh nghiệp đã không được xem trọng vì nhiều lý do lịch sử lâu đời từ tư tưởng trọng nông, đến lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đến khi dân tộc được tự do hoàn toàn
thì lại vấp phải những khó khăn trong công cuộc đổi mới kinh tế. Chỉ đến Nghị quyết hội nghị trung ương 5, khóa VIII, Đảng ta mới thực sự nhấn mạnh phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Kết hợp những trọng tâm này thực chất là nhấn mạnh về vấn đề văn hóa doanh nghiệp.
Tuy vậy, đến đại hội X thì Đảng ta mới nêu lên việc gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn nữa giữa văn hóa và kinh tế, và xác định rằng một nền kinh tế phát triển theo hướng văn minh và hiện đại không thể không chú trọng văn hóa trong kinh tế. Nhưng chúng ta cũng chưa thực sự tập trung đẩy mạnh, cải tạo, có những biện pháp cụ thể trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Chúng ta nhắc nhiều đến gia đình văn hóa, bảo vệ và gìn giữ nền văn hóa dân tộc, nhưng chúng ta chưa nhắc nhiều đến văn hóa doanh nghiệp – một tế bào của nền kinh tế. Mọi quan tâm từ trước đến nay phần lớn là tìm hiểu xem doanh nghiệp có nộp thuế đầy đủ, có tuân theo pháp luật, có làm những điều luật cấm. Chúng ta nghiêng về quản lý từng chi tiết nhỏ (mà rất khó kiểm tra hết), hơn là quản lý theo mô hình tổng thể, khơi dậy ý thức của doanh nghiệp. Quan trọng hơn nữa, chúng ta chưa đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đặc thù, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa của nền kinh tế khi những giá trị vô hình như tên tuổi của công ty sản xuất ra sản phẩm được đánh giá cao hơn là những tiêu chí về chất lượng, giá cả sản phẩm, dịch vụ.
Trong hai năm trở lại đây, xã hội bắt đầu thảo luận rộng rãi đến các vấn đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa lãnh đạo; doanh nhân cũng đã được tôn vinh với việc lấy ngày 13 tháng 10 làm ngày Doanh nhân; các hiệp hội về doanh nghiệp cũng đã tuyên truyền về vấn đề này; cũng đã bắt đầu xuất hiện những khóa học về “văn hóa doanh nghiệp”v.v… Tuy nhiên, vẫn còn mang tính hình thức cao, đại đa số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu hết như thế nào là văn hóa doanh nghiệp, làm thế nào để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chưa nhìn nhận văn hóa doanh nghiệp như nền tảng, bản sắc động lực phát triển của doanh nghiệp. Thậm chí vẫn còn rất nhiều tranh cãi về khái niệm văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công ty, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh.
Xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp Việt Nam không dừng lại ở việc xây dựng nên một "triết lý" hoặc một "đạo lý" trong kinh doanh mà hơn nữa, đây là việc xây dựng một "trường phái kinh doanh Việt Nam", một việc làm cần thiết và có ý nghĩa chiến lược trong tiến trình hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới.