3 Chương : Giải pháp mở rộng hoạt động tín dụng tại ngân hàng Citibank Việt Nam
3.3 Một số kiến nghị
3.3.1 Kiến nghị đối với các doanh nghiệp
Để các doanh nghiệp có thể vay được vốn từ ngân hàng để đáp ứng cho các kế hoạch kinh doanh của mình, các doanh nghiệp nên thực hiện những vấn đề sau:
Cần có phương pháp hạch toán rõ ràng đầy đủ: Hạch toán doanh nghiệp theo những quy chuẩn đã được đề ra và thống nhất là cơ sở cho việc tính toán chính xác các chỉ tiêu tài chính. Ngân hàng sẽ dựa trên những chỉ tiêu đó để tính toán và đưa ra quyết định cho vay hay không. Các chỉ tiêu tài chính chính xác vừa khẳng định khả năng tài chính của doanh nghiệp vừa khẳng định khả năng quản lý của doanh nghiệp, là bước khởi đầu tốt cho quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Các doanh nghiệp cũng không nên cố gắng đưa ra các chỉ tiêu tốt nhưng không phù hợp với thực tế hoạt động. Các cán bộ ngân hàng đặc biệt là những cán bộ tín dụng là những chuyên gia về tài chính, những con số doanh nghiệp cung cấp sẽ được các cán bộ này xử lý và đánh giá theo một quy trình chặt chẽ, vì thế việc thay đổi số liệu sẽ rất dễ bị phát hiện và gây mất lòng tin của ngân hàng đối với doanh nghiệp.
Các biện pháp sử dụng tiền vay hợp lý: Việc vay vốn đồng nghĩa với việc phải trả lại sau một khỏang thời gian. Do đó trước khi vay vốn doanh nghiệp cần có kế hoạch sử dụng vốn chi tiết, đầy đủ đảm bảo việc sử dụng vốn hiệu quả, đảm bảo khả năng trả gốc và lãi cho ngân hàng đúng hạn. Việc đưa ra
một kế hoạch chi tiết, hiệu quả sẽ thể hiện nhu cầu vay vốn đúng đắn, trình độ quản lý và tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp. Đó cũng là những yếu tố được ngân hàng xem xét trong việc đưa ra quyết định cho vay.
Cần tôn trọng các cam kết trong hợp đồng tín dụng: Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với một ngân hàng hay với các ngân hàng khác nhau sẽ là một quá trình liên tục cần thiết và được ghi chép đầy đủ. Các ngân hàng lại có mối quan hệ với nhau và có sự trao đổi thông tin. Vì thế, để giữ được quan hệ tốt đẹp với các ngân hàng cần tôn trọng tất cả các quy định trong mọi giao dịch, đó sẽ là cơ sở cho sự ủng hộ và đồng hành của ngân hàng với hoạt động của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần thể hiện thiện chí của việc vay và trả nợ với ngân hàng: Trong việc tiếp xúc với ngân hàng, thiện chí của khách hàng trong việc vay và trả nợ sẽ được ngân hàng ghi nhận và xem xét trong quyết định cho vay. Yếu tố này tưởng như không đáng kể khi xem xét cho vay những thực tế là dù doanh nghiệp có làm ăn tốt nhưng lại có dấu hiệu chây ỳ không muốn trả nợ thì rất khó có thể vay vốn của ngân hàng.
3.3.2 Kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý hệ thống các ngân hàng thương mại, do đó:
Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể các quyết định, chỉ đạo của cơ quản lý cho các ngân hàng thương mại, tránh sự nhầm lẫn, xung đột trong việc thực thi. Khoảng thời gian từ lúc ban hành một quyết định, quy định
đến khi có sự thay đổi chúng cần được kéo dài hơn. Việc thay đổi liên tục sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc đầu tư thời gian tiền bạc để đào tạo cho cán bộ, hơn nữa trong hoạt động cũng sẽ dễ gây ra sai sót.
Đảm bảo cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác cho các ngân hàng thành viên để các Ngân hàng Thương mại nâng cao và mở rộng hoạt động tín dụng
Cần sớm đưa quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân (tại Việt Nam thì đó chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ). Mặc dù quỹ đã được thành lập nhưng chưa thực sự hoạt động hiệu quả. Nguyên nhân chính là do nguồn vốn chính của quỹ này chủ yếu do các Ngân hàng Thương mại đóng góp, như vậy là có thể coi chính các ngân hàng bỏ tiền ra để đảm bảo cho chính hoạt động cho vay của mình, vì thế không ngân hàng nào muôn đóng góp. Thời gian tới cần có phương thức để mở rộng nguồn này thông qua trích một phần từ thuế và một phần từ quỹ dự trữ.
Cần nâng cao năng lực quản lý và điều hành đối với các ngân hàng Thương mại. Như thế, sẽ đảm bảo tính an toàn và lành mạnh cho hoạt động của toàn hệ thống và của nền kinh tế.
3.3.3 Kiến nghị đối với Chính phủ
Chính phủ cần hoàn thiện hành lang pháp lý. Tín dụng cũng như các hoạt động khác của Ngân hàng cũng phải một hành lang pháp lý chặt chẽ, chuẩn mực là cơ sở quan trọng cho sự mở rộng và phát triển.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đối tượng khách hàng của ngân hàng. Từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bền vững
và lành mạnh, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động. Hành lang pháp lý rõ ràng còn tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý kiểm soát và ngăn chặn những vi phạm của doanh nghiệp. Như vậy sẽ giảm thiểu rủi ro tín dụng cho ngân hàng.
KẾT LUẬN
Tín dụng ngân hàng là chức năng kinh tế quan trọng bậc nhất của các ngân hàng. Hoạt động tín dụng của ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ đối với sự phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho các chủ thể kinh tế mở rộng quy mô, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao tính cạnh tranh, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển lành mạnh. Do đó em lựa chọn đề tài “Giải pháp mở rộng hoạt động tín dụng tại ngân hàng Citibank Việt Nam”, tập trung nghiên cứu và làm rõ những vấn đề sau:
+Các vấn đề cơ bản của hoat động tín dụng và các nhân tố tác động tới hoạt động tín dụng
+Thực tế hoạt động tín dụng tại Citibank: Những quy định và thực trạng hoạt động. Đánh giá thực trạng và tìm ra nguyên nhân của sự hạn chế trong hoạt động tín dụng tại Ngân hàng Citibank Việt Nam.
+Đề xuất một số giải pháp để mở rộng hoạt động tín dụng tại ngân hàng Citibank Việt Nam để tương xứng với tầm vóc và tiềm lực tài chính của ngân hàng.
Với kinh nghiệm lâu năm kế thừa từ Citigroup, với uy tín trên toàn cầu, với khả năng tài chính và công nghệ ngân hàng hiện đại và với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, Citibank Việt Nam khi quan tâm và mở rộng hoạt động tín dụng đối với thị trường Việt Nam sẽ đem lại những hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định chỗ đứng trong nền kinh tế thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình : “Quản trị ngân hàng thương mại” – Peter Rose, NXB Tài Chính 2001.
2. Giáo trình “Lý thuyết tài chính tiền tệ” – PGS.TS Nguyễn Hữu Tài, NXB Thống Kê, 2002
3. Giáo trình “Ngân hàng thương mại” – PGS.TS Phan Thị Thu Hà, NXB Thống kê 2004
4. Giáo trình “ Tài chính doanh nghiệp” – PSG.TS Lưu Thị Hương, NXB Giáo dục 2002.
5. Branch Operation Memorandum cho sản phẩm tín dụng và thư tín dụng _ Citibank Việt Nam
6. Quy trình hoạt động tín dụng của ngân hàng Citibank Việt Nam
7. Luật các tổ chức tín dụng_ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
8. Báo cáo thường niên của ngân hàng Citibank Việt Nam (2004-2006 9. Tạp chí ngân hàng