Trong thời gian qua, các doanh nghiệp chủ yếu huy động vốn tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua kênh truyền thống là đi vay ngân hàng hoặc gần đây là kênh thị trường chứng khoán, trong đó tập trung vào huy động vốn cổ phần. Khi thị trường chứng khoán suy giảm, các nhà đầu tư trở nên thờ ơ hơn với cổ phiếu và lãi suất cho vay trên thị trường tín dụng ngân hàng tăng cao nên khả năng tiếp cận của doanh nghiệp cũng khó khăn hơn, để đảm bảo đủ vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh, các dự án đầu tư cũng như việc xây dựng cơ cấu vốn hợp trở nên thuận lợi hơn thì cần thiết đối với các doanh nghiệp là mở rộng kênh huy động vốn, chẳng hạn như:
- Phát hành trái phiếu chuyển đổi kèm một số lợi ích nhất định liên quan đến lĩnh vực mà đồng vốn huy động sẽ đầu tư;
- Vay vốn từ các cán bộ công nhân viên hoặc từ người thân, bạn bè với lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm có cùng kỳ hạn một ít nhưng thấp hơn lãi suất
cho vay của ngân hàng, điều này vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa có cho người tiết kiệm. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ nguồn vốn này có giới hạn về thời gian và số lượng, doanh nghiệp thường chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, hỗ trợ trong những lúc khó khăn về nguồn vốn.
- Luôn duy trì, đảm bảo mối quan hệ mua bán tốt với nhà cung cấp để có thể tăng cường khai thác tối đa nguồn vốn tín dụng thương mại từ các đối tác một cách hợp lý.
- Nếu doanh nghiệp đang sở hữu các khoản đầu tư tài chính thì có thể thanh lý để tạo nguồn vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh trong điều kiện giá thị trường thích hợp thay vì huy động từ vốn bên ngoài.
Mặc dù việc đa dạng hóa kênh huy động vốn góp phần nâng cao khả năng tài trợ cho các dự án đầu tư, phương án kinh doanh được lựa chọn nhưng doanh nghiệp cần luôn cân nhắc lựa chọn kênh huy động phù hợp với nhu cầu và đặc điểm phát triển trong từng thời kỳ, tránh hiện tượng tăng vốn quá mạnh hoặc vay nợ quá nhiều làm phá vỡ cơ cấu vốn, mất cân đối giữa nợ và vốn chủ sở hữu, từ đó dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả.